028 6258 8193 - 028 6258 8195

eska.hainguyen@gmail.com

201 Nguyễn Xí, P. 26, Q. Bình Thạnh, TPHCM

Trang chủ Blog Trang 15

Giá dầu lập kỷ lục mới

0

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh, đạt mức 111 USD/thùng, cao nhất trong hơn 7 năm qua, do lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung vì tác động chiến sự giữa Nga và Ukraine. Trong nước, giá xăng, dầu cũng đã lập kỷ lục mới.

Theo dữ liệu từ Oil price, vào lúc 15h30 (2/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 111,66 USD/thùng, tăng 6,69 USD, tương đương 6,37%. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 4 được giao dịch ở mức 110,22 USD/thùng, tăng 6,81 USD, tương đương tăng 6,59%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/3 giá dầu  Brent giao tháng 5 tăng 7,1% lên 104,97 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014. Còn giá dầu thô WTI tăng 8%, mức tăng theo phần trăm một ngày cao nhất kể từ tháng 11/2020, lên mức giá 103,41 USD/thùng.

Giá dầu thô thế giới hiện đã vượt mức cao kỷ lục kể từ năm 2014.

Theo các nhà phân tích, giá dầu tăng phi mã do những lo ngại từ xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng.

Dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã miễn trừ lĩnh vực năng lượng nhưng các thương nhân vẫn né tránh giao dịch dầu của Nga. Điều này khiến nguồn cung dầu thế giới thêm căng thẳng.

Hiện Mỹ và các nước đồng minh đang có kế hoạch mở 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ để giảm áp lực về giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, động thái này không thể xoa dịu lo ngại gián đoạn nguồn cung từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine bởi mức 60 triệu thùng dầu chỉ bằng sản lượng khai thác của Nga trong 6 ngày. Và 60 triệu thùng dầu cũng chỉ tương đương với mức tiêu thụ dầu chưa đầy một ngày trên toàn thế giới. Điều này khó có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung nếu xung đột tiếp tục leo thang.

Tại thị trường Việt Nam, gần đây, giá xăng  liên tục tăng cao trong bối cảnh nguồn cung trong nước đang có nhiều biến động giá xăng. Hiện giá xăng trong nước đang tiến sát 27.000 đồng và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay.

Ở kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 1/3), Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định tăng giá xăng, dầu. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít, giá bán không cao hơn 26.077 đồng/lít, giá xăng RON95-III tăng 547 đồng/lít, giá bán không cao hơn 26.834 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 19.978 đồng/lít, tăng 469 đồng. Dầu diesel là 21.310 đồng/lít, tăng 509 đồng. Dầu mazut là 18.468 đồng/kg, tăng 536 đồng.

Như vậy, giá xăng trong nước đã có 6 lần tăng thứ liên tiếp và có lần tăng thứ 5 trong năm 2022.

(Eska tổng hợp)

Nguồn thu từ năng lượng là ‘kẽ nứt’ trong bộ áo giáp của Nga?

0

Tác động ngắn hạn của việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã quá rõ ràng.

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm. Giá khí đốt tự nhiên vốn đã tăng cao kể từ khi đại dịch bùng phát lại tăng thêm hơn 50% trong một tuần. Châu Á cơ bản không liên quan đến cuộc xung đột, nhưng vẫn sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá khí đốt tăng.

Cho đến nay, giá tăng chỉ phản ánh tâm lý lo sợ về những nguy cơ có thể xảy ra. Sự lo lắng rằng các đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine, cung cấp 15% khí đốt hàng ngày cho châu Âu, có thể bị gián đoạn vĩnh viễn. Song, một số nỗi sợ hãi có lẽ đã bị phóng đại quá mức.

Các thị trường dầu khí quốc tế rất mạnh mẽ và có khả năng nhanh chóng thay thế sự thiếu hụt tạm thời. Mặc dù Nga đã cảnh báo rằng người châu Âu có thể chứng kiến giá khí đốt tăng gấp đôi trong vài tuần tới, điều này chỉ đơn giản kích thích các nhà cung cấp từ những nơi khác đến lấp đầy khoảng trống.

Ngoại trừ việc thương mại bị sụp đổ hoàn toàn, thế giới có đủ nguồn cung để đảm bảo những đợt tăng giá đột biến sẽ chỉ là tạm thời.

Hơn nữa, sự suy sụp hoàn toàn trong thương mại sẽ không xảy ra vì khó có thể tưởng tượng việc Nga cố tình cắt bỏ nguồn thu chủ chốt từ dầu và khí đốt, thứ đã tạo nền tảng cho chính phủ Tổng thống Vladimir Putin trong suốt 23 năm cầm quyền.

Điện Kremlin ít nhất vẫn phụ thuộc vào việc tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt cho các nước nhập khẩu ở châu Âu. Sự cân bằng lợi ích này cho thấy thương mại năng lượng vẫn sẽ được phép tiếp tục.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt có thể sẽ thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong chính sách năng lượng.

Thứ nhất, Nga đã từ bỏ vị thế là một đối tác thương mại an toàn, với việc châu Âu thể hiện quyết tâm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình.

Điều này bắt nguồn từ Đức, nơi căng thẳng làm gia tăng những do dự xung quanh Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt từ miền bắc nước Nga đến Đức. Với việc tiêu thụ khí đốt đang giảm và nguồn cung cấp thay thế luôn sẵn có, đường ống mới có thể sẽ không được hoạt động.

Dưới sự dẫn đầu của Đức và với sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều quốc gia ở Đông Âu, hành động của Nga cũng có khả năng củng cố kế hoạch rời xa nhiên liệu hóa thạch của Ủy ban châu Âu. Ở một số quốc gia, điều đó thậm chí có thể khiến năng lượng hạt nhân được quan tâm trở lại, khi một thế hệ lò phản ứng mô-đun nhỏ mới xuất hiện.

Thứ hai, chiến sự tại Ukraine sẽ gây tổn hại đến danh tiếng của Nga là một nơi đầu tư an toàn.

