ĐI TÌM THƯƠNG HIỆU DẦU NHỚT….

Bối cảnh đất chật người đông và giá nguyên liệu tăng cao toàn cầu

Theo Tổng cục Thống kê: CPI bình quân quý 1/2021 tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất của quý 1 trong 20 năm qua. Giá xăng dầu trong nước bình quân quý 1 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm; giá dầu hỏa giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thế nhưng…

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt sản phẩm, nguyên liệu đầu vào đến nhiều tài sản đều lần lượt tăng giá. Chẳng hạn sắt thép, xi măng đã tăng từ 35 – 40%, bắp, đậu, cám gạo tăng mạnh từ 20 – 70%; giá xăng hiện nay cũng vượt 19.000 đồng/lít, tăng gần 14% so với cuối năm 2020 và tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, gas bán lẻ trong quý 1 tăng 7,58% do biến động giá gas thế giới tăng, đẩy giá tiêu dùng tăng.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng – Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định nguy cơ lạm phát là rất lớn cho nhiều nền kinh tế và cả Việt Nam. Nguy cơ này xuất phát từ giá nguyên vật liệu như xăng dầu, sắt thép đã tăng nhanh từ thế giới đến trong nước ở mức trung bình trên 20 – 30%. Nhu cầu sản xuất từ sự phục hồi kinh tế ở các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc đang tăng sẽ tiếp tục khiến giá hàng hóa khó giảm trở lại và vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay.

Thứ hai là do chính sách tiền tệ nới lỏng được nhiều nước đồng loạt áp dụng và duy trì thời gian dài vừa qua để hỗ trợ nền kinh tế khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Cung tiền đưa vào nền kinh tế quá nhiều khiến giá hàng loạt tài sản tăng mạnh như chứng khoán, bất động sản. Thậm chí ở Việt Nam, cung tiền trước khi đại dịch xảy ra cũng luôn cao với tăng trưởng tín dụng hằng năm ở mức 18 – 19% và chỉ hạ thấp khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp chậm lại trong năm 2020 với mức tăng trên 12%.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế nói chung ở mức thấp so với giai đoạn trước đây cho thấy lượng hàng hóa dịch vụ sản xuất không theo kịp lượng cung tiền. Điều đó cũng đẩy giá hàng hóa đi lên. Thứ ba, quá trình hồi phục kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong giai đoạn sắp tới sẽ kích hoạt tình hình lạm phát diễn ra nhanh hơn.

Giá cả thị trường dầu nhớt Việt nam.

Giá dầu nhớt tại Việt nam không liên quan đến chính sách cung tiền của Chính phủ Việt nam. Giá dầu nhớt tại Việt nam liên quan đến Covid-19. Khi toàn cầu rơi vào trạng thái “không dịch chuyển” do lệnh phong tỏa trên khắp thế giới; nhu cầu về nhiên liệu: xăng, dầu diesel và cả kerosene (xăng máy bay) tiêu thụ thấp kỷ lục. Các nhà máy lọc dầu phải tạm ngưng sản xuất vì thiếu chỗ tồn trữ các loại nhiên liệu này, dẫn đến sự thiếu hụt dầu gốc, là nguyên liệu để sản xuất dầu nhớt.

Trong lịch sử nhân loại sau cuộc khủng hoảng phạm vi toàn cầu như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…thì sau đó là cuộc khủng hoảng về kinh tế mà chính xác hơn đó là thiếu hụt hàng hóa cho công cuộc tái thiết, giá hàng hóa sẽ tăng cao… Tuy nhiên, tự bản thân nền kinh tế thế giới cũng tự diễn ra các cuộc khủng hoảng có tính chu kỳ, nguyên nhân do sự đổ vỡ của một số yếu tố kinh tế trọng yếu hay sai lầm/chủ ý của một số quốc gia/tổ chức có nền kinh tế chi phối được…Các cuộc khủng hoảng kinh tế này thì ngược lại sẽ kéo giá cả hàng hóa đi xuống.

Việt nam bị ảnh hưởng rất nhanh do sự mở cửa kinh tế với thế giới và ảnh hưởng rõ nhất trong vấn đề nguyên liệu/công cụ sản xuất hàng hóa trong đó đối với Trung quốc chủ yếu. Khi Trung quốc hồi phục sau đại dịch nhu cầu về nguyên liệu tăng đột biến như thỏi nam châm hút vào thị trường này làm giá cả tất cả các loại hàng hóa tăng cũng như vận chuyển mất cân bằng giữa các thị trường khác nên gây nên cuộc khủng hoảng về giá như hiện nay trên toàn thế giới.

