Kết 2018 Và Những Dự Cảm 2019 (Phần 3)

KẾT 2018 VÀ NHỮNG DỰ CẢM 2019 (PHẦN 3)

Phần 3: Kinh tế Việt nam năm 2018 dưới góc nhìn ngành dầu nhớt

Năm 2018, một năm thuận lợi cho nền kinh tế Việt nam với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, là mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, trước sự bất ổn của kinh tế thế giới.

Chỉ số PMI liên tục tăng vào các tháng cuối năm và cao nhất trong khối ASEAN.

Ngành công nghiệp

Đóng góp chính vào tăng trưởng vẫn là xuất khẩu của khu vực FDI, tuy nhiên đây cũng chính là điểm yếu của nền kinh tế khi phụ thuộc quá lớn vào khu vực này. Đặc biệt, thành tích xuất khẩu của khu vực FDI lại chịu sự chi phối bởi một số doanh nghiệp lớn như Samsung khi chỉ riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại của Samsung ước chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm.

Chỉ số toàn ngành công nghiệp IIP tăng 10,2% trong đó đóng góp nhiều vẫn là điện thoại, linh kiện điện tử ngoài ra điểm sáng ở dệt may, máy móc thiết bị, giày dép và thủy sản.

Sự cộng hưởng từ ngành công nghiệp điện thoại và điện tử cũng kéo theo các nhà máy công nghiệp sản xuất vệ tinh tại các trung tân như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc hay Tp.HCM, thúc đẩy chung ngành công nghiệp phụ trợ.

Sự hình thành và ổn định hoạt động của Formosa tại Hà Tĩnh thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh này dẫn dầu cả nước với tốc độ tăng 89%. Kế đến là Thanh Hóa với tăng trưởng Công nghiệp 34,9% với đóng góp chủ yếu từ Lọc dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, sự rủi ro khi giá trị công nghiệp của tỉnh chỉ tập trung bởi một vài doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sự đa dạng và phát triển đồng đều các ngành công nghiệp là mong muốn bền vững để có một tỷ trọng công nghiệp tránh rủi ro trong phát triển kinh tế.

Các trung tâm công nghiệp hình thành từ trước đây như khu vực phía nam (Tp.HCM, Đồng nai, Bình Dương, BRVT..) đều giữ mức tăng trưởng công nghiệp chậm hơn so với các năm trước (dưới 10%), trong khi đó các trung tâm công nghiệp mới nổi như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… giữ mức tăng trưởng công nghiệp cao (trên 15%) do xuất phát điểm giá trị nhỏ của các năm trước…. nhưng có ghi nhận sự cố giắng về thu hút đầu tư của địa phương.

Ngành công nghiệp khai khoáng: dầu mỏ, than, quặng..có tốc độ tăng trưởng âm, đây là điều đáng mừng vì tài nguyên không thể vô hạn để khai thác bù đắp cho chi tiêu của bộ máy chính quyền. Tài nguyên cần được bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Vận tải

Chỉ số về năng lực vận tải hàng hóa và hành khách đều thể hiện tăng trên 10%, trong đó đóng góp nhiều là vận tải đường bộ. Đường sắt và đường thủy nội địa tăng ít hơn (dưới 9%) phản ánh sự thiếu đầu tư với trang bị phương tiện hiện tại lạc hậu và hoạt động không hiệu quả. Ngành vận tải biển có sự hồi phục so với các năm trước nhưng các đội tàu không được đóng mới và tải trọng thấp do ảnh hưởng từ suy thoái từ trước. Các đội tàu nước ngoài đang chiếm ưu thế trong năng lực vận tải biển.

Tuy vậy, ngành vận tải đường bộ cũng gặp nhiều khó khăn như giá nhiên liệu tăng cao vào giữa năm, không phải hàng hóa lúc nào cũng đủ để vận chuyển trong khi các đội/đoàn xe được đầu tư dư thừa so với lượng hàng hóa hiện nay. Phương tiện đường bộ bị cạnh tranh trực tiếp từ đường hàng không, nên phương tiện ít được đầu tư mới.

Năm 2018, đánh dấu sự bùng nổ lượng khách quốc tế đến Việt nam du lịch với 15,5 triệu lượt người, ngoài ra, khách du lịch trong nước cũng giữ mức cao. Ngành du lịch phát triển cũng thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của ngành vận tải chung.

Ngành công nghiệp chế tạo xe có động cơ tăng 27%, trong đó, năm 2018 Việt nam đưa vào lưu hành 3,4 triệu xe máy (tăng 3,5%) so với năm trước. Số liệu đánh tan sự hoài nghi của các chuyên gia khi cho rằng thị trường xe máy đã bão hòa từ năm 2017. Nhưng đánh giá đó hoàn toàn có cơ sở khi chưa ai thống kê lượng xe máy bị thay thế hay không lưu thông là bao nhiêu. Giống như một quả bóng rơi chạm đất sẽ “nảy lên” nhiều đợt rồi “lịm dầnJ”.

