Nguồn thu từ năng lượng là ‘kẽ nứt’ trong bộ áo giáp của Nga?

Tác động ngắn hạn của việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã quá rõ ràng.

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm. Giá khí đốt tự nhiên vốn đã tăng cao kể từ khi đại dịch bùng phát lại tăng thêm hơn 50% trong một tuần. Châu Á cơ bản không liên quan đến cuộc xung đột, nhưng vẫn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá khí đốt tăng.

Cho đến nay, giá tăng chỉ phản ánh tâm lý lo sợ về những nguy cơ có thể xảy ra. Sự lo lắng rằng các đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine, cung cấp 15% khí đốt hàng ngày cho châu Âu, có thể bị gián đoạn vĩnh viễn. Song, một số nỗi sợ hãi có lẽ đã bị phóng đại quá mức.

Các thị trường dầu khí quốc tế rất mạnh mẽ và có khả năng nhanh chóng thay thế sự thiếu hụt tạm thời. Mặc dù Nga đã cảnh báo rằng người châu Âu có thể chứng kiến giá khí đốt tăng gấp đôi trong vài tuần tới, điều này chỉ đơn giản kích thích các nhà cung cấp từ những nơi khác đến lấp đầy khoảng trống.

Ngoại trừ việc thương mại bị sụp đổ hoàn toàn, thế giới có đủ nguồn cung để đảm bảo những đợt tăng giá đột biến sẽ chỉ là tạm thời.

Hơn nữa, sự suy sụp hoàn toàn trong thương mại sẽ không xảy ra vì khó có thể tưởng tượng việc Nga cố tình cắt bỏ nguồn thu chủ chốt từ dầu và khí đốt, thứ đã tạo nền tảng cho chính phủ Tổng thống Vladimir Putin trong suốt 23 năm cầm quyền.

Điện Kremlin ít nhất vẫn phụ thuộc vào việc tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt cho các nước nhập khẩu ở châu Âu. Sự cân bằng lợi ích này cho thấy thương mại năng lượng vẫn sẽ được phép tiếp tục.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt có thể sẽ thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong chính sách năng lượng.

Thứ nhất, Nga đã từ bỏ vị thế là một đối tác thương mại an toàn, với việc châu Âu thể hiện quyết tâm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình.

Điều này bắt nguồn từ Đức, nơi căng thẳng làm gia tăng những do dự xung quanh Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt từ miền bắc nước Nga đến Đức. Với việc tiêu thụ khí đốt đang giảm và nguồn cung cấp thay thế luôn sẵn có, đường ống mới có thể sẽ không được hoạt động.

Dưới sự dẫn đầu của Đức và với sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều quốc gia ở Đông Âu, hành động của Nga cũng có khả năng củng cố kế hoạch rời xa nhiên liệu hóa thạch của Ủy ban châu Âu. Ở một số quốc gia, điều đó thậm chí có thể khiến năng lượng hạt nhân được quan tâm trở lại, khi một thế hệ lò phản ứng mô-đun nhỏ mới xuất hiện.

Thứ hai, chiến sự tại Ukraine sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của Nga là một nơi đầu tư an toàn.

Các công ty quốc tế có sự hiện diện lớn tại Nga, bao gồm Royal Dutch Shell, Exxon Mobil, Total, BP, Toyota Motor và Mitsubishi Motor, hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ qua đi mà không ảnh hưởng đến hoạt động của họ.

Nhưng rủi ro của một cuộc xung đột kéo dài sẽ khiến cho bất kỳ hội đồng quản trị công ty nào cũng khó có thể biện minh cho việc chi tiêu vốn lớn. Điều đó không chỉ đúng đối với các công ty châu Âu và Mỹ mà còn đúng với các doanh nghiệp châu Á.

Thứ ba, câu hỏi được đặt ra về phản ứng của chính Nga đối với tình hình.

Nord Stream 2 là một phần quan trọng trong chiến lược của Nga nhằm đảm bảo thị phần lâu dài trong thị trường khí đốt đang suy giảm của châu Âu. Nhưng trong những năm gần đây, Nga đã hướng sự quan tâm của mình về phía đông với một loạt các thỏa thuận mới để bán khí đốt cho Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á.

Cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ chỉ củng cố thêm những thỏa thuận này, ngay cả khi sự thay đổi mang lại cho Trung Quốc và các nước khác khả năng kiểm soát khối lượng và giá cả. Nhìn từ phía Bắc Kinh, Nga bây giờ sẽ bị coi là bên bán bị ép giá.

Đối với châu Á, giá năng lượng tăng sẽ gây bất lợi. Nhưng nhu cầu về doanh thu của Nga có thể tạo ra cơ hội mới cho những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Nick Butler, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học King’s College London và là cựu giám đốc điều hành cấp cao của công ty năng lượng BP.

Tham khảo Nikkei

(Theo doanh nghiệp và tiếp thị)