Đi tìm trật tự trong …hỗn loạn!

 

… Bươm bướm luồn hoa lơ lửng lượn,
Chuồn chuồn đạp nước ngẩn ngơ bay…

Khúc Giang, Đỗ Phủ
(trích trong Đỗ Phủ, của nhà thơ Phan Ngọc)

 “Một con bướm vỗ cánh ở Brazil có thể gây ra chăng gió lốc tại Texas?”

Được nhà khí tượng học người Mỹ Edward Lorenz tuyên bố tại Washington về “khả năng dự báo”, ngày 29.12.1979, tức cách đây hơn 40 năm.

Từ cổ đến kim, cánh bướm đại diện cho hình hài mong manh, chập chờn…thoáng chốc. Trang Tử có giấc “mộng hồ điệp” không biết mình hóa bướm hay bướm hóa mình? Đỗ Phủ với cuộc đời đầy đau khổ cũng thưởng ngoạn “bướm với hoa” như một cảnh đẹp chóng qua…trong bối cảnh nhân tình thế thái thay đổi. Thế nhưng, cánh bướm vỗ của Lozenz khởi đầu một ngành khoa học mới ra đời: lý thuyết của sự hỗn loạn, mà Lorenz đi tiên phong khoảng đầu những năm 1960.

Thế nào là hỗn loạn? Đứng trước hỗn loạn người ta cảm thấy bất lực vì không biết tình hình sẽ diễn biến ra sao! Không biết tại sao, thế nào và có thể làm gì? Một tình hình như vậy dĩ nhiên có nhiều yếu tố, nhiều tham số có thể nhận biết, nhưng cái khó là làm chủ được sự biến thiên của một tổng thể hỗn loạn. Người làm khoa học từ trước tới nay nói chung vẫn theo một bài bản: quan sát, lập mô hình, dự báo, thí nghiệm hay/và kiểm nghiệm. Dự báo một cách chính xác (có thể) có nghĩa là lập ra các hàm số biến thiên theo thời gian để tính toán cái sẽ xảy ra trong tương lai, trong điều kiện biết rõ những điều kiện khởi đầu. Nhưng có đơn giản vậy không?

Bài học sau “hỗn loạn” ngành công nghiệp Dầu nhớt.

Trong kinh doanh việc lập kế hoạch hay kịch bản cần phải biết nguyên lý kinh doanh cơ bản, giờ đây sẽ được coi trọng hơn nếu dựa trên những bài học kinh nghiệm từ COVID-19 và những yếu tố ngoại biên khác. Có ai nghĩ rằng hệ lụy của việc phong tỏa trên phạm vi toàn cầu, năm 2020, đẩy nhu cầu đi lại của nhân loại xuống mức thấp nhất đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dầu mỏ cả thượng nguồn (khai thác) và hạ nguồn (chế biến sản phẩm)?  Nguồn dầu thô dư thừa, thiếu kho để dự trữ, các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa vì nhiêu liệu không được tiêu thụ hết. Kéo theo đó, nguồn nguyên liệu (feedstock) sản xuất dầu gốc, là thành phần nguyên liệu chính của ngành công nghiệp Dầu nhớt, bị thiếu hụt.  Các tác động khác như bão “Frankenstorms” là hình thái pha trộn các cơn bão và lốc xoáy mùa đông vào năm ngoái ở phía tây nam Hoa Kỳ (Taxas), khủng hoảng tắc nghẽn kênh đào Suez vào đầu năm nay, hay hỏa hoạn cũng như sự cố nổ tại một số nhà máy lọc và hóa dầu tại Nhật bản, châu Âu…

Các công ty bắt đầu xem xét việc chuẩn bị tốt hơn cho các trường hợp khẩn cấp và dự phòng, thông qua phân tích và đánh giá lại chuỗi cung ứng. Do đó, nhiều vấn đề do đại dịch gây ra cho thấy những người hoạt động trong ngành Dầu nhớt không thể trông đợi vào các nguồn nguyên liệu đến từ xa, sẽ không trung thành nhà cung cấp nào cả, và có thể phải xem xét ưu tiên nguồn cung trong phạm vi địa lý gần hơn, để có thể tiếp tục quản lý chuỗi cung ứng mà không có quá nhiều gián đoạn về vận chuyển.

Sự bất ổn về nguồn và giá dầu gốc bắt buộc các nhà sản xuất tại Trung quốc ưu tiên sử dụng nguồn dầu gốc trong nước sản xuất trong nước bắt đầu từ tháng 4/2021, mặc dù, chất lượng dầu gốc nội địa của Trung quốc chưa theo kịp chất lượng trong khu vực và cả trên thế giới, Sinopec là một ví dụ…

Đại dịch Covid-19 nhận ra bài học về cách quản lý vấn đề tốt hơn hay cách có thể làm những gì thông qua kinh nghiệm/ sự hiểu biết đạt được để mang lại lợi ích. Như các nhà máy, văn phòng sẽ giảm nhân viên và nhân sự nhưng vẫn hoạt động trơn tru ở tương lai mà không gặp nhiều gián đoạn bởi các tác động không lường trước. Nên phải dự báo…

