Đi tìm thương hiệu Dầu nhớt…Sài Gòn!

Bối cảnh dịch Covid lan nhanh tại Sài gòn và các tỉnh, thành.

Sài gòn có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, từ những ngày đầu khai hoang, lập ấp của người dân vùng duyên hải miền Trung đi theo nhánh sông Xoài Rạp lên vùng cù lao Phố (nay thuộc Biên Hòa) sinh sống. Nhưng chính thức sử sách ghi: năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, khi đó bao gồm Sài Gòn và các tỉnh xung quanh hiện nay (Tây Ninh, Long An…), trong đó huyện Tân Bình là chỉ vùng đất Sài Gòn.

Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor theo tiếng Khmer của người dân bản địa, có nghĩa là “thành trong rừng”. Vì sự sụp đổ của đế chế Khmer, vùng Nam Bộ trở thành đất vô chủ bị người Việt lấn dần, về sau đã sáp nhập vào Đại Việt nhờ công cuộc khai phá miền Nam của chúa Nguyễn.

Trải qua nhiều cuộc binh biến “bể dâu” Sài Gòn từng là thành đô, và là hòn ngọc vùng Viễn Đông với sự phát triển vượt bậc về văn hóa, giáo dục và hạ tầng,.. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành Tp.Hồ Chí Minh, nhưng người dân vẫn thích gọi “Sài Gòn” vì sự gần gũi và đơn giản.
Giữ chặt sợi dây quá khứ nên “người Sài Gòn” hay …hoài cổ! Thích nói đến chuyện xưa, chuyện cũ. Có những người trẻ cũng thao thao bất tuyệt: “Hồi xưa tao đi lính…!” Nhưng mà có đi đâu? Vì “người Sài Gòn” thích nghe nhạc Bolero, “Sến” theo giai điệu dìu dặt mang hồn phố thị phảng phất nỗi buồn chiến chinh. Có những địa danh, tên đường làm “người Sài Gòn” không quên: dốc Sương mù, đường Duy Tân, Yên Đỗ,..và nhiều nữa. Có những địa danh thay đổi nhưng vẫn quen miệng khi có người hỏi đường vô…Chợ Lớn, Mã Lạng, hay Đại Thế giới hả? …Nhưng có một nơi nghe là …không muốn vô: “Chí Hòa”! Khu Hòa Hưng!

“Người Sài Gòn” vui tính đến lảng …nhách! Coi tuồng “Tiếng trống Mê Linh”, khi Thi Sách bị Thái thú Tô Định giết… Trong giây phút hấp hối, tài tử Thanh Sang (Thi Sách) còn lên… vọng cổ, trong đoạn diễn ca “Mê Linh biệt khúc”, rồi mới …nghẻo! Khán giả cũng vỗ tay …rần rần, chẳng ai bi khóc. Đó là cái…hồn nhiên của người Sài Gòn!
Nhưng “Người Sài Gòn” cũng rất…lãng mạn. Thích những chuyện tình éo le cỡ “trong một đêm duyên kiếp, em đã mang giọt máu oan cừu!”, hay lâm ly như “Nữa đời hương phấn” nhưng cũng thương tâm như bài hát “Chuyện tình Mộng Thường”…

Tại sao lại viết “Người Sài Gòn”? Vì đây là vùng đất hội tụ người khắp các vùng miền trên cả nước. Như đề cập lịch sử Sài Gòn ngót nghét hơn 300 năm, nên người gốc Sài Gòn cũng ít. Mà cũng gốc gác gì có xa? Cũng vài ba đời cụ nội hay cụ Cố di cư tìm vùng “đất lành” so với cái khắt nghiệt của vùng miền Trung nắng cát. Dân Sài Gòn là tứ xứ. Vài ba năm ở Sài Gòn, ai hỏi:”Mày người ở đâu?”, không ngại ngần đáp: ”Sài Gòn!”. Nghe trong cuống họng pha lẫn chút tự hào, thì đó, người Sài Gòn rộng lượng và hào sảng vậy!

Đến năm 2019, dân số Sài Gòn gần 9 triệu người và cũng là nơi có mật độ dân số cao nhất Việt Nam.Tuy nhiên, nếu tính những người cư trú không đăng ký thì dân số thực tế của Sài Gòn, năm 2018 là gần 14 triệu người. Năm nay chắc cũng hơn tầm đó chút vì “Đi Bình Dương” cũng nhiều.
Người Sài Gòn giản dị, không nhìn bề ngoài để đánh giá. Làm ăn vài ba năm, tùy người, tích cóp mua đất vùng ven rồi xây “căn nhà ngoại ô”, dần dần, đô thị lan ra cũng thành nhà quận…trung tâm Sài Gòn. Người đến từ miền Tây thì ít chăm chút hơn nên thôi thì cũng căn gác trọ cũng qua ngày “ăn nhiều chứ ở bao nhiêu?” đó là câu cửa miệng của người Sài Gòn. Sài Gòn đông đúc, chật chội trong những con hẻm, những khu nhà trọ,…tìm số nhà muốn xỉu!

