028 6258 8193 - 028 6258 8195

eska.hainguyen@gmail.com

201 Nguyễn Xí, P. 26, Q. Bình Thạnh, TPHCM

Home Blog Page 27

Ra mắt thương hiệu dầu nhớt của chuyên gia ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1

Ra mắt thương hiệu dầu nhớt của chuyên gia ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1

Ra mắt thương hiệu dầu nhớt của chuyên gia ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1

Tiếp nối thành công của thương hiệu Blackgold, cũng như nắm bắt xu hướng hội nhập và mong muốn góp phần phát triển thị trường dầu nhớt Việt Nam với những sản phẩm mang tiêu chuẩn quốc tế, ESKA Corp. đã thành lập ESKA®SINGAPORE tại Singapore.

Ra mắt thương hiệu dầu nhớt của chuyên gia ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1

ESKA Corp. sử dụng nhà máy tại JURONG ISLAND với quy mô 3 ha có công suất đến 50.000 tấn sản phẩm/năm để phát triển nhanh và rộng.

ESKA®SINGAPORE sẽ tập trung quản lý và khai thác các nhãn hiệu dầu nhớt ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1 với các phân khúc sản phẩm chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu thụ. Sản phẩm được sản xuất dưới quy trình quản lý chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt tại nhà máy Singapore cho thị trường Việt Nam với đa dạng các dòng từ xe máy (MCO), xe hơi, tải nhẹ (PCMO)xe tải nặng và tàu thuyền (DEO) cho đến những nhu cầu đặc biệt phục vụ cho các nhà máy công nghiệp (IO).

Với tâm huyết xây dựng một thương hiệu dầu nhớt của người Việt hoạt động tại các nước trong khu vực, ESKA®SINGAPORE sẽ tận dụng được nền tảng quản lý hiện đại, chất lượng sản phẩm và sự thấu hiểu thị trường, tiềm năng từng địa phương đế phát triển lớn mạnh.

Doanh nghiệp Việt ra mắt thương hiệu ‘Dầu nhớt của chuyên gia’

Tổng giám đốc ESKA Corp Nguyễn Văn Hải trong Lễ ra mắt ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1
Tổng giám đốc ESKA Corp Nguyễn Văn Hải trong Lễ ra mắt ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1

Tại Hội nghị khách hàng toàn quốc, thương hiệu dầu nhớt Blackgold Việt Nam đã đã chính thức ra mắt 2 thương hiệu dầu nhớt mới là ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1, nhằm nhằm cung cấp các phân khúc sản phẩm chất lượng đa dạng với các nhu cầu tiêu thụ.

Ngày 30/11/2017 tại TP.HCM, ESKA Corp. đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu “Dầu nhớt của chuyên gia” ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1, với sự hiện diện của đội ngũ Công ty tại Singapore, Việt Nam, đông đảo các Nhà phân phối, đối tác và khách hàng của ESKA Corp trên cả nước.

Tổng giám đốc ESKA Corp Nguyễn Văn Hải trong Lễ ra mắt ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1
Tổng giám đốc ESKA Corp Nguyễn Văn Hải trong Lễ ra mắt ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc ESKA Corp, với sự tham gia thị phần của nhiều thương hiệu dầu nhớt trong và ngoài nước, thị trường dầu nhớt Việt nam đang ngày càng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các luật lệ khắt khe về quản lý môi trường, kiểm soát chất lượng và hợp chuẩn.. của Việt Nam.

Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu dầu nhớt cũng xảy ra giữa các nhãn hiệu sản xuất trong nước và các nhãn hiệu nhập khẩu xuất phát từ các Hiệp định Thương mại được ký kết giữa Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN, Việt Nam- Hàn Quốc, Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – EU…, đưa thuế quan nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt bằng với mức thuế nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất tại Việt Nam.

Đứng trước bối cảnh thị trường đầy những khó khăn, thách thức, nhưng cũng đầy tiềm năng, 6 năm qua, ESKA Corp đã sản xuất và phát triển thương hiệu dầu nhớt Blackgold với mục tiêu đưa thương hiệu này trở thành “dầu nhớt của chuyên gia”.

Sản phẩm được sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt tại nhà máy Singapore, với đa dạng các dòng sản phẩm nhớt cho xe máy (MCO), xe hơi, tải nhẹ (PCMO)xe tải nặng và tàu thuyền (DEO) đến những nhu cầu đặc biệt phục vụ cho các nhà máy công nghiệp (IO). Với chất lượng được đảm bảo, thương hiệu Blackgold do ESKA Corp quản lý đã dần trở thành sự lựa chọn tin cậy của nhiều nhà phân phối, đối tác và người dùng Việt.

Nối tiếp thành công của thương hiệu Blackgold, ESKA Corp đã thành lập ESKA®SINGAPORE tại Singapore và sử dụng nhà máy tại JURONG ISLAND với quy mô 3 hecta có công suất đến 50 ngàn tấn sản phẩm/năm để tập trung quản lý và khai thác các nhãn hiệu dầu nhớt ESKA®SINGAPORE và MaxPro 1…

“Với tâm huyết xây dựng một thương hiệu của người Việt Nam trên một đất nước có nền kinh tế và công nghệ sản xuất phát triển, mang thương hiệu được quản lý bởi người Việt Nam hoạt động tại các nước trong khu vực, ESKA®SINGAPORE sẽ tận dụng được nền tảng quản lý hiện đại, chất lượng sản phẩm và sự thấu hiểu thị trường, tiềm năng từng địa phương… để trở nên lớn mạnh”, đại diện ESKA Corp nói.

