COP26 và tương lai năng lượng của Việt Nam

Hội nghị khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc kết thúc với thỏa thuận duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C nhằm ngăn thảm họa khí hậu.

Từ những ngày đầu COP26, những thông tin tích cực từ nước Anh cho thấy sẽ có bước đột phá của Việt Nam về cam kết giảm phát thải khí nhà kính, chung tay cùng nhân loại làm giảm sự nóng lên toàn cầu.

Cam kết “đột phá” của Việt Nam tại COP26

Ngày 1-11, trong bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một tuyên bố lịch sử: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050”.

Phát thải ròng bằng “0” (net-zero emissions), nghĩa là cắt giảm phát thải khí nhà kính về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Lượng khí thải còn lại cũng phải được trung hòa thông qua các cơ chế bù đắp carbon, ví dụ như trồng rừng, hay qua mua bán chứng chỉ giảm phát thải.

Cam kết này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giữ nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris (về biến đổi khí hậu) được 195 quốc gia ký kết năm 2015.

Tiếp sau tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cũng đã chính thức cam kết từ bỏ nhiệt điện than. Ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo hơn 40 quốc gia khác đã ký vào “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”.

Tuyên bố này bao gồm những hành động chuyển dịch từ sản xuất điện than hiện hữu sang điện sạch chậm nhất là vào thập niên 2040; ngừng cấp phép, ngừng xây mới các dự án điện than, chấm dứt nguồn hỗ trợ mới và trực tiếp của chính phủ đối với điện than trên toàn thế giới kể từ thời điểm ký tuyên bố này.

Tương lai năng lượng của Việt Nam

Đến thời điểm này, Việt Nam đã hội đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa để thực hiện cuộc cách mạng chuyển dịch năng lượng một cách sâu rộng, góp phần tạo cơ hội cho đất nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và phát thải thấp.

Thiên thời, đó là lúc toàn nhân loại cùng chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Với cam kết từ bỏ điện than và lựa chọn đứng về phía những quốc gia có trách nhiệm khí hậu, Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ vô cùng to lớn của cộng đồng quốc tế về tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực để thực hiện mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 đầy tham vọng. Giá điện gió giảm 50%, giá điện mặt trời giảm 85% chỉ sau 10 năm qua là cơ hội để Việt Nam mạnh mẽ thúc đẩy đầu tư các nguồn điện này.

Địa lợi, đó là lợi thế hàng đầu Đông Nam Á về tài nguyên năng lượng tái tạo. Tận dụng lợi thế này để phát triển các nguồn điện sạch, không xây thêm điện than mới và từng bước đóng cửa các nhà máy điện than đang vận hành là chọn sở trường, bỏ sở đoản, đoạn tuyệt với công nghệ điện than ô nhiễm, lỗi thời, tránh xa những chiếc bẫy nợ treo lơ lửng.

Nhân hòa, đó là lãnh đạo có tầm nhìn đột phá khi chọn con đường năng lượng sạch mà thế giới văn minh đã và đang đi để kiến tạo sự thịnh vượng cho quốc gia.

Việc có tận dụng thiên thời, địa lợi và nhân hòa thành công hay không phụ thuộc vào điều kiện cần: cải tổ toàn diện QHĐ8 và phương thức vận hành thị trường điện quốc gia. Bước đi quan trọng đầu tiên là loại khỏi danh mục toàn bộ dự án điện than xây mới từ năm 2021, và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo.

(Theo Kinh Tế Sài Gòn)

Eska Singapore