Đi Bình Dương…!

Hôm nay mượn chuyện đi Bình Dương để nói chuyện …miền Tây. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi xưa nay với mưa thuận gió hòa, sản vật phong phú và tính cách con người phóng khoáng chân chất.

Năm 21 tuổi, Minh được nhận vào nhân viên kinh doanh dầu nhớt của nhà phân phối hãng C. tại Long Xuyên. Làm được 3 năm, năm 2014 khi nhận thấy được đường đi nước bước thị trường, Minh tự mở công ty và nhận làm phân phối dầu nhớt cho nhiều nhãn hiệu khác nhau. Noel năm 2018, gặp Minh tại Châu Đốc, đó là lần cuối cùng anh em gặp nhau, Minh buông tiếng thở dài….”Chắc Em đi Bình Dương quá Anh ơi!” Mà đúng vậy, Tết năm đó ghé thăm Minh, cha Minh ngồi hút thuốc bên hàng hiên nói:” Nó dẫn vợ đi Bình Dương rồi”…, bé Bô nghe nhắc đến cha mẹ đưa mắt tròn xoe nhìn mấy chú người lạ và bắt đầu thút thít…Mẹ Minh thêm vào:” Nó trốn nợ con à…”.

Trước đây Sài gòn có đường “Lục Tỉnh” nay là một phần cuối của đường Hùng Vương, đoạn từ ngã tư Nguyễn Thị Nhỏ đến mũi tàu Phú Lâm, còn cách bến xe miền Tây 300 mét. Nhắc đến Nam kỳ Lục tỉnh chắc nghĩ đến miền Tây ngày nay, nhưng không phải…

Lần giở những trang sách xưa thì Lục Tỉnh có từ Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn, 1832), vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành, đổi các trấn thành tỉnh, chia 5 trấn của Gia Định Thành trước đây thành 6 tỉnh (Lục tỉnh) gồm Phiên An (Gia Định), Biên Hòa, Định Tường (Mỹ Tho), Vĩnh Long, An Giang (Châu Đốc) , Hà Tiên. Hai năm sau (Giáp Ngọ, 1834), vùng Lục tỉnh thuộc Gia Định Thành trước đây được gọi chung là Nam Kỳ. Từ đó có tên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh.

Từ miền Tây lên Sài gòn thì con đường Lục Tỉnh là đường nối giữa 2 vùng đất ĐBSCL và vùng Sài gòn cũng như miền Đông nam bộ sau này, đó là cách đặt tên đường thể hiện sự tiếp nối giữa các vùng đất trong lịch sử của người xưa.

Ngày nay, ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh phía nam và Tp. Cần thơ trực thuộc trung ương có dân số chiếm 20% dân số cả nước.

Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Riêng nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

GDP bình quân đầu người của vùng thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước, và số doanh nghiệp trong vùng chỉ chiếm 8% trên cả nước cho thấy bức tranh hoạt động kinh tế còn nhạt nhòa với đa phần dựa vào hoạt động nông nghiệp.

Cơ sở hạ tầng còn yếu kém

ĐBSCL có nền móng là đất bồi phù sa, hệ thống sông rạch chằng chịt, suất đầu tư để xây dựng hạ tầng đường sá, cầu cống rất cao. Trong những năm trước đường quốc lộ 1A dường như là con đường độc đạo để liên kết giữa các tỉnh với nhau. Cho đến năm 2019, ĐBSCL mới hoàn thành cầu Vàm Cống nối liền Đồng Tháp và Cần Thơ-An Giang nằm trên quốc lộ 80, chấm dứt cảnh “đò giang” cách trở.

Nếu như thuận lợi thì đến hết năm 2020, đường cao tốc sẽ kéo dài đến Mỹ Thuận, song song với quốc lộ 1A sau 12 năm khởi công (2009).

Mỗi mùa mưa qua là đường xá với “ổ voi ổ gà” không kể siết, thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa cao là sức ỳ kéo cả vùng kém phát triển.

Năm 2020, Thủ tướng cam kết đầu tư 2 Tỷ USD cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới cùng với quy hoạch 7 đường cao tốc tạo xương sống cho vùng, thế nhưng, không biết khi nào người dân được thụ hưởng những cam kết đó?

Mụi và Thạch Bul cùng quê Tiểu Cần Trà Vinh, người gốc Khmer là công nhân nhà máy Huê Phong, Gò Vấp, cả 2 lên Sài gòn năm 2016. Nghe nói đến tết Chol Chnam Thmay tháng 4 năm nay (2020) về quê mời ông Lục (sư thầy) ở chùa làm lễ cho 2 đứa về ở với nhau. Trước ngày cưới Bul chở Mụi qua Cần thơ sắm sửa. Quốc lộ 54 nhỏ và hẹp, đường xấu, xe tải ép Bul ngã xuống đường…Người Khmer không có thói quen dùng bia rượu nhưng kết quả điều tra công an gởi về là do Bul say rượu…1 tháng sau Mụi lên Sài gòn lang thang phục vụ trong các quán bia vì Mụi biết còn mẹ già mất sức ở quê…Mụi còn trẻ nhưng nụ cười đã héo hắt buông:” Cuộc đời xau may m’nạn – Cuộc đời ai biết được chữ ngờ” là câu nói kết hợp 3 ngôn ngữ Kinh- Tiều-Khmer.