Định Khang/Theo Tiêu Dùng

Nợ, thuế, phí, quy chuẩn quốc gia,…Bi ơi đừng sợ (Phần 2)

0

Một trong những khó khăn trong hoạt động kinh doanh tất cả các ngành nghề tại Việt nam liên quan đến …nợ nần. Ngành công nghiệp dầu nhớt cũng không nằm ngoài thông lệ đó. Sự tồn tại của nợ xuất phát từ …nóc, có nghĩa rằng tồn tại trong cách điều hành kinh tế của chính phủ Việt nam. “Ông Dương văn Cận, Phó chủ tịch khiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt nam, cho biết theo ước tính của Hiệp hội này, con số nợ đọng xây dựng cơ bản phải lên đến 30.000-40.000 tỉ đồng”…(1)

“Một báo cáo của Ủy ban Tài chính-Ngân sách (Quốc hội) vào tháng 3-2016 cho biết, đến thời điểm 31-12-2014, nợ đọng xây dựng cơ bản và vốn ứng trước nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ lên đến gần 86.996 tỉ đồng.” (1). Con số đến cuối năm 2016 chưa được biết nhưng có thể không nhỏ hơn. Nhà nước nợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng, các doanh nghiệp nợ ngân hàng và nhà thầu phụ hay nhà cung cấp vật tư và dịch vụ… Các doanh nghiệp cung cấp này lại bị dẫn dắt vào vòng quay nợ nần.

Do đó, có thể nói sự phát triển của các doanh nghiệp tại việt nam là nhờ tăng trưởng tín dụng. Đôi khi nhà nước có chính sách thắt chặt tín dụng là doanh nghiệp khó sống, mặc dù, bảng cân đối tài sản thể hiện khoản phải thu rất lớn nhưng thu… không được. Tất cả dính với nhau tạo một vòng xoáy trong đó doanh nghiệp rất ngộp thở vì dòng tiền. Đó cũng là một phần lý do giá vốn và chi phí sản xuất hàng hóa tại Việt nam rất cao so với các nước xung quanh hay trong khu vực.

Chính phủ Việt nam có ý định tăng thuế môi trường đối đối mặt hàng xăng dầu, dầu nhớt lên đến 8,000 đồng/Kg, song song đó, có đề xuất tăng thuế Giá trị gia tăng từ 10% lên 12% “cho phù hợp với thông lệ quốc tế”. Mặc dù, chính thức lên tiếng chưa áp dụng cho năm 2018 nhưng các thông tin cũng có thể coi như trong tương lai sẽ áp dụng, chưa biết thời điểm. Điều này rất hiển nhiên khi nhìn lại ngân sách nhà nước hầu như chi thường xuyên để trả lương công chức và nuôi các tổ chức chính trị, xã hội…và trả nợ cũng như lãi vay của chính phủ. Nợ công đã đến hạn tính theo GDP. Không còn nhiều tiền để đầu tư cho phát triển, không có tiền để nuôi dưỡng tương lai thì lây đâu để nuôi nấng dân Việt cao lớn được?

Một số quan chức nhận được sự chỉ trích của chuyên gia và người dân khi bảo rằng tăng VAT “không ảnh hưởng đến dân nghèo”. Bản thân người viết không có chuyên môn về thuế nhưng việc tăng thuế bảo vệ môi trường và VAT (nếu có) thì sẽ ảnh hưởng đến giá dầu nhớt. Chắc chắn hai việc này xảy ra đồng loạt thì tác động ngay lập tức, các hãng dầu nhớt sẽ tăng giá trung bình khoảng 12% (10% do thuế thuế môi trường và 2% do VAT). Viễn cảnh thì vậy nhưng sẽ còn xa vì chính phủ sẽ điều tiết tăng…từ từ để người dân tập thói quen chấp nhận việc tăng giá.

“Thị trường dầu nhờn Việt Nam hiện có rất nhiều loại và thương hiệu. Việt Nam dường như đang “thả nổi” quản lý chất lượng dầu nhờn. Đồng thời, hiện nay chưa có TCVN hoàn chỉnh về yêu cầu kỹ thuật của dầu nhờn cho động cơ, mà các nhà sản xuất, nhập khẩu tự xây dựng tiêu chuẩn riêng cho mình (hoặc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, hoặc sử dụng các tiêu chuẩn của các tổ chức khác) và công bố tiêu chuẩn áp dụng. Việc kiểm soát chất lượng chủ yếu thông qua các TCVN về phương pháp thử và các TCCS do nhà sản xuất công bố”.

“Tuy nhiên đứng trước bối cảnh cạnh tranh của thị trường dầu nhờn hiện nay, cùng với sức ép về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ có dầu nhớt các loại theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, việc sản xuất dầu nhờn của Việt Nam ngày càng báo động về chất lượng.

Qua khảo sát thực tế năm 2016, cho thấy số mẫu được kiểm tra có kết quả thử nghiệm chiếm tới 50% không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, điều này thể hiện sự thiếu nghiêm túc, không trung thực của doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới uy tín của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dầu nhờn chân chính; đồng thời cũng cho thấy kẽ hở của pháp luật đối với mặt hàng này khi không được kiểm tra, kiểm soát.” (2)

Dựa trên nhiều lý lẽ, vừa qua Bộ Khoa học và Môi trường Việt nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã ban hành “Dự thảo: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong”. Dự thảo ban hành để lấy ý kiến và sẽ áp dụng trong năm 2018. Trong đó, có các điểm chính như sau:

Cấp độ nhớt: áp dụng theo Bảng phân loại độ nhớt động cơ của SAE J300, tuy nhiên áp dụng chỉ cho độ nhớt động học ở 100oC (theo ASTM D445) và bỏ qua các loại độ nhớt động lực học ở điều kiện nhiệt độ thấp nhất có thể khởi động máy hay có thể bơm được (CCS- Cold Cranking Simulation, ASTM D 5293 và ASTM D 4684). Thật tế chỉ có các hãng dầu nhớt có uy tín và làm ăn đoàng hoàng (trong đó có Blackgold) thì mới kiểm soát độ nhớt CCS để công bố sản phẩm của mình có đúng theo dầu đa cấp hay không (multigrade) hay dầu cho mọi mùa. Điều này quan trọng vì hay như dầu động cơ thông dụng hiện nay đều sản xuất 100% là dầu đa cấp (trừ dầu hàng hải). Vô hình dung, đây là kẽ hở cho các thương hiệu ..lung tung làm cho người tiêu dùng bối rối. Chỉ cần đạt độ nhớt ASTM D445 là có thể công bố dầu …đa cấp?

