Giá dầu gốc châu Á ,trung tuần tháng 8, tiếp tục trên đà trượt nhẹ khi nguồn cung tương đối ổn định. Đặc biệt đối với dầu gốc Nhóm I, các nhà máy tại Nhật Bản và Thái Lan, Indonesia,…sản xuất trở lại thì giá dường như giảm nhanh hơn, nhưng tùy theo từng loại độ nhớt. Tình hình có vẻ trái ngược so với đầu năm 2021 khi giá dầu gốc Nhóm I tăng cao hơn cả Nhóm II.
Tình hình tiêu thụ dầu gốc và dầu nhớt thành phẩm tại châu Á chậm lại do nhu cầu tại các quốc gia như Ấn Độ, và Đông Nam á …bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa của chính quyền tại các nước Indonesia, Malaysia và Việt nam. Thêm vào đó, ảnh hưởng thời tiết gió mùa tại Nam Á và Trung Quốc hàng năm dường như cũng làm dư thừa dầu gốc được sản xuất tại các quốc gia này.
Quy luật giá dầu gốc phụ thuộc vào nguồn cung! Tại Hoa Kỳ và Mexico, và Caribe …giá dầu gốc đang giữ mức cao nên các nhà máy dầu gốc tại Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu đến thị trường này. Dầu gốc Trung Quốc cũng xuất đến Nam Mỹ và Singapore… Một phần để giữ giá trong khu vực Châu Á vì dư cung.
Trong khi đó, dầu gốc Nhóm II vẫn còn hạn chế khi Formosa vẫn còn ngưng để bảo dưỡng nhà máy 600 ngàn tấn/năm. Dầu gốc Nhóm III cũng đang thiếu hụt nhưng các giao dịch vẫn có sẵn, tùy mức giá giao ngay. Ngoài ra, xu hướng sản xuất dầu động cơ đáp ứng tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu khí thải sử dụng độ nhớt thấp trên thế giới làm cho nguyên liệu sản xuất như dầu gốc Nhóm III cũng giữ giá ổn định hơn.
Các thương nhân trong khu vực đang dè dặt cũng như các nhà máy pha chế dầu nhớt đang cố giắng kiểm soát lượng nguyên liệu dầu gốc ở mức tồn kho thấp nhất vì có thể giá lao dốc $100/tấn/tuần, nhất là một số loại dầu gốc trong Nhóm I.
Giá ex-tank tại Singapore thấp hơn khi nguồn cung tăng và nhu cầu suy yếu. SN150 giảm 20 USD/tấn xuống còn 890 USD/t – 920 USD/tấn và SN500 giảm 50 USD/tấn xuống 1.370 USD/t – 1.410 USD/tấn. BS đã giảm 40 USD/tấn ở mức 1.760 USD/tấn – 1.800 USD/tấn.
Giá cho nhóm II 150N giảm 10 USD/tấn xuống còn 910 USD/t – 950 USD/tấn, và 500N cũng giảm 10 USD/tấn xuống còn 1.400 USD/t- 1.440 USD/tấn.
Về thượng nguồn, các hợp đồng dầu thô tương lai đã giảm trở lại vào thứ Năm, tiếp tục chuỗi giảm bắt đầu vào tuần trước do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu khi COVID-19 toàn cầu tăng mạnh và các nhà sản xuất OPEC, Mỹ sẽ tăng sản lượng dầu thô.. Cũng có những lo ngại gia tăng về sự sụt giảm tiêu thụ nhiên liệu máy bay khi một số quốc gia đã tái áp đặt các hạn chế đi lại và kinh doanh hàng không đã giảm.
Thị trường dầu nhớt tại Việt nam rơi vào suy thoái.
Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên khắp cả nước và không nằm ngoài đánh giá trước đây khi không có một biên giới nào có thể ngăn cản được Coronavirus khi có dòng chảy giao thương của các vùng miền và các quốc gia khác nhau. Chính quyền Việt nam vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn như phong tỏa nhiều tỉnh, thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh nguồn vaccine tiêm chủng thiếu hụt.
Sự tê liệt của phân khúc giao thông vận tải (HDEO), ô tô (PCMO), xe máy (MCO) trên khắp cả nước bởi các lệnh hạn chế di chuyển kể từ tháng 6 và chưa biết bao giờ kết thúc, chắc chắn sẽ giảm sản lượng tiêu thụ dầu nhớt vận tải, ô tô (AO) và MCO trong sáu tháng cuối năm.
Phân khúc dầu nhớt công nhiệp cũng giảm đáng kể khi nhiều nhà máy, khu công nghiệp hoạt động cầm chừng 30-40% công suất vì các yêu cầu phòng chống dịch. Hầu hết các nhà máy có lượng công nhân đông trong phân khúc giày da, dệt may, cơ khí..v.v đóng cửa vì khó đáp ứng sản xuất “tại chỗ” với chi phí quá cao. Báo Bloomberg đưa tin, ngày 20/8/2021: Intel phải tốn thêm chi phí 6 triệu USD cho 1 tháng sản xuất trong điều kiện đáp ứng yêu cầu phòng dịch của chính quyền. (*)
Tại Việt nam, sau sự cố nhà máy Castrol phải đóng cửa vì Covid-19 thì một số nhà máy sản xuất dầu nhớt khác cũng tạm ngưng sản xuất hay hoạt động “giãn cách” để duy trì sản xuất với công suất tối thiểu tại khu vực phía Nam. Một số nhãn hiệu đang tăng tốc nhập khẩu từ các quốc gia trong khu vực để bù đắp lượng thiếu hụt do ngưng sản xuất nhằm cung cấp cho thị trường khu vực miền Trung và phía Bắc Việt nam. Ngoài ra, Việt nam đang nới lỏng tiền tệ để “xoa dịu căng thẳng về kinh tế” trong đó có biện pháp giảm tỷ giá USD/VND, cũng làm cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn. Thế nhưng, liệu cuối năm 2021, khi dự trữ ngoại hối của Việt nam giảm thì sẽ có tác động ngược lại?
Cùng với triển vọng nền kinh tế tăng trưởng khả năng “âm” trong 6 tháng cuối năm thì ngành công nghiệp dầu nhớt được dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực khi bị tác động trực tiếp từ công nghiệp, vận tải và tiêu dùng…Sản lượng tồn kho tại hệ thống cao đồng thời áp lực giá dầu gốc giảm liên tục trong khu vực như phân tích sẽ tác động tâm lý “ đẩy hàng” của các patron (ông chủ) khi mùa báo cáo cuối năm cận kề.
Dự báo giá dầu nhớt tại Việt nam sẽ giảm, trong ngắn hạn.
0:00, 23/08/2021, Sài Gòn bất động!
Theo ESKA Singapore, Made in Singapore.
Bài viết có tham khảo số liệu từ Lube Report Asia.