028 6258 8193 - 028 6258 8195

eska.hainguyen@gmail.com

201 Nguyễn Xí, P. 26, Q. Bình Thạnh, TPHCM

Trang chủ Blog Trang 13

Báo cáo thị trường dầu nhớt Việt nam, năm 2020- Bài 5: Nhập khẩu – Xuất khẩu: dầu gốc, phụ gia, dầu nhớt và cả …thương hiệu.

0

Nhập khẩu và xuất khẩu

Việt nam vẫn nhập khẩu 100% dầu gốc và phụ gia để sản xuất trong nước, tuy nhiên, vì các Hiệp định thương mại ưu đãi thuế xuất trong ASEAN, Hàn Quốc, Châu Âu,..nên Việt nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn dầu nhớt thành phẩm. Một phần, năng lực sản xuất nội địa ở Việt nam thiếu đầu tư về R&D (nghiên cứu và phát triển) về ngành khoa học dầu nhớt hay bôi trơn (tribology) nên các sản phẩm về chuyên dụng cho các ngành công nghiệp: thực phẩm, thép, xi măng,..phải nhập khẩu. Thêm nữa, chi phí sản xuất tại nhà máy Việt nam có phần cao hơn ở các nước xung quanh vì chi phí logistic và nhiều chi phí “lo lót” không tên khác…nên có vẻ như giá sản phẩm dầu nhớt tại Việt nam cao hơn một số nước trong khu vực.

Mặc khác, năng lực dư thừa sản xuất của tất cả nhà máy có tại Việt nam, các thương hiệu cố gắng đưa sản phẩm xuất khẩu sang các nước trong khu vực, nhất là các sản phẩm thông dụng (commodity), đa số là các thương hiệu quốc tế.

Năm 2020, Việt nam nhập khẩu xấp xỉ 117 kT (ngàn tấn) sản phẩm dầu nhớt thành phẩm, thấp hơn 3 kT năm 2019.

Dầu vận tải nhập khẩu vẫn chiếm ưu thế với 60%, còn tất cả các sản phẩm phi vận tải khác chiếm 40%. Đều này dễ hiểu vì các sản phẩm dầu nhớt vận tải chiếm đa số tại thị trường Việt nam, dễ có hệ thống phân phối, nhưng lợi nhuận mảng này không tốt, ngoại trừ dầu cho xe máy và mô tô (MCO)

Việt nam cũng dựng lên các hàng rào về kỹ thuật để ngăn dầu nhập khẩu, nhất là đối với dầu động cơ đốt trong, như QCVN 14:2018/BKHCN là Quy chuẩn quốc gia về dầu động cơ đốt trong sản xuất tại Việt nam và nhập khẩu.

Ngoài ra, một số công ty sản xuất trong ngành: điện tử, nhựa, may mặc, và giày da cũng nhập khẩu trực tiếp, chiếm 40%. Trong khi đó, các công ty dầu nhớt, thương nhân, nhà phân phối uỷ quyền nhập khẩu 60% lượng hàng hoá thành phẩm nhập khẩu.

Trong những nhãn hiệu kinh doanh dầu nhớt tại Việt nam, các công ty nội địa nhập khẩu 13 kT, trong khi các thương hiệu quốc tế như GS, ExxonMobil, Sinopec…không có nhà máy tại Việt nam nhập khẩu 29 kT, năm 2020.

Việt nam xuất khẩu 24 kT, năm 2020, giảm so với 27kT năm 2019. Các nhãn hiệu xuất khẩu chính trong đó kể đến Idemitsu, Motul, JX Nippon…sử dụng nhà máy tại Việt nam để xuất khẩu đến các nước châu Á như Malaysia và Nhật Bản.

PLCTotal cũng là nhà xuất khẩu chính, nhất là dầu hàng hải (marine oil).

Thương hiệu nhập khẩu.

Về thương hiệu, thị trường vẫn chia đẳng cấp rõ rệt, thương hiệu quốc tế và thương hiệu gia công nước ngoài. Ngoài ra, một số thương hiệu sản xuất tại Việt nam nhưng vẫn tự nhận là hàng nhập khẩu.

 Người tiêu dùng Việt nam không hẳn là chuộng thương hiệu nhập khẩu hay chính thống, được sản xuất từ một nước văn minh, hiện đại…mà người Việt có tính đa nghi người Việt. Thật vậy, các thương hiệu quốc tế đã tồn tại ở Việt nam như Castrol, Shell, Total,..nhưng vì lợi nhuận và lòng tham một số “nhà pha chế” đã làm giả sản phẩm của các thương hiệu này. Tâm lý, như con chim sợ cành cong, về lâu dài ảnh hưởng đến ưu tín của các thương hiệu quốc tế nói trên. Nhưng phải công nhận các nhãn hiệu quốc tế có cách làm bài bản về thương hiệu tạo nên sự nổi tiếng, thậm chí in sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng như :”Khoái ông ba mươi” của Esso, hay “Không chỉ là dầu nhớt mà là tinh hoa của công nghệ” theo Castrol.

Việt nam chuộng hàng hoá của Mỹ, nên sinh ra các thương hiệu dầu nhớt Mỹ tại… Việt nam. Hiện nay, lại chuộng các thương hiệu châu Âu như Đức, Hà Lan, Bỉ, Anh…do người tiêu dùng bị “tẩy não” là “công nghệ đỉnh cao” bởi các tay đua xe tốc độ,..v.v. Đó là do người Việt tin người nước ngoài hơn chính người trong nước. Dầu nhớt nào cũng như nhau cả, cũng có công thức riêng nhưng cũng tương tự nhau. Muốn sản xuất dầu nhớt tốt thì chỉ cần dùng dầu gốc tốt và phụ gia chuẩn là có chất lượng tốt, ngoài ra, cần thêm một chút kinh nghiệm nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng là được. Dựa vào thương hiệu nước ngoài cũng có cái hay nhưng đa phần là thiếu tự tin vào sản phẩm người Việt làm ra.

 Như các số liệu phân tích, dầu nhớt sản xuất tại Việt nam đều phải nhập khẩu dầu gốc và phụ gia từ nước ngoài. Muốn có dầu nhớt tổng hợp thì phải mua được dầu gốc tổng hợp. Các nhãn hiệu nội địa không có đủ nguồn lực để làm điều này, mặc dù có tiền cũng không mua được. Đôi khi họ mua dầu gốc “thấp cấp” để sản xuất các sản phẩm có tiêu chuẩn cao ngất ngưỡng.