Cấp chất lượng: đối với động cơ 4 kỳ Diesel, cấp thấp nhất là CE, rồi CF….Đối với động cơ 4 kỳ Xăng, cấp thấp nhất là SG, rồi SH, SJ…Trong đó không quy định xăng gì? Khi mà năm 2018, Việt năm áp dụng xăng E5 thay thế xăng khoáng A92. Dự thảo chỉ lấy cấp nhớt rẻ nhất và thông dụng nhất trên thị trường hiện nay để quy định mức tối thiểu mà chưa đánh giá được tác động đến các loại nhiên liệu trong tương lai.

Các thông số cơ bản: cũng không có gì đặc biệt trong đó có quy định Độ Kiềm tổng TBN (Total Base Number, ASTM D 2896) không nhỏ hơn 4 mgKOH/g. Trước đây, Bộ thương mại ban hành Thông tư 21/2000/TT-BTM quản lý dầu động cơ có mức thấp nhất 2,4 mgKOH/g. Đáng lưu ý là Chỉ số độ nhớt quy định mức thấp nhất 95 có vẻ như quá lạc hậu hay an toàn?

Ngoài ra, sản phẩm dầu nhớt được sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều có dấu “Hợp quy – CR”, giống như mũ bảo hiểm có dán tem hợp quy, CR vậy. Muốn dán được tem này có hướng dẫn phải tiếp đoàn thanh tra, khảo sát nơi sản xuất và lấy mẫu thử nghiệm..v.v. Đây là lúc phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và đi ngược lại với phát biểu của Thủ tướng về giảm thủ tục phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Lược qua một số ý chính trong dự thảo và thị trường hiện nay có thể thấy Quy chuẩn là cần thiết, mặc dù, quy chuẩn không thể hiện được tất cả những yêu cầu cần thiết hay đánh giá đầu đủ các yếu tố về quản lý tiêu chuẩn chất lượng của dầu nhớt động cơ đốt trong. Đối với các hãng nhớt có uy tín, quy chuẩn này có cũng được và không có cũng được, nhưng phát sinh chi phí nhiều hơn thôi. Ở Việt nam, hay có cụm từ: “làm cho có”…

Theo như quy chuẩn, các dòng sản phẩm API CC Komat của PLC, API CD Rimula R1 của Shell, hay API CD HDX Miler của Eska Singapore sẽ bị…xóa sổ từ năm 2018. Thị trường sẽ nở rộ các dòng nhớt “cỏ” có API cấp CJ4 hay CK4?

 

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, thông tin tham khảo:

(1): “Nhà nước vẫn nợ xây dựng cơ bản tràn lan- Tư Giang, Thời báo Kinh tế Sài gòn, 31/7/2017”

(2): Thuyết Minh: Dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong”

Dầu nhớt sử dụng cho Nhà máy công nghiệp và khuynh hướng địa phương hoá của Blackgold

0
dầu nhớt các ngành công nghiệp Eska Singapore
dầu nhớt các ngành công nghiệp Eska Singapore

Sản lượng dầu nhớt cho ngành công nghiệp hay sử dụng trong nhà máy sản xuất công nghiệp chiếm 21% sản lượng tiêu thụ. Các loại dầu nhớt này thường gắn với các tên tuổi lớn như Castrol/BP, Shell, Total,…vì sự khuyến cáo của máy móc thông thường sản xuất ở các nước có công nghệ phát triển. Ngoài ra, với nhãn hiệu mạnh và sự tin tưởng vào chất lượng, người tiêu dùng công nghiệp  cũng đặt niền tin vào các nhãn hiệu này. Như vậy có cánh cửa nào cho một phân khúc lớn này đối với các hãng dầu nhớt độc lập như Blackgold?’

Thông thường, ở Việt nam dầu nhớt được phân loại theo các phân khúc:

1. MCO (Motorcycle Oil): là dầu nhớt cho động cơ của các loại xe mô tô, gắn máy, thường có dung tích bao bì 0.8L, 1L,.

2.PCMO (Passenger Car Motor Oil): là dầu nhớt cho động cơ,..cho các loại xe tải nhẹ như ô tô thường có dung tích 4L, 5L.

3. EO (Diesel Engine Oil) là dầu nhớt cho động cơ tải thương mại thông thường là các động cơ nhiên liệu Diesel thường có dung tích 18L, 25L và 200L.

3 phân khúc trên được liệt kê chung là ngành vận tải (transportation oil). Ngoài ra còn có các sản phẩm phụ trợ khác như: dầu hộp số (tay, tự động), dầu cầu, nước làm mát, dầu thắng, mỡ,.. Một yếu tố quan trọng cho phân khúc dầu vận tải là tiêu chuẩn khí thải hiện nay được áp dụng. Các động cơ được gắp các bộ lọc khí thải như EGR (Exhaust Gas Recirculation), SCR (Selective Catalytic Reduction) với các xúc tác rất nhạy cảm với thành phần trong phụ gia dầu nhớt như Lưu huỳnh, Phốt pho (SAP). Năm 2014, Châu Âu và Mỹ đã áp dụng tiêu chuẩn Euro 6, trong khi Việt nam vẫn “trung thành” với Euro 2 cho đến năm 2017 sẽ áp dụng Euro 4.

