Dự báo giá dầu tăng trong những tháng cuối năm 2023

Giá dầu được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối năm nay vì các kho dự trữ dầu mỏ, gồm dầu thô và nhiên liệu trên toàn cầu suy giảm trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt. Trong những tháng qua, Saudi Arabia, nước dẫn đầu tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác trong liên minh OPEC+ đã cắt giảm sâu sản lượng.

Các bồn chứa dầu thô ở trung tâm lưu trữ dầu Cushing ở bang Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong một báo cáo phát hành trong tháng này, các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan nhận định, dầu mỏ dự trữ trên thế giới, gồm dầu thô và các sản phẩm nhiên liệu sẽ đóng vai trò lớn hơn so với đô la Mỹ trong việc quyết định giá dầu. Thông thường, giá dầu sẽ tăng khi giá đô la suy yếu, giúp thúc đẩy nhu cầu của các nước nhập khẩu dầu.

Chúng tôi dự đoán tồn kho dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm tương đối mạnh trong tháng 7 và đến cuối tháng 8. Chúng ta đang đứng trước tình hình nguồn cung dầu ngày càng thắt chặt. Động thái cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia về cơ bản đang đẩy nhanh tốc độ suy giảm dầu dự trữ”, Christopher Haines, nhà phân tích của hãng tư vấn Energy Aspects nói.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA)OPEC dự đoán, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vượt nguồn cung trong năm nay. Điều này sẽ khiến tổng lượng tồn kho dầu mỏ toàn cầu giảm 400.000-500.000 thùng/ngày, chủ yếu vào nửa cuối năm.

Theo IEA, dự trữ dầu mỏ toàn cầu trong tháng 5 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9-2021 do tồn kho tăng đáng kể ở các quốc gia không thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý, các dấu hiệu thắt chặt ở nguồn cung đang xuất hiện, đặc biệt là ở Mỹ.

Cho đến nay, việc dự trữ dầu mỏ giảm không đồng đều về mặt địa lý, tồn kho dầu giảm ở Mỹ và châu Âu hiện được bù đắp nhờ dự trữ dầu tăng ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Sự sụt giảm cũng nghiêng về nhiên liệu hơn là dầu thô, dù nguồn cung dầu thô chua (chứa hàm lượng lưu huỳnh cao), thường có giá thấp hơn dầu ngọt, đang thắt chặt do tác động các đợt cắt giảm của OPEC và các đồng minh.

Có vẻ như quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện của 8 nước thuộc liên minh OPEC + công bố vào tháng 4 và động thái của Saudi Arabia đơn phương cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày, bắt đầu vào tháng 7 đang có hiệu quả mong muốn, các thùng dầu chua trở nên khan hiếm hơn”, các nhà phân tích của JP Morgan cho biết.

Theo JP Morgan, các nhà máy lọc dầu trên thế giới đang tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu gia tăng trong mùa hè khi mọi người lái xe và đi máy bay nhiều hơn. Điều này cùng với sự sụt giảm xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 7, giải thích phần nào cho xu hướng suy giảm tồn kho dầu mỏ.

JP Morgan dự báo, giá dầu Brent chuẩn quốc tế sẽ tăng lên 86 đô la/thùng vào cuối quí 3, trước khi giảm xuống trong quí 4 khi tồn kho dầu mỏ bắt đầu tăng trở lại. Trong khi đó, ngân hàng UBS dự đoán, giá dầu Brent sẽ tăng lên 85-90 đô la/thùng trong những tháng tới. Trong tuần qua, dầu Brent giao dịch quanh mức cao nhất trong ba tháng là 84 đô la/thùng.

Các kho dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ dầu Cushing ở bang Oklahoma (Mỹ) giảm 2,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 14- 7, mức giảm mạnh nhất trong hơn 18 tháng, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Trong tuần tiếp theo, các kho dự trữ dầu thô ở đây giảm thêm 2,6 triệu thùng, đẩy mức dự trữ xuống thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm

Đối với nhiên liệu, dữ liệu của hãng tư vấn FGE Energy về các trung tâm lưu trữ chính ở Mỹ, Bắc Âu, Nhật Bản, Singapore và Fujairah ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cho thấy tồn kho tổng thể giảm mạnh trong tháng 7, ở những điểm dự trữ ở trên bờ lẫn trên biển.

Theo Công ty phân tích dữ liệu vệ tinh Kayrros, tồn kho dầu thô lớn ở Trung QuốcNhật Bản cho đến nay giúp bù đắp cho sự sụt giảm ở vùng Vịnh Ba Tư ở Trung Đông. Điều này có nghĩa là chưa có dấu hiệu nào cho thấy tồn kho dầu thô toàn cầu giảm.

Trên thực tế, dữ liệu của Kayrros cho thấy, tồn kho dầu thô toàn cầu  trong tuần tính đến ngày 20-7 đạt mức cao nhất trong hai năm. Thế giới đã bổ sung 200 triệu thùng dầu thô vào các kho dự trữ kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2-2022. Con số này tương đương khoảng 400.000 thùng tăng thêm mỗi ngày trong khoảng thời gian đó.

Trung Quốc đóng góp phần lớn mức tăng thêm. Nước này đã bổ sung thêm 700.000 thùng mỗi ngày vào các kho dự trữ kể từ giữa tháng 4. Người đồng sáng lập Kayrros, Antoine Halff lưu ý, đây là lượng dầu dự trữ mang tính thương mại hơn là dự trữ chiến lược.Ông cho rằng, tồn kho dầu thô của Trung Quốc tăng lên là do hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước suy yếu, kết hợp với việc nước này đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô giá rẻ  từ Nga, Iran và Venezuela.

Theo Kayrros, kể từ tháng 4, tồn kho dầu thô của Nhật Bản tăng thêm 25 triệu thùng, tương đương 8%, lên mức cao nhất trong gần hai năm. Tồn kho dầu diesel của Trung Quốc cũng tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 11-2022 đến tháng 2-2023 và vẫn duy trì ở mức cao kể từ đó.

Tôi nghĩ rằng dầu thô Iran đã đi qua các khu vực khác nhau của châu Á… và sau đó dừng lại ở Trung Quốc”, nhà phân tích Vikas Dwivedi của Macquarie nói.

Giống như quan điểm của nhà phân tích của JP Morgan, Dwivedi cho rằng, tồn kho dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm trong những tuần tới trước khi bắt đầu tăng trở lại vào quí 4 khi nhà máy lọc dầu giảm sản lượng và giá dầu cao hơn thúc đẩy một số thành viên OPEC+ sản xuất vượt quá hạn ngạch sản xuất để tối đa hóa doanh thu.

Hiện tại chúng tôi dự báo dầu sẽ tăng giá. Đây là lần đầu tiên chúng tôi dự báo như vậy sau khi giữ quan điểm bi quan về giá dầu trong khoảng 18 tháng qua”, Dwivedi nói.

 

Theo Khánh Lan, KTSGonline, nguồn Reuters. 31/7/2023.