Các công ty quốc tế có sự hiện diện lớn tại Nga, bao gồm Royal Dutch Shell, Exxon Mobil, Total, BP, Toyota Motor và Mitsubishi Motor, hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ qua đi mà không ảnh hưởng đến hoạt động của họ.

Nhưng rủi ro của một cuộc xung đột kéo dài sẽ khiến cho bất kỳ hội đồng quản trị công ty nào cũng khó có thể biện minh cho việc chi tiêu vốn lớn. Điều đó không chỉ đúng đối với các công ty châu Âu và Mỹ mà còn đúng với các doanh nghiệp châu Á.

Thứ ba, câu hỏi được đặt ra về phản ứng của chính Nga đối với tình hình.

Nord Stream 2 là một phần quan trọng trong chiến lược của Nga nhằm đảm bảo thị phần lâu dài trong thị trường khí đốt đang suy giảm của châu Âu. Nhưng trong những năm gần đây, Nga đã hướng sự quan tâm của mình về phía đông với một loạt các thỏa thuận mới để bán khí đốt cho Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á.

Cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ chỉ củng cố thêm những thỏa thuận này, ngay cả khi sự thay đổi mang lại cho Trung Quốc và các nước khác khả năng kiểm soát khối lượng và giá cả. Nhìn từ phía Bắc Kinh, Nga bây giờ sẽ bị coi là bên bán bị ép giá.

Đối với châu Á, giá năng lượng tăng sẽ gây bất lợi. Nhưng nhu cầu về doanh thu của Nga có thể tạo ra cơ hội mới cho những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Nick Butler, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học King’s College London và là cựu giám đốc điều hành cấp cao của công ty năng lượng BP.

Tham khảo Nikkei

(Theo doanh nghiệp và tiếp thị)

Nguồn cung dầu diesel toàn cầu đang cạn kiệt ?

0

Nguồn cung dầu diesel toàn cầu đang cạn kiệt khi các nhà máy lọc dầu phải vật lộn để bắt kịp với sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng sau đại dịch, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng trên toàn cầu khiến giá khí đốt, than và dầu thô tăng vọt.

Vào thời điểm mà các ngân hàng trung ương toàn cầu đang lo lắng về tỷ lệ lạm phát chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, tình trạng thiếu hụt dầu diesel dự báo sẽ đẩy chi phí nhiên liệu và vận tải lên cao hơn nữa, đồng thời gây thêm áp lực lên giá bán lẻ.

Dầu diesel là nhiên liệu đa năng, có thể sử dụng cho phần lớn các máy móc và loại phương tiện giao thông, từ đường bộ, đường thủy, đến đường sắt,… Đặc biệt, dầu diesel còn được dùng cho các phương tiện có tải trọng lớn như: Xe nâng bán tự động, xe nâng dầu hoặc cả các tuabin khí,…

Châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu diesel của Mỹ và châu Á. Nhập khẩu diesel của châu lục này đã bị hạn chế trong những tuần gần đây do tiêu thụ nội địa tăng cho các ngành sản xuất và giao thông đường bộ.

Dữ liệu từ công ty tư vấn Insights Global của Hà Lan cho thấy dự trữ gasoil, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, ở các kho chứa tại khu vực cất giữ và lọc dầu Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) của Châu Âu đã giảm 2,5% trong tuần vừa qua.

Dự trữ nhóm nhiên liệu này của châu Âu hiện đang ở mức thấp nhất so với cùng thời điểm kể từ 2008, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất tầm trung trên đất liền của Singapore cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, chỉ còn 8,21 triệu thùng.

Chuyên gia Lars van Wageningen của Insights Global cho biết: “Nhu cầu dầu diesel đang được cải thiện (ở Tây Bắc Châu Âu) nhưng công suất lọc dầu hiện vẫn thấp hơn so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, và mức nhập khẩu sụt giảm đang khiến thị trường chịu áp lực thiếu cung nghiêm trọng.

Giá diesel trên thị trường Tây Bắc Âu hôm thứ Hai (7/2) đạt 114 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9 năm 2014, trong khi tỷ suất lợi nhuận của diesel so với dầu thô tuần vừa qua đạt mức cao nhất trong hai năm.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley lưu ý rằng năm 2008 giá dầu diesel đã vọt lên khoảng 180 USD/thùng do thị trường sản phẩm chưng cất tầm trung “cực kỳ thắt chặt”, khi giá dầu thô Brent tăng lên gần 150 USD/thùng.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng cho biết rằng: “Chúng tôi không có ý rằng thị trường sẽ lặp lại điều đó vào lúc này, nhưng điều đáng chú ý là giá dầu diesel – đã từng được theo dõi chặt chẽ trong giai đoạn 2007-08 – những tháng gần đây lại trở thành tâm điểm chú ý”. Ngân hàng Morgan Stanley dự kiến ​​giá dầu thô sẽ đạt 100 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.

Tuần trước, một cơn bão mùa đông đã ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nhiên liệu ở Mỹ, khiến một số công ty điện lực đã phải chuẩn bị phương án sử dụng nhiều hơn các nhiên liệu là sản phẩm dầu chưng cất để đáp ứng nhu cầu, trong khi Hàn Quốc và Ấn Độ đã không thể lấp đầy khoảng trống về nguồn cung do Trung Quốc gần đây kìm hãm xuất khẩu sản phẩm tinh chế vì nhu cầu trong nước của chính họ cũng tăng.

Nguồn cung thắt chặt đã đẩy giá dầu diesel tại châu Á tăng vọt, với giá tham chiếu gasoil 10ppm đạt mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2014.

Sau dầu mỏ, khí đốt và than đá, khủng hoảng nguồn cung lan sang thị trường diesel toàn cầu - Ảnh 1.

Lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Âu.