4. IO (Industrial Oil): là dầu nhớt sử dụng trong nhà máy công nghiệp và các ngành công nghiệp như: xi măng, thép, nhựa,..phục vụ sản xuất. Các ứng dụng dầu nhớt sử dụng thông dụng như:

Dầu thuỷ lực: được sử dụng rộng rãi trong nhà máy với khối lượng lớn. Tiêu chuẩn hiện nay được các hãng khuyến cáo là HM theo ISO 6743/4, hay HLP theo DIN 51524. Trong một số ứng dụng khắc nghiệt (ở Việt nam thông thường là nhiệt độ cao, cho hệ thống có nhiệt độ khối dầu trên 90oC) thì dầu tiêu chuẩn HV, hay HVLP (có chỉ số độ nhớt rất cao) được áp dụng. Tuyệt đối tránh nhầm lẫn với dầu tuần hoàn (không có phụ gia chống mài mòn), các hãng nội địa hay công bố dầu này như là một loại dầu thuỷ lực.

Một số sản phẩm cũng khá đặc biệt nhưng thông dụng như: dầu bánh răng với tính cực áp EP, mỡ bôi trơn chịu nhiệt, dầu cho dây cáp, xích,..với đặc tính chống rung, chịu tải trọng cao, chống ăn mòn, mài mòn. Dầu máy nén khí cũng là một loại dầu quan trọng trong nhà máy.

Ngoài ra các ứng dụng cho gia công đặc biệt như: dầu cắt gọt hay gia công kim loại, cơ khí: dầu nhũ tương, dầu gia công không pha nước, dầu máy công cụ hay dầu chống gỉ bề mặt kim loại. Các đặc tính rất chuyên dụng và yêu cầu có sự tham vấn kỹ thuật từ chính hãng để chọn sản phẩm phù hợp với các công đoạn và máy gia công.

Hình thức phân phối các sản phẩm công nghiệp thông qua các nhà phân phối tại địa phương. Trừ một số hãng có danh tiếng, một số hãng dầu độc lập hay nhập khẩu họ thấy rất khó khăn khi phát triển phân khúc này vì: kiến thức chuyên môn, khả năng tồn kho và phân phối, ..quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp khi cạch tranh với các nhãn hiệu hiện tại.

dầu nhớt các ngành công nghiệp Eska Singapore
dầu nhớt các ngành công nghiệp Eska Singapore

Blackgold với nền tảng về kỹ thuật và khả năng hậu cần từ Singapore, đã xây dựng nền tảng về sản phẩm công nghiệp khá đầy đủ. Điều quan trọng là dịch vụ kỹ thuật để phục vụ khách hàng bao gồm: tư vấn, khuyến cáo, phân tích theo dõi chất lượng dầu đang sử dụng và sau khi sử dụng (Oil Condition Monitoring) để tiết kiệm chi phí bảo trì và bảo dưỡng cho khách hàng cũng như tiết kiệm thời gian dừng máy. Một bước chuyên nghiệp hơn để đưa ra một gói chi phí quản lý dầu nhớt sử dụng trong nhà máy từ đầu vào cho đến sử dụng và thải bỏ theo đúng luật định. Từ ngày 1.1.2015 đối với dầu mỡ nhờn sẽ áp dụng thu hồi và xử lý các sản phẩm thải bỏ (sau khi sử dụng) theo đúng quy định đối với các đơn vị sản xuất và nhập khẩu theo Quyết đinh số 50/2013/QĐ-TTg.

Để đáp ứng được các yêu cầu đó, Blackgold đã phát triển sản phẩm cho các ngành công nghiệp, nhà máy công nghiệp và xây dựng một hệ thống phân phối rộng khắp trên cả nước.

Khách hàng có thể mua dầu nhớt, tư vấn và thu hồi dầu nhớt để xử lý  tại các hệ thống cửa hàng  Blackgold được đầu tư chuyên nghiệp tại Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Quãng Ngãi, Thanh Hoá, Đà Nẳng, Buôn Mê Thuột, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang, Phan Thiết, Quảng Nam.

Nhân dịp khai trương cửa hàng thứ 33 tại Tp. Tam Kỳ Quảng Nam, Blackgold phát hành bộ lịch Calendar 2015 Blackgold Việt Nam tặng khách hàng (xem link: Lich Blackgold 2015)

“What our industry sells is not just lubricants but lubrication” Tạm dịch: chúng tôi phục vụ không chỉ là dầu nhớt mà là cả giải pháp bôi trơn. Theo như Giám đốc Marketing Blackgold Lubricants Singapore : Stephan Birlianđúc kết chiến lược để xây dựng tính chuyên nghiệp của Blackgold năm 2015.

25.11.2014

(Dầu nhớt của Chuyên gia)

Năng lượng và ngành công nghiệp dầu nhớt

0
Nền công nghiệp dầu nhớt

Năm nay, ExxonMobil phát hành nghiên cứu “The outlook for energy: a view to 2040” (Tạm dịch: “Tầm nhìn về năng lượng, đến năm 2040”). Họ nghiên cứu tại 100 quốc gia, 15 lĩnh vực về nhu cầu năng lượng khác nhau (trong đó có công nghiệp Dầu nhớt), và 20 dạng năng lượng. Họ xem xét yếu tố sử dụng năng lượng tác động đến chính sách xã hội như mục tiêu tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng hạt nhân, khí thải nhà kính… Cuối cùng tổng hợp các khía cạnh quan trọng ảnh hưởng đến thị trường năng lượng thế giới hình thành trong tương lai.

