Báo cáo thị trường dầu nhớt Việt nam, năm 2020 – Bài 3: Cơm xe hơi. Cơm xe tải!

Giao thông đường bộ

Phương tiện giao thông đường bộ tăng 8% trong suốt thập kỷ trước, ước tính đạt 61 triệu đơn vị cho đến cuối năm 2020, một phần Việt nam tăng trưởng kinh tế vượt bậc và thu nhập của người dân cũng tăng cao.

Dọc đường cái quan, chủ yếu là các đường quốc lộ “xương sống” suốt miền Trung, hay các quốc lộ “xương sườn” nối các tỉnh lỵ ven biển với vùng cao nguyên nắng gió, không thể thiếu các quán cơm ven đường phục vụ cho “bác tài và hành khách đi cùng”. Có thể cách đây khoảng 1-2 thập kỷ, các quán cơm dọc quốc lộ, đặc biệt là đường số 1, gây ám ảnh người ăn và cả người dân vì được báo chí gọi như “cơm tù”. Bây giờ, cách hành xử văn minh hơn, thuận mua vừa bán, nhưng cũng ít được lựa chọn khi đi xe khách. Nhà xe “rúc” vào quán nào thì chịu ăn quán đó, hành khách cũng đã trả tiền đặt cơm trước, phục vụ tương đối tươm tất, nhưng mâm cơm không được ngon như mâm dọn lên cho nhà xe: con gà luộc vàng ươm với xị rượu đựng trong chai nước suối “lavie” để cho hành khách “không hết hồn”! Đó là chuyện của cơm xe đò, nay nói chuyện cơm xe hơi và cơm xe tải.

 Nhưng chuyện cơm nước thấy rõ dọc đường khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân (xe hơi). Có những quán cơm chỉ dành cho xe hơi và tải nhẹ. Thật ra không phải quán không bán cho cánh xe tải đường dài, mà đơn giản quán có giá ăn uống mắc với lại không có dịch vụ cho cánh xe tải…Có quán chỉ thấy có xe tải và xe container đường dài ghé vô, nhiều khi xe đậu thành hàng dài cả trăm mét….

Cơm xe hơi.

 Người đi xe hơi thường có ít nhiều điều kiện, thích ăn quán ngon, sạch sẽ nên trả giá cao cho bữa ăn là tất nhiên. Bữa ăn kêu vài ba món, nhiều khi ăn được nửa còn lại bỏ đi. Đa số là gia đình đi du lịch, chi tiêu rộng rãi, hoặc về quê lễ tết cũng tưởng thưởng cảm giác chi tiêu sau một năm làm lụng vất vả quê người. Cũng có những người hay đi công tác bằng xe hơi, cũng ghé quán kiểu này vì đi làm việc chắc là lương cao hay chính sách công ty cho ăn “cơm xe hơi”. Đôi khi, họ cũng vào kêu dĩa cơm ăn vội vàng để kịp chuyến đi, nhưng cũng có khi sau bữa nhậu ê hề rượu thịt thì chuyện cơm trưa, cơm chiều có gì quan trọng? Thường cơm xe hơi ít bán “cơm dĩa”, hay bị chủ quán “gài” món mặn, món canh rồi hỏi ăn rau gì không? Quay tới quay lui cũng dọn lên mâm cơm 3 món mà 2 người ăn ứ hự.

 Sáng sớm khởi hành đi ở Sài gòn dọc quốc lộ 1 hướng miền Trung thì trưa thế nào cũng dừng ăn trưa ở khu vực Bình Thuận/Phan thiết. Cơm xe hơi thường bị mời gọi bởi cơm niêu dọc đường, nhất là qua Tân nghĩa, gần tới ngã ba 46 về Lagi. Cơm niêu thường nóng, ăn ngon nhưng tuỳ quán, cũng vài ba món với cá kho, thịt luộc, canh rau hay canh chua…giá khá “mắc”. Thôi thì bấm bụng xài sang vì đi “mần ăn” bằng xe hơi, áo quần bóng bẩy, người xịt nước hoa thơm phức…thì bửa ăn, quán xá cho xứng đáng. Nhưng lầm thiệt, ăn xong đành ngậm “bồ hòn làm ngọt” vì dĩa gà luộc chín ngoài da nhưng thịt còn đỏ tươi trong xương, gà để tủ đông từ hôm trước rồi. Kinh nghiệm, đi mấy quán cơm niêu đừng kêu thịt gà, nhất là gà luộc.

