Vào giữa thế kỷ 19, Nhật Bản là một nước phong kiến, bế quan tỏa cảng, xã hội phân chia thành các giai cấp sĩ, nông, công, thương và chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Nhưng chỉ có 15 năm (Minh Trị duy tân bắt đầu năm 1868), các sĩ phu, các lãnh đạo của Nhật đã biến một đất nước phong kiến bảo thủ trở thành một nhà nước tiếp thu toàn diện thế giới văn minh để tiến lên hàng các quốc gia thượng đẳng. Ý chí, trí tuệ và sự chuyển dịch tư tưởng rất nhanh của những lãnh đạo thời đó đã xoay chuyển đất nước một cách ngoạn mục với một tốc độ có thể nói là kỳ diệu.
Nàng tên Tomoe…, Yukishiro Tomoe!
Đôi mắt to tròn, sáng rực nhưng buồn rười rượi, cảm giác lúc nào cũng ngấn lệ như vận vào cuộc đời của người thiếu nữ Edo. Tomoe đính hôn với Kiyosato, một sumurai cấp thấp, là người bạn thanh mai trúc mã. Kiyosato đến Kyoto để gia nhập đội lích gác vì sự nghiệp và hơn hết với mục đích làm Tomoe tự hào, …rồi bị giết bởi lưỡi kiếm của sát thủ Hitokiri Battōsai vào đêm trước của ngày hôn lễ.
Tomoe rất yêu Kiyosato… hối hận, dằn vặt vì không ngăn cản Kiyosato lên Kyodo, để rồi bị giết…Cho đến khi Tomoe gặp Himura Kenshin, chính là Battosai, người giết chồng mình.
Thời đại Edo ở Nhật kéo dài từ năm 1603 đến năm 1867. Quyền cai trị đất nước tập trung vào chính quyền Mạc Phủ đóng tại Edo (Tokyo ngày nay) do các tướng quân của dòng họ Tokugawa nối tiếp nhau lãnh đạo. Thiên hoàng (đóng đô ở Kyoto) chỉ có vai trò tượng trưng.
Cả nước chia thành 277 phiên (han), mỗi phiên có một lãnh chúa (daimyo) đứng đầu. Tuy nhiên từ đầu thế kỷ 19, một số phiên ở phía tây nam mạnh lên về kinh tế và quân sự nên sự gắn bó với Mạc Phủ yếu đi. Hai phiên mạnh nhất thời đó là Satsuma (Kagoshima ngày nay) và Choshu (Yamaguchi). Satsuma ủng hộ Mạc Phủ trong khi Choshu thì tôn vương. Đặc biệt cả hai phiên lúc đầu có tư tưởng bài ngoại, quyết chống phương Tây bằng vũ lực…Satsuma và Chosun đều gây chiến với các nước phương Tây và thất bại nên nhận ra rằng: “Phải học tập nước ngoài mới có ngày thắng được nước ngoài!”
Cả Tomoe và Kenshin đều giữ khuôn mặt lạnh lùng, đối xử với nhau như hai người xa lạ, nhưng từng cử chỉ Tomoe chăm sóc Kenshin và từng dòng nhật ký Tomoe ghi lại cảm nghĩ của mình dẫn dắt người xem đến viễn cảnh kết thúc tốt đẹp dành cho hai nhân vật. Muốn trả thù cho chồng nên Tomoe phải theo dấu vết và chăm sóc Kenshin. Chuyển biến tình cảm của người con gái khi “lửa gần rơm”, Tomoe cảm nhận được sự “trong sáng” trong hành vi giết người của Kenshin khi tin rằng giết một người để cứu nhiều sinh mạng khác…
Trớ trêu thay chính Tomoe cũng chết dưới lưỡi kiếm của đó vì muốn bảo vệ Kenshin…
Là nội dung của phim đang chiếu trên Netflix với tựa đề: “Rurouni Kenshin: Beginning”, nằm trong series phim dựa trên các ấn bản truyện tranh (manga) của Nhật Bản: Himura Kenshin của tác giả Nobuhiro Watsuki. Đây là phần tiền truyện về cuộc đời của một Hitokiri (sát thủ) huyền thoại cuối đời Mạc Phủ Tokugawa, được mệnh danh là Hitokiri Battousai, với môn phái Hitten Mitsuru Ryu (Phi Thiên Ngự Kiếm). Kenshin vung kiếm đấu tranh vũ trang hy vọng có thể xây dựng một thời đại mới, đem lại hạnh phúc và ấm no cho nhân dân.
