Thị phần
Trong thập kỷ qua, thị trường dầu nhớt Việt nam tăng trưởng 39% nhưng nhiều biến động. Mười nhãn hiệu hàng đầu chiếm 52% sản lượng so với trước đây họ chi phối đến 74%. Môi trường cạnh tranh ngày càng khó khăn cho tất cả các nhãn hiệu.
Có thể nói, thị trường mở đã tạo điều kiện cho hàng hoá nhập khẩu từ các nước khu vực xung quanh, thêm vào đó, sự trỗi dậy của các nhãn hiệu nội địa đã chiếm một phần lớn thị trường từ sự thống trị gần như tuyệt đối của các nhãn hiệu quốc tế, nhất là trong phân khúc dầu nhớt bình dân. Sự thật chưa có một nghiên cứu bài bản nào được báo cáo về phân khúc này, nhưng thị trường vẫn tồn tại và phát triển những sản phẩm như vậy để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng có ngân sách thấp và chất lượng phù hợp mục đích sử dụng.
Castrol (vận hành dưới liên doanh Castrol BP-Petco) vẫn là người dẫn dắt thị trường với sản lượng ước tính khoảng 51 kT (ngàn tấn), năm 2020. Nhưng cũng đối mặt với sự “ăn mòn” thị phần khi tăng trưởng nội tại không theo kịp sự tăng trưởng của thị trường chung. Castrol chiếm thị phần 12% năm 2020 so với 24% năm 2011.
PLC ( Petrolimex), thương hiệu dầu nhớt nội địa đứng đầu cũng đối mặt với tình trạng tương tự Castrol-BP, thị phần giảm còn 6%, năm 2020 so với 14% từ thập kỷ trước.
Ngược lại, Shell và Chevron ở vị trí thứ 2 và thứ 4 vẫn giữ được vị trí ổn định tương đối trong thị phần.
Các nhãn hiệu Nhật Bản như Idemitsu và Eneos, tính tổng cộng giữ 7% thị phần, đa phần cung cấp OEMs cho các nhãn hiệu ô tô của Nhật Bản tại Việt nam. Hai nhãn hiệu này cũng đặt mục tiêu lấy cứ điểm ở Việt nam (nhà máy pha chế tại KCN Đình Vũ- Hải Phòng) để xuất khẩu sang thị trường khác. Idemitsu cung cấp dầu thương hiệu riêng cho Honda, Mitsubishi của Malaysia và Mazda cho Trung đông. Trong khi đó, sản phẩm của Eneos Việt nam cung cấp cho Suzuki ở Thái Lan và Toyota Singapore.
Total chiếm 5% thị phần dầu nhớt Việt nam, thống trị trong mảng dầu hàng hải với ước lượng 1/3 lượng dầu hàng hải cung cấp trong nước.
SK Lubricants – Hàn Quốc, năm 2020 mua lại 49% vốn của Mekong Lubricants, là nhãn hiệu cũng chiếm 5% thị phần. Có vẻ như Mekong muốn pha chế và phân phối các sản phẩm nhãn hiệu SK trong tương lai.
Một số lớn các nhãn hiệu nội địa trước đây như Phúc Thành (Nikko), Đông Dương (IndoPetrol),..v.v, có thị phần khoảng 1% so với 8% trước đây, cho thấy sự suy thoái của một số nhãn hiệu nội địa khi không đổi mới sản phẩm để phù hợp với thị trường. Các sản phẩm thông dụng đều bị cạnh tranh gay gắt bởi các nhãn hiệu sau này, nhỏ hơn.
Có sự xuất hiện của một số nhãn hiệu nhập khẩu, trong đó đáng kể như Mobil, CPC, Sinopec,…là những nhãn hiệu có thế mạnh được khuyến nghị bởi các nhà sản xuất máy móc nước sở tại, theo vào Việt nam theo làn sóng đầu tư FDI, máy móc từ Đài Loan và Trung Quốc hay Châu Âu, Hoa Kỳ. Mobil là nhãn hiệu quốc tế được phân phối theo mô hình uỷ quyền có sự ổn định nhất định nhưng thiếu tính đột phá vì dựa trên danh tiếng trước đây và thiếu đầu tư cho thị trường.
Tuy nhiên, trong phân khúc công nghiệp, thời gian gần đây, thị trường có sự chuyển biến đáng kể với sự nổi lên của Shell, Total và Mobil…Thay vị trí của BP-Castrol của thập kỷ trước.
