Dầu thuỷ lực: sự khác nhau giữa tiêu chuẩn HLP/HM và AW (Phần 1)

Dầu thủy lực là một sản phẩm quan trọng trong tổng thể công nghiệp dầu nhớt. Dầu thủy lực được phân loại trong phân khúc dầu nhớt công nghiệp. Tuy nhiên, cũng được xếp chung trong phân khúc vận tải vì được sử dụng nhiều trong máy móc cơ giới, vận tải. Hai chức năng chính của dầu thủy lực: bôi trơn thiết bị và truyền lực (năng lượng điện sang cơ học ). Các chức năng hỗ trợ như: ổn định áp suất, làm mát hệ thống thông qua quá trình trao đổi nhiệt với môi trường, chống mài mòn chi tiết kim loại, giảm ma sát, chống gỉ và chống ăn mòn..và làm kín khít các mối nối (seal). Nên, dầu thuỷ lực có nhiều câu hỏi cần giải đáp…

Tại Việt nam, dầu thủy lực chiếm 40% sản lượng dầu công nghiệp, tương đương 6,1% ngành công nghiệp dầu nhớt chính thống (không kể những nhãn hiệu không được khảo sát, hay phân khúc dầu nhớt giá thấp). Hàng năm, dầu thủy lực được tiêu thụ trung bình khoảng 38 ngàn tấn sản phẩm các loại. (TheoBáo cáo thị trường dầu nhớt Việt nam- Bài 16: 2022, ngoại truyện!)

Phân loại dầu thuỷ lực.

Phân loại dầu thủy lực theo độ nhớt (dầu công nghiệp) hay VG (viscosity grade) được xác định bởi độ nhớt động học ở 40oC. Dãy độ nhớt VG thông dụng nhất trong khoảng: …22, 32, 46, 68, 100…

Phân loại dầu thủy lực về tính năng theo ISO 6743/4 (Bộ tiêu chuẩn hóa  ISO, chương 6743 về dầu nhớt công nghiệp, phần 4 phân loại tính năng dầu thủy lực) bao gồm :

HH : dầu tuần hoàn, dầu gốc không chứa phụ gia

HL : dầu gốc tăng cường thêm tính chống gỉ và chống oxy hóa R&O

HM : dầu thủy lực có phụ gia chống mài mòn chứa kẽm (Zn), thông thường nằm dưới dạng hợp chất ZnDPP- Zinc Dithiophosphate; có thể bị tách ra thành kẽm tự do trong quá trình hoạt động, tạo nên cặn cơ học gây nên mài mòn

HV : dầu thủy lực có chứa phụ gia chống mài mòn và có chỉ số độ nhớt cao (HVI – High Viscosity Index) hay rất cao ( VHVI- Very High Viscosity Index)

HFC : dầu thủy lực gốc tổng hợp PAG (Poly alpha glycol) chứa hàm lượng nước đáng kể sử dụng làm dầu thủy lực chống cháy trong các nhà máy luyện thép hay hầm lò khai thác khoáng sản.

HFDU: dầu thủy lực gốc tổng hợp với dầu gốc ester cũng sử dụng trong các nhà máy luyện phôi thép hay hầm lò như dầu thủy lực chống cháy.

Ngoài ra có nhiều phân loại tính năng khác nhưng trong khuôn khổ bài viết chỉ đề cập đến các loại thông dụng nhất thường gặp tại Việt nam.

Có phải dầu thuỷ lực AW giống dầu thuỷ lực HLP/HM?

Dầu thủy lực HM là loại dầu thông dụng nhất hiện nay. Như đề cập ở trên, loại HM được quốc tế công nhận về tính năng chống mài mòn (Anti wear- AW), chống oxy hóa và chống gỉ (R&O). Nhưng hiện nay có sự nhầm lẫn giữa dầu HM và dầu AW vì dầu AW chỉ mô tả tính năng chống mài mòn nhưng chưa diễn tả đầu đủ tính năng của dầu HM. Thông thương đối với loại dầu HM thì phải thông qua các thử nghiệm trên các loại bơm của các hãng chế tạo như : Vickers (Vickers 35VQ25 hydraulic pump wear test comparision- so sánh mài mòn trong bơm tiêu chuẩn cánh gạt 35VQ25), hay Denison, MAG (trước đây là Cincinnati Machine), GM LS2, Bosch-Rexroth.

Thông thường phải thực hiện đầy đủ các thử nghiệm: hàm lượng kim loại (Zn), mài mòn 4 bi (four ball wear – ASTM D4172M), tuổi thọ do oxy hóa (RPVOT ASTMD 2272)…v.v.

Như vậy, nội hàm tiêu chuẩn dầu thủy lực theo ISO 6743/4 HM mang rất nhiều yếu tố về tính năng, AW là một trong đó tính năng. Tuy nhiên, diễn tả dầu AW như là HM thì thiếu đầy đủ. Cũng có thể do cách đặt tên, mặc dù là AW nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn HM (chỉ thường thấy ở các nhãn hiệu lớn).

