Phân khúc HDEO (vận tải hàng hóa và hành khách)
Hoạt động dịch vụ vận tải trong năm 2020 chịu tác động nặng nề nhất, trước hết là vận tải hàng không, đường sắt và đường bộ. Theo VLA (Sách trắng 2018), 78,2% doanh nghiệp logistics Việt Nam cung cấp dịch vụ vận tải nội địa, 67,3% dịch vụ vận tải quốc tế. Khoảng 75% doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ logistics hàng xuất khẩu và gần 82% hàng nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Trung Quốc. Vận tải quá cảnh hàng hóa Trung Quốc và các nước ASEAN đều giảm khoảng trên 20%. Mức tăng trưởng của hoạt động vận tải nói chung trong năm 2020 dự kiến thấp hơn so với 2019.
Vận tải hàng hóa đường bộ
Chi phí vận tải, nhất là đường bộ còn cao, mặc dù giá xăng dầu có giảm, do lượng hàng thuê chở giảm. Chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ còn cao do khoảng 70%-75%, xe vận chuyển chỉ có hàng hóa một chiều và chi phí cầu đường, chi phí không chính thức vẫn còn ở mức cao.
Khối lượng hàng hóa vận tải qua biên giới giảm mạnh, phải cách ly lái xe, hoặc đổi lái xe, đổi đầu kéo là những khó khăn rất lớn cho dịch vụ vận tải đường bộ. Vận tải nội địa gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội trong tháng 4/2020 khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Khoảng 50-60% doanh nghiệp vận tải đường bộ giảm hoạt động và doanh thu trong thời gian đỉnh dịch.
Theo thống kê, năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 nên số lượng các doanh nghiệp vận tải đường bộ và phương tiện không tăng so với 2019 số phương tiện xe tải các loại khoảng 202.765 xe, trong đó có 47.878 xe container, 8.291 xe đầu kéo và 146.596 xe tải.(*)
Vận tải tàu biển và thủy nội bộ
Sau khi liên tục sụt giảm trong 4 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa bằng đường biển bắt đầu tăng trở lại từ tháng 5/2020 và có sự tăng trưởng khá tốt vào cuối quý II/2020 khi các đợt dịch bệnh lắng xuống. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 9 tháng năm 2020 đạt gần 519 triệu tấn. Đối với vận tải thủy nội bộ cũng vậy, tăng trưởng tốt từ tháng 5 cho đến cuối năm, tuy nhiên vận tải thủy nội bộ cũng giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.
So với các loại hình dịch vụ vận tải khác, dịch vụ vận tải biển ít bị tác động của dịch Covid-19 hơn vì lượng hàng luân chuyển qua các cảng phục vụ chủ yếu cho hoạt động xuất-nhập khẩu.
Sau 4 năm mở tuyến ven biển, tính đến năm 2020, có tổng số 1.786 phương tiện mang cấp VR-SB (tàu pha sông –biển), đang hoạt động, trong đó phương tiện chở hàng 839 chiếc, chiếm 0,5% so với phương tiện thủy nội địa. Tổng số phương tiện vận chuyển thủy nội bộ chở hàng là 167,800 chiếc được đăng kiểm.(*)
Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), đội tàu biển Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới. Trong đó, số luợng tàu hàng rời, tổng hợp có 757 tàu, tàu chở dầu, hóa chất có 159 tàu, tàu chuyên dụng khí hóa lỏng có 19, đội tàu container có 38 tàu, tàu chở khách có 65 tàu, đội tàu vận tải. Tổng tàu biển hoạt động là 1,038 chiếc. (*)
Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 40% đội tàu Việt Nam phải sửa chữa ở các cơ sở công nghiệp tàu thủy nuớc ngoài. Do chưa được bổ sung về vốn, hạ tầng cơ sở và thiết bị của doanh nghiệp đóng tàu nên chưa thể thực hiện chiến luợc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu với các mục tiêu của quy hoạch; chưa cạnh tranh đuợc với các nuớc trong khu vực ASEAN và Châu Á – Thái Bình Dương. Có nghĩa là một lượng lớn dầu nhớt được cấp từ các cơ sở sửa chữa từ nước ngoài.
