Báo cáo thị trường dầu nhớt Việt nam, năm 2020 – Bài 4: Nguyên liệu, chính sách thuế, sản xuất và môi trường.

Dầu gốc, phụ gia, môi trường.

Việt nam không có nhà máy sản xuất dầu gốc, cho nên, dầu gốc được nhập khẩu 100%. Không kể đến các “nhà máy nấu dầu tái chế” trước đây mọc lên như nấm khu vực “cánh đồng chết” Lê Minh Xuân, hay vùng Củ Chi, Tp. HCM. Sau này, các xưởng này hoạt động ở vùng xa hơn tận Tây Ninh, hay Châu Đức thuộc BR-VT.

Khi giá dầu gốc tăng cao, nguồn cung hạn chế, trong khi đó, Việt nam không có nhà máy sản xuất dầu gốc từ nguồn dầu nhớt đã sử dụng, thì việc “nấu nhớt” để pha chế nhớt giá rẻ là phản ánh quy luật biện chứng về cung – cầu. Thật ra, trước đây có dự án của công ty Vietnam Oil sản xuất dầu gốc Nhóm 2 từ dầu nhớt đã sử dụng tại KCN Hiệp Phước -Tp.HCM. Nhưng có vẻ đây là dự án “không hợp thời” hay không đúng thời điểm, hay không tìm được nguồn vốn, hay không giải quyết được vấn đề thu gom nhớt thải? Eska đã phân tích dự án này cách đây khoảng 8 năm về trước trên trang.

Bộ KH-CN-MT Việt nam đã ban hành quy định về phân loại dầu nhớt thải là chất thải độc hại, phải thu gom và xử lý đúng quy định, năm 2016. Theo đó, nhà sản xuất hay nhập khẩu dầu nhớt phải theo dõi và thu hồi sản phẩm đã sử dụng để xử lý. Việt nam, cũng giống như các nước châu Á khác vẫn thiếu nhà máy xử lý dầu nhớt đã sử dụng thành nguyên liệu dầu gốc hay có mục đích khác phù hợp với lợi ích kinh tế và môi trường. Cho đến hiện nay, dầu nhớt đã sử dụng một phần được “nấu” thành nguyên liệu của dầu nhớt với kỹ thuật lạc hậu, chắc chắn, không đảm bảo sử dụng được, nhiều khi cũng sản xuất thành các sản phẩm của thương hiệu dầu nhớt nổi tiếng tại Việt nam. Ngoài ra, dầu nhớt đã sử dụng được thu gom “không hợp pháp” trộn vào dầu đốt (fuel oil) trong ngành gốm sứ, xi măng, lò gạch…

Các nhà máy lọc dầu lớn của Việt nam như Dung Quất (BSR) hay Nghi Sơn chỉ định hướng nhiên liệu (xăng, dầu), không có phân xưởng sản xuất dầu gốc. Một số “nhà máy” nhỏ hơn ở phía Nam thuộc PetroVietnam, Saigon Petro, Nam Viet Oil…cũng không sản xuất dầu gốc, mà chủ yếu pha trộn xăng/condensate có RON thấp thành cao là chính. Không có thông tin hay dấu hiệu nào từ các tổ hợp hoá dầu lớn sắp hình thành như Long Sơn (BRVT) hay Vũng Rô (Khánh Hoà) có nhà máy sản xuất dầu gốc mới “virgin” tại đây.

Tương tự dầu gốc, phụ gia để pha chế dầu nhớt cũng nhập khẩu 100% thông qua các công ty thương mại đại diện.

Năm 2016, Việt nam áp dụng thuế suất ưu đãi nhập khẩu (0%) đối với dầu gốc, dầu nhớt thành phẩm và mỡ từ các nước ASEAN. Theo hiệp định thương mại giữa ASEAN-Trung quốc, dầu gốc nhập khẩu từ Trung quốc có thuế nhập khẩu 8%. Dầu gốc nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có thuế 0% theo các hiệp định giữa ASEAN-Korea (AKFTA) và Việt nam – Nhật Bản (VJEPA). Dầu gốc nhập khẩu từ các nước không có hiệp định thương mại song phương hay đa phương (FTA, BTA) thì có thuế nhập khẩu 5%.

Việt nam giữ mức thuế Giá trị gia tăng (VAT) 10% trên sản phẩm dầu nhớt hay nguyên liệu. Thuế Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2.000 Đồng/Lít/Kg.

Sản xuất.

Cho đến năm 2020, Việt nam có 18 nhà máy sản xuất pha chế dầu nhớt chính, không kể một số “xưởng” pha chế nhỏ. Tổng công suất sản xuất đáp ứng xấp xỉ 540 Kt/năm (ngàn tấn). Hầu hết các nhà máy lớn tập trung gần cảng chính như Hải phòng hay địa phương xung quanh Tp.HCM.

Các nhà máy này sản xuất tổng cộng 306 Kt, năm 2020, chiếm 57% tổng công suất. Tỷ lệ khả dụng cao hơn trung bình trên đối với các nhà máy thương hiệu quốc tế, với công suất gần 84% năm 2018, trong khi đó nhà máy thương hiệu nội địa chỉ sản xuất 30-50% công suất.

