Người lạ…(*)


Tại sao chúng ta không dám mở cửa xã hội, đưa cuộc sống về trở lại bình thường?

Đó là nỗi sợ hãi.

“Sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên, mạnh mẽ và nguyên thủy của con người. Nó liên quan đến phản ứng sinh hóa phổ quát cũng như phản ứng cảm xúc cá nhân. Nỗi sợ hãi sẽ cảnh báo chúng ta về sự xuất hiện của nguy hiểm hoặc mối đe dọa có thể gây tổn hại, cho dù mối nguy hiểm đó là thể chất hay tâm lý.”

Vô thức. Sáng Chúa nhật, 23-5, Linh thức giấc sớm, bé Na còn ôm Thanh say ngủ…. Sài Gòn mùa hè trời mau sáng. Từ trong hẻm, sát vách sân bay, đi ra đường Quang Trung nơi nhà thờ Xóm Thuốc, cũng hơn 15 phút, như một thói quen trước đây, Linh thích rảo bộ đi lễ sớm. Bé Na là kết quả của mối tình “cổ tích” với Duy, mối tình nảy nở trong thế giới ảo của mạng internet. Hai năm quen nhau, vài ba lần gặp “off-line” rồi Linh có bé Na. Giáo họ ở phố thị Plei-ku lời ra tiếng vào, Linh bồng bé Na xuống Sài Gòn tá túc nhà dì Nguyện. Gặp Thanh, đồng cảm, người hay ngồi cà phê tư lự một mình trong góc cửa hàng tiện lợi mà Linh làm nhân viên, cả 2 dắt nhau về sống ở xóm trọ này. Thanh mắc hội chứng lưỡng giới giả nam!

“Trong sáu ngày, con đã lao động và làm mọi việc …nên ngày thứ 7 là hưu lễ kính Thiên Chúa. Trong sáu ngày, Thiên Chúa đã làm nên trời đất, biển và tất cả mọi sự trong các nơi ấy, nhưng Người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy, bởi thế, Thiên Chúa đã chúc lành cho ngày thứ bảy và tác thành nó”..Lời kinh lại vang lên…Linh thích Lễ sớm Chúa Nhật, thường đa số là người lớn tuổi như ba như mẹ, thấy thật gần gũi…Nhà thờ hôm nay thật đông!

Nỗi sợ hãi đến từ truyền thông!

Dịch Covid-19, ai cũng nghe thấy và biết là đáng sợ. Cho đến ngày nay, nhân loại đã thấu hiểu tường tận cấu trúc và hoạt động của Coronavirus, cũng như phản ứng của cơ thể con người đối với loại virus này. Thế nhưng, tại sao chúng ta lại sợ hãi Coronavirus? Lý do, một phần chúng ta tiếp nhận thông tin quá nhiều về con virus này cũng như bệnh dịch Covid-19 lan tràn khắp nơi trên thế giới thông qua phương tiện truyền thông như báo chí, internet và cả trong câu chuyện …phiếm. Truyền thông Việt nam liên tục đưa tin về bệnh dịch Covid-19 tại nhiều điểm nóng trên thế giới, đôi khi, một hình ảnh tụ tập đông đúc tại Ấn Độ cũng được gán cho nguyên nhân bùng phát bệnh dịch trên báo chí hay trên các trang mạng xã hội.
Cho nên, nỗi sợ hãi đó hiện đang bao trùm lên toàn bộ Việt nam không chỉ bởi sự bùng phát bệnh dịch, nhưng so với các nước vẫn chưa đến mức độ hoảng loạn, mà còn là tự bản thân chúng ta quá sợ hãi.

Nỗi sợ hãi đến từ sự thật!

Theo hiểu biết của rất nhiều chuyên gia, đối với Coronavirus biến thể Delta, sự lây lan nhanh chóng và tùy theo sức khỏe vật chủ (người) độc lực dẫn đến triệu chứng nặng hay nhẹ. Và theo thống kê thì có đến 80% là người nhiễm bệnh không có triệu chứng. Còn lại, thì chỉ 5% là có tình trạng diễn biến trở nên nặng. Trong suốt gần 1,5 năm qua, trên thế giới, tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 2% số ca nhiễm bệnh. Như vậy, càng nhiều người nhiễm bệnh thì càng nhiều người tử vong.

