Khi doanh nghiệp xăng dầu đòi bỏ Xăng A95, ai cần lên tiếng?

Câu chuyện thứ 1:

Trong tháng 3/2018, Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP HCM (Saigon Petro) vừa có kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính một số nội dung có liên quan chính sách phát triển xăng sinh học.

Theo Saigon Petro, từ đầu năm 2018 khi cả nước đồng loạt bỏ kinh doanh xăng A92 nên sản lượng tiêu thụ xăng E5 của các doanh nghiệp có tăng lên so với năm 2017 nhưng tỉ trọng chiếm rất thấp.

Tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn có hệ thống phối trộn xăng E5 thì tỉ trọng bán xăng E5 chỉ khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ, còn lại là xăng A95 chiếm khoảng 70%. Trong khi trước đó, xăng A92 chiếm hơn 65%, các doanh nghiệp không có hệ thống phối trộn thì họ thuần túy chỉ kinh doanh xăng khoáng A95, nên tỉ lệ xăng E5 nói chung trên toàn thị trường còn thấp hơn.

Câu chuyện thứ 2:

Sau khi không được chấp nhận bán trở lại xăng A92 (xăng khoáng), ông Trần Minh Hà, Phó tổng giám đốc Saigon Petro đặt ra vấn đề nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON 95 và chỉ kinh doanh 2 loại xăng sinh học toàn quốc là E5 RON 92 và E5 RON 95. Và nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lại kiến nghị “xóa sổ” xăng RON 95 để người dân tiêu thụ xăng E5 RON 92 và hướng đến thêm sản phẩm E5 RON 95 (pha 5% ethanol vào xăng RON 95).

Ý kiến này được Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tường thuật là “nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện doanh nghiệp”. Tất nhiên, Bộ Công Thương “đánh giá cao và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo Lãnh đạo Chính phủ sau”.

Theo đó, Xăng A95 chiếm tỷ trọng 58% và xăng E5 A92 chiếm tỷ trọng 42% lượng tiêu thụ tính trung bình trên cả nước. Tỷ trọng thay đổi theo vùng miền và xăng A95 được ưa chuộng khi đi về phía Nam.

Câu chuyện thứ 3

Đánh giá về những khó khăn trong quá trình triển khai kinh doanh xăng E5, Lãnh đạo Petrolimex chia sẻ, tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng, do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng xăng E5 bởi dư luận trong xã hội còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Đồng thời kể từ khi bắt buộc bán xăng E5 A92, Việt nam chỉ có nhà máy duy nhất cung cấp cồn E100 là Công ty TNHH Tùng Lâm. Do giá sắn tăng cao, Công ty TNHH Tùng Lâm đã phải tăng giá E100.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm, cho biết, trong 10 tháng (từ tháng 6/2017 đến 15/4/2018), giá sắn đã tăng thêm 2.000 đồng/kg (từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng).Và việc tăng giá E100 là “bắt buộc”, không phải vì lý do công ty độc quyền. Đại diện Công ty TNHH Tùng Lâm mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho sản xuất E100 trong nước thay vì nhập khẩu cồn từ nước ngoài.

Câu chuyện thứ 4

Theo Thời báo Kinh tế sài gòn, số 17-2018, “Khoảng trống phía sau việc điều hành giá xăng dầu” (Ngọc Lan): “Tính từ tháng 10-2017 đến nay, giá ethanol đã có tới bảy lần thay đổi giá và chủ yếu là tăng. Từng có thời điểm giá ethanol tiệm cận mức 15.000 đồng/lít. Nay giá ethanol đã giảm về mức 14.488 đồng/lít, vẫn là rất cao (giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng)”

“…để khuyến khích tiêu thụ xăng E5, ngay từ Quyết định 53/2012 của Chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã ghi rõ: công thức tính giá của xăng E5 thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt (thấp hơn 5% so với xăng khoáng) và dự kiến có thể áp mức thuế môi trường bằng 80% so với xăng khoáng khi dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua”

“Mặt khác, mức trích quỹ bình ổn giá nêu trên được dành cho xăng E5 trong khi quỹ này được thu từ nguồn bán cả xăng RON 95. Nghĩa là có nhiều người không mua xăng E5 nhưng vẫn phải chịu thêm chi phí bù lỗ cho loại xăng này. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khi góp ý sửa Nghị định 83 đã đề xuất xóa Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì tính thiếu minh bạch của nó. Nếu đề xuất này được thông qua thì giá xăng E5 hết được bù lỗ sẽ (tăng) bao nhiêu?”

“Nhà nước “bù đầu, bù cuối” cho xăng E5 và doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu hay xăng E5 thành phẩm. Điều này có thể tạm chấp nhận trong giai đoạn chuyển đổi từ xăng RON 92 sang xăng E5, nhưng về lâu về dài thì không thể như vậy được.”