 Nếu đi mà chưa tới bữa, thì “chạy ráng” qua Phan thiết khoảng 20 cây số tới núi Tà zon, có quán cơm chuyên cho xe hơi cũng ghi bảng “cơm niêu Tà zon”. Mà quán này “chuyên trị xe hơi thiệt”, cơm nóng cá tươi, thịt luộc cuộn tròn xắt mỏng nhìn đẹp mắt không nỡ ăn. Có cái, mùa nắng nhất là thời điểm qua tết, ngồi đây như đổ lửa, mặc cho giàn phun sương chạy hết công suất. Ở đây gió nhiều, nắng nhiều, mấy chậu bông giấy trồng phía sau sân đua sắc nở bông.

 Nếu bỏ qua chuyện cầu kỳ của bữa ăn thì hay nhất là đi thẳng vô thành Phan Thiết, ghé quán cơm gà Hạnh Hương, đường Tuyên Quang, gần mấy cái khách sạn dân “mần ăn, công chuyện” ở. Quán ở đây cũng đông xe hơi, bán đủ món của xứ biển, nhưng cơm gà ở đây “siêu ngon”!. Dĩa cơm giá phải chăng nhưng chỉ vài ba miếng gà, ăn vô thì chỉ có thèm mà kêu thêm thôi. Ừ thường cái chi ít thì sẽ thấy ngon.

Xe ô tô và tải nhẹ vẫn là chiếm ưu thế trong phương tiện 4 bánh, mức tăng liên tục trong 10 năm trung bình ở 12%/năm, đạt 3.7 triệu chiếc cuối năm 2020 hay chiếm 6% phương tiện vận tải đường bộ cả nước. Tuy nhiên, đây là mức thấp trong cộng đồng các nước Châu Á với tỷ lệ 3.8 chiếc/100 cư dân, trong khi đó, Thái lan có mức 22.3 chiếc/100 cư dân và Hàn Quốc 41.5 chiếc/100 cư dân.

Cơm xe tải.

Cơm xe tải “bụi” hơn! Vì quán đầu tư cho sân bãi đậu xe đơn giản, không để bê tông hay tráng xi măng như cơm xe hơi. Cũng có khi là quán ven đường, xe đậu hàng dài xắp lớp. Cơm xe tải thường vô mấy quán chỗ trạm BOT Lương Sơn. Cơm xe tải cũng thường dừng ở quán Thái Bình Dương, nhất là cánh xe tải từ miền Bắc vào, chỗ biển Vĩnh Hảo, nằm bên bờ Thái Bình Dương thiệt! Bãi xe rộng, đầy đủ tiện nghi cho cánh tài đường xa với chuyện ngủ nghỉ, vệ sinh và ăn uống. Mà dân này ăn uống “mạnh”, đơn giản hai người mần hết con gà rồi thêm cơm canh…,nhưng giá “bèo” bằng giá thu phí “trốn hầm” đèo Cù mông, chịu khó “đạp” khoảng 15-20 phút bò qua đèo là có bữa cơm rồi.

 Cánh tài xế xe tải hay xe công (container) hay tiết kiệm tiền phí cầu đường qua trạm BOT hay đi hầm nên cũng thường đi đèo, mới thấy chi phí xe cộ lưu thông trên đường là gánh nặng “lậm” vô bửa ăn thường nhật. Dọc đường, chạy vài ba chục cây số là chặn đường thu tiền. Ai cũng nói BOT làm ra đường tốt hơn để mà dân hưởng, nhưng BOT cũng là rào cản phát triển kinh tế khi chi phí vận tải tăng cao, giá hàng hoá mất cạnh tranh, mà trước đây dân “lô gíc tíc – logistic” than thở chi phí logistic ở Việt nam cao trong hàng tốp đầu của thế giới. vậy sao mà cạnh tranh. Đường BOT bây giờ cũng “nát như tương tàu” qua đoạn Phú Yên, Bình Định.. Chắc BOT sắp hết thời, có lẻ xu hướng mới là “cao tốc” chăng?