 Không phải là sản xuất dầu nhớt là chỉ cần dựa trên cái công thức “khuyến nghị” của Hãng phụ gia thì có thể sản xuất …tất tần tật! Đó là quan điểm hoàn toàn sai. Cho nên khi người tiêu dùng sử dụng, họ mới có cảm nhận về chất lượng không bằng các thương hiệu lớn, nên dần dần xa rời các nhãn hiệu như vậy. Trên thị trường nhiều nhãn hiệu hiện nay đang “nhập nhằng” về dầu tổng hợp lắm!

 Thương mại toàn cầu là một dòng chảy, chỗ nào có lợi nhuận tốt tự dưng hàng hoá sẽ tấp nập nơi đó. Việt nam vẫn được đánh giá là thị trường “bò sữa” ngành dầu nhớt, như nhìn vào lợi nhuận của BP Castrol hàng năm,..Cho nên hàng hoá nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng, thương hiệu dầu nhớt nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng hàng năm tại Việt nam, đó là điều tất nhiên. Vấn đề là chọn lựa con đường đi trên thị trường như thế nào cho bền vững, vì tương lai kinh tế mịt mù trước mắt!

 

…Còn tiếp!

 

Theo ESKA Singapore, 23/10/2022

 Bài viết được thực hiện bởi ESKA Singapore, dựa trên tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Eska Singapore cố gắng diễn giải và cung cấp thông tin một cách trung thực nhất có thể, tuy nhiên, không thể không chèn vào ý kiến/quan điểm/nhận định cá nhân ở phần in nghiên. Người đọc nên lựa chọn số liệu được trích dẫn ở bài viết và Eska Singapore không chịu trách nhiệm về các ý kiến cũng như số liệu trên.

 

Triển vọng dầu gốc hiện tại và sau này.

0

Thị trường dầu gốc trên thế giới đã và đang ở ngã rẽ quan trọng. Với sự chọn lựa đi theo bất kỳ con đường nào, các quyết định của các nhà máy lọc dầu, nhà sản xuất, thương nhân, và nhà máy pha chế dầu nhớt thành phẩm sẽ ảnh hưởng đến hướng đi và tiến trình của  dầu gốc trong nhiều năm tới.

Bối cảnh dầu gốc toàn cầu đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp. Sau khi vượt qua đại dịch, đi kèm với việc phong tỏa và hạn chế của chính phủ đối với việc di chuyển hàng hóa ở nhiều quốc gia, ngành công nghiệp này đã trải qua sự suy thoái về nhu cầu đối với hầu hết các sản phẩm tiêu dùng. Tiếp theo là một cuộc xâm lược vô cớ vào Ukraine của Nga, dẫn đến một cuộc chiến tranh châu Âu chưa có hồi kết.

Các lệnh trừng phạt do các đồng minh phương Tây áp đặt, chẳng hạn như EU và các quốc gia cùng chí hướng khác, đã dẫn đến chi phí năng lượng tăng cao. Thêm vào đó, cuộc suy thoái toàn cầu do COVID gây ra, ngành công nghiệp dầu gốc đang trong cơn bão thật sự.

Lạm phát đã khiến giá dầu gốc vượt xa mọi dự báo. Một số người dự đoán rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng ở các nền kinh tế lớn, như Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu, đến mức chưa từng thấy trong một thời gian. Một số dự báo dao động quanh mức 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tiền lương và tiền công không theo kịp các mức này, nghèo đói, thật sự, đang trở thành một vấn đề đối với nhiều người ở các nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh ở một số quốc gia, như Mỹ, và mức đó sẽ bắt đầu giảm trở lại trong vài tháng tới. Nhưng một số người bi quan phản bác rằng đó là một khoảng bình lặng trước cơn bão và tâm bão sẽ là sự suy thoái toàn cầu đang rình rập.

Không phải tất cả các phân khúc của ngành công nghiệp dầu mỏ đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lạm phát, COVID và cuộc chiến Ukraine. Nhu cầu đã tăng lên đối với nhiên liệu đường bộ như dầu diesel, và nhu cầu cũng đang quay trở lại đối với nhiên liệu hàng không và xăng. Với tỷ suất lợi nhuận diesel mạnh hơn và biên lợi nhuận dầu gốc tăng cao, các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới đang chuyển sang sản xuất chưng cất các phân đoạn trung bình trong đó có dầu gốc và các dẫn xuất khác.

Tình hình hiện nay này có ý nghĩa gì đối với dầu gốc trong tương lai?

Với chi phí nguyên liệu (dầu thô) tăng, tiền lương tăng và lãi suất tăng, hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng đối với nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngành công nghiệp dầu gốc. Chi phí cố định không còn “vững” và các yếu tố biến đổi — bao gồm năng lượng, tiền lương và bảo hiểm cùng với chi phí vật chất cơ bản— tất cả đều đang tăng lên, không có hồi kết trong vòng xoáy lạm phát.

Nhu cầu đối với dầu nhớt thành phẩm đang giảm dần, nhiều ngành công nghiệp cắt giảm sản xuất hàng hóa. Vận chuyển hàng hóa đang bị ảnh hưởng bởi cả nhu cầu thấp hơn, kèm theo sự thất vọng gia tăng và mối quan hệ tiêu cực giữa người lao động và người sử dụng lao động trong vấn đề tiền lương.

Bước sang quý IV năm nay, việc bảo dưỡng, bảo trì theo kế hoạch của các nhà máy dầu gốc đang được xem xét để hạn chế lượng dầu gốc tràn ngập thị trường.

Phác thảo dự báo cho dầu gốc là Nhóm I sẽ tiếp tục suy giảm với việc đóng cửa nhiều hơn các nhà máy lọc dầu và nhà máy dầu gốc ở châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương. Điều này không dễ nhận ra, vì có những khu vực rộng lớn trên toàn cầu nơi nhu cầu của Nhóm I dường như đang tăng lên (Nam và Trung Mỹ). Trong khi đó, Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển nhanh các loại dầu gốc có thông số, tiêu chuẩn cao hơn như  Nhóm II và Nhóm III.

Tuy nhiên, bối cảnh cung cấp không đơn giản. Nhiều khu vực — chẳng hạn như châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ — vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu gốc Nhóm I. Những loại dầu này phải có nguồn gốc từ đâu đó và những nhà sản xuất gắn bó với Nhóm I có thể xác định cơ hội.

Nhìn về năm 2023 và hơn thế nữa, sẽ có nhiều ẩn số hơn bao giờ hết. Các dự báo đã được viết ra, sửa đổi, sau đó được điều chỉnh lại. Điều này dường như sẽ tiếp tục, với các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của hầu hết người trong cuộc đều bị ảnh hưởng đến các kịch bản cung và cầu.

