Doanh số bán ra phụ gia (Additives) cho ngành công nghiệp dầu nhớt ở Hoa Kỳ đã tăng nhẹ (1,7%) trong tháng 7, so với tháng 6 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 10,5%), theo số liệu được công bố vào tuần trước bởi Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ (ACA). Trước đó, có sự sụt giảm 1,1% từ tháng 5 đến tháng 6, do thiếu hóa chất nguyên liệu cơ bản. Một lượng lớn phụ gia sản xuất dầu nhớt tại Hoa kỳ được sử dụng rộng rãi tại Châu Á.
Về dầu gốc (Base oil), xu hướng giá giảm tại Châu Á đang diễn ra, nhưng mức giảm vừa phải hơn so với tuần trước, vì một số loại cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu. Các nhà cung cấp mong “đẩy hàng” trước khi giá có thể giảm tiếp tục, vì mức tồn kho đang tăng lên. Tuy nhiên, điều kiện giao hàng đang bị ảnh hưởng bởi hậu cần: thời tiết bất lợi, các biện pháp phong tỏa của các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng do Coronavirus, tắc nghẽn cảng, thiếu chỗ trên tàu vận chuyển hay giá cước vận tải tăng vọt…
Phân khúc dầu gốc Nhóm I có sự bổ sung dồi dào từ các nhà máy ở Nhật Bản và các nhà máy tại Đông Nam Á, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc, những người chiếm một phần lớn trong nhóm khách hàng của Nhóm I, đang ngày càng dựa vào sản lượng trong nước. Giá các loại có độ nhớt khác nhau đang giảm khá mạnh. Trong đó, BS giảm ít hơn vì sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng dầu công nghiệp và hàng hải.
Dầu gốc Nhóm II vẫn còn ít hơn nguồn cung Nhóm I, đặc biệt là liên quan đến các loại độ nhớt cao. Tuy nhiên, người mua dường như có xu hướng chờ đợi liệu giá có giảm thêm hay không, ngay cả khi rủi ro có thể thiếu hụt sản phẩm. Tâm lý phổ biến là giá vẫn chưa chạm đáy nên vẫn chờ đợi những điều chỉnh tiếp theo. Sau thời gian bảo dưỡng, Fomosa đã khởi động lại nhà máy dầu gốc Nhóm II tại Đài Loan.
Việc sử dụng ngày càng tăng các loại dầu gốc Nhóm III trong dầu động cơ ô tô theo khuyến nghị của các OEM để đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm soát khí thải, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu đã dẫn đến nhu cầu bùng nổ trên toàn cầu. Nhu cầu mạnh mẽ và giá cao hơn ở các khu vực khác như Mỹ cũng dẫn đến hàng hóa Trung Đông bị thu hút đến những điểm đến đó thay vì châu Á. Ngoài ra, hai nhà máy, Nhóm III, ở Trung Đông đang bảo dưỡng và một nhà máy khác cũng đang bị sự cố, cũng góp phần thiếu hụt hơn trên phạm vi châu Á.
Giá ex-tank tại Singapore tiếp tục giảm khi nguồn cung được cải thiện và nhu cầu chậm lại. Nhóm I, SN 150 giảm 20 USD/tấn xuống còn 870 USD/t – 900 USD/tấn và SN500 giảm 80 USD/tấn xuống còn 1.290 USD/t – 1.330 USD/tấn. BS đã giảm 80 USD/tấn xuống 1.680 USD/t – 1.720 USD/tấn.
Giá cho Nhóm II 150N, giảm 20 USD/tấn xuống còn 890 USD/t – 930 USD/tấn, và 500N cũng giảm 20 USD/tấn xuống còn 1.380 USD/t – 1.420 USD/tấn.
Thị trường ghi nhận, Nhóm III không thay đổi giá so với tuần trước, đối với tất cả các loại độ nhớt.
Về thượng nguồn, dầu thô tương lai tăng sau khi đảo ngược xu hướng giảm của hai tuần trước đó vì sự cố ngừng giàn khoan dầu ở Mexico và sự phê duyệt đầy đủ của FDA (Hoa kỳ) về vắc-xin COVID-19 Pfizer-BioNTech. Vào ngày 26 tháng 8, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 10 được giao dịch ở mức 71,53 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE Futures Europe có trụ sở tại London, từ mức 66,13 USD/thùng vào ngày 19/8.
Tại Việt nam, chính quyền vẫn tiếp tục các biện pháp phong tỏa tại các đô thị lớn và vùng dân cư tập trung đông đúc, đặc biệt là khu vực phía Nam. Sự di chuyển bị cấm tuyệt đối với cá nhân cũng như các phương tiện vận tải hành khách, chỉ một số hạn chế phương tiện vận tải hàng hóa được hoạt động ảnh hưởng đến phân khúc dầu nhớt vận tải và ô tô. Vận tải hành khách tháng 8/2021 giảm 35,9% về lượng hành khách vận chuyển và giảm 37,1% về lượng hành khách luân chuyển so với tháng trước; vận tải hàng hóa giảm 11% về sản lượng vận chuyển và giảm 8,6% về sản lượng luân chuyển. (TCTK)
Hạn chế sản xuất trong bối cảnh đáp ứng yêu cầu phòng dịch từ chính quyền cũng đẩy phân khúc sản xuất công nghiệp của các ngành công nghiệp hoạt động cầm chừng hay đóng cửa hoàn toàn vì thiếu nhân lực và chi phí tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, như: sản xuất kim loại tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 9,2%…
Chỉ số sản xuất tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%…
Sài Gòn, 31/08/2021
Theo ESKA Singapore, Made in Singapore
Bài viết dựa trên Lube Report Asia và số liệu từ TCTK