Các nhà máy lọc dầu thường phản ứng với hiện tượng tỷ suất lợi nhuận cao và hàng tồn kho thấp bằng cách tăng sản lượng. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế tháng trước cho biết ngành lọc dầu toàn cầu đang bị căng thẳng với công suất năm 2021 giảm lần đầu tiên sau 30 năm khi công suất của các cơ sở đóng cửa cao hơn của các cơ sở được bổ sung mới.

Việc tăng sản lượng dầu diesel cũng sẽ đòi hỏi gia tăng tốc độ xử lý dầu thô thông thường tại các nhà máy lọc dầu, với các thiết bị hạ nguồn được cấu hình để tối đa hóa sản lượng chưng cất các sản phẩm tầm trung với chi phí thấp hơn.

Thay vào đó, một số nhà máy lọc dầu – đặc biệt là ở Mỹ – vẫn đang vận hành các nhà máy ở công suất thấp hơn mức trung bình 5 năm để tránh sản xuất quá nhiều nhiên liệu máy bay – mặt hàng mà nhu cầu vẫn thấp hơn so với năm 2019, khiến các công ty đang rất khó khăn trong việc tìm cách khôi phục lại các kho dự trữ dầu diesel lên mức an toàn trong ngắn hạn.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết: “Với áp lực từ các nhà đầu tư trong việc giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và nhu cầu dầu cao, bối cảnh này có thể làm giảm động cơ đầu tư vào những công suất lọc dầu mới”.

Theo ông Staunovo: “Với nhu cầu nhiên liệu có thể sẽ tăng trong 10-15 năm tới và nguồn cung không thể theo kịp, tôi dự đoán sẽ có nhiều biến động hơn (về giá nhiên liệu) trong tương lai.

Nguồn cung ở châu Âu bị thắt chặt đã đẩy mức chênh lệch giá dầu diesel kỳ hạn giao ngay so với kỳ hạn 6 tháng tại khu vực này lên hơn 100 USD/tấn vào thứ Hai (7/2), mức chênh lệch lớn chưa từng có trong lịch sử. Giá giao ngay cao hơn quá nhiều so với kỳ hạn tương lai phản ánh nhu cầu mạnh mẽ trong ngắn hạn và khuyến khích các nhà giao dịch giải phóng dầu từ kho dự trữ để bán, khiến lượng dầu trong kho càng thêm cạn kiệt.

Trong khi đó, lượng gasoil và dầu diesel nhập từ phía đông Suez, Nga, Baltics và Mỹ vào Châu Âu trong tháng này nếu theo tốc độ như hiện nay thì sẽ chỉ đạt khoảng 1,66 triệu tấn, thấp hơn mức kỳ vọng là 1,83 triệu tấn, và càng thấp xa so với mức 4,6 triệu tấn nhập trong tháng 1/2022.

Một nhà môi giới tàu chở dầu sạch của Mỹ cho biết: “Chúng tôi thấy lượng dầu diesel xuất khẩu từ Bờ Vịnh Mỹ chỉ ở mức tối thiểu và lượng chất lên các tàu rỗng đang ở mức zero”.

Nguồn: Reuters

 

 

BP Petco. JV gia hạn hợp đồng liên doanh.

0

BP, Castrol và Petrolimex gần đây đã đồng ý gia hạn tiếp tục 20 năm liên doanh tại Việt Nam. Castrol BP Petco Co., cung cấp dầu mỡ bôi trơn mang nhãn hiệu Castrol và BP tại chủ yếu Việt nam. BP và Petrolimex sở hữu lần lượt 65% và 35% trong liên doanh, đang vận hành nhà máy pha chế 50.000 tấn/năm tại Thành phố Hồ Chí Minh. BP Petco tuyên bố dẫn đầu thị trường nội địa với 24% thị phần dầu nhớt, mỡ bôi trơn.

Theo Lubesngreases”

GIÁ DẦU TĂNG CAO NHẤT TRONG 7 NĂM QUA

0

Giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng lên mức cao nhất kể từ cú sụp đổ của ngành dầu đá phiến Mỹ vào năm 2014 trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cũng như giữa Mỹ và Nga leo thang, đe dọa làm gián đoạn nguồn cung.

Chốt phiên giao dịch hôm 18-1, giá dầu Tây Texas (WTI) ở thị trường New York, tăng 1,61 đô la/thùng, tương đương 1,9%, lên 85,43 đô la/thùng. Tại London, giá dầu Brent tăng thêm 1,2%, lên mức 87,51 đô la/thùng. Cả hai chỉ số giá dầu này đã tăng khoảng 13% trong năm nay và đang ở mức cao nhất kể từ ngày 13-10-2014, theo dữ liệu của FactSet.

Trong số các yếu tố thúc đẩy đà tăng là mối lo ngại rằng các căng thẳng ở Trung Đông và giữa Mỹ và Nga xung quanh vấn đề binh sĩ Nga áp sát biên giới Ukraine sẽ lan tỏa sang thị trường năng lượng, làm giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu thô lớn, đặc biệt là Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Các nhà giao dịch và nhà phân tích nhận định, bất kỳ sự cố làm gián đoạn nguồn cung dầu nào ở các nước này cũng có thể đẩy tăng giá dầu khi mà nhu cầu đang tăng lên và các kho dự trữ dầu trên thế giới đã giảm xuống dưới mức chuẩn gần đây.

Thêm vào đó, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đã không làm giảm nhu cầu nhiều như dự kiến. Trong một báo cáo được công bố hôm thứ 18-1, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo thế giới sẽ tiêu thụ 100,8 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm nay, tăng 4,2 triệu thùng/ngày so với năm 2021, nhờ nhu cầu tăng đối với các sản phẩm chưng cất nhẹ được sử dụng trong ngành công nghiệp hóa dầu.