Tuy nhiên, trong suốt vài năm qua, khả năng phục hồi của ngành công nghiệp là đáng khen ngợi, với tất cả những người tham gia đều nỗ lực để làm cho tình hình hoạt động. Tương lai của ngành công nghiệp dầu nhớt được đảm bảo, và nguồn cung cấp dầu gốc vẫn tồn tại, mặc dù bằng cách điều chỉnh và cải cách để quản lý vô số biến số được tung ra thị trường.

“Đối với dầu nhớt ngành công nghiệp ô tô, độ nhớt đang đi xuống, chất lượng dầu đang được cải thiện và  thời gian thay dầu đang được kéo dài”

 

Eska Singapore, lược dịch, 11/10/2022

Theo Base Oil Report: Trends

Ray Masson  October 3, 2022, Tạp chí Lube’n’Greases

Báo cáo thị trường dầu nhớt Việt nam, năm 2020 – Bài 3: Cơm xe hơi. Cơm xe tải!

0

Giao thông đường bộ

Phương tiện giao thông đường bộ tăng 8% trong suốt thập kỷ trước, ước tính đạt 61 triệu đơn vị cho đến cuối năm 2020, một phần Việt nam tăng trưởng kinh tế vượt bậc và thu nhập của người dân cũng tăng cao.

Dọc đường cái quan, chủ yếu là các đường quốc lộ “xương sống” suốt miền Trung, hay các quốc lộ “xương sườn” nối các tỉnh lỵ ven biển với vùng cao nguyên nắng gió, không thể thiếu các quán cơm ven đường phục vụ cho “bác tài và hành khách đi cùng”. Có thể cách đây khoảng 1-2 thập kỷ, các quán cơm dọc quốc lộ, đặc biệt là đường số 1, gây ám ảnh người ăn và cả người dân vì được báo chí gọi như “cơm tù”. Bây giờ, cách hành xử văn minh hơn, thuận mua vừa bán, nhưng cũng ít được lựa chọn khi đi xe khách. Nhà xe “rúc” vào quán nào thì chịu ăn quán đó, hành khách cũng đã trả tiền đặt cơm trước, phục vụ tương đối tươm tất, nhưng mâm cơm không được ngon như mâm dọn lên cho nhà xe: con gà luộc vàng ươm với xị rượu đựng trong chai nước suối “lavie” để cho hành khách “không hết hồn”! Đó là chuyện của cơm xe đò, nay nói chuyện cơm xe hơi và cơm xe tải.

 Nhưng chuyện cơm nước thấy rõ dọc đường khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân (xe hơi). Có những quán cơm chỉ dành cho xe hơi và tải nhẹ. Thật ra không phải quán không bán cho cánh xe tải đường dài, mà đơn giản quán có giá ăn uống mắc với lại không có dịch vụ cho cánh xe tải…Có quán chỉ thấy có xe tải và xe container đường dài ghé vô, nhiều khi xe đậu thành hàng dài cả trăm mét….

Cơm xe hơi.

 Người đi xe hơi thường có ít nhiều điều kiện, thích ăn quán ngon, sạch sẽ nên trả giá cao cho bữa ăn là tất nhiên. Bữa ăn kêu vài ba món, nhiều khi ăn được nửa còn lại bỏ đi. Đa số là gia đình đi du lịch, chi tiêu rộng rãi, hoặc về quê lễ tết cũng tưởng thưởng cảm giác chi tiêu sau một năm làm lụng vất vả quê người. Cũng có những người hay đi công tác bằng xe hơi, cũng ghé quán kiểu này vì đi làm việc chắc là lương cao hay chính sách công ty cho ăn “cơm xe hơi”. Đôi khi, họ cũng vào kêu dĩa cơm ăn vội vàng để kịp chuyến đi, nhưng cũng có khi sau bữa nhậu ê hề rượu thịt thì chuyện cơm trưa, cơm chiều có gì quan trọng? Thường cơm xe hơi ít bán “cơm dĩa”, hay bị chủ quán “gài” món mặn, món canh rồi hỏi ăn rau gì không? Quay tới quay lui cũng dọn lên mâm cơm 3 món mà 2 người ăn ứ hự.

 Sáng sớm khởi hành đi ở Sài gòn dọc quốc lộ 1 hướng miền Trung thì trưa thế nào cũng dừng ăn trưa ở khu vực Bình Thuận/Phan thiết. Cơm xe hơi thường bị mời gọi bởi cơm niêu dọc đường, nhất là qua Tân nghĩa, gần tới ngã ba 46 về Lagi. Cơm niêu thường nóng, ăn ngon nhưng tuỳ quán, cũng vài ba món với cá kho, thịt luộc, canh rau hay canh chua…giá khá “mắc”. Thôi thì bấm bụng xài sang vì đi “mần ăn” bằng xe hơi, áo quần bóng bẩy, người xịt nước hoa thơm phức…thì bửa ăn, quán xá cho xứng đáng. Nhưng lầm thiệt, ăn xong đành ngậm “bồ hòn làm ngọt” vì dĩa gà luộc chín ngoài da nhưng thịt còn đỏ tươi trong xương, gà để tủ đông từ hôm trước rồi. Kinh nghiệm, đi mấy quán cơm niêu đừng kêu thịt gà, nhất là gà luộc.

 Nếu đi mà chưa tới bữa, thì “chạy ráng” qua Phan thiết khoảng 20 cây số tới núi Tà zon, có quán cơm chuyên cho xe hơi cũng ghi bảng “cơm niêu Tà zon”. Mà quán này “chuyên trị xe hơi thiệt”, cơm nóng cá tươi, thịt luộc cuộn tròn xắt mỏng nhìn đẹp mắt không nỡ ăn. Có cái, mùa nắng nhất là thời điểm qua tết, ngồi đây như đổ lửa, mặc cho giàn phun sương chạy hết công suất. Ở đây gió nhiều, nắng nhiều, mấy chậu bông giấy trồng phía sau sân đua sắc nở bông.

 Nếu bỏ qua chuyện cầu kỳ của bữa ăn thì hay nhất là đi thẳng vô thành Phan Thiết, ghé quán cơm gà Hạnh Hương, đường Tuyên Quang, gần mấy cái khách sạn dân “mần ăn, công chuyện” ở. Quán ở đây cũng đông xe hơi, bán đủ món của xứ biển, nhưng cơm gà ở đây “siêu ngon”!. Dĩa cơm giá phải chăng nhưng chỉ vài ba miếng gà, ăn vô thì chỉ có thèm mà kêu thêm thôi. Ừ thường cái chi ít thì sẽ thấy ngon.