Tính từ mốc tháng 5/2020, giá dầu gốc thấp nhất cho đến nay, giá dầu gốc và vận chuyển đã tăng 50%. Về hàng hóa dầu nhớt, giá vốn có mức tăng cũng tương đương. Nhưng tại Việt nam, giá dầu nhớt tăng trung bình 30% tính từ đầu năm cho đến tháng 5/2021, do vậy mức lợi nhuận nhà sản xuất dầu nhớt bắt buộc giảm? Không hề, vấn đề liên quan đến tồn kho và các hợp đồng kỳ hạn với giá đảm bảo thời gian tương đối dài. Các cuộc khủng hoảng giá dầu gốc như vậy càng làm cho lợi nhuận của hãng sản xuất dầu nhớt tăng cao. Vấn đề là nhãn hiệu có trung thực chia sẽ cho người tiêu dùng. Trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, sẽ có nhãn hiệu sẽ đóng cửa vì thiếu hụt nguồn dầu gốc sản xuất.

Tình hình sản xuất dầu nhớt thương hiệu nhỏ tại Việt nam

Trong tiêu đề tin tức Eska:http://new.eska.vn/tin-tuc/bao-cao-thi-truong-dau-goc-thang-4/, có nhấn mạnh:” Khi dầu gốc được đấu giá, tương lai nào cho các hãng pha chế dầu nhớt nhỏ tại Việt nam?” Tuy nhiên, đây là dòng“giật tít, câu view” theo phong cách báo chí  vì các hãng sản xuất nhỏ tại Việt nam… vẫn bình chân như vại, mặc dù, có chững lại về tiến độ hàng hóa cung cấp.

Eska đề cập đến phân khúc dầu gốc có độ nhớt cao như BS (Bight stock)… Nhóm 1 được đấu giá theo lô trong thời gian tháng 4/2021 và vẫn tiếp tục cho đến nay vì các Nhà máy sản xuất dầu nhóm 1 đóng cửa đáng kể. Thế nhưng, loại dầu gốc này được sử dụng rất ít trong sản xuất hiện nay, ngoại trừ một số sản phẩm như: dầu hộp sô, cầu truyền động, dầu bánh răng công nghiệp,…

Thông thường các hãng vẫn sử dụng dầu gốc có độ nhớt thấp để pha trộn với các loại Copolymere (được cho là VII- Viscosity Index Improver) để tạo sản phẩm có độ nhớt cao hơn. Tùy theo kiến thức của từng hãng và “đạo đức” mà thành phần pha trộn nhiều hay ít. Khi xét đến VII cần đánh giá chỉ số SSI (Shear Stability Index– Chỉ số ổn định độ nhớt) của loại polymere đó có phù hợp được vào dầu nhớt hay không. Nếu SSI thấp polymere rất nhanh bị thoái hóa bởi oxy hóa và nhiệt, làm giảm độ nhớt cũng như vỡ màng dầu bôi trơn; polymere này sẽ tạo thành dạng bùn (sludge) bám trên lọc và khe hở máy trong hệ thống thủy lực, động cơ,… Do đó, vẫn tồn tại sản phẩm trên thị trường của rất nhiều và nhiều nhãn hiệu được sản xuất chỉ thỏa mãn tính chất lý hóa bề nổi của sản phẩm với tiêu chí SAE, API,…và qua mặt cả “Thông tư 06/2018/TT-BKHCN: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn cho động cơ đốt trong

Có thể khẳng định rằng Quy chuẩn quốc gia dầu nhờn như vậy là vô nghĩa, chỉ mang hình thức, không phản ánh được việc kiểm soát chất lượng dầu nhớt động cơ hiện nay, mặc dù có cả trăm loại dầu mỡ nhờn ứng dụng khác. Việc hợp quy đang là gánh nặng cho nhà sản xuất cũng như thương nhân nhập khẩu vì chi phí giá vốn, thời gian và thủ tục,…

Trong phạm vi nhỏ của bài viết ESKA đề cập đến khía cạnh nhỏ của tình hình nguyên liệu và sản xuất của nhiều nhãn hiệu hiện nay. Trong bài viết chuyên về sản xuất dầu nhớt, ESKA sẽ đề cập sâu hơn vấn đề này,… Vì nói sản xuất chỉ để người sản xuất hiểu.

