Người Tây Đô…!

                                      “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy,

                                    Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra ….chào” (Út Trà Ôn)

Chuyện của Thy!

Thy là người con gái đất Tây Đô, làm việc tại Bình Dương. Kẹt lại ở Bình Dương do dịch bệnh!

Lấy cái tựa đề “Người Tây Đô” vì con gái Cần Thơ đẹp, như có phim “ Người đẹp Tây Đô”! Khi nói chuyện về miền Tây hay đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) thì thường lấy Cần Thơ làm đại diện. Cũng có thể sai, nhưng đối với người dân ở vùng đồng bằng này khi nói: “lên Cần thơ” hay “xuống Cần thơ” thì đó như là được đi thành phố lớn; giống như cậu học trò ở tỉnh ngơ ngác lên thành học trong các tác phẩm văn chương của nhà văn nam bộ Hồ Biểu Chánh…

Tp HCM và các tỉnh phụ cận Bình Dương, Long An, Tây Ninh, BR-VT được gọi chung là vùng Đông Nam Bộ. Là vùng có kinh tế phát triển nhất Việt Nam, dân số đông và dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), GDP, cũng như nhiều yếu tố kinh tế – xã hội khác.

Năm 2019, Đông Nam Bộ là vùng địa phương đóng góp 40% ngân sách và 45% GDP, 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Trong làn sóng lần thứ 4 của Coronavirus, khu vực Đông Nam Bộ chịu tổn thất nặng nề nhất với kinh tế, con người và cả hệ lụy các vấn đề xã hội. Trong đó là ảnh hưởng nặng nề về nhân lực lao động trong và sau thời kỳ “giãn cách/phong tỏa”. Dịch bệnh đã khiến toàn bộ vùng trọng điểm này tê liệt hoàn toàn, gây nên tình cảnh bấp bênh cuộc sống của người lao động, mà nổi trội nhất, chiếm phần lớn là lực lượng lao động nhập cư đến từ vùng ĐBSCL.

 “Dân số của 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long gần như không thay đổi trong 10 năm qua. Tốc độ tăng trưởng dân số là 0%. Trong khi đó, hơn 1 triệu dân rời đồng bằng lên TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ sinh sống. Con số này bằng cuộc di dân của 1 tỉnh”, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, cho hay. Điều đó cho thấy khu vực đồng bằng sông Cửu Long “đất không còn lành, chim không đậu”, kém phát triển, cơ hội việc làm ít nên chuyện người dân bỏ xứ ra đi là xu thế tất yếu. Ông Vũ Thành Tự Anh cũng cho rằng, một vấn đề đáng báo động nữa của vùng sông nước miền Tây chính là tỷ lệ bỏ học nhiều dẫn đến chất lượng nguồn lao động không cao. Nguyên nhân của việc bỏ học không phải vì lười mà vì có đi học cũng không có việc làm khi ra trường.! Đó là chuyện cách đây 1 năm, 2020!

 Ngày 15-7, Thy đi xe máy về quê.! Không được!

Số người đi xe máy về quê từ vùng Đông Nam Bộ trước, trong và sau giai đoạn giãn cách chưa có sự thống kê chính xác. Nhưng nhìn vào số liệu người dân đăng ký theo kênh “chính thống” của một số địa phương như: Thừa Thiên Huế 10,000 người, Phú Yên 15,000 người, hơn 18,500 công dân Nghệ An đăng ký qua wesite dangkyveque.nghean.org.vn…v.v Cho thấy một lực lượng lao động từ bỏ công việc để trở về quê hương rất lớn!

Sau giai đoạn “bình thường mới, 1.10” tại Sài Gòn và Bình Dương, Đồng Nai, Long An…Người dân, người lao động lại tiếp tục ùn ùn đi xe máy về Tây Nguyên, miền Trung, miền Tây…trong các ngày vừa qua.

Các lãnh đạo địa phương kêu gọi ngưng tiếp nhận nhưng có vẻ tình hình không khả quan! Sài Gòn và Đông Nam bộ, chính quyền kêu gọi người dân hay người lao động ở lại làm việc, được chủng ngừa vaccine nhưng người lao động tha hương có quan tâm?