Paul Horsnell, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết: “Thị  trường nhận thấy nguy cơ giảm công suất dầu có thể xảy ra vào cuối năm nay và đang cố gắng đón đầu”. Ông cho biết các nhà giao dịch dầu lo ngại xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng với Mỹ xung quanh vấn đề Nga đưa binh sĩ áp sát biên giới với Ukraine cũng như các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo Houthi ở Yeman nhằm vào UAE, một thành viên chủ chốt của OPEC. UAE  là nhà sản xuất dầu lớn thứ tám trên thế giới, vì vậy, tình hình bất ổn ở Trung Đông có thể đe dọa nguồn cung ở khu vực này.

Giá dầu bị đẩy lên mức cao hơn một phần là do tình trạng thiếu hụt khí đốt tự nhiên bên ngoài Mỹ thúc đẩy nhu cầu về dầu nhiên liệu. Trong tuần này, các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs cho biết,việc chuyển đổi từ khí đốt sang dầu nhiên liệu tại các nhà máy điện ở châu Âu và châu Á đã làm tăng nhu cầu dầu thêm nửa triệu thùng/ngày trong tháng 12. Họ dự báo nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng thêm 300.000 thùng mỗi ngày trong tháng 1 và tháng 2.

Mỹ đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, đại diện là OPEC, tăng sản lượng nhanh hơn để giúp kiểm soát lạm phát. Trong tháng 12 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước đó, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982.

Tuy nhiên, OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu chỉ nhất trí tăng dần sản lượng 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 7 năm ngoái.

Chiến lược phục hồi sản lượng nhỏ giọt này giúp giá dầu tăng kể từ tháng 8 nhưng không phải tất cả các thành viên của nhóm OPEC và các đồng minh đều có khả năng phục hồi sản lượng nhanh chóng như mục tiêu đề ra. Điều này làm dấy lên lo ngại công suất dự phòng trên thị trường dầu đang bị hạn chế.

Tuy nhiên, Paul Horsnell cho biết sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu nào cho đến năm 2024.

“Tôi nghĩ rằng có đủ công suất dự phòng ở Saudi Arabia, Iraq, UAE và ở những nơi khác. Điều này có nghĩa là không có tình huống thiếu hụt nguồn cung trong năm nay nếu như không xảy ra tình trạng gián đoạn sản xuất do các căng thẳng địa chính trị lớn, có thể đẩy công suất dự phòng xuống dưới 3 triệu thùng/ngày”.

Theo WSJ, Financial Times

(KTSG)

Eska Singapore

Ngoài kia gió vẫn thổi…2022! Phần 1

0

Nhng ngày cuối năm không như thông lệ: ngồi tìm tòi, lục lọi những con số thống kê trong năm, tăng trưởng GDP bao nhiêu, chỉ số công nghiệp, vận tải, xây dựng tăng trưởng bao nhiêu so với năm rồi?. Bao nhiêu ngàn doanh nghiệp đóng cửa rời bỏ cuộc chơi, bao nhiêu ngàn người lao động quy cố hương bỏ lại thị thành với bao công việc bộn bề…? Nhiều câu hỏi để mưu cầu thấu hiểu nền kinh tế đang vận hành theo cách thức có thể quán chiếu vào công việc kinh doanh của người viết hay không? Có theo kịp sự thay đổi trên khắp mọi lãnh vực của đời sống hay không?…

Đó là những năm trước!. Năm nay, bước qua một năm 2022..

Nắng.

Trước ngày Đông chí, rơi vào khoảng cuối tháng 12 theo dương lịch, gió tín phong mang nồm ẩm thổi từ biển vào đất liền mang mưa ở miền Bắc, nhưng ngược lại mang vị mặn gắt ở miền Nam. Nắng ngày càng gắt kéo dài qua hết tháng 4 thì gió mùa tây nam thổi theo hướng ngược lại…

Khi sương giá ngày heo may buổi sáng tan đi, ngồi café Bờ Hồ nhìn nắng vàng ươm vào độ giữa trưa nghiên dài trên tháp, đổ trên cây gạo già trơ lá ven bờ. Dọc công viên Lê Thái Tổ vắng lặng khách bộ hành, đường phố chậm rãi… Một năm không bình thường như mọi năm. Nhưng nắng vẫn vàng như năm cũ, gió lạnh vẫn mơn man khi thời gian vẫn chậm rãi trôi đi…Có những điều giản dị nhưng bất biến, có những toan tính nghĩ suy nhưng là tạm bợ, cuộc đời con người dường như vậy, chìm đắm, quay cuồng trong tìm kiếm mông lung. Thế nhân bảo rong chơi trong cuộc đời, tự hỏi lòng mình có được?

Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi, đời con giờ đây đang còn lênh đênh, đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn” …lời bài hát từ ca sĩ Duy Khánh xưa trên chuyến xe rong đuổi theo dọc dài đất nước, không phải là người chinh nhân ngày trước, nhưng là tâm trạng của đa số người lao động tha hương.

Khoảng 70% dân số Việt nam sống ở nông thôn và hoạt động nông nghiệp là chủ yếu, trong đó tỷ lệ người dân rời bỏ làng mạc đến thành thị lao động tự do hay làm việc trong các hãng xưởng ở các trung tâm công nghiệp tập trung chiếm phần lớn người còn trong tuổi lao động. Thế nhưng, năm 2021 có sự điều chỉnh ngược lại: hơn 2,2 triệu dân hay người lao động di cư trở lại nông thôn vì đại địch Covid-19 và cũng vì những khó khăn gây nên bởi “bài học ứng xử” trước dịch bệnh của chính quyền địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn.\

Bên dòng sông Trẹm.

Những ngày cuối năm, dự án cống ngăn mặn Cái Lớn-Cái Bé vận hành thử nghiệm, nước sông như ngừng chảy…Cả vùng U Minh Thượng, miệt Thứ… trước đây ảnh hưởng chế độ nước bán nhật triều, ngày 2 bận nước lên xuống…con tôm con cua trong ao, trong vuông còn được thay nước mát hàng ngày, cả vùng này một bên nước lợ nuôi thủy sản, một bên là lõi lúa kéo dài qua tận Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau…ngăn cách bởi con sông Trẹm nổi tiếng. Như câu chuyện tình ngang trái của Triệu Vĩ và Mỹ Lan vì không môn đăng hộ đối đã bị gia đình Triệu Vĩ ngăn cản nên mối lương duyên của họ lại trở thành nghiệt duyên bởi chính người mẹ cổ hủ của Triệu Vĩ, đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của người đọc (tiểu thuyết Bên dòng sông Trẹm của tác giả Dương Hà).