 Bữa ăn dân xe tải, xe công đường dài thấy còn ngon. Chứ xe tải đường ngắn hay ở địa phương thì ăn chán phèo! Tấp vô bên quán cơm gà 52 làm hộp cơm cho xong, vừa lái vừa xúc, tranh thủ mấy chú công an đang nghỉ trưa.

 Ờ mà nói chuyện cơm gà 52 thì có nhiều chuyện để nói. Có lẽ đây là thương hiệu bị “xâm phạm bản quyền nhiều nhất trong chuyện ăn uống, cơm bụi. Dọc quốc lộ 1, miền Trung, hay dọc đường 14 lên Bắc Tây nguyên, qua tận phía bên kia Quảng Nam, thương hiệu Cơm gà 52 xuất hiệu dầy đặc ở các tỉnh lỵ đi qua. Nhưng ít ai biết cơm gà 52 gốc chính là quán cơm gà nằm ở EaKar (Đắc Lắc) trên quốc lộ 26 nối Buôn mê Thuộc và Nha Trang (Khánh Hoà), cách trung tâm Buôn mê Thuộc 52 cây số. Ăn cơm gà 52 chính gốc, hít căng buồng ngực hơi thở của cao nguyên mới hiểu cái cảm giác sảng khoái mạnh mẽ của người Tây nguyên. Quán nhỏ, xe hơi nhiều, nhưng lúc nào cũng đông, mặc dù xung quanh đầy rẩy quán “cơm gà 52 chính hiệu”.

 Cánh xe tải hay dừng chân trên đèo Bình đê, địa phận giáp ranh giữa Sa Huỳnh (Quãng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định), để nghỉ ngơi. Mà lạ, chỉ cách một cái đèo, dân Quảng Ngãi nói nước ngọt Coca Cola là “ Cô coa Cô loa” còn dân Bình Đinh lại nói “Cô ke Cô le”! Chỗ ngã rẽ, xe hơi hay đi đường tránh Sa Huỳnh, còn xe tải đi thẳng vô thị trấn ăn cái lẩu mực đêm!

 Lượng xe máy và mô tô áp đảo phương tiện giao thông đường bộ với hơn 56 triệu chiếc đăng ký lưu hành, tập trung đông nhất tại Tp HCM và Hà nội.

Lượng xe 4 bánh mới tiêu thụ năm 2020 “ giảm” 4,7%, xấp xỉ 364,000 chiếc. Trong đó, lượng xe tải nặng bán ra “chìm sâu” 24.7%, phản ảnh mức luân chuyển hàng hoá nền kinh tế sụt giảm, nhu cầu đầu tư xe tải vận chuyển ít đi, một phần trong đó lượng hàng hoá vận chuyển xuất khẩu biên giới với Trung Quốc bị đình trệ nhiều tháng vì chính sách chống dịch Covid-19 của Trung Quốc. Lượng ô tô và tải nhẹ giảm nhẹ ở mức -3.6%, do chính sách giảm 50% thuế đăng ký của chính quyền trong 6 tháng cuối năm.

Khuya, chuyến về, dừng chân ở “Quán Nửa Khuya” ở chỗ Ba Tháp, gần Phan Rang, ăn tô cháo đêm. Quán không đông, nhưng ai một lần tới là nhớ bởi ánh mắt ma mị của người con gái xứ Panduranga.

 “Quán nửa khuya bạn tôi chia tay nhé. Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về. Xiết chặt tay để ghi giây phút phân kỳ, tiễn người đi…!” Quán phục vụ 24/24.

 

…Còn tiếp!

Theo ESKA Singapore, 9/10/2022

 Bài viết được thực hiện bởi ESKA Singapore, dựa trên tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Eska Singapore cố gắng diễn giải và cung cấp thông tin một cách trung thực nhất có thể, tuy nhiên, không thể không chèn vào ý kiến/quan điểm/nhận định cá nhân ở phần in nghiên. Người đọc nên lựa chọn số liệu được trích dẫn ở bài viết và Eska Singapore không chịu trách nhiệm về các ý kiến cũng như số liệu trên.