Xe ô tô và tải nhẹ vẫn là chiếm ưu thế trong phương tiện 4 bánh, mức tăng liên tục trong 10 năm trung bình ở 12%/năm, đạt 3.7 triệu chiếc cuối năm 2020 hay chiếm 6% phương tiện vận tải đường bộ cả nước. Tuy nhiên, đây là mức thấp trong cộng đồng các nước Châu Á với tỷ lệ 3.8 chiếc/100 cư dân, trong khi đó, Thái lan có mức 22.3 chiếc/100 cư dân và Hàn Quốc 41.5 chiếc/100 cư dân.

Cơm xe tải.

Cơm xe tải “bụi” hơn! Vì quán đầu tư cho sân bãi đậu xe đơn giản, không để bê tông hay tráng xi măng như cơm xe hơi. Cũng có khi là quán ven đường, xe đậu hàng dài xắp lớp. Cơm xe tải thường vô mấy quán chỗ trạm BOT Lương Sơn. Cơm xe tải cũng thường dừng ở quán Thái Bình Dương, nhất là cánh xe tải từ miền Bắc vào, chỗ biển Vĩnh Hảo, nằm bên bờ Thái Bình Dương thiệt! Bãi xe rộng, đầy đủ tiện nghi cho cánh tài đường xa với chuyện ngủ nghỉ, vệ sinh và ăn uống. Mà dân này ăn uống “mạnh”, đơn giản hai người mần hết con gà rồi thêm cơm canh…,nhưng giá “bèo” bằng giá thu phí “trốn hầm” đèo Cù mông, chịu khó “đạp” khoảng 15-20 phút bò qua đèo là có bữa cơm rồi.

 Cánh tài xế xe tải hay xe công (container) hay tiết kiệm tiền phí cầu đường qua trạm BOT hay đi hầm nên cũng thường đi đèo, mới thấy chi phí xe cộ lưu thông trên đường là gánh nặng “lậm” vô bửa ăn thường nhật. Dọc đường, chạy vài ba chục cây số là chặn đường thu tiền. Ai cũng nói BOT làm ra đường tốt hơn để mà dân hưởng, nhưng BOT cũng là rào cản phát triển kinh tế khi chi phí vận tải tăng cao, giá hàng hoá mất cạnh tranh, mà trước đây dân “lô gíc tíc – logistic” than thở chi phí logistic ở Việt nam cao trong hàng tốp đầu của thế giới. vậy sao mà cạnh tranh. Đường BOT bây giờ cũng “nát như tương tàu” qua đoạn Phú Yên, Bình Định.. Chắc BOT sắp hết thời, có lẻ xu hướng mới là “cao tốc” chăng?

 Bữa ăn dân xe tải, xe công đường dài thấy còn ngon. Chứ xe tải đường ngắn hay ở địa phương thì ăn chán phèo! Tấp vô bên quán cơm gà 52 làm hộp cơm cho xong, vừa lái vừa xúc, tranh thủ mấy chú công an đang nghỉ trưa.

 Ờ mà nói chuyện cơm gà 52 thì có nhiều chuyện để nói. Có lẽ đây là thương hiệu bị “xâm phạm bản quyền nhiều nhất trong chuyện ăn uống, cơm bụi. Dọc quốc lộ 1, miền Trung, hay dọc đường 14 lên Bắc Tây nguyên, qua tận phía bên kia Quảng Nam, thương hiệu Cơm gà 52 xuất hiệu dầy đặc ở các tỉnh lỵ đi qua. Nhưng ít ai biết cơm gà 52 gốc chính là quán cơm gà nằm ở EaKar (Đắc Lắc) trên quốc lộ 26 nối Buôn mê Thuộc và Nha Trang (Khánh Hoà), cách trung tâm Buôn mê Thuộc 52 cây số. Ăn cơm gà 52 chính gốc, hít căng buồng ngực hơi thở của cao nguyên mới hiểu cái cảm giác sảng khoái mạnh mẽ của người Tây nguyên. Quán nhỏ, xe hơi nhiều, nhưng lúc nào cũng đông, mặc dù xung quanh đầy rẩy quán “cơm gà 52 chính hiệu”.

 Cánh xe tải hay dừng chân trên đèo Bình đê, địa phận giáp ranh giữa Sa Huỳnh (Quãng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định), để nghỉ ngơi. Mà lạ, chỉ cách một cái đèo, dân Quảng Ngãi nói nước ngọt Coca Cola là “ Cô coa Cô loa” còn dân Bình Đinh lại nói “Cô ke Cô le”! Chỗ ngã rẽ, xe hơi hay đi đường tránh Sa Huỳnh, còn xe tải đi thẳng vô thị trấn ăn cái lẩu mực đêm!

 Lượng xe máy và mô tô áp đảo phương tiện giao thông đường bộ với hơn 56 triệu chiếc đăng ký lưu hành, tập trung đông nhất tại Tp HCM và Hà nội.

Lượng xe 4 bánh mới tiêu thụ năm 2020 “ giảm” 4,7%, xấp xỉ 364,000 chiếc. Trong đó, lượng xe tải nặng bán ra “chìm sâu” 24.7%, phản ảnh mức luân chuyển hàng hoá nền kinh tế sụt giảm, nhu cầu đầu tư xe tải vận chuyển ít đi, một phần trong đó lượng hàng hoá vận chuyển xuất khẩu biên giới với Trung Quốc bị đình trệ nhiều tháng vì chính sách chống dịch Covid-19 của Trung Quốc. Lượng ô tô và tải nhẹ giảm nhẹ ở mức -3.6%, do chính sách giảm 50% thuế đăng ký của chính quyền trong 6 tháng cuối năm.

Khuya, chuyến về, dừng chân ở “Quán Nửa Khuya” ở chỗ Ba Tháp, gần Phan Rang, ăn tô cháo đêm. Quán không đông, nhưng ai một lần tới là nhớ bởi ánh mắt ma mị của người con gái xứ Panduranga.

 “Quán nửa khuya bạn tôi chia tay nhé. Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về. Xiết chặt tay để ghi giây phút phân kỳ, tiễn người đi…!” Quán phục vụ 24/24.

 

…Còn tiếp!

Theo ESKA Singapore, 9/10/2022

 Bài viết được thực hiện bởi ESKA Singapore, dựa trên tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Eska Singapore cố gắng diễn giải và cung cấp thông tin một cách trung thực nhất có thể, tuy nhiên, không thể không chèn vào ý kiến/quan điểm/nhận định cá nhân ở phần in nghiên. Người đọc nên lựa chọn số liệu được trích dẫn ở bài viết và Eska Singapore không chịu trách nhiệm về các ý kiến cũng như số liệu trên.

 

Dự báo tăng trưởng dầu nhớt xe máy (MCO) ở châu Á

0

 

Châu Á – Thái Bình Dương chiếm gần 80% trong số khoảng 1,6 đến 1,7 triệu tấn nhu cầu dầu động cơ xe máy (MCO) trên toàn thế giới vào năm 2021 – dẫn đầu là Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc – và sẽ có mức tăng trưởng cao nhất cho đến năm 2026, theo công ty tư vấn Kline &Co. dự báo.

