Nợ, thuế, phí, quy chuẩn quốc gia,…Bi ơi đừng sợ (Phần 2)

Một trong những khó khăn trong hoạt động kinh doanh tất cả các ngành nghề tại Việt nam liên quan đến …nợ nần. Ngành công nghiệp dầu nhớt cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Sự tồn tại của nợ xuất phát từ …nóc, có nghĩa rằng tồn tại trong cách điều hành kinh tế của chính phủ Việt nam. “Ông Dương văn Cận, Phó chủ tịch khiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt nam, cho biết theo ước tính của Hiệp hội này, con số nợ đọng xây dựng cơ bản phải lên đến 30.000-40.000 tỉ đồng”…(1)

“Một báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách (Quốc hội) vào tháng 3-2016 cho biết, đến thời điểm 31-12-2014, nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ lên đến gần 86.996 tỉ đồng.” (1). Con số đến cuối năm 2016 chưa được biết nhưng có thể không nhỏ hơn. Nhà nước nợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng, các doanh nghiệp nợ ngân hàng và nhà thầu phụ hay nhà cung cấp vật tư và dịch vụ… Các doanh nghiệp cung cấp này lại bị dẫn dắt vào vòng quay nợ nần.

Do đó, có thể nói sự phát triển của các doanh nghiệp tại việt nam là nhờ tăng trưởng tín dụng. Đôi khi nhà nước có chính sách thắt chặt tín dụng là doanh nghiệp khó sống, mặc dù, bảng cân đối tài sản thể hiện khoản phải thu rất lớn nhưng thu… không được. Tất cả dính với nhau tạo một vòng xoáy trong đó doanh nghiệp rất ngộp thở vì dòng tiền. Đó cũng là một phần lý do giá vốn và chi phí sản xuất hàng hóa tại Việt nam rất cao so với các nước xung quanh hay trong khu vực.

Chính phủ Việt nam có ý định tăng thuế môi trường đối đối mặt hàng xăng dầu, dầu nhớt lên đến 8,000 đồng/Kg, song song đó, có đề xuất tăng thuế Giá trị gia tăng từ 10% lên 12% “cho phù hợp với thông lệ quốc tế”. Mặc dù, chính thức lên tiếng chưa áp dụng cho năm 2018 nhưng các thông tin cũng có thể coi như trong tương lai sẽ áp dụng, chưa biết thời điểm. Điều này rất hiển nhiên khi nhìn lại ngân sách nhà nước hầu như chi thường xuyên để trả lương công chức và nuôi các tổ chức chính trị, xã hội…và trả nợ cũng như lãi vay của chính phủ. Nợ công đã đến hạn tính theo GDP. Không còn nhiều tiền để đầu tư cho phát triển, không có tiền để nuôi dưỡng tương lai thì lây đâu để nuôi nấng dân Việt cao lớn được?

Một số quan chức nhận được sự chỉ trích của chuyên gia và người dân khi bảo rằng tăng VAT “không ảnh hưởng đến dân nghèo”. Bản thân người viết không có chuyên môn về thuế nhưng việc tăng thuế bảo vệ môi trường và VAT (nếu có) thì sẽ ảnh hưởng đến giá dầu nhớt. Chắc chắn hai việc này xảy ra đồng loạt thì tác động ngay lập tức, các hãng dầu nhớt sẽ tăng giá trung bình khoảng 12% (10% do thuế thuế môi trường và 2% do VAT). Viễn cảnh thì vậy nhưng sẽ còn xa vì chính phủ sẽ điều tiết tăng…từ từ để người dân tập thói quen chấp nhận việc tăng giá.

“Thị trường dầu nhờn Việt Nam hiện có rất nhiều loại và thương hiệu. Việt Nam dường như đang “thả nổi” quản lý chất lượng dầu nhờn. Đồng thời, hiện nay chưa có TCVN hoàn chỉnh về yêu cầu kỹ thuật của dầu nhờn cho động cơ, mà các nhà sản xuất, nhập khẩu tự xây dựng tiêu chuẩn riêng cho mình (hoặc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, hoặc sử dụng các tiêu chuẩn của các tổ chức khác) và công bố tiêu chuẩn áp dụng. Việc kiểm soát chất lượng chủ yếu thông qua các TCVN về phương pháp thử và các TCCS do nhà sản xuất công bố”.

“Tuy nhiên đứng trước bối cảnh cạnh tranh của thị trường dầu nhờn hiện nay, cùng với sức ép về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ có dầu nhớt các loại theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, việc sản xuất dầu nhờn của Việt Nam ngày càng báo động về chất lượng.

