Thị trường nguyên liệu Dầu gốc châu Á, tháng 10: Giá dầu thô lập đỉnh 7 năm, giá dầu gốc ngược dòng!

Trong khi số ca nhiễm COVID-19 đã bắt đầu giảm ở nhiều quốc gia, các hạn chế liên quan đến đại dịch được nới lỏng, nhưng các quốc gia vẫn đang phải đối phó với tỷ lệ lây nhiễm bùng phát sau giai đoạn “phong tỏa” làm gián đoạn trở lại hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Sự thiếu hụt chip ô tô trên toàn cầu cũng gây ra việc đóng cửa tạm thời tại các nhà máy ô tô, trong khi việc thiếu một số phụ gia dầu bôi trơn cùng với nguồn cung thiếu hụt dầu gốc Nhóm III đã ảnh hưởng đến việc sản xuất dầu động cơ tổng hợp.

Sự thiếu hụt  phân khúc nhóm III là do kế hoạch bảo dưỡng dày đặc của các nhà máy dầu gốc Nhóm III ở châu Á , châu Âu trong quý III, cộng thêm nhu cầu gia tăng từ Hoa Kỳ. Do đó, giá của các loại dầu gốc này ổn định được hỗ trợ bởi cả nhu cầu mạnh mẽ trong khu vực châu Á.

Ngược lại, giá cho các loại thuộc Nhóm I và Nhóm II đã giảm khi mức cung đã được cải thiện và nhu  cầu cũng đã  hạ nhiệt theo mùa và sự thận trọng hơn từ người giao dịch. Kể từ khi giá bắt đầu có dấu hiệu giảm vào cuối nửa đầu năm nay, các nhà máy pha chế dầu nhớt  đã trì hoãn các đơn hàng giao ngay vì dự kiến giá sẽ chạm đáy tại một số thời điểm và thích chủ động nhiều hơn vào các hợp đồng kỳ hạn.

Việc giảm giá khá sâu trong phân khúc Nhóm I khi nguồn cung đã tăng đều đặn với sự gia tăng tỷ lệ hoạt động các nhà máy lọc dầu và khởi động lại một số nhà máy dầu gốc Đông Nam Á và Nhật Bản sau bảo dưỡng.

Nguồn cung trong phân khúc Nhóm II vẫn căng thẳng hơn một chút khi nhu cầu ở các nước như Ấn Độ ổn định, đặc biệt là đối với các loại độ nhớt thấp.

Formosa dự kiến sẽ khởi động lại nhà máy 600.000 tấn mỗi năm ở Mailiao vào cuối tháng 8, sau khi ngừng bảo trì, nhưng một sự cố cháy nhỏ đã xảy ra dẫn đến việc trì hoãn khởi động cho đến đầu tháng 10, mặc dù điều này không được xác nhận trực tiếp với nhà sản xuất. Việc ngừng hoạt động làm thị trường mất đi khoảng 30.000-40.000 tấn hàng hóa Nhóm II vì Formosa thường xuất khẩu số lượng này sang các nước trong khu vực.

Dầu gốc của Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ được chuyển đến Trung Quốc và Singapore vào tháng 10. Một số nhà máy dầu gốc của Trung Quốc đã bị đóng cửa hoặc đã mở rộng việc bảo trì của họ, và họ vẫn còn thiếu các loại độ nhớt cao vì sản lượng của những loại này vốn đã không nhiều ở Trung Quốc. Tuy nhiên, mùa đông đến có thể làm giảm nhu cầu đối với các loại độ nhớt cao và BS, không được sử dụng rộng rãi trong những tháng nhiệt độ thấp.

Một nhà sản xuất lớn tại Singapore đã giảm giá ex-tank vào cuối tháng 9, với dầu BS sụt giảm mạnh 200USD mỗi tấn và các loại Nhóm II được điều chỉnh giảm khoảng 80 USD/ tấn.

Giá giao ngay tại châu Á được đánh giá là ổn định và giảm nhẹ trong tuần này, với phân khúc nhóm III vẫn cơ bản  ổn định. Giá dầu gốc dưới đây phản ánh từ nhà cung cấp, các giao dịch và giá được công bố rộng rãi được coi là tiêu chuẩn cho khu vực.