Nhiều chuyên gia về dịch tễ trên thế giới đã chỉ ra rằng, Coronavirus sẽ tồn tại tiếp tục trong tương lai, không có chuyện sẽ “triệt tiêu” hết virus cũng như đưa xã hội, cộng đồng về trạng thái bình thường như trước kia. Vậy cho nên, thế giới khuyên nên “sống chung với coronavirus” nhưng sống chung bằng cách nào?

Tỉnh thức. Ngày 31-5, Gò Vấp bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16, Linh dửng dưng, mặc dù từ Quang Trung qua Bình Thạnh phải qua 2 chốt kiểm tra khai báo y tế. Linh thấy cuộc đời phi lý, biết bao bệnh tật không sợ lại phải sợ con virus nhỏ bé kia. Mà cuộc đời Linh có gì mà phải đáng sợ nữa chứ, bao nhiêu hờn tủi Linh đã trải qua, chỉ lo cho Bé Na, Linh suy nghĩ miên man trên đường. Đêm đó Linh bắt đầu sốt, mua thuốc uống, qua hôm sau lại bắt đầu ho và không còn cảm được vị thức ăn. Đồng nghiệp bên cửa hàng đã nhập viện vì Covid, cửa hàng bị đóng cửa và giăng dây. Giọng người đàn ông xưng từ trung tâm y tế quận gọi vào điện thoại, yêu cầu chuẩn bị đồ đạt cả phòng để đi cách ly vì Linh là F1. Trời đất như sụp xuống dưới chân Linh. Bé Na thì hồn nhiên chị chị, em em với con búp bê bé xíu. Thanh gục đầu lên gối, hàng ria mép lún phún động đậy, khẻ nhếch mép buông tiếng “Ừhm” ra vẻ bắt cần. Lần đó, Thanh đi luôn…không về!


Theo như nhiều quốc gia khi độ phủ vaccine đến mức có thể coi “miễn dịch cộng đồng” như mặc định trước đây là mức 70%, nay nâng lên 80%, 90%,..cho người trưởng thành thì có thể mở cửa xã hội. Trớ trêu thay, “miễn dịch cộng đồng” có thể là khái niệm về lý thuyết khi khoa học chứng minh những người đã tiêm 2 liều vaccine vẫn bị nhiễm Coronavirus như thường. Nay các nước lại tiếp tục khuyến cáo nên có mũi “tăng cường”, tức liều thứ 3 để tăng cường miễn dịch. Liệu có liều thứ 4, thứ 5,…? Chắc chắn có vì kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian.

Trong khi đó, Việt nam đang quay cuồng trong lệnh phong tỏa nhiều nơi, và vật vã vì thiếu…vaccine. Sài Gòn là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề số ca nhiễm nhiều, tỷ lệ tử vong cao, thời gian phong tỏa dài và kinh tế ngày càng khó khăn, có thể dẫn đến kiệt quệ về tinh thần và sinh kế cho người dân. Tuy vậy, Sài Gòn có được may mắn là người dân được tiêm vaccine trên 85% cho mũi đầu tiên đối với người trưởng thành.

Linh vật vã trong bệnh viện dã chiến ở Tham Lương hơn 20 ngày, may mà Bé Na không sao. Sau ngày xét nghiệm âm tính, bệnh viện cho xe cứu thương chở về…Cả con hẻm hắt hiu, phòng đóng cửa im lìm, khu nhà trọ quy định không cho ai ra vào, Linh năn nỉ vì không biết đi đâu. “Thằng Đạt”, quản lý, nhìn cả 2 mẹ con tỏ ra thương cảm, nhưng Linh biết cũng cái nhìn đó hàng ngày là một ý khác!. Khu trọ Linh ở đâu đó hơn hai chục gia đình. Những ngày giữa tháng 7, cả sài Gòn bị phong tỏa. Gạo mắm, muối và sữa cho bé Na bắt đầu vơi; may mà dì Nguyện tiếp tế cho được ít rau và thịt…Nhưng không thể ở mãi như thế này được, 2 mẹ con cứ thui thủi trong phòng chỉ với cái điện thoại, không ti vi,…Thức ăn thì vơi dần, nhưng quan trọng là tới kỳ đóng tiền…và bao nhiêu thứ cần thiết cho con, mà có tiền cũng không mua được. Mấy lần, Linh tính đèo theo Bé Na đi theo đoàn trốn về Pleiku, nhưng liệu có đi nổi không? Con còn nhỏ…