Với kịch bản tồn tại một số thách thức liên quan đến việc triển khai và chuyển đổi sang xe máy điện – Kline dự đoán nhu cầu dầu nhớt xe hai bánh của khu vực sẽ đạt gần 1,2-1,3 triệu tấn vào năm 2026.

Trên thế giới, sau Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc theo thứ tự thì là Brazil đứng thứ tư. Bốn quốc gia đó chiếm gần một nửa nhu cầu MCO toàn cầu vào năm 2021. Các quốc gia Đông Nam Á, trong đó, Thái Lan ở vị trí thứ năm, Việt Nam ở vị trí thứ sáu, Philippines ở vị trí thứ bảy và Malaysia ở vị trí thứ mười hai.

Kline cũng cho biết dầu xe máy tổng hợp chiếm ưu thế chủ yếu ở các quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ và Châu Âu vào năm ngoái, nhiều hơn nhiều so với ở châu Á. Dầu nhớt tổng hợp có tỷ lệ thâm nhập cao nhất trong khu vực châu Âu, tiếp theo là Bắc Mỹ.

Nhìn chung, tiêu thụ MCO tổng hợp đang trên đà tăng trưởng. Hai năm trước, dầu nhớt tổng hợp tổng thể chiếm khoảng 25% thị phần. Hiện nay, tăng lên khoảng 30% và trong năm năm tới, tỷ lệ này có thể cao hơn – gần 40%.”

Trong số các nhà cung cấp nhãn hiệu quốc tế tại các quốc gia quan trọng trong các khu vực thuộc phạm vi nghiên cứu – Châu Á, Nam Mỹ, Bắc Mỹ và Châu Âu – vào năm 2021, BP dẫn đầu về tiêu thụ MCO, tiếp theo là Shell, ExxonMobil, TotalEnergies và Chevron. Ngoài ra cũng kể đến một số nhãn hiệu nội địa của từng quốc gia được đề cập…

Các thương hiệu OEMs hàng đầu là Honda, tiếp theo là Yamalube. Hầu hết, mọi OEM đều có dầu chính hãng của riêng mình ngày nay, nhưng hai OEMs Nhật Bản trên đã có thị phần lớn hơn nhiều.

ESKA Singapore lược dịch

2-wheeler Lube Growth Forecast for AsiaBy George Gill – September 30, 2022, Lubesngrease Magazin.

Báo cáo thị trường dầu nhớt Việt nam, năm 2020- Bài 2: Nhiên liệu, Công nghiệp và Ô tô.

0

Nhu cầu về nhiên liệu

Việt nam tiêu thụ 21.6 Mt (triệu tấn) các sản phẩm về dầu mỏ, giảm 8.4% so với trung bình các năm trước đó. Mức tiêu thụ này phản ánh bởi tăng trưởng kinh tế thấp do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Nhiên liệu cho ngành hàng không ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, giảm 61% vì đóng cửa tất cả đường bay quốc tế. Trong khi đó, nhiên liệu cho xe (xăng và dầu diesel) cũng giảm ước tính khoảng 3%. Trước đại dịch, nhu cầu nhiên liệu tăng trung bình trên 5% giai đoạn 2015-2019.

Tiêu thụ nhiên liệu cho động cơ lệch về dầu diesel, sử dụng hầu hết cho xe tải nặng và xăng, sử dụng cho xe máy. Sự tắc nghẽn về hạ tầng cùng với chính sách thuế nhập khẩu và sản xuất của ngành công nghiệp ô tô ngăn cản phương tiện ô tô cá nhân phát triển.

Nhu cầu về diesel cho đường bộ tiếp tục tăng một phần do gia tăng các loại hình vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa nội địa cùng với việc đầu tư của nước ngoài sản xuất hàng hóa định hướng xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp

Các ngành công nghiệp của Việt nam chiếm 30% GDP bao gồm các lĩnh vực then chốt như xây dựng, điện tử, chế biến thực phẩm, dệt may, giày da, cao su, giấy và hóa chất. Năm 2020, sản xuất công nghiệp tăng 3.7% so trung bình hàng năm, tăng chậm hơn so với mức 9% của năm 2019.

Các hoạt động sản xuất của Việt nam dần dần chuyển sang chuỗi giá trị hơn như sản xuất điện thoại thông minh và hàng điện tử khác mang về nhiều ngoại tệ từ xuất khẩu hơn là giá trị mang lại của ngành dệt may như trước đây.

Việt nam cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao vận hành các dây chuyền hiện đại trong hãng xưởng đầu tư của nước ngoài, phản ảnh một phần do nền giáo dục thiếu định hướng về dạy nghề chuyên môn. Việt nam dường như thừa cử nhân và kỹ sư nhưng lại thiếu công nhân lành nghề, đòi hỏi phải có sự tuyển dụng và huấn luyện kỹ năng công việc từ lao động trình độ thấp, hay phải huấn luyện lại từ cấp kỹ sư.

Sản xuất xe động cơ

Ngành công nghiệp ô tô đặc biệt tập trung vào sự hỗ trợ của chính quyền bởi các chính sách về công nghiệp hoá. Để thúc đẩy sản xuất nội địa, Việt nam cắt giảm thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về linh kiện ô tô từ năm 2018 còn 5% so với 15% trước năm 2017.

Tổng cộng 400 công ty nước ngoài/nội địa và liên doanh với hơn 100,000 công nhân đang hoạt động sản xuất trong 23 thương hiệu ô tô trong đó có cả: Toyota, Trường Hải Auto, Mazda, Honda, Ford, GM và Daimler. Việt nam sản xuất (lắp ráp) 194,000 chiếc ô tô và tải năm 2020, tăng 5,5% so năm trước.

Các thương hiệu ô tô đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm đa số tại Việt nam. Gộp 2 thương hiệu Hyundai và Kia của Hàn Quốc chiếm đến 45% lượng xe sản xuất, trong khi, các OEMs Nhật Bản nhiều như Toyota, Mazda, Honda và Mitsubishi chiếm tổng cộng 42%.

Sản xuất nội địa với “tỷ phú” VinFast được bắt đầu từ năm 2017, được tổng cộng 8,400 xe năm 2020, chiếm 4% tổng ô tô sản xuất, và đặt mục tiêu đạt 49,000 xe cho đến năm 2024. VinFast sản xuất ô tô dựa trên nền tảng của BMW, Bosch, Itadesign, Pininfarina, Siemens, Torino Design và Zagato cũng như sự hỗ trợ của Văn phòng Thương mại và Công nghiệp CHLB Đức.