Trong “biến cố” cách xử lý khủng hoảng bộc lộ nhiều lúng túng thiếu sót. Cho thấy năng lực quản lý thật sự của từng địa phương. Nổi trội hơn hết là tính quản lý cục bộ của địa phương, mỗi nơi mỗi kiểu, không có sự trao đổi liên kết vùng gây nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng từ nguyên vật liệu sản xuất cho đến lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Nếu như những ngày đầu, chính quyền biết nhìn xa trông rộng thì có thể thấy sẽ có hiện tượng di dân ngược lại từ các khu đô thị lớn hay các vùng trọng điểm kinh tế tập trung đông dân cư, nhất là đối với người lao động nhập cư. Vậy cho nên, sau khi đứt gãy chuỗi cung ứng thì hiện nay vấn đề lớn hơn và trả nhiều chi phí hơn để khôi phục kinh tế là xây dựng lại chuỗi cung ứng về “lực lượng lao động”. Con người, lực lượng lao động trong hoàn cảnh kinh tế kiệt quệ vì không thể sản xuất kinh doanh trong hơn 4 tháng qua là quan trọng nhất. Các mô hình chuyển đổi sẽ diễn ra trong tương lai để thích ứng, nhưng cần thời gian. Cái trước mắt là cần có lao động thì nhà máy, hãng xưởng mới hoạt động được, từ đó kéo theo các ngành dịch vụ và tiêu dùng khác. Kinh tế hồi phục cũng từ đó…

Dường như thời gian 4 tháng vừa qua, tất cả mọi người đều bị sang chấn tâm lý vì dịch bệnh và những phiền toái liên quan. Đó là không biết mình có bị bệnh hay không, mà chắc chắn tỷ lệ cao là người lao động thuê phòng trọ hay ở nhà trọ mắc bệnh. Các biện pháp chống dịch của chính quyền một cách cứng rắn bắt buộc mọi người đối diện với chính bản thân mình trong bốn bức tường ngày này qua tháng nọ. Đó là cái ăn và các nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống thường nhật bị ngăn chặn. Chưa bao giờ người dân “bị đói” nhưng hơn cả cái đói đó là sự bức bí về tinh thần khi đối diện giữa lằn ranh “sống-chết” trong tâm trí, dường như ai cũng nghĩ rằng mình có thể “ra đi” một cách dễ dàng vì coronavirus.

Sự phản kháng trỗi dậy khi chính quyền đặt người dân vào vị trí phân minh hoặc tuân theo hoặc không tuân theo thì bị phạt, bị xem là phạm lỗi hay phạm tội. Cuộc sống của người lao động vốn dĩ đã khó khăn khi nguồn thu nhập từ công việc đã bị ảnh hưởng, nay chỉ cần đụng chạm đến túi tiền ít ỏi còn lại thì tất nhiên họ sẽ phản kháng bằng cách này hay cách khác.

Ngày 25-7, Thy bị dương tính, đưa đi cách ly tại BV Dã chiến số 1, Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Con gởi phòng trọ kế bên giữ giùm!

Sau “biến cố” người trong cuộc muốn gì? Đó là quê hương, nhưng nói quê hương thì bao hàm cả phạm trù có giềng mối rộng lớn, họ chỉ muốn đoàn tụ như trở về nhà. Việc đầu tiên trong suy nghĩ của người tha hương đó làm làm “dịu lòng mình lại” sau tất cả những bực tức của cuộc sống trong thời gian tương đối dài. Biến cố cũng làm lòng con người chất chứa nhiều ưu tư khi tiền không còn, người thân xa cách lâu ngày.  Khi ra đi lập nghiệp còn có vợ có chồng, có anh có em, nhưng ngày trở về thì có thể thiếu người này người kia vì đã nằm xuống…Trong hoàn cảnh như vậy, họ chỉ cần về đến “nhà” của mình. Đó có thể là mái tranh vách đất đơn sơ, nhưng đó là nới có thể lưu giữ nhiều nhất những ký ức tươi đẹp khi còn sống với tía, với má, với chồng với vợ, với anh với em…Họ chỉ muốn ngồi nơi “hàng ba” hay một góc nhà mình để chiêm nghiệm lại tất cả quãng thời gian có tươi đẹp có khó khăn trong tháng ngày tha hương!

Ngày 20-8, thêm một lần Thy cố thông chốt. Không được! Vừa hết bệnh, vừa hết tiền! Mượn nợ thêm lần nữa.