Dầu thủy lực HM chứa kẽm như đề cập phía trên rất dễ tạo cặn (kẽm sẽ tách ra dưới dạng các oxýt  Zn hay dạng muối vô cơ gây mài mòn, ngoài ra, đối với các loại bơm có vòng bi bằng lớp mạ bạc (Ag) hay đồng (Cu) như nhãn hiệu bơm Lucas (Hoa kỳ)  thì kẽm dễ dàng gây mài mòn hơn. Đó là lý do ngày nay phụ gia chống mài mòn trong dầu thủy lực dần dần sử dụng KHÔNG CHỨA KẼM. Hay còn gọi là phụ gia không tro (ashless).

Tại sao có sự khác nhau về chất lượng giữa các nhãn hiệu cùng sản xuất theo một tiêu chuẩn của dầu thủy lực?

Điều đầu tiên là dầu gốc. Không phải tất cả các loại dầu gốc cùng nhóm là có tính chất giống nhau. Tùy theo nguồn gốc sản xuất mà chất lượng dầu gốc cũng khác nhau. Cùng một nhóm dầu gốc, như được sản xuất đều từ nhóm II, nhưng dầu gốc từ ExxonMobil khác nhóm II từ Trung Đông. Hiện nay, có nhiều nhãn hiệu nội địa pha dầu thuỷ lực từ dầu re-refinery (tái sinh) cũng tiêu chuẩn nhóm II. Dầu thuỷ lực pha từ nhóm này cũng có màu trắng nhưng thời gian sử dụng sẽ kém nhiều vì sự oxy hoá dầu. Tiêu chuẩn để thử nghiệm thời gian thay dầu thuỷ lực là RPVOT hay TOST!

Phụ gia trong dầu thủy lực chiếm chưa đến 1%, thường thì do khuyến cáo. Nhưng cùng một phụ gia (đóng gói sẵn) với tỷ lệ và cùng nguồn dầu gốc thì tại sao dầu thủy lực của ESKA Singapore  tốt hơn hãng A. ? Vì tùy theo ứng dụng của dầu, Eska có thể cho thêm “một số loại phụ gia khác – components” để đẩy giới hạn về tính năng của dầu cao hơn, như tính tách nhũ tương (tách nước) và kháng oxy hóa, chống gỉ  tốt cho thiết bị/máy móc làm việc trong môi trường ẩm ướt. Cũng vì lý do đó, Mobil có dầu thủy lực cho hàng hải và dầu thủy lực cho công nghiệp…Sự nghiên cứu sản phẩm luôn mang lại danh tiếng và thành quả xứng đáng. Do đó, không phải dầu thủy lực nào cũng như nhau!

Thị trường dầu thuỷ lực tại Việt Nam.

Phải nói rằng, thị trường Việt nam (các thị trường các nước đang phát triển cũng như vậy) cạnh tranh về giá rất nặng nề. Đôi khi chọn sản phẩm cũng chọn sản phẩm rẻ nhất nhưng nếu không trả giá bây giờ thì sớm muộn gì cũng phải trả giá vì hư hỏng của máy móc thiết bị hay rò rỉ trong sử dụng.

Khi nói đến dầu thủy lực đa số các hãng điều khuyến cáo tiêu chuẩn HM cho rất nhiều ngành nghề và máy móc trong công nghiệp. Không nói chi đâu xa, trong ngành máy móc cơ giới, gần như 99% đều sử dụng HM, nhưng người sử dụng không biết rằng 100% máy móc cơ giới (off road) được khuyến cáo tiêu chuẩn HV (chống mài mòn và chỉ số độ nhớt cao). Người mua thì chỉ biết dầu thủy lực, người bán thì chỉ biết dầu thủy lực (thông thường AW/HM) mà không nghiên cứu khuyến cáo của hãng sản xuất (OEMs)  sử dụng cho máy đó là dầu gì? Ai cũng nghĩ xe/máy cũ (nhập dạng second hand) nên mua dầu thủy lực 68 là ổn.

Cũng chính vì cạnh tranh giá mà hãng dầu C. và nhiều hãng khác (nhiều nhất là nội địa) sản xuất ra loại “dầu thủy lực HH hay dầu VG”, tức không chứa phụ gia chống mài mòn. Đây chỉ là dạng dầu tuần hoàn được sử dụng bôi trơn theo kiểu “nhỏ giọt, mất dầu” hay trong phuộc nhún của xe máy (tùy độ nhớt),..

Một số hệ thống thiết bị/máy được lắp mới được mua từ nước ngoài có đầy đủ chuyên gia lắp máy, họ rất tuân thủ theo khuyến cáo của OEMs hay trong các hệ thống thủy lực có nhiệt cao yêu cầu sự ổn định áp suất. Dần dần theo khuynh hướng đó dầu thủy lực HV sẽ dần thay thế tiêu chuẩn HM nhưng …xa lắm!

Theo ESKA Singapore, 26-09-2023

Bài viết được thực hiện vào 30.7.2017 trên trang Dầu nhớt của Chuyên gia.