Các xe VinFast sản xuất có xu hướng “bình dân hoá hàng cao cấp” như dòng xe sedan nhỏ, cho đến SUV động cơ đốt trong với công nghệ và nền tảng của hãng BMW. Công ty cũng sản xuất xe máy điện, và có kế hoạch xuất khẩu vào năm 2022 với thị trường Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu.

Thế nhưng khi báo cáo này được xuất bản (Tháng 12/2021) thì VinFast tuyên bố chấm dứt sản xuất ô tô có động cơ nhiên liệu hoá thạch (xăng và dầu diesel) và tập trung và mảng xe điện cho tương lai. VinFast dường như theo “xu hướng” của thế giới với say mê điên cuồng xe điện. Một phần có thể thấy chiến lược và tầm nhìn của VinFast khi muốn sử dụng tiền của nước ngoài để phục vụ cho thị trường nước ngoài thông qua ý định IPO (niêm yết lần đầu) tại Hoa kỳ với thương hiệu Việt nam, nhà máy Việt nam và có dự án sản xuất tại Hoa kỳ.

 Tầm nhìn VinFast có thể phù hợp nhưng rủi ro với xe điện khi có những dự án về xe điện ngày càng nhiều hãng phá sản. Quan trọng của xe điện là phải sở hữu các nhà máy sản xuất pin nhiên liệu và hạ tầng cũng như công nghệ sạc pin. VinFast từ bỏ tất cả để tập trung vào mảng cốt lõi khi phát triển dự án pin xe điện tại Hà Tĩnh-Việt nam. VinFast dường như muốn độc lập theo đuổi mảng ô tô điện riêng biệt ở nước ngoài để tách hẳn hệ sinh thái của công ty mẹ khởi nguồn VinGroup với nhiều mảng kinh doanh: Bất động sản, chăm sóc y tế, giáo dục và R&D…

 …còn tiếp.

Theo ESKA Singapore, 25/9/2022

 Bài viết được thực hiện bởi ESKA Singapore, dựa trên tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Eska Singapore cố gắng diễn giải và cung cấp thông tin một cách trung thực nhất có thể, tuy nhiên, không thể không chèn vào ý kiến/quan điểm/nhận định cá nhân ở phần in nghiên. Người đọc nên lựa chọn số liệu được trích dẫn ở bài viết và Eska Singapore không chịu trách nhiệm về các ý kiến cũng như số liệu trên.

 

Giá USD tăng cao, liệu giá dầu nhớt có giảm tại Việt nam?

0

Mô hình tính toán xác suất của Ned Davis Research chỉ ra rằng thế giới có 98% rơi vào suy thoái. Hai chuyên gia Alejandra Grindal và Patrick Ayres của công ty cho biết họ thấy con số này trong những thời kỳ suy thoái trầm trọng trước đó, chẳng hạn như vào năm 2020 hay giai đoạn 2008-2009. Theo Bloomberg.

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở châu Âu và Mỹ tiếp tục thể hiện quyết tâm kiểm soát lạm phát, dẫn tới sự gia tăng đáng kể của lãi suất toàn cầu. Đồng USD không ngừng tăng giá khiến thị trường hàng hóa chịu nhiều tác động.

Ngân Hàng TW các nước tăng lãi suất theo sau quyết định tăng 0.75% lãi suất cơ bản của FED (Quỹ dự trữ tiền tệ Hoa Kỳ). Tại Việt nam, không là ngoại lệ, tất cả các ngân hàng đều tăng thêm 1% lãi suất.

Trong vòng 6 tháng qua, VNĐ mất giá 5% so với USD. Ngày 27/9/2022, giá USD bán ra tại các ngân hàng chạm ngưỡng 24,000 VNĐ/USD.

Như vậy, giá dầu nhớt tại Việt nam sẽ mắc/đắt hơn trung bình khoảng 2,200 VNĐ/lít, vì tất cả nguyên liệu và dầu nhớt thành phẩm đều nhập khẩu.

 

Theo ESKA Singapore, 27/9/2022

Dầu nhớt của Chuyên gia.

Báo cáo thị trường dầu nhớt Việt nam, năm 2020- Bài 1: Việt nam đất nước tôi yêu!

0

 

Bài 1: Việt nam đất nước tôi yêu!

 

…Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca…

          (Trích Ta đi tới- Tố Hữu)

 Việt Nam, quc hiệu chính thức (hoặc tên gọi đầy đủ) là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một quốc gia nằm ở cực Đông của bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á, giáp với Lào, Campuchia, Trung Quốc, biển Đông và vịnh Thái Lan.

 Vua Gia Long nhà Nguyễn chính thức sử dụng quốc hiệu “Việt Nam” từ năm 1804. Sau đó Nhà Thanh công nhận Việt Nam là quốc hiệu của Nhà Nguyễn. Đặt quốc hiệu là “Việt Nam” không nhầm với nước Nam Việt và thể hiện vị trí địa lý nằm ở phía nam Bách Việt. (Theo Wikipedia).

Tổng quan 2020

Việt nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có kinh tế tăng trưởng “dương” năm 2020 với mức GDP tăng 2,9%. Điều này có được một phần từ nỗ lực của chính quyền quyết ngăn chặn sự lây lan của virus Corona hay đại dịch Covid-19 ngay giai đoạn đầu. Thêm vào đó là chính sách về tài khoá hỗ trợ kích cầu thị trường tiêu dùng nội địa một phần làm giảm thiệt hại nền kinh tế sau những đợt giãn cách xã hội ở quy mô nhỏ.

Ngân sách của nhà nước Việt nam hạn hẹp, nguồn thu chủ yếu từ đất đai và các loại thuế, trong khi đó bộ máy vận hành nặng nề của chính quyền và các tổ chức khác, nên thâm hụt ngân sách xảy ra thường xuyên trong các năm tài khoá. Sự hỗ trợ của chính quyền cho người dân/doanh nghiệp trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai dịch bệnh về con số có vẻ “hoành tráng” nhưng thực tế là con số nhỏ khi thực hiện. Điều này cũng dễ hiểu vì chạm vào ngân sách nhà nước thiếu hụt đó là vấn đề nan giải. Cái mấu chốt vấn đề là vận hành nhà nước trên quan điểm hiện nay khi duy trì bộ máy khổng lồ với mức 70% ngân sách chi tiêu “nuôi cán bộ” thì sự phát triển kinh tế có chăng cũng phụ thuộc vào tiền từ nước ngoài đầu tư (FDI), kiều hối, hay vay mượn, hay do nỗ lực của người dân là chính.

