Khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bắt đầu từ hôm 24/2, giá hàng hoá cơ bản – vốn dĩ đã tăng từ trước đó – leo thang với tốc độ chóng mặt hơn: giá dầu phá mốc 100 USD/thùng, giá nhôm đạt mức kỷ lục, còn giá lúa mì lên cao nhất 9 năm…
Sự tăng giá hàng hoá này phản ánh mối lo của các nhà giao dịch rằng cuộc chiến tranh giữa Nga – nước cung cấp chính cho thế giới một loạt mặt hàng chủ chốt gồm dầu thô, khí đốt, than, nhôm và lúa mì – với Ukraine, quốc gia cũng là một nhà xuất khẩu lớn lúa mì và các loại hạt có dầu, sẽ thổi bùng lạm phát, làm các chuỗi cung ứng gián đoạn nghiêm trọng hơn và làm trệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Sau một tháng diễn ra cuộc chiến, hầu hết những nỗi lo đó đang dần trở thành hiện thực. Lạm phát ở nhiều quốc gia đang bị đẩy lên do giá năng lượng và thực phẩm cao hơn, tình trạng khan hiếm bột mì đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở những quốc gia như Ai Cập, và tăng trưởng kinh tế đang có chiều hướng chững lại, khiến nhiều chuyên gia kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu.
“Theo thời gian, dòng chảy thương mại hàng hoá cơ bản toàn cầu sẽ phải thích nghi với một phần hoặc toàn bộ sự gián đoạn nguồn cung từ Nga-Ukraine. Sự gián đoạn đó có thể do hạ tầng bị chiến tranh phá huỷ, do các biện pháp trừng phạt, hoặc do các mối lo về đạo đức”, công ty giao dịch hàng hoá cơ bản hàng đầu thế giới Glencore nhận định trong một báo cáo vào tuần trước.
Sau đây là diễn biến leo thang của một số hàng hoá cơ bản kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra:
Giá khí đốt và dầu thô tăng mạnh
Dầu khí là những mặt hàng được thế giới theo dõi diễn biến giá chặt chẽ nhất trong vòng một tháng qua, bởi lẽ giá xăng dầu tăng cao đang bào mòn thu nhập của người tiêu dùng tại gần như tất cả mọi quốc gia.
Nhằm đáp trả cuộc tấn công của Nga nhằm vào nước láng giềng, Mỹ đã cấm nhập năng lượng hoá thạch từ Nga; Anh đã cắt giảm để tiến tới không mua dầu khí từ Nga; nhưng Liên minh châu Âu (EU) đến hiện tại vẫn chưa thể áp lệnh cấm vận dầu khí Nga, bởi khu vực này có sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng từ Nga.
Trong lúc EU – khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga – vẫn còn chưa đưa ra một lệnh cấm như vậy, giá dầu và khí đốt đã tăng với tốc độ chóng mặt. Đó là do nhiều công ty giao dịch từ chối mua dầu Nga, một mặt do lo ngại dính líu đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây, mặt khác do lo ngại thiệt hại về uy tín.
Giá khí đốt ở châu Âu đã đạt mức cao nhất mọi thời đại 345 Euro/megawatt-giờ vào đầu tháng này. Sau đó, giá khí đốt tại thị trường châu Âu giảm xuống và tương đối ổn định ở vùng 100 Euro/megawatt-giờ trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, vào hôm 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố những quốc gia “không thân thiện” mua khí đốt của Nga sẽ phải trả bằng đồng Rúp thay vì bằng Euro hoặc USD. Động thái này bổ sung thêm một nhân tố bất ổn trên thị trường khí đốt châu Âu.
“Việc thực thi quyết định của ông Putin xem ra rất thiếu rõ ràng, vì gần như tất cả các hợp đồng mua khí đốt Nga của châu Âu đều được định giá bằng Euro hoặc USD”, nhà phân tích Vinicius Romano thuộc Rystad Energy nhận định.
“Các thoả thuận cung cấp khí đốt thường được coi là bất khả xâm phạm, và trong một kịch bản cực đoan, việc đòi thanh toán bằng đồng Rúp có thể mang lại cho bên mua một lý do để lôi ra những khía cạnh khác của hợp đồng như thời hạn. Rốt cục, bên mua có thể đẩy nhanh việc rút khỏi nguồn cung khí đốt từ Nga”, ông Romano nói.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London, giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu, dao động ở ngưỡng khoảng 90 USD/thùng vào thời điểm tháng 2. Đến hôm 7/3, giá dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ 2008 ở 139 USD/thùng. Hiện tại, dầu Brent giao dịch gần ngưỡng 120 USD/thùng. Giá xăng và giá dầu diesel cũng tăng mạnh.