Nền công nghiệp dầu nhớt

Báo cáo ước lượng rằng, năm 2040, dân số thế giới đạt 9 triệu người (tăng hơn 25% so với hiện nay); GDP toàn cầu tăng xấp xỉ 130%. ..Đối với các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á- Thái Bình Dương (trong đó có Việt nam) thách thức lớn nhất là nguồn năng lượng sạch, và công nghệ hiện đại khi hiện nay vẫn tồn tại 1.3 tỷ người thiếu tiếp cận với điện (một dạng năng lượng trực tiếp); 2.6 tỷ người vẫn sử dụng nhiên liệu sinh học (biomass fuel) để nấu nướng.

Tiết kiệm năng lượng đối với công nghiệp dầu nhớt.

Ước lượng cho rằng 1/3 đến ½ tổng cộng năng lượng được sản xuất ra trên thế giới được tiêu tốn cho ma sát (Nguồn: The society of Tribologists & Lubrication Engineers- Basis of friction. www.stle.org/resources/lubelearn/friction). Nghiên cứu của nhà khoa học Jost, xuất bản năm 1966 tại Anh quốc, là một trong những nghiên cứu đầu tiên về sự ảnh hưởng của công nghiệp dầu nhớt lên Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và được tính toán chiếm khoản 1.3-1.6% GDP bị thất thoát do áp dụng không hiệu quả vấn đề “bôi trơn” thuần túy ( không ám chỉ “bôi trơn” mà báo chí hay đề cập).

Do đó, dầu nhớt giữ một vai trò quan trọng trong việc tránh tổn thất về năng lượng trong ma sát và mài mòn. Có thể cải thiện bằng nhiều cách:

  1. Giảm ma sát trực tiếp: ngăn cách các lớp bề mặt chuyển động tương đối với nhau.
  2. Giảm ma sát thủy tĩnh giữa các lớp chất lỏng chuyển động (độ nhớt).
  3. Giảm mài mòn bằng cách bảo trì hay thay thế các chi tiết hỏng hóc là nguyên nhân gây tổn thất năng lượng.
  4. Sử dụng dầu nhớt có thời gian hay dầu lâu (chất lượng, bền), tránh việc thải bỏ hủy hoại môi trường

Cùng một bản chất bôi trơn nhưng nếu sử dụng dầu nhớt có chất lượng tốt (bản chất dầu gốc tốt) như dầu nhớt tổng hợp chẳng hạn, chỉ số độ nhớt rất cao (VI- Viscosity Index), sẽ giảm hiện tượng tăng độ nhớt (dầu đặc lại) khi nhiệt độ môi trường xuống thấp làm tổn thất năng lượng khi hoạt động bơm (hệ thống thủy lực,.v.v). Tuy vậy, ở nhiệt độ vận hành độ nhớt không sử dụng cao hơn độ nhớt được khuyến nghị hay yêu cầu (chuyện này hay xảy ra tại Việt nam, khuyến nghị độ nhớt cao hơn “chút” cho chắc, nguy hiểm vì “chút” có nghĩa là một cấp VG –Viscosity grade tăng lên, tức độ nhớt tăng 50% ở 40oC đối với dầu công nghiệp và 20-40% đối với dầu động cơ ở 100oC). Ví dụ đơn giản khi chuyển qua sử dụng dầu gốc tổng hợp PAO từ dầu gốc khoáng (mineral oil) với cùng cấp độ nhớt VG thì nhiệt độ của dầu giảm hơn từ 5-8oC minh chứng cho việc tổn thất năng lượng (năng lượng chuyển hóa thành nhiệt).

Nghiên cứu cho rằng tùy theo thiết bị, năng lượng tiết kiệm đo được dao động từ 1-7% khi chuyển đổi sử dụng dầu gốc tổng hợp. Như trong chuyển động của bánh răng xoắn và nghiên của hộp truyền động/bánh răng, vì hiện tượng “trượt” xảy ra liên tục nên hiệu quả truyền động cơ học rất kém, nhưng khi sử dụng dầu tổng hợp (ứng suất kéo thấp) thì năng lượng tiết kiệm lên đến 30%. (Nguồn: Energy&general cost saving from the use of synthetic food grade lubricants. www.fuchslubricants.com ).

Dầu nhớt tổng hợp có độ bền hay kéo dài thời gian sử dụng lên đến 3 lần so với dầu gốc khoáng bởi vì cải thiện được đặc tính chống oxy hóa và ổn định nhiệt. Hiện nay, dầu gốc tổng hợp được sử dụng nhiều trong công nghiệp: khai thác hầm lò/mỏ; hộp truyền động tua-bin gió; động cơ kết hợp giữa nhiệt và điện..v.v

Khuynh hướng trong công nghiệp dầu nhớt và nhu cầu

Điều kiện hoạt động ngày càng khắc nghiệt hơn

Nhu cầu sử dụng dầu nhớt với chất lượng cao hơn, nhiệt độ cao hơn và áp suất cũng cao hơn. Động cơ ô tô ngày càng nhỏ lại (về kích thước) với turbo tăng áp để đẩy công suất cao hơn, nên tăng tải trọng lên các gối đỡ và nhiệt độ dầu cao hơn. Thiết bị công nghiệp với tốc độ cao và tải trọng cao để tăng hiệu suất. Năng lượng cơ học đầu ra luôn cao.