Mức tăng trưởng trung bình 8%/năm của phương tiện giao thông “các kiểu” trong suốt một thập kỷ qua (10 năm), với hơn 61 triệu đơn vị vào cuối năm 2020. Tuy vậy, tăng trưởng chậm trong phân khúc xe hai bánh (mô tô, xe máy) vì hạn chế di chuyển do Covid-19 và một phần do chạm ngưỡng nhu cầu khi trung bình 2 người sở hữu 1 xe máy, tính trên cả nước.

Việt nam vẫn đi theo xu hướng của thế giới cũng có tầm nhìn về giao thông với định hướng phát triển các loại phương tiện giao thông công cộng (mass transportation) và các phương tiện xanh (xe điện). Nhưng năng lực quản trị, vận hành cộng với tư duy nhiệm kỳ nên các dự án về công cộng trì hoãn nhiều năm. Điều tất yếu khi người dân tự trang bị cho mình phương tiện di chuyển, về lâu dài không thể sửa chữa được thói quen, nên các quốc sách về giao thông: cấm xe máy, đo khí thải để phân loại xe máy, và lộ trình loại bỏ hay hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hoá thạch…bị phản đối cũng như thực hiện không khả thi.

Ngành công nghiệp dầu nhớt cũng chịu ảnh hưởng trong bối cảnh chung như vậy về mức tiêu thụ. Mặt khác là sự quản lý “chặt chẽ” về cấp phép đối với dầu nhớt thành phẩm (dầu động cơ) từ chính quyền thông qua “quy chuẩn quốc gia về dầu động cơ“ bắt buộc để lưu hành trên thị trường.

Trong tất cả cách vận hành nhà nước luôn luôn dựa trên quan điểm thượng tôn luật pháp nhưng theo đó là tạo cho người dân/doanh nghiệp sự tiện lợi trong công việc qua đó đóng góp vào ngân sách nhà nước qua các công cụ thuế má… Quy chuẩn quốc gia về hàng hoá là nền tảng để quản lý chất lượng của hàng hoá lưu thông trên thị trường bất kể sản xuất nội đia hay nhập khẩu. Việc áp dụng quy chuẩn quốc gia về dầu động cơ đốt trong là một trong những nền tảng như vậy, nhưng có vẻ quy chuẩn là hàng rào ngăn cản hàng hoá nhập khẩu vì cách áp dụng rườm rà và quan liêu của các cơ quan quản lý. Quan điểm “quản lý tất cả” không còn đúng khi kiến thức con người quản lý hạn hẹp trong khi đó sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật của nhân loại là khổng lồ. Chính sách “tiền kiểm” thay vì “hậu kiểm” làm doanh nghiệp tốn kém về của cải, thời gian cho việc kiểm tra dầu nhớt theo quy chuẩn là vô ích…

Thị trường dầu nhớt

Trước Covid, lượng tiêu thụ dầu nhớt của Việt nam tăng trưởng “mạnh mẽ” trong suốt 2 thập kỷ với mức trung bình 5,1%/năm (CAGR) từ năm 2001 cho đến 2019, đứng vị trí thứ 3 trong khu vực Đông nam Á chỉ sau Indonesia và Thái Lan về mức tiêu thụ dầu nhớt.

Năm 2020, nhu cầu tiêu thụ dầu nhớt nội địa (ngoại trừ dầu nhớt hàng hải quốc tế) suy giảm ước lượng khoảng 3,9% với sản lượng đạt 424 kt (ngàn tấn), trong đó, phân khúc dầu nhớt giao thông/vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do chính sách ngăn chặn dịch chuyển của chính quyền.

Nhìn ở tương lai, nhu cầu dầu nhớt có lẽ tăng trưởng ở mức mục tiêu 1,6%/năm trong vòng 5 năm tiếp theo, sẽ đạt kỳ vọng 460 kt vào năm 2025, khi tăng trưởng kinh tế trung bình GDP mức 5,8%/năm và mức tăng trưởng về công nghiệp khoảng 6,8%/năm.

Chuỗi cung ứng nguyên liệu và thành phẩm

Việt nam không có nhà máy sản xuất dầu gốc, là thành phần chính trong nguyên liệu cho dầu nhớt thành phẩm. Các dự án hay nhà máy về hoá lọc dầu đang vận hành không có kế hoạch sản xuất dầu gốc.

Pha chế nội địa bao gồm cả các thương hiệu quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu dầu gốc nhập khẩu. Năm 2020, Việt nam nhập khẩu 273 kt dầu gốc, trong đó là 86% có nguồn gốc từ Singapore và Hàn quốc.

Năng lực sản xuất nội địa về dầu nhớt của các nhà máy tại việt nam tương đương 540 kt, bao gồm 18 nhà máy tập trung ở Đồng bằng Sông Hồng (phía Bắc và đông Bắc), trong khi đó ở phía Nam tập trung quanh Tp. HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An… Một số nhà máy có sản phẩm xuất khẩu sang các nước thuộc Châu á- Thái Bình Dương (APAC).

Môi trường cạnh tranh

Dung lượng thị trường dầu nhớt tăng 39% trong suốt thập kỷ qua, tỷ lệ tập trung ngành công nghiệp dầu nhớt có xu hướng tăng thấp với thị trường cạnh tranh được tính toán kỳ vọng là một trong 10 thị trường sẽ có mức tăng 52% năm 2020 và 74% vào thập kỷ trước đó (2000-2010).

Phân khúc dầu nhớt vận tải chiếm ưu thế bởi các “tay chơi” quốc tế với năm nhãn hiệu dẫn đầu bao gồm: Castrol (vận hành bởi BP-Castrol), Shell, Chevron, Idemitsu và Total (Totalenergies) chiếm 40% tổng sản lượng dầu nhớt bán trong phân khúc này.

Castrol BP Petco (liên doanh giữa BP và Petrolimex) vẫn duy trì thương hiệu dẫn đầu về thị phần mặc dù chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của thị trường.  Năm 2020, Castrol chiếm thị phần 12% so với 24% của năm 2011. PLC ( Cty Cp thuộc Petrolimex) là thương hiệu nội địa dẫn đầu cũng đối mặt với sự bào mòn thị phần từ 14% thập kỷ trước về mức 6% vào năm 2020.

Sau nhiều năm, Eska tiếp cận nhiều báo cáo nghiên cứu thị trường dầu nhớt Việt nam, đây là báo cáo có tính chính xác nhất về số liệu thị phần của các nhãn hiệu lớn như Castrol hay PLC. Các báo cáo trước đây đều nhận định thị phần của Castrol trong khoảng từ 22-25% duy trì trong suốt thập kỷ qua, trong khi đó năng lực sản xuất của nhà máy Castrol và nhập khẩu trong khoảng 55 KT. Khi dung lượng thị trường tăng lên các nhãn hiệu lớn vẫn duy trì sản lượng hay tăng không đáng kể thì mức tăng là do các nhãn hiệu khác. Eska sẽ phân tích vấn đề này ở phần “Dầu nhớt nhập khẩu và Dầu nhớt thương hiệu nội địa”.