Cả phường chỗ khu trọ giờ là “vùng đỏ”, mọi người được đi tiêm vaccine. Linh thì không cần,…

Mọi chuyện sẽ đơn giản khi có đầy đủ vaccine để chủng ngừa cho toàn thể người dân. Nhưng đó là điều KHÔNG THỂ trong giai đoạn này và có thể kéo dài đến hết năm sau, 2022. Vậy trong thời gian chờ đợi đến khi chúng ta có tiêm đủ vaccine cho gần 90 triệu dân trưởng thành, thì liệu có các biến thể coronavirus nào khác có thể kháng vaccine hay không? Nếu có, thì thế giới vẫn quay cuồng trong sự thiếu hụt vaccine mới tạo ra, như vậy, Việt nam không thể nào trở lại trạng thái cuộc sống dễ thở hơn về một số mặt tối thiểu. Liệu có ai đặt câu hỏi, bây giờ chúng ta phải ứng xử như thế nào với đại dịch trong tình hình hiện nay và tương lai? Chắc chắn là Có! Các chuyên gia đã viết nhiều và đưa ra nhiều khuyến nghị, nhưng trong tất cả, cuối cùng vẫn là câu chuyện phải phủ vaccine cho toàn bộ người dân trước tiên!

Bỏ qua nỗi sợ hãi,các nước xung quanh chúng ta mở cửa lại xã hội.

Singapore đã mở cửa trở lại vào ngày Quốc khánh 9-8, họ xác định sống chung với dịch bệnh và bắt đầu không đếm ca lây nhiễm hàng ngày. Nhưng Singapore đã có tỷ lệ chủng ngừa đầy đủ cao nhất thế giới, trên 80%, vào ngày 29-8.

Kể từ ngày 24-8, các địa điểm tại Indonesia theo quy định sẽ được cho phép mở cửa một phần, trong đó nhà hàng sẽ được đón 25% sức chứa, còn trung tâm mua sắm được tiếp 50% lượng khách bình thường. Số liệu ngày 23-8, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 6 qua, Indonesia ghi nhận ít hơn 10.000 ca/ngày. Jakarta là nơi được tiêm chủng cao nhất, gần như miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên , cả nước Indonesia, chỉ 11% đã tiêm đầy đủ kể từ lúc khởi động chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 1.”
Ngày 1-9, Thái Lan đã mở cửa trở lại các hoạt động thường nhật, nhưng có giới hạn như về vận tải hành khách liên tỉnh, hay về khoảng cách của thực khách trong quán xá, và cả thời gian mở cửa hay đóng cửa các hoạt động xã hội,…Sáng ngày đó, thủ đô Bangkok lại bị kẹt xe,…

Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm của Thái Lan, Indonesia vẫn còn tương đương Việt nam, tính theo ngày, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn…Làm được như vậy, Thái Lan, Indonesia đã bước qua nỗi sợ hãi về bệnh dịch.

Trách nhiệm về quản lý xã hội.

Chuẩn bị tâm lý và kiến thức ứng phó với bệnh tật cho người dân. Bệnh tật có thể chữa trị được như ai cũng đã biết hiện nay, sự mất mát là phải chất nhận như bao loại bệnh tật khác, nhưng đề cao sự cảnh giác của mỗi cá nhân. Trong đó, các hành động ứng xử trong gia đình, xã hội sẽ tác động trực tiếp đến bản thân và người xung quanh, cho nên, cần ý thức sự chuẩn mực trong đời sống sinh hoạt phù hợp với tình hình hiện tại. Đây là điều như ai cũng đã biết và hiểu, nhưng cũng khó thực hiện vì trình độ và nhận thức khác nhau.

