Ngoài kia gió vẫn thổi…2022! Phần 1

Nhng ngày cuối năm không như thông lệ: ngồi tìm tòi, lục lọi những con số thống kê trong năm, tăng trưởng GDP bao nhiêu, chỉ số công nghiệp, vận tải, xây dựng tăng trưởng bao nhiêu so với năm rồi?. Bao nhiêu ngàn doanh nghiệp đóng cửa rời bỏ cuộc chơi, bao nhiêu ngàn người lao động quy cố hương bỏ lại thị thành với bao công việc bộn bề…? Nhiều câu hỏi để mưu cầu thấu hiểu nền kinh tế đang vận hành theo cách thức có thể quán chiếu vào công việc kinh doanh của người viết hay không? Có theo kịp sự thay đổi trên khắp mọi lãnh vực của đời sống hay không?…

Đó là những năm trước!. Năm nay, bước qua một năm 2022..

Nắng.

Trước ngày Đông chí, rơi vào khoảng cuối tháng 12 theo dương lịch, gió tín phong mang nồm ẩm thổi từ biển vào đất liền mang mưa ở miền Bắc, nhưng ngược lại mang vị mặn gắt ở miền Nam. Nắng ngày càng gắt kéo dài qua hết tháng 4 thì gió mùa tây nam thổi theo hướng ngược lại…

Khi sương giá ngày heo may buổi sáng tan đi, ngồi café Bờ Hồ nhìn nắng vàng ươm vào độ giữa trưa nghiên dài trên tháp, đổ trên cây gạo già trơ lá ven bờ. Dọc công viên Lê Thái Tổ vắng lặng khách bộ hành, đường phố chậm rãi… Một năm không bình thường như mọi năm. Nhưng nắng vẫn vàng như năm cũ, gió lạnh vẫn mơn man khi thời gian vẫn chậm rãi trôi đi…Có những điều giản dị nhưng bất biến, có những toan tính nghĩ suy nhưng là tạm bợ, cuộc đời con người dường như vậy, chìm đắm, quay cuồng trong tìm kiếm mông lung. Thế nhân bảo rong chơi trong cuộc đời, tự hỏi lòng mình có được?

Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi, đời con giờ đây đang còn lênh đênh, đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn” …lời bài hát từ ca sĩ Duy Khánh xưa trên chuyến xe rong đuổi theo dọc dài đất nước, không phải là người chinh nhân ngày trước, nhưng là tâm trạng của đa số người lao động tha hương.

Khoảng 70% dân số Việt nam sống ở nông thôn và hoạt động nông nghiệp là chủ yếu, trong đó tỷ lệ người dân rời bỏ làng mạc đến thành thị lao động tự do hay làm việc trong các hãng xưởng ở các trung tâm công nghiệp tập trung chiếm phần lớn người còn trong tuổi lao động. Thế nhưng, năm 2021 có sự điều chỉnh ngược lại: hơn 2,2 triệu dân hay người lao động di cư trở lại nông thôn vì đại địch Covid-19 và cũng vì những khó khăn gây nên bởi “bài học ứng xử” trước dịch bệnh của chính quyền địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn.\

Bên dòng sông Trẹm.

Những ngày cuối năm, dự án cống ngăn mặn Cái Lớn-Cái Bé vận hành thử nghiệm, nước sông như ngừng chảy…Cả vùng U Minh Thượng, miệt Thứ… trước đây ảnh hưởng chế độ nước bán nhật triều, ngày 2 bận nước lên xuống…con tôm con cua trong ao, trong vuông còn được thay nước mát hàng ngày, cả vùng này một bên nước lợ nuôi thủy sản, một bên là lõi lúa kéo dài qua tận Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…ngăn cách bởi con sông Trẹm nổi tiếng. Như câu chuyện tình ngang trái của Triệu Vĩ và Mỹ Lan vì không môn đăng hộ đối đã bị gia đình Triệu Vĩ ngăn cản nên mối lương duyên của họ lại trở thành nghiệt duyên bởi chính người mẹ cổ hủ của Triệu Vĩ, đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của người đọc (tiểu thuyết Bên dòng sông Trẹm của tác giả Dương Hà).

Vùng đồng bằng sông Cửu Long thường đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn lớn gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất và đời sống của gần 20 triệu người dân trong vùng. Tác động của các công trình thủy lợi ngăn mặn xâm nhập vào đất liền là có lợi thấy trước mắt nhưng theo các chuyên gia thì chính các công trình này làm hoang hóa đất đai và gây nên sự ô nhiễm diện rộng trên cả toàn bán đảo Cà Mau…chiếm ¼ diện tích và dân số của cả vùng đồng bằng vì nước sinh hoạt và từ các nhà máy sản xuất không tiêu thoát dồn ứ trong vùng được ngăn mặn.

Nắng phương Nam cháy rát khác cái hanh hao, vàng vọt của nắng phương Bắc, thời tiết ngày càng khắc nghiệt do bàn tay con người cứ dời non lấp biển cải tạo ý trời. Xưa mưa thuận gió hòa, ngày con nước lớn nước ròng theo dòng kênh tắm tưới ruộng đồng xanh tươi, chỗ thì con nước lợ nuôi dưỡng những bãi bồi nơi con tôm con cá sinh sống… Nói cua Cà Mau nổi tiếng là vậy.!

Bên cây lúa, bên con tôm, ngăn cách bởi dòng sông Trẹm…Giờ đây?

 Còn tiếp…

 Theo Eska Singapore.