Báo cáo thị trường dầu nhớt Việt nam, năm 2020- Bài 1: Việt nam đất nước tôi yêu!

 

Bài 1: Việt nam đất nước tôi yêu!

 

…Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…

          (Trích Ta đi tới- Tố Hữu)

 Việt Nam, quc hiệu chính thức (hoặc tên gọi đầy đủ) là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một quốc gia nằm ở cực Đông của bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á, giáp với Lào, Campuchia, Trung Quốc, biển Đông và vịnh Thái Lan.

 Vua Gia Long nhà Nguyễn chính thức sử dụng quốc hiệu “Việt Nam” từ năm 1804. Sau đó Nhà Thanh công nhận Việt Nam là quốc hiệu của Nhà Nguyễn. Đặt quốc hiệu là “Việt Nam” không nhầm với nước Nam Việt và thể hiện vị trí địa lý nằm ở phía nam Bách Việt. (Theo Wikipedia).

Tổng quan 2020

Việt nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có kinh tế tăng trưởng “dương” năm 2020 với mức GDP tăng 2,9%. Điều này có được một phần từ nỗ lực của chính quyền quyết ngăn chặn sự lây lan của virus Corona hay đại dịch Covid-19 ngay giai đoạn đầu. Thêm vào đó là chính sách về tài khoá hỗ trợ kích cầu thị trường tiêu dùng nội địa một phần làm giảm thiệt hại nền kinh tế sau những đợt giãn cách xã hội ở quy mô nhỏ.

Ngân sách của nhà nước Việt nam hạn hẹp, nguồn thu chủ yếu từ đất đai và các loại thuế, trong khi đó bộ máy vận hành nặng nề của chính quyền và các tổ chức khác, nên thâm hụt ngân sách xảy ra thường xuyên trong các năm tài khoá. Sự hỗ trợ của chính quyền cho người dân/doanh nghiệp trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai dịch bệnh về con số có vẻ “hoành tráng” nhưng thực tế là con số nhỏ khi thực hiện. Điều này cũng dễ hiểu vì chạm vào ngân sách nhà nước thiếu hụt đó là vấn đề nan giải. Cái mấu chốt vấn đề là vận hành nhà nước trên quan điểm hiện nay khi duy trì bộ máy khổng lồ với mức 70% ngân sách chi tiêu “nuôi cán bộ” thì sự phát triển kinh tế có chăng cũng phụ thuộc vào tiền từ nước ngoài đầu tư (FDI), kiều hối, hay vay mượn, hay do nỗ lực của người dân là chính.

Mức tăng trưởng trung bình 8%/năm của phương tiện giao thông “các kiểu” trong suốt một thập kỷ qua (10 năm), với hơn 61 triệu đơn vị vào cuối năm 2020. Tuy vậy, tăng trưởng chậm trong phân khúc xe hai bánh (mô tô, xe máy) vì hạn chế di chuyển do Covid-19 và một phần do chạm ngưỡng nhu cầu khi trung bình 2 người sở hữu 1 xe máy, tính trên cả nước.

Việt nam vẫn đi theo xu hướng của thế giới cũng có tầm nhìn về giao thông với định hướng phát triển các loại phương tiện giao thông công cộng (mass transportation) và các phương tiện xanh (xe điện). Nhưng năng lực quản trị, vận hành cộng với tư duy nhiệm kỳ nên các dự án về công cộng trì hoãn nhiều năm. Điều tất yếu khi người dân tự trang bị cho mình phương tiện di chuyển, về lâu dài không thể sửa chữa được thói quen, nên các quốc sách về giao thông: cấm xe máy, đo khí thải để phân loại xe máy, và lộ trình loại bỏ hay hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch…bị phản đối cũng như thực hiện không khả thi.

Ngành công nghiệp dầu nhớt cũng chịu ảnh hưởng trong bối cảnh chung như vậy về mức tiêu thụ. Mặt khác là sự quản lý “chặt chẽ” về cấp phép đối với dầu nhớt thành phẩm (dầu động cơ) từ chính quyền thông qua “quy chuẩn quốc gia về dầu động cơ“ bắt buộc để lưu hành trên thị trường.

Trong tất cả cách vận hành nhà nước luôn luôn dựa trên quan điểm thượng tôn luật pháp nhưng theo đó là tạo cho người dân/doanh nghiệp sự tiện lợi trong công việc qua đó đóng góp vào ngân sách nhà nước qua các công cụ thuế má… Quy chuẩn quốc gia về hàng hoá là nền tảng để quản lý chất lượng của hàng hoá lưu thông trên thị trường bất kể sản xuất nội đia hay nhập khẩu. Việc áp dụng quy chuẩn quốc gia về dầu động cơ đốt trong là một trong những nền tảng như vậy, nhưng có vẻ quy chuẩn là hàng rào ngăn cản hàng hoá nhập khẩu vì cách áp dụng rườm rà và quan liêu của các cơ quan quản lý. Quan điểm “quản lý tất cả” không còn đúng khi kiến thức con người quản lý hạn hẹp trong khi đó sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật của nhân loại là khổng lồ. Chính sách “tiền kiểm” thay vì “hậu kiểm” làm doanh nghiệp tốn kém về của cải, thời gian cho việc kiểm tra dầu nhớt theo quy chuẩn là vô ích…

Thị trường dầu nhớt

Trước Covid, lượng tiêu thụ dầu nhớt của Việt nam tăng trưởng “mạnh mẽ” trong suốt 2 thập kỷ với mức trung bình 5,1%/năm (CAGR) từ năm 2001 cho đến 2019, đứng vị trí thứ 3 trong khu vực Đông nam Á chỉ sau Indonesia và Thái Lan về mức tiêu thụ dầu nhớt.