Về mặt chính quyền cơ sở như phường (xã, thị trấn) đề cao vai trò người đứng đầu. Mọi thành công hay thất bại phụ thuộc vào trách nhiệm và sự tận tâm của người đứng đầu cấp cơ sở này. Người đứng đầu đơn vị hành chánh như vậy PHẢI có đầy đủ quyền hạn và nguồn lực về điều phối an sinh, an ninh trật tự và cả chăm lo dịch vụ y tế cho người dân. Về Y tế, có thể chăm lo chữa trị tại nhà cho mỗi người dân thông qua y tế địa phương. Mỗi bác sĩ (như bác sỹ gia đình) phụ trách theo từng tổ, khu phố theo tỷ lệ bao nhiêu người dân/ bác sỹ, y tá và điều dưỡng? Tất nhiên, sự can thiệp về y khoa có nhiều tuyến để hỗ trợ chuyên sâu, nhưng chăm sóc ban đầu phải từ địa phương! Có như vậy mới làm hệ thống không bị quá tải!

Về chính quyền cấp cao hơn thì có cách quản lý cấp cao, đó là vạch ra các phương án hay bổ sung nguồn lực để chính quyền cấp cơ sở hoạt động thông suốt không vướng mắc cơ chế. Như vậy, hoạt động chống dịch của một thành phố như Sài Gòn hay các tỉnh khác sẽ không nhẹ nhàng nhưng trơn tru, chứ không phải tất cả đều …chống dịch bằng “Chỉ thị” để rồi người dân không biết trông cậy vào đâu để sinh kế và không biết kêu ai khi ốm đau bệnh tật. Vì tất cả đều sợ!

Nổi loạn. Mọi sự việc ở đời đều vô nghĩa, và con người chỉ còn một cách chống lại sự phi lý của đời người là nổi loạn. Đầu tháng 8, Linh và Bé Na hết tiền, chỉ còn gạo. Sữa không có, trái cây cũng không… Người Bé Na xanh xao, yếu hơn vì thiếu ánh nắng mặt trời. Linh cũng yếu hơn vì thiếu dinh dưỡng, nhưng có thể thức cả đêm không ngủ…Cả khu trọ tiêu điều, người bị bệnh lai rai hết phòng này đến phòng kia cũng vài ba chục người; dường như con vi rút ấy từ không khí? Biết là không khoa học nhưng cũng không thể lý giải được nguồn lây. Những tuần đầu tiên, y tế phường còn xuống lấy mẫu xét nghiệm, mỗi lần vậy đều phát hiện ra năm bảy ca … Sợi dây giăng bắt chéo vội vàng ngang cổng, mưa nắng cũng ngã màu, rách te tua, lơ phơ theo gió.

Kể từ lúc “thành phố” quá tải, cũng cả tháng nay, không y tế nào xuống nữa. Ai ho, sốt, cứ đóng cửa trong phòng, công an khu vực để “bịch thuốc” trước cửa; vài ba bữa có đoàn từ thiện đem tới rau, củ, không có thịt cá,…! Thằng Đạt nói:” Nhìn…mún khóc!”. Mà đêm nào bé Na cũng khóc, khóc vì sợ. Cái hũ tro của Thanh không có người nhà ở Sài Gòn nhận nên Linh phải nhận giùm, để cạnh bên tấm nệm ngủ. Linh cũng sợ!

Ngày 23-8, Sài Gòn lại tiếp tục phong tỏa thêm 1 tháng, chính quyền lệnh “ở yên”. Đêm, Linh dọn đồ chất sẵn lên chiếc xe ga, mai chạy về Pleiku, tới đâu hay tới đó.Trời chưa sáng, bồng bé Na dậy, nịt trước bụng. Na vẫn còn ngủ, Linh lén mở cửa cổng, chạy vòng vo vài con hẻm theo đường Nguyễn Oanh ra xa lộ Đại Hàn để qua Bình Dương. Ngã tư Bình Phước tắt nghẽn bởi hàng ngàn chiếc xe máy bị bao vây bởi lực lượng vừa công an, vừa cảnh sát cơ động. Tiếng loa phát ra kêu gọi mọi người qua trở lại…Cảnh tượng hỗn loạn, cũng có va quẹt, cũng có người té xuống đường…Linh cũng gục xuống, khóc tức tưởi, bé Na choàng tỉnh giấc khóc ngất lên vì sợ.