Vùng đồng bằng sông Cửu Long thường đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn lớn gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất và đời sống của gần 20 triệu người dân trong vùng. Tác động của các công trình thủy lợi ngăn mặn xâm nhập vào đất liền là có lợi thấy trước mắt nhưng theo các chuyên gia thì chính các công trình này làm hoang hóa đất đai và gây nên sự ô nhiễm diện rộng trên cả toàn bán đảo Cà Mau…chiếm ¼ diện tích và dân số của cả vùng đồng bằng vì nước sinh hoạt và từ các nhà máy sản xuất không tiêu thoát dồn ứ trong vùng được ngăn mặn.

Nắng phương Nam cháy rát khác cái hanh hao, vàng vọt của nắng phương Bắc, thời tiết ngày càng khắc nghiệt do bàn tay con người cứ dời non lấp biển cải tạo ý trời. Xưa mưa thuận gió hòa, ngày con nước lớn nước ròng theo dòng kênh tắm tưới ruộng đồng xanh tươi, chỗ thì con nước lợ nuôi dưỡng những bãi bồi nơi con tôm con cá sinh sống… Nói cua Cà Mau nổi tiếng là vậy.!

Bên cây lúa, bên con tôm, ngăn cách bởi dòng sông Trẹm…Giờ đây?

 Còn tiếp…

 Theo Eska Singapore.

Thị trường dầu khó đoán định trong năm mới

0
du-bao-thi-truong-dau-trong-nam-2020-va-nhung-yeu-to-can-quan-tam-den-2

Giữa lúc giá dầu tăng nhanh, biến thể Omicron lại xuất hiện khiến nhu cầu chùng xuống do các nước gia tăng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, tạo điều kiện cho các nguồn cung có cơ hội củng cố vùng đệm dự trữ. Bên cạnh đó, các nước như Mỹ, Canada và Brazil đang tận dụng giá dầu cao để tăng sản lượng, vì vậy, một số nhà phân tích nhận định thị trường dầu trong năm 2022 sẽ cân bằng hơn

Nhưng các nhà phân tích khác cho rằng giá dầu sẽ vượt ngưỡng 100 đô la/thùng nhờ nhu cầu phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm mới, khiến nguồn cung không theo kịp.

Omicron không tác động nhiều đến nhu cầu

Giá dầu tăng trong phần lớn thời gian trong năm 2011 nhờ nhu cầu tăng mạnh khi nền kinh tế toàn cầu tái mở cửa. Giá dầu Brent đã tăng hơn 50% trong năm ngoái, lên mức 77,86 đô la/thùng.

Giá dầu tăng giúp các tập đoàn dầu khí như Exxon Mobil và Chevron của Mỹ lãi lớn, nhưng khiến người lái xe ở nước này “méo mặt”. Giá xăng trung bình tại Mỹ đã tăng lên mức 3,29 đô la/gallon (3,78 lít) so với mức 2,25 đô la cách đây một năm. Năng lượng đóng góp lớn nhất cho mức tăng chỉ số tiêu dùng của Mỹ trong mùa thu vừa qua, khiến Tổng thống Joe Biden phải ra lệnh bán dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng lên các mức cao nhất kể từ năm 2014 trước khi các chính phủ triển khai các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn chặn biến thể Omicron vào cuối tháng 11. Kể từ đó, thị trường dầu rung lắc dữ dội, với giá dầu Brent có lúc bị đạp xuống mức 65 đô la/thùng, giảm sâu so với mức đỉnh gần đây, 87 đô la/thùng được thiết lập trong tháng 10. Giờ đây các nhà giao dịch đầu phải đau đầu trả lời hai câu hỏi: Liệu Omicron có phá hỏng quỹ đạo tăng của giá dầu? Hay liệu nhu cầu dầu sẽ lại được xung lực tăng và có thể kiểm tra năng lực cung ứng dầu của thế giới?

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (EIA), thế giới vẫn đang sử dụng ít dầu hơn so với trước đại dịch, tiêu thụ khoảng 96,2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Nhưng nhu cầu dầu đang tăng nhanh hơn sản lượng khai thác, vì vậy, EIA cho rằng nhu cầu sẽ đạt mức trước đại dịch, hơn 100 triệu thùng/ngày vào quí 3-2022.

Giới phân tích và giao dịch hàng hóa năng lượng nhận định Omicron sẽ không gây ra cú sốc đối với giá dầu giống như vào thời kỳ phong tỏa đầu tiên sau để kiểm soát Covid-19, khiến giá dầu thô kỳ hạn ở Mỹ rơi xuống mức âm trong thời gian ngắn. Một trong những lý do có thể giúp ngăn chặn giá dầu sụp đổ là nhu cầu dầu từ ngành hóa dầu đang bù đắp cho sự sụt giảm tiêu thụ nhiên liệu máy bay. Nhu cầu dầu cũng được hỗ trợ khi các công ty điện lực ở châu Âu và châu Á tăng cường đốt than và dầu dầu mazut và than để sản xuất ra điện trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt.

Rebecca Babin, nhà giao dịch dầu ở Công ty CIBC Private Wealth U.S cho rằng gần đây, giới đầu tư cũng bán dầu để chốt lời, đẩy giá xuống thấp hơn mức giảm hợp lý do tác động của Omicron đối với nhu cầu.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh do Nga dẫn đầu (hay còn gọi là nhóm OPEC+) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục phục hồi trong năm nay và chỉ tạm thời bị tác động nhẹ do sự xuất hiện của biến thể Omicron. Tại cuộc họp chính sách vào ngày 4-1 tới, nhóm OPEC+ dự kiến phê duyệt kế hoạch tăng sản lượng ở mức khiêm tốn, 400.000 thùng/ngày trong tháng 2.

Giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 đô la

Chính sách kìm hãm nguồn cung của OPEC+ khiến lượng dự trữ dầu của các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một nhóm chủ yếu là các nước giàu, giảm xuống dưới mức trung bình của 5 năm. Tuy nhiên, giới phân tích đang hoài nghi về khả năng của OPEC+ trong việc tăng sản lượng mạnh mẽ trở lại sau khi giảm chi tiêu đầu tư cho sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh.

“Có những nước không còn công suất dự phòng” Amrita Sen, đối tác sáng lập hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects, nói. Bà cũng cho rằng cơ hội “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân với Iran để giúp dỡ bỏ lệnh cấm vận dầu mỏ với nước này dường như đang dần tắt.

Một trong những thành viên OPEC đang gặp khó khăn trong nỗ lực bơm dầu là Nigeria, nhà cung cấp dầu lớn nhất châu Phi. Nước này sản xuất 1,29 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 11-2021, ít hơn 360.000 thùng so với hạn ngạch mà OPEC cho phép. IEA cho biết các vấn đề về hoạt động, các vụ tấn công phá hoại và sự cố rò rỉ đường ống có thể đã cản trở Nigeria phục hồi sản lượng.

Tháng trước, các nhà phân tích ở Ngân hang đầu tư JP Morgan nói rằng sự thiếu đầu tư cho các mỏ dầu trong 18 tháng qua khiến nhiều nước sản xuất dầu khó có khả năng phản ứng nhanh trước nhu cầu đang phục hồi. Họ dự báo giá dầu Brent có thể tăng vọt lên mức 125 đô la/thùng trong năm nay và 150 đô la/thùng trong năm 2023 do tình trạng thiếu đầu tư trong ngành công nghiệp dầu mỏ.

Francisco Blanch, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa và phái sinh tại Ngân hàng Bank of America, nhận định: “Dựa vào diễn biến của thị trường dầu trước đây, chúng ta đã rút ra rằng nhu cầu có thể trở lại mạnh mẽ hơn”. Ông dự báo giá dầu Brent có thể đạt 120 đô la/thùng vào năm 2022, trừ khi số ca nhập viện vì Covid-19 tăng mạnh hoặc có đợt bùng phát dịch lớn ở Trung Quốc.

Hay thị trường sẽ cân bằng hơn?

Số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ đang tăng lên dưới sự dẫn dắt của các công ty năng lượng chưa niêm yết cổ phiếu, đang thâu tóm thị phần từ các công ty năng lượng đại chúng, vốn đang bị giới đầu tư yêu cầu tăng cổ tức thay vì vung tiền vào các giếng dầu. Edward Morse, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Citigroup, cho biết điều đó cùng với sản lượng dầu tăng ở các nước bao gồm Canada và Brazil, sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu.

Trong cuộc trao đổi với CNBC, Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit nói rằng sau hơn một năm để nhóm OPEC+ kiểm soát thị trường, Mỹ sẽ thể hiện vai trò của mình bằng cách đẩy mạnh sản xuất dầu. Ông dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng đến 900.000 thùng/ngày trong năm 2022. Ông nhận định giá dầu trong năm nay chỉ dao động trong biên độ 65-85 đô la/thùng và khó đạt được mốc 100 đô la/thùng trừ khi có biến động địa chính trị lớn xảy ra.

Trong cuộc thăm dò ý kiến của Reuters hôm 31-12, các nhà phân tích dầu mỏ hạ dự báo giá dầu trong năm 2022 trong bối cảnh biến thể Omicron làm giảm nhu cầu trong ngắn hạn và có nguy cơ dư thừa nguồn cung khi các nước sản xuất dầu bên ngoài OPEC tăng sản lượng. Nhu cầu dầu giảm có thể giúp củng cố vùng đệm cho nguồn cung.

35 nhà kinh tế và nhà phân tích được Reuters hỏi ý kiến dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 73,57 đô la/thùng trong năm 2022, thấp hơn khoảng 2% so với mức 75,33 đô la mà họ dự báo vào tháng 11.

Norbert Rücker, nhà phân tích của Ngân hàng Julius Baer ​​, cho biết: “Với nhu cầu dầu tăng trưởng chậm lại trong khi tăng trưởng nguồn cung vẫn tiếp tục và cuộc khủng hoảng năng lượng hạ nhiệt, chúng tôi thấy thị trường dầu ngày càng cân bằng hơn thay vì thắt chặt trong năm 2022. Do đó,  ​​giá dầu sẽ có xu hướng thấp hơn so với mức hiện nay”.

Theo Theo WSJ, Reuters

(KTSG)

Eska Singapore

Dầu thô lên cao nhất 1 tháng khi trữ lượng tồn kho Hoa kỳ giảm mạnh trong 3 năm.

0

Dầu được giữ gần mức cao nhất trong một tháng sau khi dữ liệu dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm và các báo cáo cho thấy biến thể virus Omicron lây lan nhanh ít nghiêm trọng hơn so với sóng  Covid -19 trước đó. Những lo lắng của các nhà đầu tư về Omicron đang giảm bớt với nhiều bằng chứng ngày càng tăng cho thấy biến thể này có bản chất nhẹ hơn, có khả năng làm giảm sự cần thiết phải áp đặt các hạn chế đối với việc di chuyển. Tuy nhiên, số ca nhiễm toàn cầu đang tăng vọt, làm tăng sự căng thẳng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các nền kinh tế tiêu thụ năng lượng lớn.