Qua khảo sát thực tế năm 2016, cho thấy số mẫu được kiểm tra có kết quả thử nghiệm chiếm tới 50% không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, điều này thể hiện sự thiếu nghiêm túc, không trung thực của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dầu nhờn chân chính; đồng thời cũng cho thấy kẽ hở của pháp luật đối với mặt hàng này khi không được kiểm tra, kiểm soát.” (2)

Dựa trên nhiều lý lẽ, vừa qua Bộ Khoa học và Môi trường Việt nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã ban hành “Dự thảo: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong”. Dự thảo ban hành để lấy ý kiến và sẽ áp dụng trong năm 2018. Trong đó, có các điểm chính như sau:

Cấp độ nhớt: áp dụng theo Bảng phân loại độ nhớt động cơ của SAE J300, tuy nhiên áp dụng chỉ cho độ nhớt động học ở 100oC (theo ASTM D445) và bỏ qua các loại độ nhớt động lực học ở điều kiện nhiệt độ thấp nhất có thể khởi động máy hay có thể bơm được (CCS- Cold Cranking Simulation, ASTM D 5293 và ASTM D 4684). Thật tế chỉ có các hãng dầu nhớt có uy tín và làm ăn đoàng hoàng (trong đó có Blackgold) thì mới kiểm soát độ nhớt CCS để công bố sản phẩm của mình có đúng theo dầu đa cấp hay không (multigrade) hay dầu cho mọi mùa. Điều này quan trọng vì hay như dầu động cơ thông dụng hiện nay đều sản xuất 100% là dầu đa cấp (trừ dầu hàng hải). Vô hình dung, đây là kẽ hở cho các thương hiệu ..lung tung làm cho người tiêu dùng bối rối. Chỉ cần đạt độ nhớt ASTM D445 là có thể công bố dầu …đa cấp?

Cấp chất lượng: đối với động cơ 4 kỳ Diesel, cấp thấp nhất là CE, rồi CF….Đối với động cơ 4 kỳ Xăng, cấp thấp nhất là SG, rồi SH, SJ…Trong đó không quy định xăng gì? Khi mà năm 2018, Việt năm áp dụng xăng E5 thay thế xăng khoáng A92. Dự thảo chỉ lấy cấp nhớt rẻ nhất và thông dụng nhất trên thị trường hiện nay để quy định mức tối thiểu mà chưa đánh giá được tác động đến các loại nhiên liệu trong tương lai.

Các thông số cơ bản: cũng không có gì đặc biệt trong đó có quy định Độ Kiềm tổng TBN (Total Base Number, ASTM D 2896) không nhỏ hơn 4 mgKOH/g. Trước đây, Bộ thương mại ban hành Thông tư 21/2000/TT-BTM quản lý dầu động cơ có mức thấp nhất 2,4 mgKOH/g. Đáng lưu ý là Chỉ số độ nhớt quy định mức thấp nhất 95 có vẻ như quá lạc hậu hay an toàn?

Ngoài ra, sản phẩm dầu nhớt được sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều có dấu “Hợp quy – CR”, giống như mũ bảo hiểm có dán tem hợp quy, CR vậy. Muốn dán được tem này có hướng dẫn phải tiếp đoàn thanh tra, khảo sát nơi sản xuất và lấy mẫu thử nghiệm..v.v. Đây là lúc phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và đi ngược lại với phát biểu của Thủ tướng về giảm thủ tục phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Lược qua một số ý chính trong dự thảo và thị trường hiện nay có thể thấy Quy chuẩn là cần thiết, mặc dù, quy chuẩn không thể hiện được tất cả những yêu cầu cần thiết hay đánh giá đầu đủ các yếu tố về quản lý tiêu chuẩn chất lượng của dầu nhớt động cơ đốt trong. Đối với các hãng nhớt có uy tín, quy chuẩn này có cũng được và không có cũng được, nhưng phát sinh chi phí nhiều hơn thôi. Ở Việt nam, hay có cụm từ: “làm cho có”…

Theo như quy chuẩn, các dòng sản phẩm API CC Komat của PLC, API CD Rimula R1 của Shell, hay API CD HDX Miler của Eska Singapore sẽ bị…xóa sổ từ năm 2018. Thị trường sẽ nở rộ các dòng nhớt “cỏ” có API cấp CJ4 hay CK4?

 

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, thông tin tham khảo:

(1): “Nhà nước vẫn nợ xây dựng cơ bản tràn lan- Tư Giang, Thời báo Kinh tế Sài gòn, 31/7/2017”

(2): Thuyết Minh: Dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong”

Trả lời