Phim nói nhiều về Kenshin như là nhân vật chính với mạch phim nhanh, dồn dập, liên tục các màn đấu kiếm theo kiểu truyền thống của thời kỳ tồn tại Samurai, nội dung tôn vinh tính cách anh hùng qua đường kiếm tuyệt kỹ của Kenshin. Đối lập là sự chậm rãi, khoan thai của người con gái Nhật Bản Tomoe với vẻ trong sáng nhẹ nhàng, chịu dựng cuộc sống khắc khổ trong nhẫn nại. Tomoe có khuôn mặt sáng, buồn… không có nổi một nụ cười, ngay cả lúc hạnh phúc nhất thì ánh mắt Tomoe bừng lên lấp lánh.… để ám ảnh người xem vì đôi mắt của nàng rất đẹp. Chuyện đương nhiên khi kể về anh hùng không thể thiếu mỹ nhân, cho nên đan xen, là phức tạp về chuyển biến tâm lý của một sát thủ lạnh lùng và tính “thiện” trong bản ngã khi đối diện với sự thánh thiện của Tomoe . Kenshin luôn luôn tự vấn về con đường và mục đích hành động của mình. Phải chăng vì quá yêu mỹ nhân nên Kenshin muốn sống tốt đẹp hơn với lời thề không giết người? Không! Tất cả điều là giả dối, bao biện sau khi lỡ tay giết người mình yêu thì lương tâm nào còn được phán xử? Tất nhiên Kenshin giết người vì mục đích tốt đẹp thực hiện nghĩa vụ nam nhi, đi theo phong trào Duy tân (ở Nhật bản), lật đổ chế độ Mạc Phủ mở ra giai đoạn lừng lẫy trong lịch sử Nhật bản: Thời kỳ Minh Trị (Meiji)… Đó là chất bi tráng của người chiến sĩ ngày xưa vì đất nước bỏ lại sau lưng tất cả nỗi đau cá nhân!
Phim lấy bối cảnh lịch sử Nhật Bản trong thời kỳ những năm 1860s trước và sau thời kỳ Minh Trị. Kenshin được khắc họa là người chiến sĩ của phái Chosun là sát thủ chống lại chế độ Mạc phủ. Cả bộ phim đâu đó khoảng 6 tập từ : The Beginning cho đến…The Final. Nhưng ngạc nhiên là tập Beginning và Final được sản xuất năm nay (2021) còn 4 tập phần giữa được sản xuất… lai rai từ năm 2012 đến 2016, cũng với những diễn viên đó, không thay đổi. Không như nhiều phim Nhật Bản khác nặng nề vì mạch phim chậm hay cảnh giết chóc rất …đáng sợ, phim được hãng Warner Bros làm nên rất …Mỹ. Giết chóc nhiều, kỹ xảo nhiều nên cảnh đánh đấm, đâm chém bằng kiếm thấy…nhẹ nhàng, hay do chủ yếu quay toàn cảnh nhiều hơn cận cảnh? Phim đậm chất chính kịch như Shakespear nhưng bi hùng kiểu miền viễn Tây của Hoa kỳ!
Không cần phải biết lịch sừ nước Nhật trong giai đoạn này để hiểu phim, nhưng càng xem càng tò mò với bối cảnh lịch sử, văn hóa và con người của Nhật Bản của thời kỳ cận đại.
Sakamoto Ryoma, một chí sĩ thuộc phiên Tosa (Kochi ngày nay), 18 tuổi (năm 1853) trên đường từ Tosa lên Edo để học kiếm thuật, Sakamoto đã tận mắt chứng kiến hạm đội hiện đại của Perry (xuất hiện ở cảng Edo năm 1853), cảm nhận sức mạnh của phương Tây và thấy Nhật phải thay đổi mới thoát được nguy cơ bị thực dân hóa.
Sakamoto nhận thấy Mạc Phủ không còn uy tín và năng lực để lãnh đạo đất nước trong thời đại mới nên đã vận động quy tụ thế lực mới mà bắt đầu bằng việc điều đình để hai phiên mạnh nhất là Satsuma và Choshu làm hòa với nhau và đồng minh Satsuma – Choshu ra đời. Họ đã liên hiệp với hai phiên khác là Tosa và Hizen (Saga ngày nay) tạo thành lực lượng tôn vương mạnh mẽ.
Trước sức mạnh của phe tôn vương, tướng quân đương thời và cũng là tướng quân cuối cùng của Mạc Phủ là Yoshinobu thỏa hiệp bằng cách trả lại thực quyền cho thiên hoàng (tháng 10-1867) với hi vọng tham gia chính phủ mới, trong đó quyền lợi của Tokugawa được duy trì. Tuy nhiên kết cuộc phía Tokugawa thấy mình bị mất quá nhiều quyền lợi, chẳng hạn phải giải tán quân đội đã có từ trước, nên đã đem quân chống lại phía Thiên hoàng.
Cuộc nội chiến kéo dài gần nửa năm, cuối cùng Tokugawa suy yếu phải rút quân về cố thủ thành Edo. Tướng giữ thành lúc đó là tổng đốc lục quân Katsu Kaishu. Quân đội phía Thiên hoàng do Saigo Takamori chỉ huy tiến về Edo chuẩn bị vây thành.
Trước khả năng nước ngoài tìm cách thôn tính Nhật, những nhà lãnh đạo hai bên Mạc Phủ và Thiên hoàng phải có quyết định để tránh tổn thất lớn cho đất nước. Suy nghĩ về tương lai đất nước, tướng Katsu đã quyết định là phải đầu hàng quân đội Thiên hoàng mới cứu được nước Nhật ra khỏi thảm họa. Ông thuyết phục phe chủ chiến trong thành và hứa sẽ đưa ra các điều kiện đầu hàng không phương hại đến tính mạng và tài sản tối thiểu của gia đình, thân tộc và quan lại của Mạc Phủ.