 

Dầu WTI ổn định ở mức 76 USD/thùng sau khi tăng 11% trong 5 phiên gần đây. Viện Dầu khí Mỹ (API) báo cáo lượng dầu thô giữ trên toàn quốc đã giảm 3,1 triệu thùng trong tuần trước. Dầu thô đang hướng tới mức tăng hàng năm lớn nhất trong hơn một thập kỷ khi tiêu thụ toàn cầu phục hồi sau tác động của đại dịch với việc vắc-xin phòng Covid-19 đáp ứng đầy đủ. Điều đó đã giúp làm giảm dự trữ dầu, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Nếu dữ liệu chính thức khớp với bản tin API lần báo cáo này là mức giảm hàng tuần thứ năm liên tiếp, đợt giảm dài nhất kể từ tháng 9.

Sự phục hồi của dầu mỏ cũng được hỗ trợ khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga có cách tiếp cận thận trọng để khôi phục sản lượng. Nhóm sẽ họp vào tuần tới để đánh giá chính sách hướng tới năm 2022. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng nước này cảm thấy “hạnh phúc” khi dầu thô ở mức giá từ 65 đến 80 USD/ thùng.


Theo Bloomberg, eska lược dịch.

Nghiên cứu của Kline: Ngành công nghiệp dầu nhớt giảm 10,9% vào năm 2020

0

Đại dịch COVID-19 đã khiến tiêu thụ ngành công nghiệp dầu nhờn toàn cầu giảm 10,9% vào năm 2020 xuống còn 36,4 triệu tấn, theo một nghiên cứu mới được công bố bởi các chuyên gia tư vấn của Kline & Co.

Tác động của Coronavirus đối với ngành công nghiệp có quy mô tương tự như cuộc đại suy thoái kinh tế 2007-2009. Theo ước tính trước đây của Kline, cuộc khủng hoảng kinh tế này đã làm giảm 12,1% nhu cầu bôi trơn toàn cầu trong hai năm từ 39,8 triệu tấn (2007) xuống còn 35 triệu tấn (2009).

Trong một thông cáo báo chí nghiên cứu của mình, Bộ phận Phân tích và Đánh giá thị trường dầu nhớt toàn cầu, Kline cho biết các thị trường dầu bôi trơn lớn đang hồi phục từ cuộc khủng hoảng COVID-19, và thêm rằng “các dấu hiệu ổn định, phục hồi và trở lại mô hình tiêu thụ bình thường đang diễn ra“. Nhưng không đưa ra ước tính về mức tiêu thụ chất bôi trơn vào năm 2021.

Công ty có trụ sở tại Parsippany, New Jersey, Hoa Kỳ, cho biết nhu cầu ở Trung QuốcẤn Độ đã giảm lần lượt 12,9% và 10,9% vào năm 2020. Hoa Kỳ, cùng với Trung Quốc là một trong hai thị trường lớn nhất thế giới, đã giảm khoảng 9,7%, Kline.

Trong một thông cáo báo chí khác, gã khổng lồ trong ngành năng lượng Shell trích dẫn nghiên cứu của Kline cho thấy Shell vẫn là nhà cung cấp dầu nhớt lớn nhất thế giới với doanh số 4,1 triệu tấn vào năm 2020. Con số này giảm 8,9% so với năm 2019. Shell nói thêm rằng họ là nhà cung cấp lớn nhất về dầu bôi trơn cho từng phân khúc của ngành công nghiệp trên toàn cầu như  phân khúc dầu cho động cơ ô tô cá nhân và thương mại và  dầu nhớt công nghiệp. Những phân khúc này chiếm lần lượt 34%, 30% và 36% trong doanh số bán hàng của Shell.

Theo Kline, các nhà cung cấp lớn tiếp theo sau ShellExxonMobil, BP, TotalEnergies Chevron. Năm công ty này cung cấp tổng cộng 35% nhu cầu dầu nhớt toàn cầu. Các doanh nghiệp dầu nhờn đã thực hiện nhiều bước để cố gắng đối phó với nhu cầu tiêu thụ giảm do các hạn chế về đi lại.

 Tại Trung Quốc, nơi việc mua dầu động cơ PCMO trực tuyến đang bùng nổ, một số nhãn hiệu đã thành lập các cửa hàng trực tuyến của riêng họ trên các nền tảng bán hàng trực tuyến như JD.com và Tmall.com. Một số công ty liên minh với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cho đến thị trường bán lẻ truyền thống hiện tại để thiết lập các kênh bán hàng theo xu hướng mới.

 

ESKA Singapore lược dịch từ Lube Report Asia

Tim Sullivan – December 17, 2021

Thị trường nguyên liệu Dầu gốc tháng 12: Giá dầu nhớt Việt Nam tăng hay giảm?

0

Các thị trường dầu gốc ở châu Á thể hiện các đặc điểm điển hình trước kỳ nghỉ cuối năm, với nhu cầu chậm lại, nguồn cung trở nên dồi dào hơn và giá giao ngay suy yếu đối với hầu hết các loại.

Việc phát hiện biến thể Omicron của Coronavirus tại nhiều quốc gia làm hoạt động kinh tế và xã hội dè dặt hơn, khi sự không chắc chắn tiếp tục đè nặng lên tâm lý sợ hãi của  người tiêu dùng liệu có hay không việc các quốc gia tiếp tục ban hành các hạn chế hay phong tỏa?

Tại châu Á, thị trường giao ngay bình thường rất sôi động tạo tính thanh khoản tốt, nhưng thời gian gần đây có vẻ như các hợp đồng kỳ hạn càng dài càng được ưa chuộng hơn vì có vẻ như ít rủi ro về giá và cả vấn đề logistic (hậu cần). Do đó tính khả dụng của hàng hóa ít đi, một số nơi thậm chí thiếu hụt.

Vẫn khó khăn trong khâu hậu cần khi là ác mộng mà người mua và nhà cung cấp gặp phải trong phần lớn thời gian của năm – không có chỗ trên tàu, giá cước vận chuyển tăng vọt – nhiều người mua đã chọn một cách ít rủi ro hơn để tiến hành kinh doanh, trong đó chấp nhận giá cao đối với các nguồn cung cấp gần hơn.