Lượng dầu nhớt sử dụng ít hơn

Máy móc nhỏ thường tuần hoàn lượng dầu ít hơn nên gia tăng áp lực lên dầu luôn luôn ở điều kiện khắc nghiệt. Nhiệt độ cao yêu cầu dầu nhớt có khả năng bền nhiệt và ổn định oxy hóa. Lượng dầu tuần hoàn cao có nghĩa là dầu hiện điện trong cacte hay bồn chứa thời gian ít hơn nên phải đáp ứng về tính tách khí, chống tạo bọt và tách nước thời gian nhanh nhất.

Thiết bị sử dụng phức tạp hơn

Thiết bị yêu cầu dầu nhớt nhiều chức năng: giảm ma sát, giảm mài mòn, và làm mát. Một số loại dầu cho hộp truyền động đồng thời cho hệ thống thắng và cho cả bơm thủy lực. Hay tính tích hợp các công dụng cho một loại dầu duy nhất để tối ưu hóa lượng tồn kho tại nơi sử dụng.

Thay đổi loại dầu gốc

Với yêu cầu dầu nhớt chất lượng cao hơn, nhu cầu sử dụng dầu gốc Nhóm II và Nhóm III càng nhiều hơn. Khuynh hướng tiết kiệm nhiên liệu/năng lượng, nhà sản xuất dầu nhớt pha chế các loại dầu nhớt có độ nhớt thấp như 5W40 hay 5W30 thay cho truyền thống 15W40, thậm chí còn sử dụng cả 0W-8. Dầu truyền động cũng trong khuynh hướng đó. Dầu” tổng hợp” hay “bán tổng hợp” là khái niệm gần như phổ biến thông dụng, mặc dù về khái niệm dầu khoáng Nhóm III được gán ghép như vậy thay vì sử dụng sự kết hợp giữa truyền thống và dầu gốc PAO/Ester.

Sử dụng nhiều loại nhiên liệu:

Ở phân khúc vận tải, việc sử dụng diesel sinh học (pha diesel truyền thống với thành phần nhất định các loại ester có gốc thực vật) gia tăng đáng kể và ở một số quốc gia được xem như là nhiên liệu phổ biến. Sử dụng nhiên liệu này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dầu động cơ trong đó 3 yếu tố chính tác động đó là : gia tăng sự oxy hóa dầu, gia tăng cặn trên đỉnh piston, và gia tăng sự ăn mòn. Điều này xảy ra tương tự khi sử dụng xăng pha Ethanol E5 tại Việt nam cho dầu PCMO và MCO.( Nguồn: Biofuel affects on crankcase Lubricants performance, Infineum, 5th ICIS Pan-America Base oils and Lubricants Conference). Các loại nhiên liệu khác như CNG (Compressed Natural Gas) và LNG (Liquefied Natural Gas) được sử dụng với đặc tính: sạch, không tạo tro hay cặn than nhưng buồng đốt rất nóng. Nên dầu nhớt phải ổn định tốt về nhiệt và cân bằng giữa phụ gia kim loại để không tạo cặn vô cơ trên các van (valve).

Tăng các quy định về luật

Luật về quản lý các chất hóa học được áp dụng phạm vi toàn thế giới sẽ ảnh hưởng đến thành phần phụ gia và nồng độ sử dụng. Dầu gốc tổng hợp chất lượng cao sẽ sử dụng nhiều hơn vì lý do chất lượng và một phân khúc khác là không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Với quy định khắc khe về khí thải các nhà sản xuất ô tô phải sản xuất ra động cơ tiêu thụ nhiên liệu ít hơn hiện nay.

Nhu cầu chất lượng cao hơn

Mục tiêu nâng cấp chất lượng để đáp ứng yêu cầu khắc nghiệt của Nhà chế tạo thiết bị/động cơ (OEMs), đạt các thử nghiệp của các tổ chức API, ACEA..Việc pha chế dầu nhớt phức tạp hơn với dãy rộng tiêu chuẩn áp dụng cũng như thu hẹp các giới hạn vì chi phí thử nghiệm trở nên đắt đỏ hơn

Nhu cầu về dầu nhớt

Tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp và yêu cầu gia tăng tính năng chất lượng dầu nhớt. Trong đó yêu cầu quan trọng là tăng thời gian sử dụng nhiều hơn, đó chính là nhu cầu sử dụng dầu tổng hợp với sự đáp ứng đầy đủ tính năng từ ô tô cho đến ngành công nghiệp.

Kết luận

Thế giới cần nhiều năng lượng hơn cho sự phát triển của dân số và kinh tế. Tính hiệu quả của ngành công nghiệp dầu nhớt là ưu tiêu giảm được hiện tượng ma sát. Lựa chọn dầu nhớt sử dụng cũng ưu tiên nghiên về yếu tố tăng tính hiệu quả bôi trơn bằng các loại dầu với công nghệ hiện đại như dầu tổng hợp và áp dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học cho ngành dầu nhớt về phụ gia, thiết bị và quy định-luật một cách chặt chẽ.

30.9.2015
Dầu nhớt của Chuyên gia


(Bài viết dựa trên các bài viết của Sandy Reid-Peter, Marketing Technical Support Engineer, ExxonMobil Chemical,” Energy and Lubricants” Phần 1,2,3; được đăng trên Lube Magazine số 126, 127, 128)

“Bao giờ cho đến tháng mười”

0

Câu chuyện thứ nhất (1)

PVN vừa có “thơ” gởi Thủ tướng Chính phủ Việt nam lo ngại dư thừa nguồn cung sản phẩm xăng dầu từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất. PVN kiến nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Theo tính toán của PVN, khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại năm 2017 và đạt công suất tối đa năm 2018 thì nguồn cung cho xăng dầu nội địa thị trường Việt nam tại thời điểm đó đạt 17.589 ngàn m3 với hai nhà máy bao gồm lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất và bốn cơ sở pha chế xăng từ condensate (sản phẩm có chỉ số octan thấp). Nguồn cung này gần như cân bằng so với tính toán nhu cầu thị trường nội địa cả nước năm 2018 là 17.329 ngàn m3 với sản phẩm xăng +diesel+ Jet A1 hay xăng phi cơ. Ước lượng tính toán cho nhu cầu nội địa tăng trưởng với tốc độ 3%.