Nền kinh tế Sài Gòn đến từ đâu?

Nói không ngoa, kinh tế Sài Gòn đến từ mọi ngóc ngách, từ đường lớn, đường nhỏ, mặt tiền cho đến mặt hẻm đủ lọt …một người qua. Ở Sài Gòn chỉ cần sức khỏe, cần cù siêng năng. Trước đây còng lưng với xích lô đạp, rồi xe ôm, sau thì Uber, Grap, ..rồi làm shipper, nói chung, ở Sài Gòn hễ ra đường là có thể kiếm tiền sống…trừ trộm cướp. Nền kinh tế Sài Gòn theo dân gian nói là …chợ búa! Nên 62% hướng về dịch vụ, theo thống kê năm 2020, nên dịch bệnh, hết Chỉ thị 15 đến 10 rồi 16…nền kinh tế này còn lại những gì? Bao nhiêu là người…trắng tay. Mà Sài Gòn có …bệnh thì chắc chắn cả nước cũng sẽ …đau. Không phải đau thương cho Sài Gòn mà đau vì …thiếu dưỡng chất để nuôi cả cơ thể. Thật vậy! Sài Gòn đóng góp khoảng 27% về ngân sách cả nước và 22% GDP (năm 2019). Trong đó, mỗi người Sài Gòn cũng đóng góp không nhỏ thông qua …thuế sản phẩm, thuế thu nhập cá nhân và cả thuế doanh nghiệp. Nên có thể nói người Sài Gòn rất…phóng khoáng trong chi tiêu là vậy, vì đây là đất của những con người hào sảng, ít ky bo và tính toán chuyện nhỏ nhặt.

Nói hẹp hơn chút, nền kinh tế Sài Gòn tác động lớn đến nền kinh tế các tỉnh thành phía Nam, và đặc biệt là các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, BR-VT,…Có thể nói khu công nghiệp (KCN) đầu tiên của Việt nam là Khu Kỹ nghệ Biên Hòa – Sonadezi (KCN Biên Hòa 1) là của người Sài Gòn đầu tư xây dựng năm 1963. Thị trường Sài Gòn tiêu thụ hàng hóa dường như tất cả nông-lâm-thủy và súc sản từ miền Trung cho đến mũi Cà Mau…


Sài Gòn đã bao dung che chở, nuôi dưỡng biết bao người con trên cả nước. Sài Gòn là cái nôi của giáo dục cả nước, là nơi hội tụ những cá nhân kiệt xuất, nơi lĩnh hội những tinh hoa học thuật hay đơn giản là muốn tìm cái mới thì tìm đến đất Sài Gòn.
Tất cả những điều đó tạo nên con người Sài Gòn: khí khái, trọng tình trọng nghĩa…

Năm nay, 2021, ở đất Sài Gòn:
Người Sài Gòn …nghèo đi. Có thể một số người con của Sài Gòn …quy cố hương, khi mảnh đất này không còn dễ dàng tìm kiếm việc làm vì mảng dịch vụ gần như đóng băng.
Mảng vận tải chỉ còn lây lất phục vụ xuất nhập khẩu, lượng hàng hóa qua các Cảng biển ở Sài Gòn, nhất là hàng container xuất khẩu tăng 17%, nhập khẩu tăng 26%, tính chung tổng lượng hàng hóa tăng 22% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2020. Vận tải hành khách thì đang kêu cứu vì tất cả giao thông công cộng và liên tỉnh dừng liên hồi.
Các nhà máy, xí nghiệp vẫn sản xuất trong nơm nớp lo sợ…chống dịch và chi phí vận hành và cả nguyên vật liệu, nhiên liệu xăng dầu… tăng quá xá!

Đi tìm thương hiệu Dầu nhớt Sài Gòn giờ …khó. Vì Sài Gòn là đầu mối giao thương và cởi mở. Thị trường Sài Gòn dầu nhớt nhập khẩu nhiều nhãn hiệu. Đa số tìm kiếm thương hiệu có sẵn, có bề dày lịch sử hay có …hình ảnh mang tính quốc tế là có thể … kiếm cơm. Hay cũng theo xu hướng chuộng giá…vừa tầm (không giá nói là rẻ) từ một số nước vùng Vịnh.