Xu hướng này cũng được thể hiện rõ ở các nguồn khác như Hoa Kỳ, nơi thường có một lượng lớn sản phẩm để xuất khẩu vào cuối năm. Trong khi một số ít đã được đặt đến Ấn Độ và Singapore trong những tháng gần đây, số lượng nhỏ hơn so với những năm trước. Tình trạng này một phần là do giá cả, nhưng cũng do thực tế là các nhà cung cấp Mỹ không dư thừa dầu gốc khi các nhà máy pha chế dầu nhớt nội địa trữ nguyên liệu.

Tại Trung Quốc, dầu gốc nhập khẩu bị thờ ơ do sự hiện diện của nguồn cung trong nước dồi dào với giá cả cạnh tranh.

Trong khi đó, việc đóng cửa một phần tại nhà máy nhóm II và III của Hàn Quốc do sự cố kỹ thuật dường như chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất cắt giảm loại 600N, sản lượng đã giảm từ tháng 10 đến cuối tháng 12.

Nói chung, giá dầu gốc giao ngay ổn định trong tuần này ở châu Á. Giá ex-tank Singapore phần lớn thấp hơn tháng trước do thời gian giao hàng bị kéo dài và đẩy mạnh hàng tồn kho vào cuối năm.

Loại SN150 giảm 30 USD/tấn xuống còn 840 USD/t – 870 USD/tấn, và SN500 thấp hơn 10 USD/tấn ở mức 1.010 USD/t – 1.050 USD/tấn. BS cũng được đánh giá giảm 10 USD/tấn xuống còn 1.240 USD/t – 1.280 USD/tấn.

Giá của nhóm II 150N giảm 20 USD/tấn xuống còn 890 USD/t – 930 USD/tấn, trong khi 500N giảm 40 USD/tấn xuống còn 1.180 USD/t- 1.220 USD/tấn.

Ở phân khúc nhóm III, giá ổn định đến mềm, loại 8 cSt tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm về nguồn cung dồi dào và nhu cầu thấp. 4 centiStoke đang giữ ở mức $ 1,440 – $ 1,480 / tấn, nhưng 6 cSt đã giảm 10 đô la / tấn ở mức $ 1,420 / t – $ 1,460 / tấn. Loại 8 cSt được chào giá thấp hơn 30 đô la / t ở mức $ 1,190-1,230 / tấn, FOB Asia.

Thượng nguồn, các hợp đồng dầu thô tương lai kéo dài chuỗi tăng, đánh dấu ngày tăng thứ tư liên tiếp, trên các báo cáo rằng Omicron có khả năng lây nhiễm nhiều hơn biến thể Delta, nhưng gây ra các triệu chứng nhẹ hơn. Sự sụt giảm thấp hơn dự kiến trong dự trữ dầu thô của Mỹ không có ảnh hưởng đáng kể đến hợp đồng tương lai.

Tại Việt Nam, nhu cầu về dầu nhớt vẫn chưa hồi phục hoàn toàn trong tất cả các phân khúc. Điểm sáng duy nhất khi phân khúc công nghiệp tăng trưởng cùng với các chỉ số về sản xuất công nghiệp IIP đều tăng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, phân khúc vận tải và xe máy MCO vẫn tăng trưởng âm. Giai đoạn “bình thường mới” cho nên sẽ không bao giờ được như cũ. Hoạt động kinh tế vẫn còn chập chờn khi một số địa phương vẫn còn tư tưởng “cách ly, truy vết” và đóng cửa nhà máy cũng như các cơ sở dịch vụ khác. Với biến chủng Omicron, có thể tất cả người dân rồi cũng sẽ nhiễm bệnh vấn đề là thời gian. Các địa phương vẫn giữ phòng tuyến chống dịch với các hạn chế hoạt động người dân tựa như tự chặt đi đôi chân của mình. Khó khăn kinh tế đã hiện diện, chính quyền địa phương còn bấu víu vào bầu sữa ngân sách, trong khi đó, dân doanh không biết sẽ đi về đâu?. Thực tế cảm nhận được dân đã nghèo đi rất nhiều, doanh nghiệp cũng vậy…

Giá dầu nhớt tại Việt Nam, nhấp nhỏm tăng khi “ông lớn” Castrol điều chỉnh giá trong tháng 12/2021 để áp dụng cho 2022. Liệu Shell, Total, Chervron,…tăng giá? Các hãng đều muốn như vậy! Nhưng kinh nghiệm trong năm cho thấy dường như các ông lớn níu chân nhau, ông này tăng nhưng ông khác lại ghìm giữ giá…Vấn đề chính duy nhất của Castrol là muốn tách ra khỏi “đám còn lại”…đó là một năm thất bát vì Covid-19 với nhiều tổn thất nặng nề thì con số và lợi nhuận không nhất thiết để báo cáo nữa. Có lẽ, Castrol chuẩn bị “gỡ vốn” vào năm tiếp theo…!

Như các bài viết trước đã phân tích, giá dầu gốc các loại liên tục giảm từ nửa cuối năm 2021, nhưng giá dầu nhớt vẫn không giảm. Các số liệu tại Mỹ công bố tuần trước lạm phát cao vọt lên cao nhất trong vòng 39 năm tại Mỹ, các quốc gia khác cũng đối mặt với đều tương tự tại Châu Âu, Trung quốc và cả Châu Á nữa,…Tình trạng lạm phát sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam vì Việt Nam nhập khẩu đa phần nguyên vật liệu sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, sự gia tăng giá trị chỉ do sức lao động của nhân công là chủ yếu …Hàng hóa tại Việt Nam vẫn sẽ tăng giá vì vậy, trong đó dầu nhớt cũng loại không ngoại lệ.

ESKA cho rằng giá dầu nhớt tại Việt Nam sẽ không tăng “shock” sau khi Castrol có thông báo đều chỉnh giá một số sản phẩm…Vài ba phần trăm gọi là!

Theo Eska Singapore

Bài viết có sử dụng tư liệu của trang Lube Report Asia