Xe bên công an giao thông đưa hai mẹ con về tận phòng trọ. Thằng Đạt hả hê,…Linh còn nợ tiền trọ 2 tháng, may có công an can thiệp, nhưng tiền đâu để trả cho nó? Chiều, bên từ thiện của nhà thờ xuống, mang cho Linh bao gạo, thực phẩm và có 6 hộp sữa đậu nành Fami, dặn…nhớ cầu nguyện!.

Vậy bước qua nỗi sợ hãi, Sài Gòn mở cửa lại xã hội được không?

Tỷ lệ chủng ngừa Vaccine mũi 1 ở Sài Gòn khá cao, có thể trên 85% , và theo các chuyên gia thì khả năng bảo vệ được đối với biến chủng Delta trong khoảng từ 40-50%. Vậy liệu những người đã tiêm phòng mũi 1 thì khi bị nhiễm bệnh các triệu chứng có trở nên nặng hay không? Có ai đã nghiên cứu hay chưa? Nếu như đối tượng người dân cần được bảo vệ đã được bảo vệ thì khi trả lời câu hỏi trên với mức độ diễn tiến bệnh tật nhẹ nhàng thì đó là điều may mắn và chúng ta cần phải mở cửa. Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1, người trưởng thành sau khi tiêm 1 mũi vaccine, ai bệnh thì tự hết, con nít ai bệnh thì tự hết và ai có bệnh nặng thì cần chữa trị. Cần phải biết chấp nhận trong “hoàn cảnh mới” trong đó sự mất mát là có, cho nên tập trung tuyến cuối chữa trị cho thật tốt, chăm sóc cho người bệnh nặng cho thật chu đáo thì mới mong giảm được số người tử vong.

Thế nhưng, như hiện tại mà Sài Gòn mở cửa thì sẽ… vỡ trận. Liệu có chấp nhận?

Đúng vậy, chỉ có Sài Gòn may mắn được phủ vaccine tương đối cho toàn thể người dân, dù chưa hoàn thành. Nhưng như đã đề cập, không thể dùng rào cản về địa lý hay vùng miền đối với bệnh dịch Covid -19. Dù Sài Gòn có tiêm đủ 100% 2 liều vaccine cho người dân thì dịch bệnh vẫn cứ diễn ra nhưng sẽ đỡ vất vả hơn cho hệ thống y tế vì tỷ lệ nhiễm và tử vong thấp hơn, vì các vùng miền xung quanh, giáp ranh có phủ hết vaccine chưa? Đó là cái khó khi Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai,..v.v có độ phủ vaccine rất thấp, và cả các tỉnh, thành thuộc đồng bằng Mekong cũng vậy. Cho nên, có nhiều phương án để ưu tiên, hoặc ưu tiên cho tỉnh/thành có mức độ quan trọng về mật độ dân cư và kinh tế, hoặc toàn bộ đối tượng cần bảo vệ trước, hay chỉ cần tiêm 1 mũi cho toàn bộ người dân? Lựa chọn là quyết định khó khăn cho chính quyền Việt nam trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng có thể thấy rằng, phải biết chấp nhận sự hy sinh để bảo toàn được kinh tế cho cả nước, đó là tập trung cho Sài Gòn và các tỉnh trọng yếu.

Sự sợ hãi của chúng ta là có thật chứ không mơ hồ, nhưng trả giá cho sự sợ hãi đó là cái giá quá đắt về thiệt hại cả con người, tâm lý và kinh tế, xã hội. Liệu chúng ta dám bước qua nỗi sợ hãi và đương đầu với đại dịch hay không?