Khó khăn của Việt nam…

Việt nam đã kiểm soát tốt trong cả 3 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 kể từ tháng 1/2020. Nhưng từ tháng 4/2021, với biến thể Delta, chu kỳ lây lan của virus nhanh hơn…Việt nam phải đối mặt với đợt lây nhiễm thứ 4 lan rộng…bắt đầu ở phía Bắc với Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Sau đó, lan đến phía Nam với Sài Gòn, Bình Dương, Long An,…kể từ trung tuần tháng 5/2021. Cho đến nay, hầu như tất cả các tỉnh/thành phía Nam đều có dịch lây lan trong cộng đồng, nhất là các địa phương có mật độ dân số cao và các Khu công nghiệp (KCN) với lượng công nhân đông đúc…

TP HCM có 1,6 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất. Đồng Nai có 1,2 triệu và Bình Dương 1 triệu lao động. Ba tỉnh thành chiếm khoảng 1/4 tổng số công nhân cả nước. Chưa kể Long An, BR-VT,..cả khu vực phía Nam. Nhưng theo thống kê có 30 triệu người lao động ảnh hưởng do dịch bệnh.

Các tỉnh/thành bắt đầu nhận ra sự “nguy hiểm” của người đến từ Sài Gòn nên có nhiều cách để ngăn chặn…Nhưng sẽ thất bại nếu chỉ đứng trên cách nhìn địa phương để cấm sự dịch chuyển qua làn ranh địa giới. Cần có cái nhìn tổng thể hơn khi biết rằng biến thể Delta dễ dàng lây nhiễm không cần phải có sự tiếp xúc…Cho nên, không sớm thì muộn, tất cả địa phương sẽ rơi vào việc chống đỡ bệnh dịch. Giới khoa học đã phân tích và có những khuyến nghị cần thiết để dần dần …sống an toàn với bệnh dịch như các nước khác đã làm. Nhưng, Việt nam với dân số xấp xỉ 100 triệu dân, cho thấy khó khăn của Chính quyền khi bảo vệ hết tất cả mục tiêu về sức khỏe và kinh tế của đất nước…

Chỉ số đơn hàng sản xuất PMI (44,1) giảm mạnh kể từ tháng 6/2021

“Các biện pháp phong tỏa và tình trạng đóng cửa công ty tạm thời như là những nhân tố làm giảm mạnh cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 6. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng giảm khi những khó khăn trong khâu vận tải và tình trạng khan hiếm container đã làm trầm trọng hơn ảnh hưởng của đợt bùng phát các ca nhiễm virus.

Những khó khăn trong hoạt động vận tải, cộng với tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu và những hạn chế liên quan đến đại dịch, đã làm kéo dài đáng kể thời gian giao hàng của nhà cung cấp. Các nhà sản xuất Việt Nam đã cắt giảm số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trước tình trạng khối lượng công việc giảm vào cuối quý 2. Việc làm đã giảm lần đầu tiên trong năm tháng, và với mức giảm mạnh và là nhanh thứ nhì kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.” (Theo IHS Markit)

Đi tìm trật tự trong…hỗn loạn.

Lorenz là người nhận thấy rằng các phương trình biến thiên của khí tượng thuộc vào loại các phương trình rất “nhạy cảm”; đến nỗi nếu thay đổi tham số ban đầu một chút thôi, bằng cái vỗ cánh của con bươm bướm, thì mô hình dự báo một tuần, một tháng… sau sẽ khác hẳnGió lốc có thể xảy ra!

Tóm lại đây vẫn là con bươm bướm mộng ảo! Cả cánh vỗ và bão tố đều nằm trong mô hình chứ không phải trong cuộc đời. Bước đầu của “hỗn loạn học” là sự ghi nhận dứt khoát, một bản án cuối cùng về sự bất lực của khoa học chính xác trước một số hiện tượng. Khi dự báo được thì có thể “tránh hỗn loạn”… tiêu cực (trong vận hành turbine, hệ thống điều khiển tự động) hay “gây hỗn loạn”… tích cực (sự trộn lẫn nhiên liệu và không khí cưỡng bức bởi turbocharger trong buồng đốt để tăng công suất động cơ)!

Việt nam có sự chậm trễ trong việc dự đoán “làm sao để có thể sống trong đại dịch Covid-19” mặc dù thành công trong việc ngăn chặn năm 2020. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự An (ĐH Fulbright VN) khoảng 25.000 tỷ Đồng dự kiến cho Vaccine không có trong ngân sách của Việt nam, năm 2021, cho đến khi có nghị quyết của Quốc hội thì số tiền này được trích từ Quỹ dự phòng và tiết kiệm chi thường xuyên. Nay người dân và doanh nghiệp đã đóng góp cho Quỹ Vaccine đã hơn số tiền trên. Nhưng thiệt hại về kinh tế nói chung là con số không thể đo đếm được!

Thế giới cho thấy để tồn tại cần phải có công nghệ và nguồn lực chứ không chỉ ý chí và tinh thần. Cho đến nay ai cũng hiểu cần có vaccine để sống chung với đại dịch và đó là điều chưa chắc chắn bởi các biến thể có thể kháng Vaccine,nhưng, “có còn hơn không”!

Sài Gòn lúc nào cũng tiên phong, kể cả tiên phong…bệnh dịch!

Nhưng đó là cái may mắn của Sài Gòn!

Đêm rạng, ngày 19/7/2021. Sài Gòn tiếp tục giãn cách cùng 18 Tỉnh/Thành phía Nam!

Theo ESKA, Made in Singapore

Bài viết có sử dụng tư liệu và số liệu từ internet.