Mưa đầu mùa!

Mưa đầu mùa ở miền Nam bắt đầu khi gió phơn Tây Nam thổi mạnh, mùa gió chướng kết thúc. Khúc miền Trung bắt đầu mùa nắng hạn, nồm ẩm phía Bắc là sự giao thoa giữa hai luồng gió, Tây Nam và Đông Bắc. Rét nàng Bân tháng Ba có thể lạnh… co ro!

Cả vùng Giang Thành, giáp Hà Tiên kéo dài qua Tịnh Biên, Tri Tôn thuộc An Giang, ngập trong khói đốt đồng. Chân rạ còn sót lại nằm chơ rơ. Kênh Vĩnh Tế chảy từ Châu Đốc xuống biển Tây Nam vô mùa kiệt nước, cánh đồng tứ giác Long Xuyên kéo qua tận Kiên Giang, Hậu Giang nắng khô khốc. Tà Pạ chỉ còn màu xanh của vài cây thốt nốt loe hoe …giữa đồng. Chờ mưa!

“Theo số liệu được Tổng Cục Hải quan công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam quý 1/2023 giảm 12%, đạt hơn 79,3 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản vẫn là điểm sáng khi mức giảm trong 3 tháng đầu năm đều thấp hơn mức giảm chung, thậm chí một số cái tên còn ngược dòng tăng trưởng tốt. Đặc biệt, gạo là cái tên hiếm hoi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm 2023 tới nay.

Sau 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam ghi nhận sản lượng gần 1,9 triệu tấn, trị giá hơn 981 triệu USD, tương ứng tăng tới 34% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất trong vòng 6 quý gần nhất, qua đó đưa gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất trong tháng 3 và lớn thứ 3 trong quý 1/2023 của nhóm nông sản.” (Cafef.vn)

Mưa đầu mùa có lúc rớt hột, nhanh như một cơn gió, mưa chưa kịp ướt mặt lộ thì nước đã bốc hơi. Có vùng, mưa xối xả, trời đất ầm ì, tối sầm, trời như trút nước…Mưa đầu mùa bắt đầu nhiều từ miệt biên giới phía Nam rồi lan dần cả vùng Nam bộ. Nghe trong hơi gió mùi của hơi ẩm, mùi của đồng bằng châu thổ là…mưa, báo hiệu một mùa vụ gieo hạt bắt đầu.

Sản xuất lúa gạo. Thế giới vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Tại Ấn Độ, Trung Quốc và cả Châu Âu đang trải qua đợt hạn hán cao nhất trong vòng 20 năm qua. Cán cân lương thực sử dụng gạo thay đổi

khi lượng lúa mỳ sản xuất từ các nước này bị ảnh hưởng bởi thời tiết hay thậm chí bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga-Ukraine. Biến đổi khí hậu ngày càng bất thường.

 Năm nay, lúa được mùa, nhu cầu gạo thế giới tăng cao. Năng suất sản xuất gạo hiện vẫn ổn định, nguồn cung đủ cho tiêu dùng trong nước và còn khoảng 7 triệu tấn dành cho xuất khẩu.

Cơ khí hoá sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất lúa, gạo ở Việt nam cũng vậy! “Cũng trông trời trông đất trông mấy, trông cho chân cứng đá mềm”. Nhưng ở miền Nam khác miền Bắc. Ruộng ở miền Nam đã hầu hết “bỏ thửa”, phá ranh giới phân chia các thửa ruộng, để trở thành cánh đồng mẫu lớn. Các vùng lúa từ Đồng Tháp Mười cho đến xứ Long-Châu-Sa, xuống tận Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau…đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Đây là điều kiện tốt để cơ giới hoá chuyện làm lúa.

Cánh đồng ở phía Bắc manh mún hơn, nhỏ hơn. Ở miền Trung cũng vậy! Cho nên giá chi phí sản xuất lúa gạo ở hai miền này thường cao hơn ở miền Nam.