Với cơ cấu như trên, PVN cho rằng đang khó khăn lớn trong tiêu thụ hết sản phẩm từ hai Nhà máy lọc dầu nhất là giá bán sản phẩm của lọc dầu Nghi Sơn sẽ cao hơn đối với xăng dầu nhập khẩu nếu áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do nhất là trong khối ASEAN (ATIGA)”

” Trên cơ sở khó khăn, vướng mắc trên, PVN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan giải quyết các vấn đề còn khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong bao tiêu sản phẩm của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Cụ thể điều chỉnh các chính sách về kinh doanh xăng dầu dựa trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp qouta nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn, Dung Quất) để đảm bảo cho các nhà máy lọc dầu trong nước tiêu thụ an toàn, hiệu quả toàn bộ sản phẩm, phát huy hiệu quả đầu tư của Dực án, đảm bảo an ninh năng lượng”.

Câu chuyện thứ hai (2)

Vụ bê bối gây chấn động giới kinh doanh xe hơi toàn cầu bị phanh phui vào thứ Sáu tuần trước, khi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA – U.S. Environmental Protection Administration) công bố kết quả điều tra cho thấy các dòng xe hơi chạy bằng dầu diesel của Volkswagen có cài đặt sẵn một “phần mềm lừa đảo”; tự động nhận ra khi nào thì chiếc xe được kiểm tra khí thải để kích hoạt hệ thống kiểm soát khí thải, cho ra một chỉ số phù hợp với tiêu chuẩn bắt buộc của Mỹ; còn khi chiếc xe hoạt động bình thường trên xa lộ thì hệ thống kiểm soát khí thải được phần mềm tắt đi, xe chạy mạnh hơn nhưng phát ra lượng khí NO2 (oxide of nitrogen) cao gấp 40 lần so với khi kiểm tra. NO2 là một loại khí độc, có kích thước phân tử rất nhỏ nên dễ dàng thâm nhập cơ thể sinh vật, gây ra các chứng bệnh đường hô hấp; đây cũng là tác nhân gây nên hiện tượng khói mù (smog) ở các đô thị và góp phần tạo ra hiệu ứng nhà kính.

EPA đã yêu cầu Volkswagen triệu hồi 482.000 xe đã bán ra tại Mỹ từ năm 2009-2015, gồm các nhãn hiệu VW Golf, VW Passat, Jetta and Beetle. Ngoài ra, Volkswagen còn phải tạm ngừng bán ra các mẫu xe có vấn đề cho đến khi nào được chứng nhận đã khắc phục xong lỗi vi phạm.
Câu chuyện chưa dừng ở đó. Đến cuối ngày thứ Ba 22-9, lãnh đạo Volkswagen thú nhận có tới 11 triệu chiếc xe mà hãng bán ra trên toàn cầu có gắn phần mềm nói trên, đều sử dụng động cơ turbo diesel, 4 xi lanh, dung tích 2 lít, có mã hiệu Type EA 189. Ngay cả dòng xe sang Audi (một thương hiệu của Volkswagen) cũng có một số mẫu xe sử dụng động cơ này.

Câu chuyện thứ ba

Tiêu chuẩn khí thải Việt nam đang áp dụng là Euro 2, trong đó làm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu Diesel là tối đa 500 ppm (đơn vị phần triệu) hay 0.05% KL (khối lượng), nhưng đi về miền nông thôn Việt nam hay các tỉnh lỵ xa vẫn còn tồn tại một loại Diesel với hàm lượng lưu huỳnh 2.500 ppm (0.25% KL). Trong các tài liệu cam kết về tiêu chuẩn khí thải cho ô tô (hay động cơ sử dụng nhiên liệu gốc HC – hydrocarbon, hóa thạch), Việt nam sẽ bỏ qua tiêu chuẩn khí thải Euro 3 và áp dụng Euro 4 vào năm 2017.

Đứng về phía nhiên liệu như diesel sử dụng được với Euro 4 là hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn 50 ppm ( nhỏ hơn 10 lần so với hiện nay); thì liệu rằng với việc bao tiêu thụ toàn bộ nhiên liêu do hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất thì sản phẩm của các Nhà máy này có đáp ứng được nhiêu liệu cho tiêu chuẩn Euro 4 như lộ trình đặt ra? Hay mỗi Bộ tự hoạch định mỗi kiểu để rồi “chuyện đã rồi” nên người dân Việt vẫn hàng ngày bám đuôi vào những chiếc xe buýt nhả khói đen mù mịt mà chỉ biết ngửa mặt than “trời”.

Sự minh bạch và giám sát hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe chung của toàn cộng đồng là một việc cần thiết cho cơ quan quản lý  không những giữ tính ” thực thi luật” mà còn trách nhiệm với cả môi trường kinh doanh và môi trường tự nhiên cho tương lai. Sợ nhất là những “méo mó” tác động chính sách để một lộ trình về tiêu chuẩn khí thải có thể bỏ qua.