Castrol BP Petco’s với công suất 50 Kt/năm ở Nhà Bè, Tp.HCM là nhà máy pha chế dầu nhớt lớn nhất Việt nam. Năm 2016, BP bán dây chuyền sản xuất mỡ 2 Kt/năm cho APP, tại Hà Nội, tập trung kinh doanh mỡ từ nguồn nhập khẩu.

Chevron Caltex vận hành nhà máy pha chế tại Hải Phòng, vùng Đông Bắc của Việt nam, từ công suất ban đầu được thiết kế là 15 Kt/năm, sau 3 giai đoạn nâng cấp có công suất tổng cộng 45 kT/năm. Chevron, ngoài sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa còn xuất khẩu sang các nước láng giềng và cũng pha chế gia công cho nhãn hiệu khác.

Ở Hải Phòng, Idemitsu có nhà máy công suất 35 Kt/năm, vận hành vào tháng 1/2014. Trong khi đó Eneos (JXTG Nippon Oil & Energy) cũng có nhà máy 40 Kt/năm cùng KCN Đình Vũ. Hai nhà máy này định hướng nằm gần các nhà máy OEMs ô tô lớn của Nhật Bản nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng.

Shell là một trong những nhà máy dầu nhớt có mặt tại Việt nam đầu tiên với công suất 30 Kt/năm, từ 2001 tại Đồng Nai.

Total mua lại nhà máy của ExxonMobil 15 Kt/năm, và hạ tầng phân phối năm 2009. Sau đó, năm 2013, công suất nhà máy nâng lên thành 25 Kt/năm.

Maxihub Co. Là liên doanh giữa Excel Chemical Corp. Và Uni-Shine Chemical Corp với “ông lớn” Đài Loan CPC nắm 40%, hình thành năm 2015 và đến năm 2021 đã vận hành nhà máy tại KCN Ông Kèo, Đồng Nai.

 Theo “thông báo” thì đến quý 3/2021 đã hoàn thành dự án, với 2 thương hiệu Kuo-Kuang (Quốc Quang) và Mirage tập trung sản phẩm cho công nghiệp, PCMO, HDEO cũng như dung môi. Nhưng hiện tại (2022) thì nhãn hiệu này vẫn chưa xuất hiện tại thị trường phổ biến…

SHL, thuộc Samhwa, Hàn Quốc, năm 2017 công bố nhà máy 6 Kt/năm tại BR-VT. Oil-Korea công bố nhà máy 10 Kt/năm tại KCN Long Hậu, Tp.HCM.

Các nhãn hiệu từ Đài Loan, Hàn Quốc ban đầu xâm nhập trong cộng đồng các công ty đầu tư từ nước này. Sau đó, họ nhận thấy tiềm năng thị trường Việt nam và sự tin tưởng từ nguồn nguyên liệu nước họ nên thành lập nhiều nhãn hiệu gợi đến xuất xứ từ đây, nhưng sản xuất tại Việt nam. Cũng có nhãn hiệu tập trung chuyên về mảng công nghiệp như VinaBumhwoo, cũng có nhãn hiệu muốn xâm nhập thị trường dầu vận tải như SHL.. Sự đầu tư đa phần do cá nhân là chủ yếu.

Tổng công suất của PLC (có dính dáng đến Petrolimex trước đây) là 50 Kt/năm bao gồm nhà máy tại Nhà Bè-Tp.HCM, và Hải Phòng.

Năm 2020, SK Lubricant mua lại 49% cổ phần của Mekong với nhà máy 35 Kt/năm tại Long An. Theo Mekong dần dần sẽ sản xuất dầu nhớt SK (Hàn Quốc) tại nhà máy để tăng thị phần tại Việt nam, nhưng, hiện tại dầu nhớt từ SK vẫn sản xuất tại Hàn Quốc, nhập khẩu vào Việt nam thông qua một số thương nhân

Việc công bố thông tin mua/bán, sát nhập liên quan đến các tập đoàn thương hiệu lớn từ nước ngoài có lẽ phục vụ cho mục đích nào đó?

“Nếu chiều nay lỡ hẹn không về,

Thì xuân năm nay, xuân sẽ buồn

Sẽ buồn hơn mấy cuội mai già…”

Tháng 10, gió đổi mùa! Sài gòn se lạnh buổi sáng sớm.

Gió mùa tây nam ngưng thổi, mưa thuận gió hoà qua đi, chuẩn bị là mùa bão lũ với gió phơn từ biển thổi vào vùng duyên hải miền Trung và Nam bộ. Mùa gió chướng!

 Nắng vàng hanh hao đầu ngày ở phương Nam thì y rằng cái rét đầu đông đã rón rén đến phương Bắc. Cả Tây Nguyên vàng rực, hoa quỳ thức giấc…!

…còn tiếp

Theo ESKA Singapore, 16/10/2022

 Bài viết được thực hiện bởi ESKA Singapore, dựa trên tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Eska Singapore cố gắng diễn giải và cung cấp thông tin một cách trung thực nhất có thể, tuy nhiên, không thể không chèn vào ý kiến/quan điểm/nhận định cá nhân ở phần in nghiên. Người đọc nên lựa chọn số liệu được trích dẫn ở bài viết và Eska Singapore không chịu trách nhiệm về các ý kiến cũng như số liệu trên.