Nhắc đến chuyện làm ruộng, thời nay không cực khổ “một nắng hai sương” như hồi trước. Chủ ruộng có thể thuê làm…tất tần tật!. Từ làm đất, xuống giống, bón phân, trừ rầy cho đến cắt, tuốt lúa, vô bao và..cuộn rơm. Đều cơ giới hoá được hết. Bởi vậy, làm nông dân giờ rất nhàn. Nhờ vậy mới phát triển được ngành cơ khí nông cụ, hay cũng làm giàu cho máy hãng máy móc nông nghiệp như Kubota, Yanmar,…và cả Zoomlion (Trung Quốc).

“Thị trường Máy Nông nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ CAGR là 11,5% trong giai đoạn dự báo (2020-2025). Việc thuê máy móc nông nghiệp theo yêu cầu có thể được quan sát thấy ở Việt Nam do sản xuất máy móc nông nghiệp tại địa phương còn thấp. Hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp tư nhân là người cung cấp máy móc cho thuê. Các tổ chức cung cấp dịch vụ thuê mướn có máy móc hiệu quả trong việc làm đất, thu hoạch, đập lúa, sấy khô, bảo quản và vận chuyển. Các tổ chức này tập trung đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.”

 Phân khúc máy kéo là phân khúc chính của thị trường máy nông nghiệp Việt Nam và chiếm gần một nửa thị phần. Năm 2021, Việt nam nhập khẩu khoảng 2.000 tỷ VNĐ máy nông nghiệp, chủ yếu máy kéo.

Dầu nhớt cho máy gặt đập liên hợp.

Nhiều hãng dầu nhớt trước đây tập trung nhiều cho phân khúc dầu nhớt động cơ tàu thuyền đánh bắt thuỷ hải sản. Có nhãn hiệu bỏ hẳn phân khúc dầu nhớt cho máy nông nghiệp như Castrol-BP. Có nhãn hiệu máy nông nghiệp như Kubota, Yanmar… làm luôn dầu nhớt cho máy nông nghiệp của họ, bán giá rất cao. Sự thức tỉnh của nhiều hãng kể từ đây khi với thị trường ngách như có sản lượng và lợi nhuận tốt. Đây là loại dầu nhớt mang tính kỹ thuật cao vì là loại dùng cho cả hệ thống phanh (thắng), truyền động hộp số và thuỷ lực… cho máy cày, gặt đập liên hợp. Trong khi đó, dầu nhớt sử dụng cho động cơ là loại riêng.

Người nông dân vốn dĩ tiết kiệm, sử dụng dầu nhớt giá rẻ cũng do không hiểu biết, cũng do mấy ông thợ sửa máy muốn lời nhiều nên thay nhớt rẻ mà không đúng chức năng. Chỉ có những người đầu tư vài ba máy gặt thuê, chạy đồng này sang đồng khác…mới tiếc tài sản bạc tỷ nên sử dụng dầu nhớt đúng cho máy. Eska có sản phẩm Argitrans HVLP 68, đúng tiêu chuẩn UTTO và STOU cho máy cày, gặt đập liên hợp.

Cho đến hiện nay, Việt nam vẫn là nước nông nghiệp với 80% đất đai dùng cho sản xuất nông nghiệp và 70% dân số sống ở nông thôn. Nông nghiệp là trụ đỡ kinh tế cho Việt nam qua nhiều thời kỳ khó khăn. Mặc dù, Việt nam vẫn muốn tiến lên thành một nước công nghiệp. Có thể tỷ trọng giá trị đóng góp vào GDP của nông nghiệp còn thấp, trong khi đó lấy đất đai làm khu công nghiệp để sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài…mau giàu hơn. Nông dân mất đất đai là cũng vì vậy..! Nhiều phận đời ly hương lưu lạc về tận…Bình Dương. Làm mướn!

Vậy tại sao không tập trung công nghiệp hoá nông nghiệp? Mong làm nông nghiệp chất lượng cao từ giống, phương thức sản xuất và sản phẩm chất lượng cao…Người dân mong hướng dẫn, chỉ dạy từ nhà nước, chuyên gia như mong…mưa đầu mùa!

Tương lai là nông nghiệp!

 

Theo ESKA Singapore, 22-4-2023

Trong bài viết có sử dụng số liệu, tài liệu từ internet.