Theo thống kê, Việt nam hiện đang có 50 triệu mô tô, xe máy và 3,2 triệu ô tô đã đăng ký lưu hành.

 CPI – Giá cả…

Tốc độ tăng giá cả tiêu dùng trong nước trong năm 2018 đã cao hơn so với những năm gần đây, tuy nhiên vẫn ở dưới mức mục tiêu 4%. Tỷ giá hối đoái chịu những áp lực mất giá nhất định khi lãi suất đồng đô la Mỹ trên thế giới liên tiếp gia tăng.

Phần lớn thời gian trong năm, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ neo ở mức sát trần của Ngân hàng Nhà nước. Lạm phát cao hơn, áp lực tỷ giá và quy định hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã khiến lãi suất tiền đồng có xu hướng gia tăng đáng kể vào những tháng cuối năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm nay ước tính dưới 16%, thấp nhất trong nhiều năm.

Giá cả sản phẩm dầu nhớt Việt nam tăng giá bắt đầu từ tháng 3/2018 kéo dài cho đến tháng 10/2018 trước áp lực của giá dầu gốc trong khu vực khi giá dầu thô hồi phục. Mức tăng cuối năm so với đầu năm là trung bình 10%. Chưa kể bắt đầu từ 1.1.2019, phí BVMT (bảo vệ môi trường) tăng thêm 1.100 Đồng Lít/Kg (Tăng thêm 1% cơ cấu giá sản phẩm trung bình).

Giá nguyên liệu, xăng dầu, dầu nhớt…v.v. đều phụ thuộc vào thế giới, tỷ giá và lãi suất ngân hàng…Ở Việt nam, giá cả có sự điều hành của chính quyền nhưng chịu áp lực rất lớn và mong manh…Nên chi phí sản xuất luôn cao (trừ nhân công lao động).

Dự cảm 2019…

“Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa DNNN.

Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc nếu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP đi vào thực thi và EVFTA chính thức được thông qua. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đang đặt Việt Nam trước một cơ hội vô cùng lớn trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất. Tuy nhiên, để cơ hội trở thành hiện thực, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước.

Tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) được dự kiến tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, kéo theo sự mất giá của các đồng tiền và giá cả gia tăng ở hầu hết các nước đang phát triển. Cùng với sự trồi sụt thất thường của giá dầu thế giới, điều này không ít thì nhiều sẽ tạo áp lực lên Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và giá trị tiền đồng.

Trong nhiều năm gần đây, bức tranh ngân sách và nợ công không được cải thiện. Quy mô nợ công lớn và sát ngưỡng cho phép (65% GDP) khiến gánh nặng chi trả nợ lãi ngày càng cao. Nguồn thu ngân sách vẫn chỉ đủ hoặc dư thừa không đáng kể sau khi thực hiện tiêu dùng của nhà nước, không có tiết kiệm (phải vay nợ) để thực hiện đầu tư phát triển.

Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước/GDP có giảm đôi chút nhưng lại chủ yếu là nhờ tư nhân hóa nhiều dịch vụ công. Đặc biệt, khối tài sản nhà nước ngày càng giảm thông qua bán vốn DNNN hoặc bán các tài sản nhà nước khác nhưng thâm hụt ngân sách lại không được thu hẹp (vẫn khoảng 4% chưa kể chi trả nợ gốc). Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài (nếu có) như nhiều quốc gia khác. Môi trường kinh doanh theo đó cũng khó được cải thiện khi doanh nghiệp và người dân luôn phải đối mặt với nỗi lo tăng thuế, phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách của Chính phủ.

Trong khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là ít chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất, thậm chí còn có tiềm năng hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khi hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu với nhau.

Giá cả thế giới đang trong xu hướng tăng trở lại cũng là một điểm nhấn khác của kinh tế thế giới năm 2018. Giá dầu tăng cao trong gần suốt cả năm cộng với mất giá tiền tệ khiến giá tiêu dùng tăng mạnh trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Điều này, cùng với việc rút vốn khỏi các nước mới nổi tăng mạnh, đã khiến ngân hàng trung ương nhiều nước phải thắt chặt tiền tệ, thị trường chứng khoán sụt giảm. Xu hướng bảo hộ thương mại và bất ổn chính sách gia tăng.”Theo Phạm Thế Anh – TBKTSG

Dự cảm năm 2019 sau đỉnh cao sẽ là …khó khănJ

ESKA– Tổng hợp

Mùng 2, Tết Kỷ Hợi.

 

 

Trả lời