GIÁ DẦU TĂNG CAO NHẤT TRONG 7 NĂM QUA

Giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng lên mức cao nhất kể từ cú sụp đổ của ngành dầu đá phiến Mỹ vào năm 2014 trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng như giữa Mỹ và Nga leo thang, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung.

Chốt phiên giao dịch hôm 18-1, giá dầu Tây Texas (WTI) ở thị trường New York, tăng 1,61 đô la/thùng, tương đương 1,9%, lên 85,43 đô la/thùng. Tại London, giá dầu Brent tăng thêm 1,2%, lên mức 87,51 đô la/thùng. Cả hai chỉ số giá dầu này đã tăng khoảng 13% trong năm nay và đang ở mức cao nhất kể từ ngày 13-10-2014, theo dữ liệu của FactSet.

Trong số các yếu tố thúc đẩy đà tăng là mối lo ngại rằng các căng thẳng ở Trung Đông và giữa Mỹ và Nga xung quanh vấn đề binh sĩ Nga áp sát biên giới Ukraine sẽ lan tỏa sang thị trường năng lượng, làm giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu thô lớn, đặc biệt là Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Các nhà giao dịch và nhà phân tích nhận định, bất kỳ sự cố làm gián đoạn nguồn cung dầu nào ở các nước này cũng có thể đẩy tăng giá dầu khi mà nhu cầu đang tăng lên và các kho dự trữ dầu trên thế giới đã giảm xuống dưới mức chuẩn gần đây.

Thêm vào đó, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đã không làm giảm nhu cầu nhiều như dự kiến. Trong một báo cáo được công bố hôm thứ 18-1, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo thế giới sẽ tiêu thụ 100,8 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm nay, tăng 4,2 triệu thùng/ngày so với năm 2021, nhờ nhu cầu tăng đối với các sản phẩm chưng cất nhẹ được sử dụng trong ngành công nghiệp hóa dầu.

Paul Horsnell, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết: “Thị  trường nhận thấy nguy cơ giảm công suất dầu có thể xảy ra vào cuối năm nay và đang cố gắng đón đầu”. Ông cho biết các nhà giao dịch dầu lo ngại xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng với Mỹ xung quanh vấn đề Nga đưa binh sĩ áp sát biên giới với Ukraine cũng như các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo Houthi ở Yeman nhằm vào UAE, một thành viên chủ chốt của OPEC. UAE  là nhà sản xuất dầu lớn thứ tám trên thế giới, vì vậy, tình hình bất ổn ở Trung Đông có thể đe dọa nguồn cung ở khu vực này.

Giá dầu bị đẩy lên mức cao hơn một phần là do tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên bên ngoài Mỹ thúc đẩy nhu cầu về dầu nhiên liệu. Trong tuần này, các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs cho biết,việc chuyển đổi từ khí đốt sang dầu nhiên liệu tại các nhà máy điện ở châu Âu và châu Á đã làm tăng nhu cầu dầu thêm nửa triệu thùng/ngày trong tháng 12. Họ dự báo nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng thêm 300.000 thùng mỗi ngày trong tháng 1 và tháng 2.

Mỹ đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, đại diện là OPEC, tăng sản lượng nhanh hơn để giúp kiểm soát lạm phát. Trong tháng 12 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước đó, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982.

Tuy nhiên, OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu chỉ nhất trí tăng dần sản lượng 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 7 năm ngoái.

Chiến lược phục hồi sản lượng nhỏ giọt này giúp giá dầu tăng kể từ tháng 8 nhưng không phải tất cả các thành viên của nhóm OPEC và các đồng minh đều có khả năng phục hồi sản lượng nhanh chóng như mục tiêu đề ra. Điều này làm dấy lên lo ngại công suất dự phòng trên thị trường dầu đang bị hạn chế.

Tuy nhiên, Paul Horsnell cho biết sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu nào cho đến năm 2024.

“Tôi nghĩ rằng có đủ công suất dự phòng ở Saudi Arabia, Iraq, UAE và ở những nơi khác. Điều này có nghĩa là không có tình huống thiếu hụt nguồn cung trong năm nay nếu như không xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất do các căng thẳng địa chính trị lớn, có thể đẩy công suất dự phòng xuống dưới 3 triệu thùng/ngày”.

Theo WSJ, Financial Times

(KTSG)

Eska Singapore