Dân số Ấn Độ tương đương 1,4 tỷ người, cho đến hiện tại, Ấn Độ báo cáo có 32,9 triệu ca nhiễm Covid- 19 và 440 ngàn người tử vong, chiếm 1,3% người nhiễm bệnh. Trong khi tỷ lệ tử vong tại Việt nam khoảng 2,2%, là mức trung bình trên thế giới. Nhưng theo khảo sát thì 2/3 dân số Ấn Độ có kháng thể với coronavirus làm ngạc nhiên giới khoa học, trong khi tỷ lệ tiêm chủng không cao. Theo số liệu thống kê từ trang Our World in Data, Ấn Độ đã tiến hành tiêm hơn 670 triệu liều vaccine cho người dân, với chỉ hơn 154 triệu người được tiêm đủ hai mũi, chiếm 11,3% dân số nước này. Thế thì Ấn Độ khống chế thành công bệnh dịch (hiện tại vẫn tồn tại nhiễm bệnh, nhưng mức thấp) là do giãn cách xã hội kéo dài?
Không! Ấn Độ ban bố tình trạng phong tỏa toàn quốc đối diện với làn sóng lây nhiễm thứ 2 trong năm 2021 vào ngày 1-4 và kéo dài đến 30-4, sau đó gia hạn từ 1-5 đến 15-5, 45 ngày. Trong khi đó tại Sài Gòn tình trạng giãn cách đã tương đương 3 tháng, 90 ngày, và sẽ còn tiếp tục kéo dài…

Đại dịch sẽ kết thúc như thế nào?

Lý thuyết “bàn tay vô hình” của Alan Smith cho rằng mỗi cá nhân theo đuổi một mối quan tâm và xu hướng lợi ích riêng cho cá nhân mình, và chính các hành động của những cá nhân này lại có xu hướng thúc đẩy nhiều hơn và củng cố lợi ích cho toàn cộng đồng thông qua một “bàn tay vô hình”! Đó là lý thuyết về kinh tế. Nhưng sẽ có một “bàn tay vô hình” có thể sắp xếp trật tự xã hội hiện nay trở về trạng thái như trước đại dịch. Làm cho dịch bệnh sẽ tự “diễn biến” bằng cách qua mỗi thời kỳ lây nhiễm coronavirus sẽ “tiến hóa lùi” khi “độc lực giảm” để nhân loại có thể chống chọi bằng cơ chế bình thường như nhiễm bệnh cảm cúm?. Tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người có chấp nhận xem nó là “cúm” như vậy hay không.
Đã có “bàn tay vô hình” sắp xếp như vậy vào giai đoạn năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra, lúc đó con người chưa biết cúm do virus gây ra, và thế giới chưa có vaccine. Virus gây cúm Tây Ban Nha cũng không biến mất, nó tiến hóa sản sinh ra hậu duệ là virus H1N1 ngày nay. Con người lúc đó cũng chưa đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, nhưng đã có nhiều người mắc bệnh rồi bình phục, được miễn nhiễm nên hình thành rào chắn dịch bệnh lan rộng ra trong cộng đồng.

Vậy rũ bỏ sợ hãi, chúng ta hãy bước ra! Được không?

Nghịch lý của phi lý. Trong tất cả những lần cầu nguyện, Linh tin rằng Chúa thấu hiểu nỗi đau, nhưng lại cản trở Linh đến gần hơn với Người một cách thuần lý, dường như sự trừng phạt của Người với Linh được ví như người lăn một tảng đá lên dốc mà Thượng đế cũng biết rằng tảng đá ấy sẽ lăn ngược trở lại. Tất cả nỗi đau dày vò Linh như vậy…Đêm. Linh đắm mình, sám nguyện trong bài kinh “Vực Sâu” để cứu vớt linh hồn Thanh cũng như cuộc đời mình… Giật mình. Tiếng gõ cửa của “Thằng” Đạt như mọi khi.!

Ngày 6/9, Sài Gòn chuẩn bị phong tỏa… tiếp theo.

Theo ESKA, Made in Singapore
Bài viết theo quan điểm cá nhân và có dùng số liệu, tư liệu từ internet.
Chuyện của Linh là câu chuyện có thật, được viết lại theo cấu trúc của tiểu thuyết :
L’Étranger– Người xa lạ” của nhà văn Albert Camus, do Thanh Thư dịch, NXB Hội Nhà văn, 2017.