Vận chuyển hành khách
Tính chung năm 2020, vận tải hành khách đạt 3.561,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,6% so với năm trước (năm 2019 tăng 11%). Xu hướng vận chuyển hành khách tăng mạnh bằng đường hàng không, đường bộ giảm, và một phần lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô và xe máy.
Trong 9 tháng năm 2020, số lượng hành khách vận chuyển bằng đường hàng không chỉ đạt 22,5 triệu lượt khách, giảm 45,5%. Cả năm vận chuyển hành khách bằng đường hàng không khoảng 32 triệu lượt. Trong khi đó, lượt khách lên tàu (đường sắt) trong năm tương đương 12 triệu lượt. Tính chung, vận chuyển hành khách bằng đường bộ vẫn mang tính chủ đạo như trước đây.
Cho đến tháng 11/2020, cả nước có tổng cộng hơn 233 ngàn tàu sông/biển vận chuyển hành khách. Và hơn 4,2 triệu ô tô đang lưu hành bao gồm xe tải, xe khách và ô tô cá nhân… (Theo cục đăng kiểm Việt nam)
Trong phân khúc vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, ESKA không khảo sát vì đây là thị trường gần như độc quyền, không có tính cạnh tranh vì chỉ tập trung vào vài ba doanh nghiệp được chi phối. Phân khúc dầu nhớt cho ngành này cũng gần như bó hẹp trong phạm vi sản lượng tiêu thụ khoảng 1,000 Tấn/năm.
Thị trường dầu nhớt cho phân khúc vận tải HDEO
Lượng tiêu thụ dầu nhớt HDEO cho phân khúc tàu thủy chiếm lượng lớn trong phân khúc vận tải, tập trung tại các thành phố với các tuyến lưu thông thủy có cảng nội địa và cảng biển. Phân khúc dùng cho tàu thuyền đánh cá tiêu thụ lớn tại phía Nam với các ngư trường/ vùng biển phía đông (Hoàng sa, Trường sa) nước ta và vịnh Thái lan, cũng như vùng biển giáp ranh Malaysia/Indonesia từ vĩ tuyến 6-80.
Một số nhãn hiệu lớn như Castrol, tập trung đều trên khắp cả nước. Shell được ưa chuộng tại các khu vực cảng dọc ven biển phía nam, đứt gãy hệ thống phân phối từ phía Bắc cho đến miền Trung. Total tập trung chính một vài vùng trọng điểm nhưng yếu ớt. Đa phần còn lại là sự chia sẽ từ nhiều nhãn hiệu khác nhau, cả sản xuất nội địa trong nước cũng như nhập khẩu. Tuy nhiên đây không phải là sân chơi cho các nhãn hiệu nhỏ pha chế trong nước vì chất lượng không đáp ứng yêu cầu.
Lượng tiêu thụ dầu nhớt HDEO cho phân khúc vận tải hành khách cũng giảm tương đương 20% so với năm 2019. Tổng sản lượng tiêu thụ dầu nhớt được ước tính: 91 ngàn tấn (theo khảo sát ESKA), một phần thực hiện giãn cách xã hội trong năm và nhu cầu sử dụng xe khách vận chuyển liên tỉnh giảm, thêm vào đó nhu cầu dịch chuyển bằng phương tiện cá nhân tăng cao như đã đề cập.
Đây là phân khúc có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhãn hiệu lớn, cho đến các nhãn hiệu nhỏ cũng như dầu nhớt nhập khẩu. Nhìn chung, đây là phân khúc tương đối dễ cạnh tranh vì dầu động cơ cho phân khúc này dễ sản xuất từ bình dân cho đến cao cấp, tuy nhiên, chất lượng thì tốt thật là tốt nhưng xấu thì cũng thật là xấu, tùy quan điểm và năng lực của nhà sản xuất.
(Còn tiếp…)
Theo ESKA Singapore, Made in Singapore
21.1.2020, còn 17 ngày nữa là Tết.
Trong bài có sử dụng tư liệu, số liệu: ”Báo cáo Logistic Việt nam 2020(*)– Bộ Công Thương”; “Thống kê kinh tế xã hội Việt nam 2020- TCTK”, số liệu Cục Đăng Kiểm Việt nam.