Giá ex-tank Singapore thấp hơn do nguồn cung dồi dào. SN150 đã giảm 30USD/tấn ở mức 820USD/t – 850USD/tấn và SN500 cũng giảm 30USD/t xuống còn 1.090USD/ t – 1.130USD/t. BS đã giảm 50 USD/tấn xuống còn 1.480 USD/t – 1.520 USD/tấn,

Giá của nhóm II 150N đã giảm nhẹ 10 USD/tấn ở mức 840 USD/t – 880 USD/tấn và 500N cũng được điều chỉnh giảm 10 USD/tấn xuống còn 1.320 USD/t – 1.360 USD/tấn.

Ở phân khúc nhóm III, giá ổn định, được hỗ trợ bởi nhu cầu và ít nguồn cung. Loại 4 cSt đang dao động ở mức 1,420 -1,460USD/tấn và 6 cSt ổn định ở mức 1,430USD/ t -1,470USD/t. Loại 8 cSt được giữ ở mức 1,340-1,380USD/t, FOB Asia.

Các hợp đồng dầu thô tương lai có xu hướng tăng lên mức cao kể từ năm 2014 sau khi OPEC+ chỉ đồng ý tăng sản lượng một cách nhỏ giọt. Trong khi đó, thị trường năng lượng toàn cầu chao đảo vì thiếu hụt điện tại Trung Quốc, giá khí tự nhiên (NLG) tăng không kiểm soát đẩy châu Âu vào tình trạng thiếu năng lượng, đặc biệt là tại Anh Quốc.

Sự nghịch lý khi dầu thô tăng cao trong khi giá dầu gốc vẫn “đủng đỉnh” giảm kể từ đầu tháng 7. Lý giải cho nguyên do là thị trường dầu gốc giá phản ảnh nhiều trong “nguồn cung vs nhu cầu”. Các nhà máy dầu gốc trên toàn cầu có công suất vượt quá sự tăng trưởng của ngành công nghiệp dầu nhớt kể từ năm 2017-2018, trong tương lai gần nhu cầu về dầu động cơ sẽ giảm đáng kể vì sự xuất hiện của xe ô tô, xe tải điện (EV) cho nên nguồn cung dầu gốc vẫn tiếp tục chi phối giá cả của thị trường. Một số nhà máy dầu gốc công nghệ cũ chủ yếu sản xuất dầu gốc Nhóm I vì hiệu quả kinh tế và vấn đề môi trường đã bị đóng cửa như tại Đài Loan hay Úc châu, hay tại Châu Âu.

Tất nhiên giá “đầu vào” nguyên liệu sản xuất dầu gốc như dầu thô cũng ảnh hưởng bởi giá của dầu thô nhưng độ trễ khá dài, thông thường thời gian có thể đến 3 tháng. Do đó, và cuối năm có thể giá dầu gốc không tiếp tục đổ dốc như hiện nay.

Tại Việt nam, sau thời gian “đứng im” vì hạn chế phong tỏa khu vực phía Nam, các nhà máy đã bắt đầu hoạt động. Chính quyền đang lên kế hoạch mở lại các tuyến vận tải liên tỉnh trong hạn chế. Người dân được đi lại bằng xe máy trong nội tỉnh, tuy nhiên, một số lớn “vượt rào” đi liên tỉnh trở về quê hương. Kinh tế đang dần khởi động lại, tuy vậy, bộ máy vẫn “ì ạch” vì vẫn tiếp tục tư duy “cấm” sự duy chuyển và các yêu cầu về y tế “bất hợp lý” từ tư duy “zero Covid” từ chính quyền địa phương. Ngoài ra, sự thiếu hụt lao động khiến các nhà máy hoạt động dưới công suất bình thường. Ngày 24-09, tập đoàn NIKE thông báo triển vọng giảm doanh thu mùa cuối năm do tồn kho thấp vì chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị đứt gãy. NIKE đã chuyển đơn hàng sản xuất trở lại Trung Quốc và Indonesia. ADIDAS AG và PUME SE cũng làm điều tương tự.

Nhu cầu về dầu nhớt vẫn thấp, nhưng vẫn thiếu hụt từ một số nhãn hiệu vì thời gian hoạt động trong giãn cách dẫn đến công suất sản xuất giảm đáng kể. Các đơn hàng nhập khẩu bị ảnh hưởng nhiều đến từ vấn đề vận tải hay logistic.

Theo Lube Report Asia, Bloomberg và Eska Singapore tổng hợp.