Câu chuyện thứ 5

Một bài viết gần đây được đăng trên trang web của Phòng Thương mại ô tô Australia (FCAL), tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất và nhập khẩu ô tô – xe máy Australia đã liệt kê một loạt mẫu xe không phù hợp với xăng E5 hoặc E10, trong đó có khá nhiều loại xe đời cũ tương đồng với các phương tiện đang lưu hành rộng rãi tại Việt Nam.

Theo đó khi phối trộn  xăng E5 hay E10, hàm lượng lưu huỳnh trong các loại xăng này tăng cao (lên đến 150 ppm, đơn vị phần triệu). Ngoài ra hàm lượng benzen cũng không đạt chuẩn nhiên liệu theo tiêu chuẩn Euro 4 như Việt nam yêu cầu. (Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này trong bài tiếp theo về Tiêu chuẩn khí thải Euro 4 của Việt nam đối với xe động cơ Xăng)

Trong sổ tay hướng dẫn sử dụng, các hãng xe đều có những khuyến cáo về loại nhiên liệu phù hợp với động cơ. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều tuyên bố qua các kênh truyền thông về lợi ích của xăng E5 thì tuyệt nhiên chưa thấy các doanh nghiệp xăng dầu cũng như hãng sản xuất ô tô – xe máy khuyến cáo cho người tiêu dùng biết, nhiên liệu ethanol phù hợp với loại động cơ nào, kết quả thử nghiệm trên các loại động cơ khác nhau ra sao?

Thậm chí, ngay cả các doanh nghiệp sản xuất ô tô – xe máy cũng rất thận trọng khi xác định loại nhiên liệu này có ảnh hưởng đến các đời xe do mình sản xuất trong các thời kỳ khác nhau hay không? Lý do đơn giản bởi ở nhiều mẫu xe trước đây khi được sản xuất trên thị trường chưa có loại nhiên liệu ethanol nên chưa thể đưa ra khuyến cáo về loại nhiên liệu đó.

Theo các Chuyên gia, khi sử dụng Xăng E5, động cơ sẽ nguội hơn, hàm lượng nước ngưng tụ trong động cơ nhiều hơn, gây nên sự ăn mòn và gỉ sét các chi tiết kim loại. Đồng thời, Ethanol (cồn) cũng là tác nhân gây hỏng phốt/ron/ống dẫn nhiên liệu bằng vật liệu cao su.

Đối với dầu nhớt xe máy, xe ô tôxe tải sử dụng xăng E5 sẽ làm tăng oxy hóa dầu nhớt, thoái hóa phụ gia vì nhiễm bẩn do nước ngưng tụ, thời gian thay dầu nhớt sẽ mau hơn.

Kết luận

Việt nam có hơn 3 triệu xe ô tô và tải, đồng thời, lưu hành gần 50 triệu xe máy sử dụng nhiên liệu xăng hay dầu. Thị trường nhiên liệu với sự điều hành của Bộ Công Thương thật sự không phải là một thị trường “hoàn hảo” hay tự do vì phụ thuộc vào chính sách hay các quy định/quy trình.

Sau khi bắt buộc phải công bố giá xăng A95 (ngày 23/4/2018) thì doanh nghiệp lại đòi bỏ loại xăng này. Có thể là cảm thấy lợi nhuận hết “cao” như kỳ vọng trước đây? Mặc dù, trước đó lại xin được bán lại xăng A92 khoáng (vì lý do tiết kiệm cho người tiêu dùng, theo Sài gòn Petro?)

Chắc chắn một điều rằng Bộ Công Thương đang rất ủng hộ việc bán hoàn toàn xăng E5 để cứu ít nhất 3 dự án sản xuất Ethanol (Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước) đang “đắp chiếu” chờ xử lý hay tái cơ cấu. Vì đảm bảo đầu ra cho Ethanol.

Thế nhưng, công luận yêu cầu cần có sự lựa chọn. Đừng vì lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hay vì một lý do “góc khuất” nào đó mà bỏ qua nhu cầu của người dân trước khi có những nguyên cứu khoa học rõ ràng về việc tiêu thụ xăng E5 ảnh hưởng như thế nào đối với động cơ.

Ít ra là Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), xe máy (VAMM) cần phải lên tiếng về tác động này để người sử dụng yên tâm. Nhưng chắc chắn là sẽ không có ai.

Khi người tiêu dùng đang “yêu” xăng A95 thì có ý muốn bỏ đi. Nhưng tin tưởng rằng điều này khó xảy ra.

Theo ESKA, tổng hợp và quan điểm cá nhân.

Trong bài có sử dụng trích dẫn:

1.Thời báo kinh tế Sài gòn, số 17/2018

2.Vietnamnet online .

Để lại một bình luận