Câu chuyện thứ tư

Nói chung quy, Việt nam và cả bán đảo Đông Dương đang sử dụng nhiêu liệu (xăng, dầu diesel) bẩn. Để phù hợp với nhiên liệu này, các hãng pha chế dầu nhớt sử dụng ” quá nhiều” phụ gia “tăng cường độ kiềm tổng – booster TBN” để hầu đạt được độ kiềm an toàn để trung hòa lượng Acid do lưu huỳnh cháy trong động cơ sinh ra. Các loại phụ gia tẩy rửa có gốc kim loại kiềm này tạo các loại cặn vô cơ bám trên thành kim loại và vô hiệu hóa các xúc tác có trong các bộ lọc khí thải theo tiêu chuẩn Euro 4 và 5. Nếu trung thực thì các loại dầu động cơ tiêu chuẩn API CI4/CI4 plus/CJ chỉ phù hợp cho các nước có nhiên liệu sạch ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và một số nước Châu Á như Singapore. Một thực tế khác là chi phí phụ gia thực sự cho dầu gốc, phụ gia “đúng chuẩn” các tiêu chuẩn này ” khá đắt”.

Một “phong trào” khác là yêu cầu thay thế dần xăng Mogas 92 ( xăng có chỉ số octan RON 92) bằng xăng E5 ( xăng có pha 5% Ethanol) để bảo vệ môi trường hay sửa sai cho việc hoạch định “rủi ro” khi xây nhiều nhà máy sản xuất Ethanol của các Tổng cũng như doanh nghiệp chạy theo phong trào. Nếu tính toán lại việc thay thế 5% Ethanol vào trong xăng sẽ có chi phí sản xuất cao hơn so với xăng nhập khẩu hiện nay (nếu không có thuế tiêu thụ đặc biệt).

Động cơ sử dụng xăng E5 sẽ “nguội hơn” xăng khoáng HC” có nghĩ là nhiệt độ động cơ thấp hơn và đặc biệt là lượng hơi nước ngưng tụ sẽ nhiều hơn trong động cơ. Do đó, động cơ có nguy cơ gỉ sét và dầu nhớt sẽ nhanh chóng thoái hóa hơn. Cụ thể là lượng phụ gia phân tán được sử dụng nhiều hơn, tốc độc dầu bị oxy hóa nhanh hơn…dầu sẽ nhanh đến kỳ phải thay dầu mới có nghĩa là tốn nhiều tiền hơn.

Không hiểu vì lý do gì hay nghiên cứu gì mà hiện nay một hãng dầu nhớt lớn của Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì dầu động cơ xe máy và mô tô chỉ ở cấp API SJ và không có sản phẩm nào cao cấp hơn. Đứng về tiêu chuẩn Nhật bản Jaso MA/MA2/MB thì đáp ứng và phù hợp với động cơ Nhật Bản do họ sản xuất ra, nhưng về tác động môi trường và nhiên liệu thì có thể họ quá “bảo thủ”. Hiện nay, một số hãng lớn như Castrol, Shell, Total, Chevron,..đều có các sản phẩm API SM, SN. Điều này rất hợp lý cho động cơ và nhiên liệu tại Việt nam vì được bổ sung chất phân tán/tẩy rửa và các phụ gia không tạo cặn hay tro,.v.v

Câu chuyện thứ 5:

CEO Shell, Jeroen Van der Veer, phát biểu gần đây trên Newsweek: ” Dự đoán giá dầu, theo tôi là một việc làm vô nghĩa” (tạm dịch). Đúng vậy, không ai có thể ngờ rằng giá dầu thô vẫn “luẩn quẩn” ở mức 45USD/thùng. Chưa kể tác động khi Iran có thể được gở bỏ lệnh cấm vận kinh tế ( có xuất khẩu dầu thô) vào đầu năm 2016 thì mức giá hiện nay đã kéo theo giá dầu gốc giảm đáng kể ( SN 150 GII, USD 620/T) trong khi giá dầu gốc các loại độ nhớt cao như SN500 vẫn giữ mức trên 800 USD/T. Điều này tác động đáng kể quan điểm sản xuất của nhiều hãng sản xuất.

Thị trường dầu nhớt Việt nam vẫn giữ được giá cao vì niềm tin của các “big players- ông lớn”. Mức lợi nhuận biên tăng đáng kể là cơ hội để tích lũy lợi nhuận. Tuy vậy, tiền Đồng VN mất giá gần 5% so với USD tính từ đầu năm 2015 và phí môi trường tăng thêm 600 Đ/Lít đã làm các doanh nghiệp “khó đoán” được chính sách và phát biểu ” hứa cam kết” của quan chức chính phủ Việt nam.

Tôi không dự đoán, nhưng biết chắc một điều rằng với bắt đầu từ 1.1.2016 Cộng đồng Chung Kinh tế ASEAN (AEC) thì thuế xuất các sản phẩm và nguyên liệu dầu nhớt giảm về còn 0% trong khối ASEAN. Liệu người tiêu dùng có hưởng được giá giảm 5% hay không? Hay lợi nhuận tiếp tục chảy vào túi các patron (ông chủ)?

Bao giờ cho đến tháng mười?


25.09.2015
Dầu nhớt của Chuyên gia

(Bài viết  thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nhằm nhấn mạnh vào thị trường dầu nhớt tại Việt nam hiện nay và các tác động; không có ý định chỉ trích các nhãn hiệu khác và các thông tin liên quan doanh nghiệp được nêu)
(1) : Dựa theo lời tựa phim “Bao giờ cho đến tháng mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
(2) : Dựa trên bài viết “PVN đề nghị hạn chế nhập khẩu xăng dầu” tác giả Hải Yến, đăng trên Cafef.vn
(3):  Trích bài viết :”Volkwagen gặp đại hạn” tác giả Thái Bình, đăng trên Thời Báo Kinh tế Sài gòn, ngày 25/09/201