Rủi ro suy thoái toàn cầu đang trở nên rõ ràng hơn khi nhu cầu sử dụng dầu diesel, nhiên liệu “huyết mạch” cho các hoạt động kinh tế suy yếu ở nhiều nước và khu vực như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu.
Tại Trung Quốc, số lượng xe tải chạy trên đường cao tốc giảm đáng kể trong những tuần vừa. Tại châu Âu, mức chênh lệch giá dầu diesel so với dầu thô gần đây giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Tại Mỹ, nhu cầu diesel cũng đang trên đà giảm 2% trong năm 2023, theo dự báo của S&P Global. Ngoại trừ năm 2020, khi phần lớn nền kinh tế thế lớn suy sụp thời gian ngắn, con số 2% này đánh dấu mức giảm tiêu thụ diesel lớn nhất của Mỹ kể từ năm 2016.
Theo Debnil Chowdhury, người đứng đầu bộ phận nhiên liệu và lọc dầu phụ trách châu Mỹ của S&P Global, bức tranh nhu cầu ảm đạm trên thị trường diesel cho thấy một những môi trường kinh tế tồi tệ nhất trong trong hơn 10 năm qua, nếu không tính cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 và đại dịch Covid-19.
Nhu cầu diesel của động cơ hạng nặng cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ đội xe tải thương mại đến thiết bị xây dựng đang suy yếu ở nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây tín hiệu sớm cho thấy hoạt động công nghiệp đang mất động lực và chi tiêu của người tiêu dùng giảm.
“Nhu cầu dầu diesel là một chỉ số hàng đầu cho triển vọng tăng trưởng vì đây là dấu hiệu ban đầu phản ánh sức chi tiêu của các hộ gia đình. Nhu cầu dầu diesel giảm phù hợp với các rủi ro suy thoái đang tăng lên trong toàn bộ nền kinh tế”, Ben Ayers, nhà kinh tế cao cấp của Nationwide Economics nói.
Từng tăng giá chóng mặt thế giới sau khi cuộc xung đột Nga- Ukraine làm gián đoạn dòng chảy thương mại, nhu cầu dầu diesel hiện đang ảm đạm trong bối cảnh thị trường lo ngại triển vọng của các nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên gập ghềnh.
Nền kinh tế Mỹ và châu Âu có xác suất suy thoái lần lượt 65% và 49% trong năm tới. Rủi ro của Trung Quốc thấp hơn nhưng đà phục hồi ổn định của nền kinh tế thứ hai thế giới đòi hỏi niềm tin của người tiêu dùng phải cải thiện rõ rệt và nhanh chóng.
Phần lớn sự sụt giảm nhu cầu dầu diesel liên quan đến vận tải đường bộ, tiêu thụ khoảng 60% dầu diesel ở Trung Quốc và hơn 70% ở Mỹ. Số lượng xe tải chạy trên đường cao tốc Trung Quốc giảm 8% trong tuần kết thúc vào ngày 9-4, theo số liệu do Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc theo dõi. Theo dữ liệu của OilChem, tồn kho dầu diesel thương mại trên toàn quốc, ngoại trừ các nhà máy lọc dầu của nhà nước, tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng vào đầu tháng 4.
Theo một cuộc khảo sát tư nhân, nhu cầu diesel suy yếu sau khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 3, dẫn đến hoạt động nhà máy trên khắp châu Á giảm theo.
Daphne Ho, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie, cho biết các thị trường mới nổi trong khu vực bao gồm Indonesia, nơi chính phủ gần đây cắt giảm trợ cấp nhiên liệu cũng đang ghi nhận nhu cầu diesel trì trệ do tăng trưởng chậm lại. Các xu hướng tương tự đang diễn ra ở các nơi khác trên thế giới.
“Nhu cầu diesel của châu Âu yếu đi trong suốt mùa đông do thời tiết ấm áp bất thường và những bất ổn vĩ mô đang che mờ triển vọng nhu cầu”, Koen Wessels, nhà phân tích của Energy Aspects nói.
Theo Bob Costello, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Vận tải đường bộ Mỹ, tại Mỹ, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng xe tải bị ảnh hưởng khi sản lượng của nhà máy và hoạt động xây dựng nhà ở suy yếu trong khi các nhà bán lẻ đang xoay sở giải quyết lượng hàng tồn kho cao.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu chuỗi cung ứng FreightWaves cũng cho thấy, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ ở Mỹ trong tháng 3 rơi xuống mức thấp nhất theo mùa trong 5 năm qua.
Nguyên nhân sâu xa là sự thay đổi trong mô hình chi tiêu của người tiêu dùng. Người dân Mỹ giờ đây ưu tiên cho các kỳ nghỉ và trải nghiệm thay vì mua sắm hàng hóa như trong thời đại dịch Covid-19. Hơn nữa, khi lạm phát siết chặt ngân sách, người dân cũng giảm mua sắm những thứ không cần thiết.
Sự sụt giảm nhu cầu dầu diesel sẽ đặc biệt rõ rệt ở Bờ Tây của nước Mỹ, nơi chứng kiến sa thải hàng loạt trong lĩnh vực công nghệ và cuộc khủng hoảng ngân hàng. Nhu cầu diesel ở khu vực này sẽ giảm 5% trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn quốc, Chowdhury của S&P cho biết.
Số lượng container hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, một thước đo để giám sát nhu cầu diesel của xe tải và xe lửa di chuyển chúng trên khắp đất nước cũng đang chịu áp lực. Tại Los Angeles, số lượng container nhập khẩu đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3-2020. Tại Trung Quốc, số lượng container đi qua các cảng chính cũng giảm 5% trong tuần kết thúc vào ngày 9-4, theo dữ liệu của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc.
“Chúng tôi dự báo nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc có khả năng giảm trong nửa cuối năm nay”, Mia Geng, người đứng đầu bộ phận dịch vụ dầu mỏ Trung Quốc tại hãng tư vấn FGE nói.
(Theo Chánh Tài, Kinh tế Sài Gòn Online)