Song song đó, thị trường có rất nhiều các nhãn hiệu nhập khẩu khác chủ yếu từ các nước ASEAN, Trung Đông, Châu Âu…Các nhãn hiệu này có thế mạnh là linh hoạt điều hành bởi các thương nhân, có ít nhiều kinh nghiệm trong thị trường dầu nhớt sau một thời gian làm phân phối cho các nhãn hiệu quốc tế tại Việt nam, nên họ chọn lựa thế mạnh của mình trong các phân khúc như MCO, vận tải hay công nghiệp để phát triển riêng… Nguồn lực nhỏ nên các nhãn hiệu nhập khẩu đôi khi không xâm nhập hết tất cả phân khúc, sản phẩm của thị trường.
Nổi lên một số nhãn hiệu đi về “thị trường ngách” như Quaker-Houghton, Vina Bumwoo, Eska Singapore (dầu cán nguội thép), Cassida-Fuchs (mỡ thực phẩm, dầu chuyên dụng), Kluber (dầu mỡ công nghiệp)…ổn định về sản lượng do có thế mạnh về kỹ thuật.
Thị phần 48% bao gồm các hãng nội địa và dầu nhớt nhập khẩu khác, phản ánh sự nổi lên của nhiều nhãn hiệu riêng và sự xâm nhập của dầu nhớt nhập khẩu.
Hệ thống phân phối.
Một số nhãn hiệu quốc tế như Castrol, Shell đã có một hệ thống phân phối vững chắc trong suốt thập kỷ qua. Nay họ bỏ bớt các nấc trung gian của phân phối (cấp 2, cấp 3…) để tập trung từ phân phối cấp 1 đến thẳng cửa hàng dịch vụ, nhà máy tiêu thụ…
Thay vì trông cậy vào việc “bán sỉ” của nhà phân phối, các công ty xây dựng các điểm cung cấp sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đồng thời tăng sự hiện diện hình ảnh trên thị trường, như mô hình Total Moto Zone là điển hình.
Kênh phân phối trong phân khúc PCMO, MCO ở Việt nam dựa vào các “tiệm/trung tâm” sửa-rửa xe gắn máy/ ô tô, Các trung tâm dịch vụ được uỷ quyền. Trong kênh bán lẻ này, tiệm/trung tâm rửa/sửa xe hay dịch vụ thay nhớt nhanh chiếm đến 45% lượng nhớt tiêu thụ ở Việt nam.
Trong đó, 30% lượng nhớt tiêu thụ phụ thuộc vào các tiệm/gara sửa/rửa xe gắn máy, ô tô cá nhân (độc lập). Chỉ có 3% dầu nhớt được tiêu thụ tại các trạm dịch vụ như cây xăng. Đáng kể nhất, Petrolimex với 14,000 trạm cung cấp xăng dầu, tiêu thụ một lượng lớn dầu nhớt trong phân khúc vận tải và xây dựng tại cac trạm dịch vụ này.
Hiện nay, trừ một số nhãn hiệu quốc tế có hệ thống phân phối vững chắc và trung thành với nhãn hiệu, đa phần, các nhà phân phối nhỏ hơn đều có nhãn hiệu riêng trong phân khúc với giá bình dân. Các nhãn hiệu riêng sản xuất một số mặt hàng thông dụng, ít đòi hỏi đến yếu tố kỷ thuật, cho nên gần như tất cả các nhà máy sản xuất nhỏ đều tận dụng và cạnh tranh trong phân khúc này. Đôi khi sản xuất theo yêu cầu của khách hàng cũng có thể đánh mất chính bản sắc của thương hiệu mình. Về phía chủ thương hiệu có thể không kiểm soát được chất lượng sản phẩm của mình do nhà máy sản xuất, nhất là khi nguyên liệu dầu gốc và phụ gia biến động mạnh.
Sự tồn tại của một nhãn hiệu dầu nhớt phụ thuộc rất lớn vào hệ thống phân phối, không phải nhãn hiệu nào cũng có thể xây dựng được và đòi hỏi sự ổn định trong thời gian dài. Tại Việt nam, vấn đề lớn nhất trong kinh doanh hiện nay là các công trình, dự án phụ thuộc rất lớn vào vốn giải ngân, quyết toán từ nhà nước hay vốn vay từ ngân hàng… Sự chiếm dụng vốn của các doanh nghiệp lẫn nhau có nguồn gốc từ sự chậm trễ từ việc thanh toán cho các dự án từ phía nhà nước…ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, trong đó có hệ thống phân phối dầu nhớt, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ.
…còn tiếp.
Theo ESKA Singapore, 6/11/2022
Bài viết được thực hiện bởi ESKA Singapore, dựa trên tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Eska Singapore cố gắng diễn giải và cung cấp thông tin một cách trung thực nhất có thể, tuy nhiên, không thể không chèn vào ý kiến/quan điểm/nhận định cá nhân ở phần in nghiên. Người đọc nên lựa chọn số liệu được trích dẫn ở bài viết và Eska Singapore không chịu trách nhiệm về các ý kiến cũng như số liệu trên.