Trong thâm tâm ai cũng biết đó là “quê hương” nhưng họ chỉ cần “dzìa quê” là nơi có thể che chở với bao tình làng nghĩa xóm xung quanh, mặc dù họ biết rằng rồi ngày mai có thể phải đi “mượn nợ” để trang trãi cuộc sống tiếp theo, nhưng đối với họ cuộc sống vốn dĩ đơn giản như cây lúa nước, lúa má vươn lên theo con nước lũ từ thượng nguồn ngập trắng đồng trong một đêm… Cái vui của họ là sống trong không gian khoáng đạt của trời đất, của nhưng đêm trăng ngập lối hay trong cả cái dài mênh mang của tiếng “khà” khi cạn chung rượu gạo của bằng hữu. Quê hương với họ chỉ đơn giản vậy thôi!

Người miền Tây! Cuộc đời có lam lũ thật, nhưng giống như cái vùng miền đầy sản vật thiên nhiên ban tặng, tính tình hào sảng phóng khoáng, khó khăn đùm bọc lẫn nhau dù không biết nói lời ngon tiếng ngọt hay câu chữ bóng bẩy của văn chương. Nhưng trong lòng họ lúc nào cũng có thấp có cao, có tình có nghĩa và trọng triết lý dân giã như Lục Vân Tiên giữa đường “gặp chiện” phải ra tay giúp thì giúp. Lời nói có lộn xộn chuyện nọ “xọ” qua chuyện kia nhưng xâu kết lại chuỗi câu chuyện thì đó là lớp lang của tình cảm có thể “sến” đầy nước mắt, lúc ngang tàng tứ chiến lúc bông đùa tếu táo mà thành cả một chương “nhân tình thế thái” trong quyển sách hiện thực sống động.

Đêm 1.10, Thy được thông chốt Vĩnh Bình ( Sài Gòn-Bình Dương), nhưng kẹt lại tại chốt Tân Trụ (Sài Gòn-Long An)

Chiều 2.10, Thy thông chốt Tân Trụ, nhưng kẹt lại chốt cầu Cần Thơ.Khuya!

Trưa 3.10, Thy về đến nhà tại TX Ngã Bảy, Hậu Giang.

Kết thúc hành trình quyết tâm về quê hơn 4 tháng. Hiện Thy cách ly tại nhà vì có giấy xuất viện từng là F0. Sau 8 năm “Đi Bình Dương” Thy trở về nhà với món nợ gần 10 triệu và đứa con trai 4 tuổi!

Đi Bình Dương” trước đây là câu cửa miệng của người miền Tây để hàm ý chỉ những người làm ăn thất bát hay trốn nợ rồi lên Bình Dương làm thuê trong những hãng xưởng với công việc đơn giản. Đi Bình Dương cũng là câu nói ám chỉ những người con tha hương lâu ngày, gọi nôn na là đi làm ăn xa.

Nhưng người miền Tây có đặc tính “không giận dai”. Dù địa phương nơi họ tới làm việc hay trở về nhà điều có những quyết sách không thuận lòng họ. Họ uất ức đó, nhiều khi giải thích không được, nói lý do cục mịch “tui muốn dzìa quê”, đơn giản. Có cảm giác như họ hiểu được Hiến pháp của nước nhà quy định “được tự do sinh sống và đi lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam”, dù có thể nguy hiểm.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, chỉ trong 3 tháng đã có 10.000 doanh nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long rời khỏi thị trường. Cụ thể chỉ trong tháng 6, 7, 8/2021, đã có gần 90% doanh nghiệp trên địa bàn tạm ngưng hoạt động; doanh thu quý II/2021 giảm chỉ còn từ 40-50%; đặc biệt, hơn 10.000 doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã rời khỏi thị trường, trong khi tỷ lệ này trong 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 6.000 doanh nghiệp.

Vùng ĐBSCL đã khó khăn vì bệnh dịch, công ăn việc làm thiếu hụt, kinh tế sẽ khó khăn.

Nhưng, có thể đây là lúc làm cho lòng người “dịu” xuống bao biến cố vừa qua. Với tính tình của người miền Tây thì vài tháng yên lành họ sẽ tiếp tục:” Đi Bình Dương” tiếp! Sợ giề?- Thy nói.

 

Ngày 4-10, Sài Gòn bình thường mới!

Theo ESKA

Bài viết có sử dụng tư liệu và số liệu từ internet.