Thiên nhiên càng khắc nghiệt hơn

Ngày nay, ĐBSCL không còn là nơi được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu thuận hòa nữa. Mùa khô năm 2019-2020 là mùa khô khắc nghiệt nhất. Lượng mưa vùng hạ Lào và thượng nguồn sông Mê Kong mức thấp kỷ lục do ảnh hưởng của El Nino và phần lớn là các thủy điện đầu nguồn Trung quốc, Lào vẫn tích nước vào mùa khô. Lưu lượng dòng chảy giảm 37% so với mọi năm được ghi nhận qua trạm Tân Châu Châu Đốc. Tháng 9 năm 2019, lũ không lên…

Ông Sáu vấn điếu thuốc, mắt nhìn xa xăm về phía thượng nguồn cửa khẩu Vĩnh Xương, đó là nơi dòng Mê Kong tách ra thành Sông Hậu và Sông Tiền chảy qua đất Việt nam rồi đổ ra 9 cửa hình thành vùng đồng bằng châu thổ mang tên 9 rồng trù phú. Chiếc xuồng vắt vẻo trên triền sông khô nức nẻ, bộ lưới câu nằm chỏng chơ dưới cái nắng thiêu đốt…Con Hai, thằng Tí mặt mũi lem nhem ngồi chơi ô quan dưới nền nhà…” Sao Sáu hông cho tụi nhỏ đi học Sáu? Hôm qua tựu trường rồi” Vô tình hỏi. Sáu chẳng thèm ngước lên :” Con Liễu nói gởi tiền dìa đóng tiền trường cho con nó đi học, nhưng nó nói dịch bệnh nó cũng thất nghiệp, công ty bên Đức Hòa cho nghỉ, giờ tụi nó xuống Long Thành xin chỗ khác…chừng nào có tiền hẵng hay..” Liễu là đứa con gái duy nhất của Sáu, chồng bỏ đi, Liễu để lại 2 con cho Sáu nuôi…Sáu chỉ biết bám víu khúc sông này từ khi còn nhỏ. Thời cá tôm thừa mứa Sáu đâu nghĩ được ngày hôm nay như vậy…

Thay đổi

Rong ruổi khắp các cung đường thuộc ĐBSCL nhất là các đường qua tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang các bảng pano nhỏ được các doanh nghiệp tài trợ ghi những nhắc nhở rất hay:” Học để thay đổi số phận” Có lẽ vậy đó là con đường duy nhất mà người nhỏ tuổi có thể thực hiện để cuộc sống tốt hơn sau này.

Nhân lực hay trình độ chung của người dân ĐBSCL gần như thấp nhất nước, mặc dù xét về độ tuổi các địa phương trong vùng vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm trên 22% trong khi dân số trên 65 tuổi mới chiếm khoảng 8,4%.

Thế nhưng làng mạc giờ đây rất ít thanh niên…Có chăng tập trung nhiều tại các phố thị đông đúc.

Năm 2019, Đồng Tháp giữ vị trí Á quân về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là tỉnh duy nhất cả nước khi 12 năm liên tiếp nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cao cho thấy nổ lực của Tỉnh trong thay đổi tư duy quản trị từ xin cho sang phục vụ nhân dân và doanh nghiệp tạo điều kiện phát triển kinh tế. PCI cao vẫn chưa đủ mà cần phải tập trung đầu tư về hạ tầng và môi trường kinh tế liên kết vùng với nhau… Đó là chuyện vĩ mô…

Thị trường dầu nhớt vùng ĐBSCL

Vùng ĐBSCL có sản lượng tiêu thụ dầu nhớt lớn trong phân khúc vận tải HDEO. Lượng xe tải và xe khách tập trung cao nhất cả nước vì địa giới hành chính tập trung sát nhau. Liên kết mật thiết với vùng trọng điểm Tp.HCM và Đông nam bộ, cũng như lưu lượng vận tải nam – bắc phục vụ xuất khẩu cho thị trường Trung quốc về nông sản cao. Sự di dân đến các vùng kinh tế trọng điểm tạo ra các tuyến vận tải trên khắp cả nước…

Đội tàu thuyền đánh bắt thuộc loại lớn nhất nước tập trung tại Kiên Giang, Bến Tre, Sóc trăng, Bạc Liêu…chiếm 2/3 lượng tàu đánh bắt xa bờ của cả nước với hơn 20 ngàn chiếc.

Phân khúc công nghiệp chiếm lượng nhỏ trong thị trường so với khu vực khác do ĐBSCL không có thế mạnh về đầu tư các ngành công nghiệp nặng hay chế tạo…

Xe máy và Ô tô là thị trường thú vị vì người dân sẵn sàng hào phóng chi nhiều tiền để sử dụng dầu nhớt chất lượng. Castrol vẫn là thương hiệu lớn trong khu vực, Total có vị thế tốt trong nhận diện thương hiệu của người dân.

 Minh giờ không còn ở Bình Dương nữa. 2 vợ chồng dắt díu nhau về Sa Đéc thuê nhà mở lại một đại lý dầu nhớt nho nhỏ gây dựng lại từ đầu. Vợ Minh cười :” Bỏ thằng nhỏ tội nghiệp, đón nó qua đây cho gần cha mẹ, cuối tuần qua Long Xuyên thăm Tía Má, giờ có Cầu Vàm Cống đi lẹ mà Anh. Kệ làm nhỏ nhưng gần nhà” Vợ chồng Minh giờ bán nhớt xe máy ESKA Singapore túc tắc. “Nợ dai chứ hông xù ai! Kệ đi” Minh nói…

7.12.2020

Đêm lạnh chùa hoang.

Theo ESKA, Made in Singapore

Bài viết có sử dụng tư liệu từ internet

Trả lời