Ngành công nghiệp Dầu nhớt Việt Nam: năm Covid-19 lần thứ nhất (P1): Nền kinh tế bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch toàn cầu

Tình hình kinh tế vĩ mô 2020

Việt Nam bước vào năm 2020 với nhiều kỳ vọng về tăng trưởng nhờ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu nhằm tránh xung đột Mỹ – Trung, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị mong muốn hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra về kinh tế- xã hội cho giai đoạn 2016-2020. Song song đó với việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và nhiều khối (khu vực) trên thế giới, Việt nam chưa bao giờ có niềm tin mãnh liệt sẽ đạt được thành quả cao về mức tăng trưởng GDP như vậy.

Mặc dù vậy, tháng 1/2020, Covid – 19 xuất hiện tại Vũ Hán (Trung quốc) sau đó lan nhanh ra toàn cầu, trong đó có Việt nam, khiến cho mọi kế hoạch trở nên bất khả thi. Kinh tế thế giới lao dốc không phanh, các chuỗi cung ứng toàn cầu có thời điểm bị đứt gãy, các đợt giãn cách xã hội trên quy mô cả nước khiến nền sản xuất và sức cầu nội địa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế cho thấy sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Trong đó, GDP quý 1 tăng 3,68%, quý 2 tăng 0,39%, quý 3 tăng 2,69%, quý 4 tăng 4,48%. Tuy nhiên, với việc kiểm soát dịch bệnh thành công, GDP cả năm tăng 2,91%, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong số những quốc gia hiếm hoi trên thế giới vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương.

Nhìn vào các số liệu vĩ mô do Cục Thống kê công bố trong 3 tháng cuối năm thì có thể thấy đà hồi phục kinh tế đang diễn ra khá mạnh, theo mô hình chữ V. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2020 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019, gần bằng mức tăng trưởng như trước khi có dịch xảy ra. Kim ngạch nhập khẩu riêng trong tháng 12 tăng mạnh 22.7% cho thấy triển vọng xuất khẩu của Việt nam trong thời gian tới và niềm tin của doanh nghiệp trong nước đang cải thiện nhanh, do phần lớn hàng nhập khẩu của Việt nam là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho xuất khẩu.

Giá nguyên liệu (dầu gốc) và giá dầu thành phẩm nhiều biến động.

Bước vào tháng 12/2020, giá dầu gốc quay trở lại ngang bằng giá của cuối năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu. Trong khi đó, tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều bị tổn thương, đều này có nghĩa rằng so sánh về mức giá thì dầu gốc đắt hơn cùng kỳ. Đây là một nghịch lý mà ít có người trong ngành nghĩ đến.

Lý giải cho điều này thì tất cả đều đổ cho Covid-19 và các đợt phong tỏa về nhu cầu đi lại dẫn đến các nền kinh tế bị hạn chế hoạt động. Ngành vận tải đường bộ, hàng không tê liệt trên phạm vi toàn cầu dẫn đến nhu cầu về nhiên liệu thấp kỷ lục vào giữa năm bắt buộc các nhà máy lọc dầu phải hoạt động cầm chừng hay ngừng hẳn sản xuất vì không còn chỗ để tồn trữ.

Ngày 20-4 (rạng sáng 21-4 giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng. Giá dầu WTI ban đầu rơi xuống tận -40,32 USD/thùng rồi quay đầu tăng lên -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch.

Trong 1 phiên giao dịch nhưng phản ánh tình trạng thừa cung của dầu thô do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng không đáng kể so với khai thác. Giá dầu âm có nghĩa là người bán phải trả tiền thêm cho người mua, do đây là các hợp đồng kỳ hạn (giao trong tháng 5/2020) và dự báo sẽ không có chỗ chứa nguồn dầu khai thác sắp tới. Tại các châu lục, tàu chứa dầu lang thang trên các đại dương khắp nơi,….

Cùng thời điểm đó, giá dầu gốc cũng mất đi tương đương 35% so với đầu năm, đưa về giá thấp nhất trong vòng 5 năm. Tình trạng này kéo dài cho đến tháng 8/2020 khi một số tín hiệu về vaccin phòng ngừa Covid-19 thử nghiệm có tín hiệu khả quan tại Anh, Mỹ và Trung quốc…

Thị trường dầu gốc đi về cuối năm càng khan hiếm do các nhà máy đóng cửa một phần, giá dầu thô (crude oil) cũng tăng ổn định, nhu cầu phục vụ cho một số nền kinh tế tại Châu Á có tín hiệu khởi sắc do kiểm soát tốt Covid-19 như Trung quốc, Việt nam, Ấn độ,…tình hình nghiêm trọng khan hiếm khi Trung quốc bắt đầu vơ vét nguồn dầu gốc tại vùng Đông Bắc Châu á (Hàn quốc, Đài loan, Nhật bản) phục vụ cho sự hồi sinh kinh tế …

Trung quốc cũng ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt thương mại của Hoa kỳ trong suốt thời gian này, tuy nhiên, một lần nữa, Trung quốc trở thành tâm điểm hay điểm sáng toàn cầu về tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu Trung quốc nhảy vọt đến Châu Âu và Hoa kỳ,…dẫn đến tình trạng điều chuyển đối lưu container rỗng không cân bằng. Các hãng tàu phải chở hầu hết container rỗng từ các khu vực về phục vụ cho việc xuất khẩu của Trung quốc, điều này làm tăng chi phí thuê container rỗng trong khu vực. Một phần có sự tranh thủ tìm kiếm lợi nhuận của hãng tàu dẫn đến giá vận chuyển dầu gốc tăng chóng mặt (giá thuê tàu). Tình trạng hủy chỗ và trì hoãn kế hoạch chạy tàu liên tục cũng ảnh hưởng đến giá dầu gốc.

Cho đến cuối năm, tình hình thật sự khan hiếm dầu gốc do một phần đầu cơ giá tăng làm chao đảo các nhà sản xuất dầu nhớt nhỏ và độc lập. Có thể dự đoán thị trường vẫn duy trì tình trạng giá cao và khan hiếm kéo dài trong năm 2021 trong khu vực.

(còn tiếp…)

Theo ESKA Singapore, Made in Singapore

Trong bài viết có sử dụng tư liệu từ Internet, Tạp Chí Kinh tế Sài gòn, số 31.12.2020