Cuộc đàm phán giữa hai tướng Saigo và Katsu đã diễn ra thuận lợi ngoài dự tưởng của Katsu, nhất là thái độ rất hòa nhã và khiêm tốn của Saigo đối với người thế yếu đã làm phía Tokugawa thấy yên tâm và không hề có mặc cảm của người thất thế. Phía tướng Katsu cũng trình bày nội tình của phe Tokugawa với thái độ chân thành.
Saigo đã đồng ý các điều kiện đầu hàng. Ông về thuyết phục những người chủ chiến phía Thiên hoàng. Với uy tín của Saigo, mọi người đã chấp nhận chấm dứt chiến tranh theo kết quả cuộc hội đàm của Saigo và Katsu. Lịch sử đã ghi lại sự kiện này bằng bốn chữ Vô huyết khai thành (mở cửa thành đầu hàng để tránh đổ máu).
Vài tháng sau sự kiện vô huyết khai thành, Edo được đổi tên là Tokyo (tháng 7-1868) và sau đó ít lâu Minh Trị thiên hoàng dời đô từ Kyoto về Tokyo (tháng 10-1868), đánh dấu một thời đại mới.
Như vậy chỉ trong vòng 15 năm, Nhật Bản đã làm được cuộc cách mạng đưa đất nước vào kỷ nguyên mới với các điểm then chốt như sau:
Thứ nhất, các sĩ phu, các lãnh đạo thời đó đã đặt tiền đồ, vận mệnh đất nước lên trên hết nên thỏa hiệp nhanh chóng. Họ khôn khéo dùng Thiên hoàng làm biểu tượng để dễ thống nhất các lực lượng vốn đã phân tán do chế độ phiên trấn thời Mạc Phủ. Trước nguy cơ bị nước ngoài thống trị, dù với lập trường nào, họ cũng cảm thấy trách nhiệm với đất nước nên đã giải quyết các tranh chấp nội bộ rất nhanh, không kéo dài các cuộc nội chiến làm hao tổn nội lực.
Thứ hai, những sĩ phu, những lãnh đạo của Nhật thời đó thức thời nhanh chóng nên đã thay đổi chiến lược một cách ngoạn mục. Mới đánh một trận họ đã nhận ngay ra được sức mạnh quân sự của Âu Mỹ, mới đọc một số sách vở đã ngộ ra được sức mạnh của văn minh phương Tây và thấy mình phải học hỏi để canh tân đất nước. Đằng sau những phán đoán chính xác và thay đổi chiến lược kịp thời này là tinh thần và nỗ lực học hỏi, tìm hiểu nguồn gốc sức mạnh của những người, những thế lực mới lạ đến từ phương Tây.
Ngày nay với tiến bộ của khoa học về phương tiện đi lại và liên lạc, việc tiếp xúc học hỏi với bên ngoài quá dễ dàng. Tuy nhiên không ít trường hợp lãnh đạo của nhiều nước phải mất hàng chục năm mới thực hiện được vài cải cách, mất hàng nửa thế kỷ hay lâu hơn mới thay đổi được tư duy, chiến lược cần thiết để đất nước phát triển.
Trước khúc ngoặt của lịch sử, vận mệnh đất nước và dân tộc tùy thuộc vào hành động của những người có trách nhiệm. Dĩ nhiên để đạt tới những quyết định đúng đắn, người có trách nhiệm phải có tinh thần yêu nước, có ý chí, có ý thức trách nhiệm, nhưng nếu không đủ trí tuệ, không có đầu óc linh hoạt sẽ đưa ra những quyết định sai lầm hoặc bỏ mất thời cơ.
Hết tập “Rurouni Kenshin: The Beginning” thì Tomoe…chết! Thế nhưng cái chết của Tomoe là sợi dây nguyên nhân nối dài câu chuyện của một Battosai (sát thủ) chiến đấu, hy sinh cho Thời đại mới, cũng là một Rurouni (lãng khách) với thanh kiếm lưỡi ngược Kenshin (Kiếm Tâm), mười năm bôn ba mọi miền, trừ khử thế lực gian ác mang lại thái bình cho dân chúng.
Kết thúc phim với phần “Rurouni Kenshin: The Final” hạnh phúc được trao cho một người con gái khác: Kaoru! Người con gái theo suốt hành trình của Kenshin kể từ Tomoe chết đi! Kaoru không đẹp như Tomoe…nhưng tâm rất thiện! Kaoru là con của một chí sĩ Satsuma!
Người thiện tâm lúc nào cũng xứng đáng hạnh phúc!
Ngày 8/8/2021, Kết thúc Olympic Tokyo 2020! Ngày dài giãn cách….chỉ để xem phim!
Theo ESKA, Made in Singapore
Bài viết sử dụng tư liệu từ internet và “Kỳ tích của các anh hùng thời Minh Trị duy tân” của GS Trần Văn Thọ, tuổi trẻ Xuân 2015.