Tản mạn tết!

Tết bắt đầu bằng không khí rộn rịp hơn ngày thường, ngoài đường cái Nguyễn Xí, xe hơi nối dài hơn cây số. Ai cũng tất bật, hối hả như tranh thủ cho kịp ngày cùng tháng tận!

Tết cũng bắt đầu từ cái chợ chòm hỏm đầu đường. Sớm mờ sương đã nghe tiếng gà en éc…thảng thốt. Con gà nhúng trong nồi nước sôi giẫy dụa, trừng mắt…Tết!

Người Việt trước đây nghèo, quanh năm thiếu ăn, làm nông là chủ yếu. Cả năm quần quật ngoài đồng bán lưng cho trời cũng chỉ mong đủ cái ăn. Tết là dịp bao nhiêu của “để dành” đem ra …ăn. Cho nên mới có từ “ăn Tết”. Giờ nông nghiệp phát triển, làm nông được cơ giới hoá nên nông cũng nhàn, miễn có đất là có ăn, nếu không làm thì cho thuê cho mướn cũng đủ cái ăn. Xưa mấy phú hộ “tích điền” nên người giàu càng giàu, nông dân thiếu ăn thiếu mặc dần dần cũng bán ruộng bán nương để …ăn. Thấm nhuần tư tưởng đó, đến thời hiện đại, mấy công ty “tay to” cũng tích trữ đất đai, buôn bất động sản thành tỷ phú đô la là chuyện thường. Nhưng cũng phải nhờ tiếp tay của quan chức tham nhũng, vì xưa nay công thức giàu nhanh cũng chỉ có sự lũng đoạn trong chính sách.

Người Việt bây giờ giàu lên, đó chỉ là bề ngoài! Tết phải lo toan mua sắm đủ thứ bông ba, bánh mứt, thực phẩm để “ăn” vài ba ngày tết, mặc dù cả năm cũng đã đủ đầy. Nhưng đa số dân Việt còn nghèo, nhất là ở nông thôn hay những người tứ cố tha hương. Tết đi dọc dường cái quan là thấy rõ nhất, vợ chồng con cái “đùm đề” lỉnh kỉnh thùng bia, hộp bánh, quà cáp…đèo nhau trên chiếc xe máy về quê ăn tết. Sống đời công nhân ở Bình Dương, Sài Gòn cũng vài ba dịp lễ tết trong năm đều quy cố hương như vậy. Có gia đình ở tận miền Trung xa xôi cũng đi xe máy về quê…ăn tết. Mấy công ty tài chính tiêu dùng tăng cường cho vay dịp cận tết, vì biết người Việt rộng rãi chi tiêu dịp tết. Tín dụng tiêu dùng cá nhân của người lao động ngày càng tăng. Người Việt ngày càng nghèo đi vì ăn tết, loại trừ tầng lớp trung lưu có của ăn của để. Nhìn sâu xa hơn một chút thì thấy các ngân hàng lợi nhuận qua hàng năm càng phình to ra, trong khi doanh nghiệp và người dân thu nhập càng teo tóp. Hồi xưa, các cụ dạy “buôn tiền”, “buôn chức” thì ngồi trên đầu thiên hạ là vậy. Còn nắm đầu thiên hạ chỉ có mấy anh hớt tóc mà thôi!

Tết ở xứ Sài Gòn khác ở vùng miền khác! Cái xứ này quanh năm kẹt xe, nhưng tết về, đường xá thông thoáng hẳn! Dường như sau mỗi năm dân số Sài Gòn ít đi thì phải, nhất là dân lao động nhập cư. Các tỉnh thành khác cũng phát triển, đôi khi thu nhập còn cao hơn ở Sài Gòn. Người nhập cư vào đây làm việc giờ không có dư dả vì mức chi tiêu ở Sài Gòn cao nhưng thu nhập từ công việc ít tương xứng. Sài Gòn được cái nhờ dịch vụ nhưng mấy năm kinh tế khó khăn, hàng quán trả mặt bằng “dzề quê” quá xá! Sự phát triển bây giờ có thể nói cân bằng giữa các vùng miền, ở đâu cũng có Khu Công Nghiệp, đâu cũng làm công nhân được, đâu nhất thiết phải đi Sài Gòn, Bình Dương? Sài Gòn chủ trương lót ổ đón “đại bàng” nên mấy cái thâm lạm lao động như như gia công giày dép, may mặc…cũng ít “queo cơm”!

Tết ở Sài Gòn thấy nhiều cái …giả trân! Nhất là mấy cái đường hoa, hội hoa. Cũng là mai, cũng là đào nhưng toàn đồ giả để chị em “chéc in”. Chụp ảnh bằng điện thoại thông minh đăng trên “phây” cũng lung linh lắm! Nên nói giờ sống cũng ảo quá ảo…

Tết thích nhất là chiều 30 thong thả ra mấy đường Phạm văn Đồng, Kha Vạn Cân loanh quanh ngó mấy vườn mai còn nụ, cúc chậu vàng rực…hay bông giấy lơ phơ trước gió. Bông này nghe nói trồng miệt từ vùng xa mang về đây bán. Nên tết hay mơ tưởng đến mấy miền quê đã từng qua…!

Tết là dịp buông bỏ hết mấy chuyện sân si trong lòng. Tết thong thả ngồi hóng gió mát từ phương Bắc thổi về, để nghe trong gió mùi hoa bưởi hoa cau. Tết cũng cầu mong mưa từ phương Nam tưới mát cánh đồng nức nẻ, bắt đầu mùa lúa mới. Tết mở ra bao hy vọng…cho một năm “bán nhớt” bội thu!

Tết 2024 ESKA

Eska Singapore, 06-02-2924, Tết Giáp Thìn.