Đi tìm thương hiệu dầu nhớt…

Ngoài các thương hiệu lớn như Castrol, Shell, Total, Chervon,…thị trường dầu nhớt hiện nay tồn tại khoảng 200 thương hiệu dầu nhớt các loại. Thế thì 200 thương hiệu là nhiều hay ít? Có người nói sẽ còn nhiều thương hiệu mới hơn nữa kia. Khi việc nhập khẩu hàng hóa quá dễ dàng thì sẽ tồn tại sự phát triển của dầu nhớt nhập khẩu; khi dầu gốc dư thừa như một vài năm trước, nhiều người sẽ sản xuất vì dầu nhớt rẻ; khi môi trường pháp lý không nghiêm vẫn tồn tại các “lò nấu nhớt” sản xuất nhớt tái sinh,…và đủ các loại hình thái của thương hiệu. Thế thì đi tìm thương hiệu dầu nhớt dựa vào đâu?

Các hãng danh tiếng thì không phải bàn vì họ có đủ tiềm lực để phát triển. Có sự lâu đời như Castrol, Shell, Valvoline, Mobil, Chevron…thì có nghiên cứu kỹ thuật về dầu nhớt cả hàng trăm năm. Trước đây, Shell và Esso, Caltex,…đều có hãng nghiên cứu riêng về phụ gia cho dầu nhớt, cũng nhờ đó mà các hãng này tạo dựng được danh tiếng qua các sản phẩm huyền thoại,…Nay việc mua bán- sáp nhập nên có lẽ tồn tại một hãng phụ gia chắc chỉ còn Chevron?

Nếu không chuyên về dầu nhớt (chuyên về khai thác dầu khí) như BP, Total nhưng có nhiều tiền thì bỏ tiền ra mua lại các hãng dầu nhớt đặc biệt. BP mua Castrol; Total mua Elf (Pháp), Fina (Bỉ); Nevastane (Mỹ) và Petronapht (Pháp),…Ở Việt nam, Motul (Pháp) mua Vilube (VN) không phải vì Vilube tốt sản phẩm và hệ thống mà mua hạ tầng nhà máy để phát triển mạnh mẽ tại Châu á,…

Nhiều nhất là thương hiệu nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau: Mỹ, Châu Âu, Châu Á, Úc Châu …chỉ thiếu Phi Châu. Thế thì nhập khẩu dầu nhớt rất dễ, chỉ cần có tiền, nhưng gây dựng thương hiệu dầu nhớt nhập khẩu rất khó. Trước đây thành công nhất là GS (Hàn quốc), Valvoline( Mỹ), Blackgold/Eska (Singapore) vì xây dựng được hệ thống bán hàng quy mô từ Bắc-Nam. Đa phần còn lại các thương hiệu nhập khẩu tập trung vào một phân khúc nhất định dễ nhất là vài sản phẩm thông dụng (commodities) và trong địa bàn nhất định với đối tượng khách hàng thân thiết nhất định…

Có nhãn hiệu quảng bá dầu nhớt nhập 100% của Mỹ, Singapore,… nhưng sản xuất tại Việt nam. Có thương hiệu quảng bá là thương hiệu Mỹ nhưng sản xuất tại Malaysia,…cũng có thương hiệu của Việt nam nhưng sản xuất tại Singapore. Thông thường xây dựng thương hiệu rất khó và nên dễ nhất là tìm tòi và đem về Việt nam thương hiệu nước ngoài có sẵn. Thế nhưng, muốn tồn tại và phát triển thì thương hiệu đi kèm sản phẩm phải có nguồn gốc trung thực, rõ ràng vì ngày nay người tiêu dùng ngày càng thông minh do thế giới trở nên “phẳng” trên màn hình laptop hay điện thoại thông minh.

Nếu là dân làm dầu nhớt chuyên nghiệp thì làm dầu nhớt nhập khẩu…rất khó. Vì sao?

(Còn tiếp)

6/5/2021…Viết từ ngày 30/4

Theo ESKA, Made in Singapore

Bài viết có sử dụng tư liêu từ Báo Thanh niên và quan điểm cá nhân