Năm 2020, nhu cầu tiêu thụ dầu nhớt nội địa (ngoại trừ dầu nhớt hàng hải quốc tế) suy giảm ước lượng khoảng 3,9% với sản lượng đạt 424 kt (ngàn tấn), trong đó, phân khúc dầu nhớt giao thông/vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do chính sách ngăn chặn dịch chuyển của chính quyền.

Nhìn ở tương lai, nhu cầu dầu nhớt có lẽ tăng trưởng ở mức mục tiêu 1,6%/năm trong vòng 5 năm tiếp theo, sẽ đạt kỳ vọng 460 kt vào năm 2025, khi tăng trưởng kinh tế trung bình GDP mức 5,8%/năm và mức tăng trưởng về công nghiệp khoảng 6,8%/năm.

Chuỗi cung ứng nguyên liệu và thành phẩm

Việt nam không có nhà máy sản xuất dầu gốc, là thành phần chính trong nguyên liệu cho dầu nhớt thành phẩm. Các dự án hay nhà máy về hoá lọc dầu đang vận hành không có kế hoạch sản xuất dầu gốc.

Pha chế nội địa bao gồm cả các thương hiệu quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu dầu gốc nhập khẩu. Năm 2020, Việt nam nhập khẩu 273 kt dầu gốc, trong đó là 86% có nguồn gốc từ Singapore và Hàn quốc.

Năng lực sản xuất nội địa về dầu nhớt của các nhà máy tại việt nam tương đương 540 kt, bao gồm 18 nhà máy tập trung ở Đồng bằng Sông Hồng (phía Bắc và đông Bắc), trong khi đó ở phía Nam tập trung quanh Tp. HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An… Một số nhà máy có sản phẩm xuất khẩu sang các nước thuộc Châu á- Thái Bình Dương (APAC).

Môi trường cạnh tranh

Dung lượng thị trường dầu nhớt tăng 39% trong suốt thập kỷ qua, tỷ lệ tập trung ngành công nghiệp dầu nhớt có xu hướng tăng thấp với thị trường cạnh tranh được tính toán kỳ vọng là một trong 10 thị trường sẽ có mức tăng 52% năm 2020 và 74% vào thập kỷ trước đó (2000-2010).

Phân khúc dầu nhớt vận tải chiếm ưu thế bởi các “tay chơi” quốc tế với năm nhãn hiệu dẫn đầu bao gồm: Castrol (vận hành bởi BP-Castrol), Shell, Chevron, Idemitsu và Total (Totalenergies) chiếm 40% tổng sản lượng dầu nhớt bán trong phân khúc này.

Castrol BP Petco (liên doanh giữa BP và Petrolimex) vẫn duy trì thương hiệu dẫn đầu về thị phần mặc dù chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của thị trường.  Năm 2020, Castrol chiếm thị phần 12% so với 24% của năm 2011. PLC ( Cty Cp thuộc Petrolimex) là thương hiệu nội địa dẫn đầu cũng đối mặt với sự bào mòn thị phần từ 14% thập kỷ trước về mức 6% vào năm 2020.

Sau nhiều năm, Eska tiếp cận nhiều báo cáo nghiên cứu thị trường dầu nhớt Việt nam, đây là báo cáo có tính chính xác nhất về số liệu thị phần của các nhãn hiệu lớn như Castrol hay PLC. Các báo cáo trước đây đều nhận định thị phần của Castrol trong khoảng từ 22-25% duy trì trong suốt thập kỷ qua, trong khi đó năng lực sản xuất của nhà máy Castrol và nhập khẩu trong khoảng 55 KT. Khi dung lượng thị trường tăng lên các nhãn hiệu lớn vẫn duy trì sản lượng hay tăng không đáng kể thì mức tăng là do các nhãn hiệu khác. Eska sẽ phân tích vấn đề này ở phần “Dầu nhớt nhập khẩu và Dầu nhớt thương hiệu nội địa”.

…còn tiếp.

Theo ESKA Singapore, 25/9/2022

Bài viết được thực hiện bởi ESKA Singapore, dựa trên tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Eska Singapore cố gắng diễn giải và cung cấp thông tin một cách trung thực nhất có thể, tuy nhiên, không thể không chèn vào ý kiến/quan điểm/nhận định cá nhân ở phần in nghiên. Người đọc nên lựa chọn số liệu được trích dẫn ở bài viết và Eska Singapore không chịu trách nhiệm về các ý kiến cũng như số liệu trên.