Giá Nhôm lập đỉnh mới
Giá nhôm đã tăng phi mã trong một tháng qua, vượt qua mức đỉnh thiết lập vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nhà giao dịch đang lo ngại rằng nguồn cung nhôm từ Nga, nước chiếm khoảng 6% sản lượng nhôm toàn cầu, có thể bị gián đoạn.
Những ngày gần đây, giá nhôm tăng nhanh sau khi Australia quyết định cấm xuất khẩu sang Nga oxide nhôm và bauxite – hai nguyên liệu được dùng để sản xuất nhôm. Australia cung cấp nguyên liệu cho khoảng 20% sản lượng nhôm của Nga. Động thái của Canberra được dự báo sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng hơn tại UC Rusal – “đế chế” sản xuất nhôm của Nga.
“Lệnh cấm xuất khẩu bauxite sang Nga chỉ có tính biểu tượng, vì UC Rusal không nhập khẩu bauxite từ Australia. Nhưng lệnh cấm xuất khẩu oxide nhôm sẽ có ảnh hưởng nhiều đến công ty này”, chuyên gia Uday Patel của Wood Mackenzie nhận định trong một báo cáo.
“Khả năng cao, lựa chọn duy nhất để UC Rusal mua oxide nhôm là thông qua các thực thể Trung Quốc. Phía Trung Quốc có thể mua oxide nhôm và chuyển hướng các lô hàng đó đến các cảng biển phía Đông của Nga. Tuy nhiên, điều này đặt ra một thách thức chính trị đối với Trung Quốc và mối quan hệ thương mại của nước này với phần còn lại của thế giới”, ông Patel nói.
Khủng hoảng lương thực nghiêm trọng hơn
Chiến tranh Nga-Ukraine đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung lúa mì, ngô và dầu hạt hướng dương ở nhiều thị trường trên thế giới. Tình trạng này buộc Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng cảnh báo về một “cơn bão đói và sự suy sụp của hệ thống lương thực toàn cầu”.
Nga và Ukraine chiếm tổng cộng 30% xuất khẩu lúa mì toàn cầu và chiếm 80% xuất khẩu hạt dầu hướng dương của thế giới.
Lực lượng của Nga đã chặn các tàu chở lúa mì từ các cảng trên Biển Đen – một tuyến thương mại chủ chốt của mặt hàng này. Chiến tranh cũng tàn phá các vùng trồng lúa mì của Ukraine, khiến an ninh lương thực thêm phần bị đe dọa.
Giá lúa mì thế giới đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Giá dầu hạt hướng dương đang tăng khắp nơi trên thế giới. Nỗi lo khan hiếm thực phẩm đang khiến người dân ở nhiều nước châu Âu đổ xô đi mua dầu ăn và bột mì về tích trữ.
Cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn khi giá phân bón leo thang, khiến nông dân trên toàn cầu phải cắt giảm diện tích đất canh tác. Nga là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng cung cấp dinh dưỡng cho đất như bồ tạt, amonia và urea.
EU đã lên kế hoạch phân bổ 500 triệu Euro, tương đương 550 triệu USD, để giúp nông dân ứng phó với đà tăng của giá xăng dầu, giá thức ăn chăn nuôi và phân bón. Khối này cũng cho phép nông dân canh tác trên các vùng đất bỏ hoang nhằm tăng sản lượng, góp phần kiềm chế cơn sốt giá và giảm nguy cơ khan hiếm lương thực.
Gía Nikel lên cơn sốt
Trong “bão giá” hàng hoá cơ bản liên quan tới cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, một kim loại có mức biến động giá nổi bật hơn cả.
Hôm 8/3, giá nickel tăng gấp đôi lên hơn 100.000 USD/tấn, khi một công ty nickel lớn của Trung Quốc là Tsingshan Holding buộc phải mua một khối lượng lớn nickel để đóng trạng thái bán khống. Biến động này diễn ra giữa lúc các nhà giao dịch lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung do chiến tranh Nga-Ukraine, khiến Sở giao dịch kim loại London (LME) phải tạm ngừng giao dịch nickel.
Nga chiếm 10% sản lượng toàn cầu nickel – kim loại được dùng để sản xuất pin lithium-ion và thép không gỉ. Giá nickel ở LME đã giảm về mức khoảng 30.000 USD/tấn, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá trước khi xảy ra chiến tranh. Giá nickel tăng cao gia tăng thách thức đối với các nhà sản xuất xe điện vốn dĩ đang phải chống chọi với giá nguyên vật liệu gia tăng trong mấy tháng qua, như giá lithium và cobalt.
Giá cả đầu vào không ngừng đi lên đã buộc hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla tăng giá nhiều mẫu xe. Hơn một chục nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cũng tăng giá bán xe trong những tháng gần đây.
(Theo Vneconomy)