…còn tiếp.

Theo ESKA Singapore, 25/9/2022

Bài viết được thực hiện bởi ESKA Singapore, dựa trên tài liệu nghiên cứu của nước ngoài. Eska Singapore cố gắng diễn giải và cung cấp thông tin một cách trung thực nhất có thể, tuy nhiên, không thể không chèn vào ý kiến/quan điểm/nhận định cá nhân ở phần in nghiên. Người đọc nên lựa chọn số liệu được trích dẫn ở bài viết và Eska Singapore không chịu trách nhiệm về các ý kiến cũng như số liệu trên.

 

Dầu nhớt có độ nhớt SAE 5W vs 10W, loại nào tốt hơn?

0

Định nghĩa: CCS – Cold Cranking Stimulator, độ nhớt “biểu kiến” của dầu động cơ ở nhiệt độ thấp khi sử dụng thiết bị mô phỏng khởi động lạnh. Còn gọi là độ nhớt động lực, đơn vị cP (centiPoise)

+ Theo phân loại độ nhớt động cơ SAE J300, dầu động cơ:

SAE 5W có CCS tối đa6600 cP ở -30oC (âm 30oC)

+ Trong khi đó: SAE 10W có CCS tối đa 7000 cP ở -25oC (âm 25oC)

Tóm lại: nếu SAE 5W sẽ “lỏng- loãng” hơn SAE 10W ở cùng một điều kiện nhiệt độ, cho nên SAE 5W sẽ dễ dàng khởi động động cơ hơn SAE 10W ở điều kiện nhiệt độ bình thường và nhiệt độ thấp (lạnh).

Độ nhớt SAE chỉ để phân biệt dầu nhớt “đặc hoặc loãng”, thế nhưng nếu sử dụng phù hợp thì có vẻ “tốt hơn” cho động cơ. Dầu nhớt có độ nhớt thấp được chọn để có thể khởi động được một động cơ nguội, thậm chí ở nhiệt độ thấp với một moment khởi động và dung lượng ắc quy cố định trước.

Việc sản xuất dầu SAE 5W sẽ khó hơn SAE 10W vì vấn đề phụ gia, chi phí sản xuất cao hơn nhiều.

Một số sai lầm khi sử dụng dầu động cơ, nhất là xe ga, có độ nhớt SAE 10W.

MaxPro1 xuất xứ từ Singapore sản xuất dòng MX 7000 cho xe ga (scooter) với độ nhớt được nghiên cứu phù hợp SAE 5W-40.

 

 

Hãng phụ gia Afton tuyên bố bất khả kháng! Dầu động cơ tiếp tục tăng giá?

0

Hãng phụ gia Afton Chemical, thông dụng trong giới sản xuất, pha chế dầu nhớt với thương hiệu phụ gia HITECH,  đã thông báo cho khách hàng rằng họ đã tuyên bố bất khả kháng có hiệu lực từ ngày 26 tháng 7/2022 vì lũ lụt tại nhà máy phụ gia ở Sauget, Illinois. Nguyên nhân do mưa kỷ lục ở khu vực St. Louis, gây ra sự cố mất điện toàn khu vực. Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm phụ gia dầu động cơ đóng gói.

Theo các nguồn tin trong ngành, Afton đã thông báo cho khách hàng rằng trong khi tiến hành khắc phục, họ tạm thời không thể đáp ứng các cam kết cung cấp cho một số sản phẩm nhất định. Do đó, Afton đã tuyên bố điều kiện bất khả kháng và áp dụng sẽ giới hạn số lượng đặt hàng đối với các sản phẩm được sản xuất tại Bắc Mỹ – bao gồm phụ gia dầu động cơ và một số loại phụ gia cho thiết bị off-road (cơ giới).

Thị trường phụ gia toàn cầu đã gặp khó khăn bởi các vấn đề về nguồn cung kể từ khi vụ hỏa hoạn tại nhà máy phụ gia Lubrizol ở Rouen, Pháp, vào tháng 9/2019, gây thiếu hụt lớn. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 khi các công ty trên toàn thế giới thực hiện các hạn chế và thiếu nhân công, với một số nhà máy phụ gia cắt giảm sản xuất hoặc tạm thời đóng cửa hoạt động.

Trong quý cuối cùng của năm 2021 và quý đầu tiên của năm 2022, các nhà máy pha chế dầu nhớt bị ảnh hưởng đáng kể bởi tình trạng thiếu hụt phụ gia buộc phải giảm lượng sản xuất và thực hiện các chương trình phân bổ. Trong khi tình hình đã được cải thiện vào tháng 7, một số nhà máy sản xuất dầu nhớt vẫn bị ảnh hưởng bởi sự khan hiếm phụ gia và giá cả tiếp tục chịu áp lực tăng. Sự bất khả kháng tại nhà máy của Afton Chemical dự kiến sẽ làm trầm trọng tình trạng căng thẳng cho thị trường dầu nhớt thành phẩm.

Theo Lube Report Asia, Aug 2022

ESKA Singapore lược dịch.

GDP quý II -2022 tăng cao nhất trong trong hơn một thập kỷ qua.

0

 

Số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đến 7,72% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng GDP quý II cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2021.

Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 6,42% (cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021).

                                 Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP Việt Nam tăng 6,42%

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78% (đóng góp 5,07%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, (đóng góp 46,60%).

Thêm một dấu hiệu cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam là giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số ngành trọng điểm tăng cao: Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%…

Hơn 76.000 doanh nghiệp thành lập mới

Về hoạt động của doanh nghiệp, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 76.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước). Cùng với đó là gần 40.700 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 55,6%).

Hơn 76.000 doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm

Trong chiều ngược lại, 6 tháng đầu năm cả nước có 50.900 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; gần 24.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 8.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Theo điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, kết quả điều tra trong quý II/2022 cho thấy có 78,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn so với quý I/2022. Dự kiến quý III/2022, có 85,0% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ ổn định và tốt lên so với quý II/2022.

                                 Những chỉ số cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ

Không chỉ doanh nghiệp, sức mua của người tiêu dùng cũng tiếp tục đà tăng. Theo đó, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2022 ước đạt 1,395 triệu tỷ đồng (tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước). Tính chung 6 tháng ước đạt gần 2,72 triệu tỷ đồng (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước).

Xuất siêu hơn 700 triệu USD

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu hàng hoá nửa đầu năm nay đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD).

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tiếp tục được kiểm soát

Lạm phát tăng 1,25%

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân CPI quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021.

(Theo vtv view)