Thật ra thương hiệu dầu nhớt Sài Gòn đầu tiên là Vilube với nhà máy pha chế đầu tiên tại ICD Sotrans (Thủ Đức) năm 1995, cũng một thời nổi tiếng cả nước, sau này bán hết cho Motul. Theo sau đó là Nikko (Phúc Thành), chỗ dốc Thiên thu (xa lộ Hà nội), Thủ Đức, nhưng nhà máy chính tại Cần Thơ. Cùng thời đó có Indo Petrol (Đông Dương) ở Long An và Mekonglube (MêKông, nhà máy tại Vĩnh Long), Lâm Tài Chánh (LaTaCa) ở Bình Chánh. Tất nhiên ở Nhà Bè có PLC (kho A, trước 1975 là của Esso) và BP Petco (lúc chưa mua Castrol, liên doanh với Petrolimex, nhà máy tại Kho B, trước 1975 là của Shell); nhưng PLC thuộc về phía Bắc, còn BP thuộc về ..đại gia BP ai cũng biết!
Chung quy lại, thương hiệu dầu nhớt Sài Gòn trước đây chỉ có Vilube.

Năm 2010, ESKA thành lập tại Sài Gòn, lấy thương hiệu của Nhóm Blackgold (Singapore). Năm 2017, ESKA lấy luôn thương hiệu ESKA Singapore vì có văn phòng tại Singapore và nhà máy sản xuất tại Singapore.
Nhưng ESKA Singapore là thương hiệu Dầu nhớt Sài Gòn chính hiệu! Đó là lời khẳng định đi ngược với xu hướng lấy thương hiệu quốc tế như Mỹ, Châu Âu, Châu Úc hay Châu Á,..nhưng sản xuất ở…đâu đâu á!
Cũng như Cố nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu là người …Sài Gòn vậy!
“Trong số ra ngày 29/8/1992, báo Straits Times của Singapore đã đưa ra một thông tin khiến độc giả nước này ngạc nhiên về cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Đó là bài viết mang tựa đề “Cựu Thủ tướng Lý là người Việt Nam?” (Senior Minister Lee is a Vietnamese?) xuất hiện ở trang 28 của số báo (hiện lưu trữ trên trang web của Thư viện Quốc gia Singapore).

Bài báo đã đặt ra nghi vấn rằng, phải chăng ông Lý Quang Diệu là một người Việt gốc Hoa, sinh ra ở Biên Hòa và sống những ngày thơ ấu cùng anh trai tại vùng đất cách Sài Gòn 30km.
Nghi vấn này dựa trên những tin đồn từ cộng đồng Hoa kiều, theo đó gia tộc của ông Lý Quang Diệu đã đến Biên Hòa lập nghiệp từ nhiều thế hệ trước khi ông ra đời.

Cha đẻ của ông Lý Quang Diệu là một người nông phu ở ấp Tân Thành, Biên Hoà. Cuộc sống của gia đình ông tại Việt Nam khá khó khăn. Khi 5 tuổi, ông Lý Quang Diệu được một cặp vợ chồng Hoa kiều Singapore giàu có nhận làm con nuôi và đưa về Singapore ăn học. Sau này, khi đã lên làm Thủ tướng, ông Lý có gửi đặc sứ về Việt Nam tìm người anh ruột, được cho là đang hành nghề đạp xích lô để giúp đỡ…

Cho đến nay, những thông tin trên vẫn chưa được xác thực và chỉ lưu truyền như một trong nhiều giai thoại về nhà lãnh đạo huyền thoại của đảo quốc Sư tử”

Vậy đó! Sài Gòn là đất của người …tứ xứ. Nếu Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là “người Sài Gòn” cũng có sao đâu? Không phải “thấy sang bắt quàng làm họ”, nhưng để nhấn mạnh đây là đất hội tụ của nhiều dân tộc Khmer, Hoa, Việt, Chăm,… cùng một lịch sử! Năm 1960, sau chuyến thăm Sài Gòn, TT Lý Quang Diệu đứng trước Quốc hội CH Singapore phát biểu:”Hy vọng một lúc nào đó Singapore phát triển được như Sài Gòn”!

Trong tuồng “Tiếng trống Mê Linh” , có đoạn Trưng Trắc cất lên lời hiệu triệu: “..Hỡi đồng bào trăm họ / Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước / Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang / Thà chết mà đứng thẳng / Không cam chịu sống quỳ / Đất nước Nam cẩm tú / Người dân Nam anh hùng / Trước đền thờ Quốc Tổ / Thề hy sinh giết giặc cứu non sông / Xin thề.!
Nay Sài Gòn không cần cất lời hiệu triệu, Sài Gòn vẫn là Sài Gòn: Can trường! Vì Covid không phải là giặc!

Ngày 7/7/2021, viết trong một đêm…say! Sài Gòn lại phong tỏa!
Theo ESKA, thương hiệu dầu nhớt Sài Gòn.
Bài viết có sử dụng tư liệu và số liệu từ Internet