Trong loạt bài viết “Báo cáo thị trường dầu nhớt Việt nam, năm 2020” đã được thực hiện dựa trên nghiên cứu của IHS Markit, phát hành tháng 12/2021, cho đến khi Eska báo cáo lại đến bạn đọc thì đã là hết năm 2022. Cho nên, độ trễ của thời gian gần 2 năm, cộng thêm diễn biến thay đổi của thị trường diễn ra hàng ngày, báo cáo không phản ánh toàn cảnh bức tranh hiện tại của một thị trường dầu nhớt sôi động có giá trị gần 2 tỷ USD của Việt nam.
Trong bài viết này, ESKA sẽ đánh giá lại những quan điểm, nhận xét của lĩnh vực dầu nhớt dựa trên bối cảnh nền kinh tế Việt nam trong năm 2022 như là một hiệu đính để sáng tỏ hơn những số liệu cũ chân thực của IHS Markit nhưng cách diễn giải của một nghiên cứu không thể “bình dân” hoá cảm nhận tính “thị trường” cạnh tranh có đan xen nhiều điểm sáng và các khoảng tối.
Kinh tế Việt nam, năm 2022.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02%, so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, dịch vụ tăng 9,99%, và ngành nông nghiệp tăng 2,88%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%. Riêng ngành vận tải, kho bãi tăng 11,93%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.
GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD
Thế nhưng, GDP quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019, báo hiệu khó khăn của nền kinh tế trong tương lai gần…
Chỉ số sản xuất, công nghiệp (IIP) tăng chậm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý rồi tăng 3%, mức tăng thấp nhất so với các quý của năm 2022 do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Thêm vào đó, ngân hàng nhà nước siết chặt tín dụng, vốn giải ngân vào doanh nghiệp sản xuất khó khăn gây hệ quả dòng tiền không thông suốt ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp liên quan.
Sự khó khăn thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, vốn là ngành mang lại nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt nam.
Lạm phát và lãi suất phủ bóng lên nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt nam tăng lãi suất điều hành liên tục trong năm, đẩy các ngân hàng thương mại vào cuộc đua tăng lãi suất huy động làm lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng cao. Mức lãi suất cao không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vì chứa đựng nhiều rủi ro kinh doanh mà khuyến khích doanh nghiệp gởi tiền vào ngân hàng làm đình đốn sản xuất. Việt nam là một trong số các quốc gia có lãi suất cao nhất thế giới xét về mức độ mở cửa của nền kinh tế với thị trường bên ngoài, không tính các quốc gia có “độ kín/cực đoan”.
Nguyên nhân là do Việt nam phải kiềm chế lạm phát đang tăng cao trên phạm vi toàn thế giới khi mà các bất ổn về chính trị – kinh tế đang đẩy toàn cầu vào bờ vực suy thoái tương tự như giai đoạn 2008-2010. Tại Việt nam, lạm phát ảnh hưởng do hàng hoá, nguyên vật liệu nhập khẩu, chênh lệch tỷ giá do đồng USD tăng…trong khi đó, lượng cung tiền của Việt nam thấp đã dẫn đến chỉ số CPI được kiểm soát cả năm đâu đó khoảng 3%. Theo Tổng cục Thống kê là một thành công!.
Đời sống người dân cảm nhận ngày một khó khăn hơn vì chi phí sinh hoạt trực tiếp tăng rất cao. CPI thấp không hẳn là mức lạm phát trong xã hội thấp vì nó chỉ phản ảnh giá trong rổ giá tính toán của bên thống kê. Cuộc sống bên ngoài đó…khắc nghiệt hơn nhiều!
Triển vọng tăng trưởng thấp.
“Việc lạm phát vẫn ở mức cao và lãi suất tiếp tục gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này sẽ dẫn đến sụt giảm trong cả đầu tư, tiêu dùng cũng như thị trường nhà ở. Các thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng bị ảnh hưởng, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung” (Theo TBKTSG,29/12/2022). Kinh tế sẽ tăng chậm lại tại tất cả các khu vực trên thế giới. Việt nam phụ thuộc rất lớn vào tỷ trọng xuất khẩu trong khi các đơn hàng ngày một kém hơn, thấy rõ là sụt giảm bắt đầu từ Quý 2/2022…thì khó khăn trong năm 2023 là điều hiển hiện trước mắt.
Tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thống kê đến cuối tháng 11 cũng cho thấy, đã có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động.
Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 472.000 lao động, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp. Các ngành có số lao động bị ảnh hưởng nhiều là dệt may, gia dày, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí… thuộc nhiều trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài gia công (FDI).
Điểm sáng, 2022.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt nam đạt 732,5 Tỷ USD, đạt kỷ lục và chỉ đứng sau Singapore trong khối ASEAN. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD, giảm áp lực một phần lên tỷ giá VNĐ/USD cho năm 2023, tuy nhiên thặng dư USD có thể nằm đâu đó trong tài khoản của doanh nghiệp FDI vì có đến 74,4% tỷ trọng xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp này.
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán so với số đánh giá thực hiện cả năm. Thu ngân sách Trung ương vượt 19,3%, thu ngân sách địa phương vượt 20,4%. Nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn từ đất đai, thuế thu nhập cá nhân,… Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ khoảng 53%, trong khi đó ngân sách vẫn bội chi 4% GDP.
Thời tiết năm nay…lạnh hơn!
…còn tiếp.
Theo ESKA Singapore, tổng hợp. 1/1/2023